Thánh Phanxicô và người Hồi giáo
1.- Truyện kể
Khi mới trở lại, Phanxicô rất ước ao được ơn tử đạo.
Năm 1219, trong thời gian cuộc Thập tự chinh thứ V, Phanxicô và anh Illuminatô Riêti đã sang Ai-cập, và đến Đamiétta để gặp quốc vương Hồi giáo, trong khi các đoàn quân Kitô hữu đang công phá thành này. Hai anh em đã bị một trận đòn tơi tả vì bị ngộ nhận là gián điệp. Vì hai anh cứ kêu tên quốc vương Hồi giáo, toán lính nghĩ là hai người đã đào ngũ khỏi đoàn quân Kitô hữu để sang nhập đạo Hồi, hoặc muốn thương lượng, họ đã đưa hai người đến gặp nhà vua. Một quang cảnh lạ thường: Phanxicô và quốc vương Al Kamil, một người hành khất Kitô hữu và một vị quốc vương Hồi giáo, ở ngay giữa lòng cuộc Thập tự chinh thứ V.
Quốc vương Al Kamil lắng nghe người tu sĩ lạ kỳ này, ông bị đánh động. Hai con người này chắc không thể là những người được đặc sứ Pêlagiô của Đức giáo hoàng ủy nhiệm đi, vì Pêlagiô thì rất kiêu hãnh và sống như ông hoàng, trong khi hai người này thì ăn mặc nghèo nàn đến thê thảm. Hai con người không có đoàn hộ tống này, không có ủy nhiệm thư này chắc không thể là những người đã được các bá tước phái đi để thương thảo về hòa bình. Phanxicô, con người khiêm hạ, đã không ngại nói rằng ngài được chính Thiên Chúa cử đến. Như thế, ngài đã tách khỏi đoàn quân Thập tự cũng như khỏi Đức giáo hoàng.
Ngày qua ngày, viễn tượng tử đạo càng xa. Ông vua của "các con cái thần dữ" này - đó là tên người ta gán cho người Hồi giáo không tin - dường như ngày càng tỏ ra tử tế hơn. Thế thì chỉ còn mong họ trở lại đạo Kitô giáo thôi! Nhưng nhà vua chẳng tỏ ra là bị lay chuyển.
Trong thời gian ở trong thành Đamiétta, hai anh em lại khám phá ra là người Hồi giáo rất tha thiết cầu nguyện. Mỗi ngày 5 lần, hai anh em nghe vị tu sĩ báo giờ kinh (muezzin) gọi các tín đồ Hồi giáo đi cầu nguyện. Được Thiên Chúa hướng dẫn, Phanxicô khám phá ra một khía cạnh chưa hề biết. Những con người này không chỉ là anh em vì là con cháu của Ađam, và vì Đức Giêsu đã đổ máu ra mà cứu chuộc; họ là anh em ngài còn vì có sự hiệp thông tạo ra do việc cầu nguyện với một vị Thiên Chúa duy nhất. Người Hồi giáo gọi tên Thiên Chúa là Allâh một cách kính cẩn và hết sức mong ước được đức Allâh ban ơn cứu giúp.
Khi có giờ rảnh, Quốc vương lại cùng với vị cố vấn tôn giáo là thầy Sufi Fakhr-el Din-Farisi, 90 tuổi, đến nghe Phanxicô dường như không biết mệt. Họ như bị thu hút bởi con người bé nhỏ 37 tuổi này. Nhưng họ vẫn không tỏ ra muốn bỏ tôn giáo của họ.
Một hôm, Phanxicô đề nghị họ cho ngài "thử lửa", tức nhảy vào một đống lửa lớn, để chứng minh niềm tin thật, nhưng Quốc vương từ chối. Thế là hai anh em đã phải từ giã ra đi, không nhận các tặng vật Quốc vương ban cho. Điều nên ghi nhận là Quốc vương đã xin hai anh em cầu nguyện cho ông. Phải chăng lòng ông đã muốn theo đạo, nhưng chưa dám?
2.- Nhận định
Những ngày sống giữa người Hồi giáo đã khiến Phanxicô phải xét lại các kinh nghiệm của ngài dưới ánh sáng của sứ điệp Tân Ước. Khi làm như thế, ngài đã tách khỏi những lốt bước của tinh thần thập tự chinh mà trước đây ngài đã đồng ý. Khi đặt chân đến các bến bờ Ai-cập, cho dù ngài không muốn tham gia cũng chẳng muốn thấy anh em ngài tham gia vào đoàn thập tự quân, có thể ngài thấy cách thức thánh chiến này cũng không phải là tồi. Với lại chính các Đức giáo hoàng đã thúc đẩy các cuộc thập tự chinh.
Chúng ta có thể nói rằng ngài đã đến với hai bàn tay không và đã ra đi với ý tưởng là Giáo Hội cũng nên đến với người Hồi giáo với hai bàn tay không. Nếu không thể được như thế, thì ít ra Dòng của ngài phải có thể thật sự tỏ ra huynh đệ, ngay cả đối với những người không phải là Kitô hữu.
Phanxicô là người khách hành hương đi tìm người anh em không quen biết. Là một người hành khất trước nhan Thiên Chúa và giữa loài người, ngài đã là một "người Anh em của vũ trụ", từ lâu rồi trước khi từ ngữ này được tạo ra, cho ngài thì phải nói là "người Em của vũ trụ". Nếu một người anh em bị hư mất, người ta phải đi cho dù đến tận cùng trái đất để tìm ra người ấy, và nói với người ấy về Đức Trinh Nữ Maria, "Đấng đã ban cho chúng ta Đức Chúa quyền uy làm anh" (2 Cel 198). Cho dù chính họ không biết, người Hồi giáo cũng là em của Đức Giêsu Kitô, nên cũng là anh em của Phanxicô.
Người anh em hèn mọn đi chân không tiến về vương quốc. Tình huynh đệ, Nghĩa hèn mọn, Tính Lữ hành, đó là những tảng đá làm nền cho đời sống anh em. Tại Đamiétta, Phanxicô đã nới rộng biên giới của ba giá trị nền tảng này để đưa lại một chiều kích mới:
- Nới rộng biên giới của Tình huynh đệ: Vào thời ấy, đỉnh cao của đức ái, của tình huynh đệ, là chấp nhận kẻ cùng đinh lang thang như là một người anh em, một người anh em hư hỏng, nhưng là một người anh em, vì người ấy cũng đã nhận bí tích rửa tội. Còn người ngoại đạo thì bị gọi là "con cái của thần dữ", "những kẻ ngoại đạo bẩn thỉu", "dòng giống đáng nhờm tởm". Qua kinh nghiệm Đamiétta, Phanxicô khám phá ra rằng sự lịch thiệp mang tính Phúc âm tỏ ra với người Hồi giáo bị khinh bỉ mới là đỉnh cao của tình huynh đệ.
- Nới rộng biên giới của Nghĩa hèn mọn: Vào thời đó, đỉnh cao của sự hèn mọn là phục vụ người phong cùi, mệnh danh là các "anh em Kitô". Phanxicô đã đưa anh em đến chỗ không chỉ phục vụ người phong mà còn sống giữa những người Hồi giáo, "đừng tranh cãi hay chống báng, nhưng hãy tuân phục mọi người vì Thiên Chúa" (L ksd 16,6).
- Nới rộng biên giới của Tính lữ hành: Vào thời đó, người ta nghĩ đỉnh cao, ranh giới cuối cùng, của đời lữ hành là tử đạo. Khi đi đến Đamiétta, Phanxicô cũng đi tìm cái ranh giới cuối cùng đó. Nhưng sau đó, ngài khám phá ra là mục tiêu, điểm tới của con đường, không phải là đổ máu ra làm vị tử đạo nhưng là một cuộc gặp gỡ. Một văn sĩ Hồi giáo lớn thuộc Phi châu Nam Sahara, tên là Hampate Ba, đã viết về Phanxicô: "Ngài đã đủ can đảm để đi đến với những người khác, bằng cách vừa đi qua đại dương địa lý vừa đi qua đại dương là sự thiếu thông cảm giữa người với người để đến ngay trung tâm của quốc gia được gọi là thù địch. Ở đó, hẳn là ngài đã có thể phỉ báng các niềm tin của những người chủ nhà, như những người khác đã từng làm, và do đó, dễ dàng chiếm được ngành thiên tuế tử đạo. Nhưng [nếu làm thế,] hẳn là ngài đã chẳng phải là thánh Phanxicô".
Như thế, cuộc thăm viếng quốc vương Hồi giáo, một thành tích đầy ý nghĩa, đã là đỉnh cao của tình huynh đệ, của nghĩa hèn mọn và của tính lữ hành. Một cuộc gặp gỡ thật sự huynh đệ với những người Hồi giáo thì quan trọng hơn tử đạo.
Sau Đamiétta, là nơi mà ngài đã đến gần những người ở xa nhất, Phanxicô khám phá ra một quan hệ mới giữa các dân tộc, một quan hệ huynh đệ vượt quá các biên giới. "Đời-sống-huynh-đệ-ở giữa" những người khác trở thành "cách-sống-Phan-sinh". Và phần đóng góp lớn lao của Phanxicô khi trở về không phải là những gì ngài nói rõ ràng về những các giá trị mà người Hồi giáo đang sống cho bằng là sự thinh lặng lạ lùng của ngài và đề nghị ngài đề ra cho anh em là vượt biển mà "sống giữa" họ như những người anh em và những người hèn mọn. Nói là đóng góp bằng sự thinh lặng, bởi vì trong lúc mà người ta còn coi Hồi giáo là công việc của ma quỷ và các vị mục tử Giáo Hội còn nói rất tàn tệ về Hồi giáo, những con người nổi tiếng thánh thiện như thánh Bênađô còn nói những lời lẽ rất hung hăng khiêu khích, Phanxicô lại không hé môi nói một tiếng nào, không phác một cử chỉ nào chống lại Hồi giáo. Trong bối cảnh thời đó, sự thinh lăng này rất hùng hồn.
Chỉ sau CĐ Vatican II, Hội Dòng AEHM, như là một tập thể, mới hiểu ơn gọi của mình là đến sống giữa người Hồi giáo. Và vào ngày hôm nay, Giáo Hội cũng đang ở trên cùng một làn sóng với Phanxicô trong thái độ đối với Hồi giáo.
3.- Kết luận
Là con cái của cha thánh Phanxicô, chúng ta sẽ sống thế nào? Vấn đề Hồi giáo quả là xa vời với chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ đến những người có tôn giáo nhưng tôn giáo khác với chúng ta. Niềm tin chung vào Thiên Chúa hay Thượng Đế, khi ấy, là một giá trị căn bản. Khi bắt chúng ta nhìn nhận mọi dân tộc như là những tạo thành của Thiên Chúa, đức tin cũng buộc chúng ta hiểu rằng chúng ta là thành phần của một huynh đệ đoàn vũ trụ. Chính Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô đã nói như thế trong bài nói chuyện của ngài ngày 28-9-1986. Chúng ta cần học gặp gỡ, tiếp đón, thông cảm và chia sẻ.
FX Long, ofm