Skip to content
Main Banner

Truyền thống Tri thức Phan Sinh

BTT OFMVN 01
2024-02-05 14:04 UTC+7 278

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFMTriết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021


I. TRUYỀN THỐNG TRI THỨC PHAN SINH

II. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH TIÊN KHỞI TẠI PARIS VÀ OXFORD

III. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH THẾ KỶ XII VÀ XIII BÊN NGOÀI CÁC ĐẠI HỌC PARIS VÀ OXFORD

IV. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA TRIẾT HỌC PHAN SINH


Vào những năm 1208 – 1209 chỉ có vỏn vẹn mười hai anh em Phan sinh. Nhưng đến năm 1250 con số đã tăng lên đến ba mươi ngàn.[1] Đây là một sự phát triển hết sức nhanh chóng đối với một dòng tu trong Giáo Hội Công Giáo. Việc huấn luyện cả về mặt tâm linh lẫn tri thức cho các ứng sinh, tập sinh và các tu sĩ trẻ, trở nên một đòi hỏi cấp bách, khi xét đến số đông người gia nhập cộng đoàn Phan Sinh. Gần như ngay từ đầu, các mặt huấn luyện Phan sinh, truyền giáo Phan Sinh và nghiên cứu Phan sinh, đã gắn liền với nhau trong căn tính của Dòng Tu mới thành hình. Các tu sĩ trẻ phải được huấn luyện như thế nào? Họ phải được đào tạo như thế nào về phương diện tri thức? Làm thế nào để dung hợp các công cụ tri thức của thế giới Đại Học với cảm nghiệm tâm linh và tầm nhìn của Thánh Phanxicô và thánh Clara thành Assisi? Học vấn giúp ích cho sứ mệnh loan báo Tin mừng như thế nào? Tiềm tàng trong những thách đố mà cộng đoàn phải đối phó, chúng ta có thể thấy được những nét chính trong công cuộc phát triển Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh cùng với niềm ao ước thâm sâu của Truyền Thống ấy muốn được trung thành với các trực kiến của hai vị Thánh thành Assisi.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi công việc huấn luyện tri thức của Anh Em Phan Sinh trở thành mối quan tâm đầu tiên. Trong nội bộ dòng, vào các thập niên sau những năm 1208-1209, anh em Phan Sinh không có nhiều người có đủ trình độ chuyên môn để giáo dục và đào tạo con số ứng sinh, tập sinh và mới khấn ngày một gia tăng. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, các Anh Em Phan Sinh tiên khởi đã bắt đầu đến sống tại hai trong số các thành phố có Đại Học lớn thời đó là Oxford và Paris. Lúc đầu, họ không lập học viện nhưng chỉ có những cộng đoàn đơn giản, làm nơi sinh sống cho các Anh Em trong giai đoạn huấn luyện. Các thành phố là nơi mà Anh Em có thể rao giảng. Về sau, nhất là khi một số giáo sĩ có học vấn gia nhập, các anh em đang trong giai đoạn huấn luyện bắt đầu tham dự các lớp Đại Học. Khởi đầu chương trình học vấn, các sinh viên này thụ giáo với các giáo sư thuộc Phân Khoa Nhân Văn (triết học). Chỉ sau khi tốt nghiệp các môn Nhân Văn họ mới được chuyển lên Phân Khoa Thần Học. Vào thời đó, việc học thần học chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ. Giáo dân cả nam lẫn nữ đều không được tham gia các chương trình Thần Học tại các Đại Học. Do đó tất cả các thần học gia Phan Sinh thời gian đầu đều là giáo sĩ – thoạt đầu với tư cách chủng sinh, sau đó với tư cách linh mục có chức thánh.

Các tu sĩ sinh viên đã có mặt tại Đại Học Paris ngay từ năm 1219. Lúc đầu họ sống trong Đan Viện Biển Đức tại Saint – Denis, nhưng ít lâu sau đã làm được chỗ ở riêng. Các tu sĩ sinh viên có mặt tại Đại Học Oxford vào khoảng năm 1224 và đã lập một cộng đoàn Phan Sinh tại đây.

Từ bối cảnh này, chúng ta sẽ khảo sát quá trình phát triển tiệm tiến của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh qua hướng sau đây:


I.         Chúng ta sẽ suy tư về nền tảng của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh, tức là linh đạo và viễn tượng[2] của Thánh Phanxicô và Thánh Clara.

II.       Chúng ta sẽ xem sơ lược qua danh tính và thân thế các thần học gia Phan Sinh tiên khởi tại các Đại Học Paris và Oxford.

III.      Chúng ta sẽ nhận diện các học giả Phan Sinh khác, có học thức cao và ảnh hưởng lớn, nhưng không giữ chức vụ giảng dạy tại các Đại Học Paris và Oxford.


 I. NỀN TẢNG PHAN SINH:

 Linh đạo và viễn tượng của Thánh Phanxicô (1181/82- 1226) và Thánh nữ Clara (1193-1253)

Các học giả Phan Sinh khi giảng dạy tại các Đại Học Paris và Oxford đã dùng ngôn ngữ thần học để trình bày linh đạo và viễn tượng của Thánh Phanxicô và thánh Clara. Không có linh đạo và tầm nhìn này sẽ không có Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh. Một trong những học giả Phan Sinh nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX là Éphrem Longpré, một anh em hèn mọn thuộc Tỉnh Dòng nói tiếng Pháp tại Québec. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong viễn tượng thiêng liêng của Thánh Phanxicô chính là trực kiến sâu sắc lạ lùng của ngài về chiều sâu, chiều cao, chiều rộng và chiều dài của mầu nhiệm nhập thể. Trong tập sách mở đầu này, chúng tôi sẽ căn cứ trên lập luận này. Longpré viết:

Không thể trình bày hay phác họa, và cũng không thể diễn giải hay suy tư thấu đáo về linh đạo của Thánh Phanxicô, nếu bỏ qua cảm nghiệm tôn giáo của Thánh Phanxicô. Đây là một mặc khải về mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, cách riêng về Chúa Kitô chịu đóng đinh, mà thánh nhân nhận được sau khi từ bỏ lối sống trần tục (Bonaventura Legenda maior, 1,5; 13,10). Mặc khải này đã biến Thánh Phanxicô trở nên một “người loan báo Tin Mừng mới” (1Celanô 89), trở nên “vị sứ giả của sự trọn lành Kitô giáo” (Legenda maior, Lời Tựa, 1). Trong linh đạo của Thánh Phanxicô, mọi yếu tố đều xuất phát một cách rất thống nhất và thuận lý từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Cuộc gặp gỡ này không phải là một tình huống bất ngờ, nhưng là một quá trình tiệm tiến, khởi đầu từ việc thánh nhân gia nhập quân đội và “linh kiến về Đức Kitô” ở Spoleto, dẫn đến cao điểm (thứ nhất) là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô tại nguyện đường San Damiano (mùa Thu năm 1205).[3]

Viễn tượng thiêng liêng của Thánh Phanxicô bao gồm hai thực tại: sự khiêm hạ thể hiện trong việc Nhập Thể và tình yêu thể hiện trong cuộc Thương Khó. Trong Hạnh Thánh Phanxicô do Tôma Celanô soạn năm 1229, chúng ta đọc thấy:

Thánh Phanxicô thường xuyên suy niệm cách rất chăm chú để nhớ lại các lời dạy của cũng như các hành vi của Chúa Kitô. Thật vậy, sự khiêm hạ của việc Nhập Thể và tình yêu thể hiện trong cuộc Khổ Nạn hoàn toàn chiếm ngự tâm trí của ngài, khiến ngài hầu như không còn muốn suy nghĩ về một điều gì khác.[4]

Trong phần dẫn nhập tác phẩm Hạnh Thánh Phanxicô của Tôma Cêlanô, các nhà biên tập ghi chú rằng “sự khiêm hạ của Nhập Thể” là nét riêng nổi bật nhất của Quyển I, trong đó Tôma Cêlanô tóm tắt sự hoán cải, cuộc đời, giáo huấn và gương sáng của Thánh Phanxicô.[5] Trong quyển thứ nhất này, Tôma Cêlanô thấy rằng sự khiêm hạ của việc Nhập Thể là điểm then chốt, nối kết tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời Thánh Phanxicô. Đây là một điểm then chốt trong viễn tượng thiêng liêng của Vị Thánh Nghèo. Trong đoạn tiếp theo, các nhà biên tập còn lưu ý chúng ta: “Tình yêu thể hiện trong cuộc Thương Khó sẽ là nét chinh trong Quyển II.”[6] Kinh nghiệm thần bí có sức biến đổi toàn diện mà Thánh Phanxicô có được trên núi La Verna là một kinh nghiệm về tình yêu nồng nàn và thâm sâu, dành cho Thiên Chúa khi nhìn thấy Đức Giêsu chịu đóng đinh.

Am hiểu hai chủ đề này, sự khiêm hạ thể hiện trong việc Nhập Thể và tình yêu thể hiện trong cuộc Thương Khó, sẽ giúp chúng ta nắm được những khía cạnh sâu xa nhất trong viễn tượng (hay tầm nhìn) thiêng liêng của Thánh Phanxicô, một viễn tượng mà Thánh Phanxicô đã cùng chia sẻ với Thánh nữ Clara.

 

Sự khiêm hạ thể hiện trong việc Nhập Thể

Đã có hàng ngàn tác phẩm thần học viết về Đức Giêsu, và khi đọc những cuốn sách ấy, chúng ta thường được trình bày về thần tính của Đức Giêsu, về vương quyền, vinh hiển và uy lực của Người, vì đa số đều cố ý nhấn mạnh đến khía cạnh vĩ đại, cao cả. Chủ đề khiêm hạ của Nhập Thể chỉ được nhắc đến một cách vắn tắt, và không có vị trí trung tâm. Lăng kính chủ yếu dùng để trình bày Đức Giêsu không phải là sự khiêm hạ của việc Nhập Thể. Các sách ấy được viết ra để nhằm tôn vinh Đức Giêsu. Có thể nêu làm ví dụ một tác phẩm Kitô học đương thời, viết theo viễn tượng “phục sinh”, trong đó tác giả nhấn mạnh đến hiệu lực của việc Đức Kitô Phục Sinh, Lên Trời (sự tôn vinh) và gửi Thần khí xuống. Theo tác giả, viễn ảnh Phục Sinh–Lên Trời là nền tảng giúp chúng ta hiểu được chính ý nghĩa của cuộc đời, sứ điệp và cái chết của Người, và chúng ta cũng thấy được giá trị của Giáo Hội, khi Giáo Hội đã và đang sống thực biến cố-Giêsu.

Thánh Phanxicô không nhìn vào Đức Giêsu qua lăng kính Phục Sinh. Về nhiều khía cạnh, không chỉ duy nhất thần tính của Đức Giêsu tập trung tầm nhìn của Thánh Phanxicô. Trọng tâm của ngài cũng không phải là Đức Giêsu, Đấng đã một mình đền bù cho mọi tội lỗi của chúng ta (“thuyết đền bù” liên quan đến sự chết của Đức Kitô). Cũng không thể nói tiêu điểm của ngài là Nhập Thể đơn thuần. Đúng là Nhập Thể, nhưng chính xác hơn, đó là sự khiêm hạ của Nhập Thể. Chính điểm này tóm kết cuộc đời, việc hoán cải, lời giảng dạy và gương sáng của Thánh Phanxicô.

Một biến cố trong cuộc đời của Thánh Phanxicô giúp chúng ta hiểu chiều sâu trong các suy niệm của ngài về sự khiêm hạ của Nhập Thể.[7] Vào năm 1194, khi Hoàng Hậu Constance, lúc ấy đang có thai, trên đường đến Sicily để hội ngộ với Hoàng Đế Henry VI của Thánh quốc La-Mã thì nhận ra mình đã gần đến lúc chuyển dạ. Đoàn tùy tùng quyết định đưa bà đến thành Jesi gần đó để hạ sinh hoàng nhi. Trẻ sơ sinh, một bé trai, được rửa tội tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Rufinô của thành phố Assisi. Hoàng tử này về sau nối ngôi Hoàng Đế của Thánh quốc La-Mã lấy hiệu là Frederick II.

Lúc Hoàng Hậu Constance đến Assisi, Thánh Phanxicô mới khoảng mười ba tuổi, tức còn là một thiếu niên. Ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng do sự hiện diện của Hoàng Hậu tạo ra, không chỉ đối với bọn trẻ, mà còn đối với tất cả công dân của hai thành Jesi và Assisi. Nào là các hiệp sĩ, áo giáp lung linh, cưỡi ngựa vào thành. Nào là đoàn xa giá nối đuôi nhau, chở những nhân vật quan trọng trong đoàn tùy tùng của Hoàng Hậu Constance. Cuối cùng là cỗ xe chở Hoàng Hậu, với một tốp đông đảo các hiệp sĩ hộ tống trên lưng ngựa. Phanxicô, như mọi người khác lúc ấy, lắng nghe từng mẩu tin về cuộc viếng thăm này, kể cả việc hạ sinh hoàng tử ở thành Jesi kế bên cùng với lễ Rửa Tội cho hoàng tử trong thành của mình. Cả thành Assisi háo hức muốn biết đầy đủ chi tiết. Rõ ràng là Phanxicô cũng đã háo hức muốn nghe và xem thấy mọi diễn biến.

Phần sau của câu chuyện này là biến cố nhiều người biết: lễ Giáng Sinh ở Grecciô. Mười lăm ngày trước Giáng Sinh, Thánh Phanxicô dặn một người có tên là Gioan như sau:

Ngài nói với ông ta: Nếu anh muốn cùng tôi cử hành đại lễ sắp tới tại Grecciô thì hãy mau đi trước, chuẩn bị cho sẵn những điều tôi dặn đây. Tôi ao ước diễn lại sự việc để tưởng nhớ hài nhi sinh ra tại Betlêhem; tôi ao ước được nhìn thấy một cách tỏ tường với con mắt thể xác của tôi, hoàn cảnh túng thiếu của em bé, cách em nằm trong máng cỏ, với bò và lừa đứng bên cạnh (I Cêlanô 30:84).

Ngày lễ Giáng Sinh, Thánh Phanxicô đến Grecciô và những gì thấy được khiến ngài rất vui.

Đơn sơ được đưa cho chỗ danh dự, nghèo khó được tôn vinh, khiêm hạ được ca ngợi, và Grecciô biến thành một Betlêhem mới… [Thánh Phanxicô] giảng cho những người đứng chung quanh và tuôn ra những lời ngọt ngào như mật, nói về việc ra đời của Đức Vua nghèo khó tại thành Betlêhem khó nghèo (1Celanô 30, 85-6).

Có lẽ – và chỉ có lẽ thôi – Thánh Phanxicô đã nghĩ đến việc ra đời và chịu phép Rửa Tội của vị Hoàng Đế Thánh quốc La-Mã. Thiên Chúa, vị hoàng đế của cả vũ trụ, đã trở nên một trẻ thơ trên quả đất của chúng ta; nhưng khi Đức Giêsu – Thiên Chúa sinh ra, không có hiệp sĩ cưỡi ngựa, không có kèn, không có trống, không có xe cộ với tuấn mã và xa kỵ phục trang nghiêm chỉnh. Thánh Phanxicô thấu hiểu rằng Thiên Chúa đã vào thành Betlêhem một cách âm thầm, khiêm tốn và hầu như không ai biết đến. Thật là một sự tương phản lớn lao so với Hoàng Hậu Constance và hoàng nhi Frederick.

Hai biến cố này là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta hiểu quan niệm của Thánh Phanxicô về sự khiêm hạ của Nhập Thể. Chỉ có một bà hoàng phàm nhân và một hoàng đế tương lai của trần gian đến Assisi với tất cả những gì mà vàng bạc có thể mua được thời đó, người ta đã chạy ra xun xoe đón mừng. Nhưng khi Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Maria và sinh ra tại Betlêhem, thì lại không có một nghi thức trang trọng nào đón tiếp biến cố phi thường này. Các sách Tin Mừng kể lại rằng những người đầu tiên đến thăm mẹ Maria và trẻ sơ sinh là những kẻ chăn chiên, tương đương với dân gypsy lang thang ở các thế kỷ sau. Đa số người Do Thái thời Đức Giêsu đều coi thường và khinh dể họ. Kẻ chăn chiên không đại diện cho một nhân vật hay một nhóm người quan trọng nào trong xã hội Do Thái. Quả thực không có một nhân vật hay một nhóm người Do Thái quan trọng nào đến Betlêhem để nhìn xem Thiên Chúa-làm-người. Các sách Tin Mừng có ghi lại cuộc viếng thăm của các đạo sĩ. Nhưng họ không phải là người Do Thái; họ là những người goyim, tức là dân ngoại, những kẻ không có đức tin. Nói cách khác, mọi sinh hoạt trong thế giới Do Thái ở Palestine tiếp tục diễn tiến, hoàn toàn không có một sự nhìn nhận chính thức nào đối với biến cố cưu mang và sinh hạ này.

Thánh Phanxicô hiểu rõ rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian chúng ta và muốn ở với chúng ta. Chúa không Nhập Thể để trở nên một vị chúa tể cao sang. Chính sự khiêm hạ của Nhập Thể là tâm điểm trong tầm nhìn của Thánh Phanxicô. Thiên nhiên, đối với ngài, là một bức tranh sống động và đầy năng lực diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Mặt Trời không chỉ đơn thuần là một ngôi sao lớn; Mặt Trời là ông anh của Phanxicô, Anh Mặt Trời. Mặt Trăng không chỉ đơn thuần là một vệ tinh lớn; đối với Phanxicô, Mặt Trăng là bà chị của mình, Chị Mặt Trăng. Trong tầm nhìn của Phanxicô, mỗi một phần của vũ trụ là một tặng phẩm đầy yêu thương của Thiên Chúa. Mỗi thụ tạo ca ngợi Thiên Chúa bằng chính sự hiện hữu của mình. Có thể nói rằng sự hiện diện của Thiên Chúa trong và qua mỗi tạo vật là một tiểu-nhập-thểvà sự hiện diện của Thiên Chúa trong nhân tính của Đức Giêsu là một đại-nhập-thể. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ thụ tạo và sự hiện diện của Ngài trong Đức Giêsu nối kết với nhau về phương diện Nhập Thể.

Hai hình thức hiện diện ấy còn nối kết với nhau về phương diện Tạo Thành. Mối liên kết này trở nên một trong những yếu tố chính yếu của nền Thần Học và Triết Học Phan Sinh, của linh đạo Phan Sinh và của đời sống mục vụ Phan Sinh bên trong Hội Thánh. Đối với Phanxicô, ngay cả Bí Tích Thánh Thể cũng có liên hệ với Nhập Thể. Tại mỗi buổi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, Thiên Chúa hiện diện thực sự. Trong mỗi Thánh Lễ, Ngài hiện diện tại một phần cá biệt của thế giới thụ tạo với một số người cá biệt và duy nhất, trong khoảng thời gian nhất định cử hành Nhiệm Tích. Vị Thiên Chúa hiện diện tại một buổi cử hành Thánh Thể cá biệt như thế cũng là vị Thiên Chúa đã tạo thành vạn vật và đang hiện diện qua việc Nhập Thể trong nhân tính của Đức Giêsu. Chúng ta có thể hình dung ngôi nhà nguyện đơn sơ tại Portiuncula vào thời Thánh Phanxicô và mầu nhiệm Thánh Thể đang được cử hành tại đó, với những con người nghèo hèn đứng chung quanh. Trong quang cảnh ấy, chúng ta nắm bắt được một khía cạnh khác nữa của sự khiệm hạ của Nhập Thể.

Tình yêu Thánh Phanxicô dành cho Mẹ Maria cũng bắt nguồn từ gương sáng Mẹ đã nêu về sự khiêm hạ của Nhập Thể. Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, nhưng Mẹ không bao giờ khoe khoang về việc mình được tuyển chọn. Đức Maria là một phần không thể thiếu trong sự khiêm hạ của Nhập Thể. Giáo Hội, với tất cả giới hạn của mình, thực sự là Giáo Hội khi phản chiếu sự khiêm hạ của Nhập Thể. Thánh Phanxicô yêu mến Giáo Hội vì ngài nhìn xa hơn mọi vụ việc tai tiếng và suy thoái của Giáo Hội Trung Cổ. Ngài nhìn thấy một Giáo Hội phản chiếu một cách sâu xa sự khiêm hạ của Nhập Thể. Thánh Phanxicô tôn trọng bệnh nhân phong hủi, vì họ cũng chia sẻ sự khiêm hạ của Nhập Thể. Những người ăn xin, nhữnng người sống bên lề xã hội và cả những kẻ bị chính quyền hay Giáo quyền loại bỏ, đối với Thánh Phanxicô, là những biểu hiện về sự khiêm hạ của Nhập Thể. Họ là “những Anh Chị ăn xin” của ngài, “những Anh Chị bị gạt ra bên lề xã hội”, “những Anh Chị bị chính quyền hay Giáo quyền loại bỏ” của ngài. Thánh Phanxicô nhìn thấy sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa trong tất cả những người này. Họ có thể là những kẻ trộm cướp, nhưng ngài vẫn gọi họ là “những Anh Cướp”.

Chiều rộng của sự khiêm hạ của Nhập Thể được tỏ lộ qua một giai thoại khác trong cuộc đời Thánh Phanxicô. Năm 1219, Thánh Phanxicô, có lẽ cùng với mười hai anh em Phan Sinh khác, đón thuyền đi Candia trên đảo Cyprus và từ đó tới thành Acre trên đất Palestine.[8] Ít lâu sau khi Thập Tự Quân thất trận, Thánh Phanxicô quyết định đi gặp vị Sultan (Quốc Vương Hồi Giáo) là Malik-al-Kamil. Ngài làm việc này mà không hề có phép lành của Đức Hồng Y Pelagius, vị sứ thần của Đức Giáo Hoàng trong cuộc thập tự chinh này. Thánh Phanxicô, cùng với một người anh em khác là anh Illuminatô, đi bộ từ thành Đamietta tới thành Mansura bên Ai cập. Hai người bị quân lính Hồi Giáo bắt giữ và tra tấn. Tuy nhiên Thánh Phanxicô không ngừng kêu tên Quốc Vương Malik-al-Kamil, do đó quân lính quyết định đưa hai anh em tới tổng hành dinh của vị Sultan, nghĩ rằng họ có thể là những sứ giả của cấp chỉ huy Thập Tự Quân. Thế là hai bên gặp nhau – Quốc Vương Malik-al-Kamil, một tín đồ sùng đạo của Islam và Thánh Phanxicô, một đệ tử sùng mộ của Đức Giêsu. Trong quá trình đối thoại, hai người đi đến chỗ kính trọng lẫn nhau, một sự kính trọng phát xuất từ việc người này nhận ra chiều sâu tôn giáo của người kia. Không thấy các bản văn tường thuật lại cuộc gặp gỡ này nói rằng Thánh Phanxicô đã gọi Sultan Malik-al-Kamil là “người anh em của tôi.” Tuy nhiên các bản văn ấy cho thấy rõ hai người thực sự kính trọng nhau. Cả hai đều nhận ra sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi người kia. Đối với Thánh Phanxicô, đây là một nhận thức sâu xa về sự khiêm hạ của Nhập Thể. Lời Thiên Chúa đã đi vào thế giới chúng ta. Nơi nhân tính của Đức Giêsu, Ngôi Lời đã sống trọn vẹn lối sống của con người chúng ta, chia sẻ với chúng ta cùng một trái đất, cùng một thế giới, hít thở không khí của chúng ta và hòa mình với mọi hạng người. Chính Đức Giêsu cũng đã cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội và ngay cả những kẻ bị hạ nhục.

Tất cả những điều trên là hệ quả xuất phát từ việc chuyên tâm chú ý đến sự khiêm hạ trong Nhập Thể. Toàn thể trái đất, ngay từ bản chất, đã là một Tin Mừng loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa. Lạ lùng hơn nữa, đó là sự hiện diện khiêm tốn của Thiên Chúa nơi những con người và những sự vật không ai để ý. Sự khiêm hạ của Nhập Thể chính là sự Nhập Thể của khiêm hạ. Tình yêu và sự hiện diện của Lời Chúa Nhập Thể ảnh hưởng đến toàn thể thế giới. Tình yêu và sự hiện diện trải rộng đó nói lên chiều sâu và chiều cao, chiều rộng và chiều dài, của sự khiêm hạ trong Nhập Thể. Nơi Quốc Vương Malik-al-Kamil, một người ngoại giáo, một người không cùng tín ngưỡng, Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nhiệm được sự hiện diện khiêm tốn của Thiên Chúa, cảm nghiệm được mầu nhiệm của việc Nhập Thể khiêm hạ.

Cuộc gặp gỡ của Thánh Phanxicô và Quốc Vương Malik-al-Kamil đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc đối thoại liên tôn đang diễn tiến hiện nay. Cách thức Thánh Phanxicô Assisi tiếp xúc với một người Hồi Giáo nêu lên một cách làm khác khi phải đối diện với người ngoài Kitô Giáo. Yếu tố then chốt trong cách thức gặp gỡ của Thánh Phanxicô dĩ nhiên là sự kính trọng, hay nói rõ hơn: đó là sự kính trọng đối với sự thánh thiện hiện diện nơi người khác. Trên nhiều phương diện, sự kính trọng này căn cứ trên sự khiêm hạ của Nhập Thể. Giống như các mục đồng và các đạo sĩ đã có mặt tại máng cỏ và nơi ở của Đức Giêsu, và qua đó tham dự vào sự khiêm hạ của Nhập Thể, cũng vậy, nơi những người theo Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, Đạo Giáo v.v… chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh, tái Nhập Thể một cách rất khiêm hạ,

Như chúng ta đã thấy, sự khiêm hạ của Nhập Thể còn trải rộng đến toàn thể tạo vật. Thánh Phanxicô có một lòng kính trọng tuyệt vời đối với hết mọi loài vật, đối với Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì tinh tú, đối với nước, gió, lửa, và đối với chính Trái Đất. Môi trường ngài sinh sống cũng là một môi trường biết ca ngợi Thiên Chúa. Đối với Thánh Phanxicô, vấn đề không phải là ca ngợi Thiên Chúa qua Anh Mặt Trời và Chị Mặt Trăng; vì Anh Mặt Trời và Chị Mặt Trăng đã dâng lời ca ngợi Thiên Chúa từ chính bản chất mặt trời, mặt trăng của mình. Đơn giản là Thánh Phanxicô hiểu ra, nghe và thấy được rằng mặt trời, mặt trăng đang ca ngợi Thiên Chúa.

Trong thế giới ngày nay, các vấn đề sinh thái đặt ra cách nghiêm trọng và nguy kịch. Trái đất đang bị lạm dụng và cưỡng hiếp. Người ta không quan tâm đến môi sinh với những nguồn tài nguyên có giới hạn, không quan tâm đến các loài sinh vật đang tuyệt chủng cũng như đến mối quan hệ giữa thiên nhiên và sự sống con người. Nhân danh tiền bạc, vẻ đẹp và các tài nguyên của thiên nhiên đang bị bộ máy tham lam nghiền nát. Do mầu nhiệm Nhập Thể, thiên nhiên, thụ tạo của Thiên Chúa, được liên kết với sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn thể thế giới chúng ta. Thế nhưng chúng ta lại thấy các tặng vật ấy của Thiên Chúa bị tàn phá và lạm dụng một cách ích kỷ. Trong viễn tượng Phan sinh, cho dù thế giới tạo vật có bị tàn phá và lạm dụng nhưng vì sự hiện diện của Đấng Sáng Tạo nơi các tặng vật ấy, Thánh Phanxicô và Anh chị em Phan Sinh vẫn có thể gọi những cánh rừng và đại dương bị khai thác bừa bãi là Anh Rừng Bị Tàn Phá, Chị Đại Dương Bị Phí Phạm, v.v. Ngay cả trong trạng thái bị phí phạm, các tạo vật vẫn là anh chị em của chúng ta, không phải vì chúng ta nhưng vì các tạo vật cũng như chúng ta, đều đã được cùng một Đấng là Thiên Chúa- Cha Chí Thánh tạo thành và ban nhiều phẩm tính. Người tội lỗi vẫn là anh em hay chị em tội nhân của tôi, và đều xứng đáng để tôi kính trọng. Cũng thế, một môi trường mang dấu vết tàn phá và lạm dụng vẫn là một tặng phẩm của Thiên Chúa và vẫn xứng đáng được kính trọng. Ngay cả trong một thụ tạo đang bị tàn phá vì lạm dụng, Thiên Chúa vẫn hiện diện bằng một mối liên hệ mang tính nhập thể. Khi con người ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong môi trường, họ sẽ phải suy nghĩ cẩn thận về cách sử dụng môi trường. Khi họ thấy rằng việc sử dụng môi trường cách bừa bãi và phung phí đã làm cho hàng ngàn người nghèo đói càng chìm sâu hơn trong cảnh nghèo đói, họ sẽ phải suy đi nghĩ lại không chỉ hai lần nhưng nhiều lần hơn nữa.

 

Tình yêu Khổ Nạn[9]

Yếu tố thứ hai trong viễn tượng linh đạo của Thánh Phanxicô thành Assisi là tình yêu Khổ Nạn. Ngài cảm nhận được mối liên hệ thiết yếu và trọng tâm giữa một bên là tình yêu, và bên kia là các đau khổ và sự chết của Đức Giêsu. Hai học giả Phan Sinh người Đức là Kajetan Esser và Engelbert Grau, diễn tả tình yêu đối với cuộc Khổ Nạn như sau:

Chính trong cuộc Khổ Nạn và các đau khổ của Đức Kitô mà Thánh Phanxicô thán phục nhất sự khiêm hạ của Thiên Chúa, vì qua đó Thiên Chúa đã hạ mình đến chỗ thấp bé nhất! ... Ngài không những cảm thông với vị Chúa chịu đau khổ của mình theo cách nhân loại, bằng nước mắt và lời than, nhưng ngài cũng tràn đầy vui mừng và hoan hỉ biết ơn vì ơn cứu độ mà Chúa Cha chí thánh đã thực hiện trong thế gian qua cuộc Khổ Nạn của Con Ngài.[10]

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có nhiều trường hợp vợ chồng liều chết cho nhau, cha mẹ cũng liều chết cho con cái. Trong nhiều trường hợp, vợ hay chồng đã chấp nhận chết để người kia được sống, cha mẹ đã chấp nhận chết để con cái được sống. Chết như thế cho thấy vợ chồng yêu nhau, và cha mẹ yêu thương con cái đến mức nào. Ngay cả cái chết dần mòn cùng với tuổi tác cũng là một cách diễn tả tình yêu, vì cha mẹ già đi khi làm việc vất vả để chu cấp cho con cái. Có thể áp dụng suy tư này để hiểu tình yêu trong cuộc Khổ Nạn. Nhiều Kitô hữu có thể suy gẫm về việc Chúa bị đóng đinh, ngay cả đến độ khóc lóc thảm thương. Lý do thường đưa ra là vì Chúa Giêsu đã phải chịu quá nhiều đau khổ như thế vì tội lỗi của chúng ta. Tội lỗi là tâm điểm khi suy gẫm về việc Chúa Giêsu bị bắt, bị kết án và chịu chết. Việc nhấn mạnh đến giá trị “hy tế” của thập tự giá đang chi phối nền thần học Tây Phương. Đối với Thánh Phanxicô, chính tình yêu Thiên Chúa mới là tâm điểm. Trong sự khiêm hạ của Nhập Thể, Đức Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi Người đã chấp nhận cả đau khổ và chịu chết để cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu chúng ta biết dường nào. Như Tin Mừng theo thánh Gioan diễn tả: Ngài yêu chúng ta đến cùng, nghĩa là, đến hết mạng sống của Ngài (Ga 13, 1).

Trong mười hai chương đầu của Phúc Âm Gioan, từ “sự sống” xuất hiện rất nhiều lần. Từ chương mười ba đến chương hai mươi, từ ngữ “yêu” lại trổi vượt. Một học giả Tân Ước có tầm cỡ là Raymond Brown, trong bản chú giải của ông về Phúc Âm Gioan, có nhắc chúng ta rằng nếu muốn hiểu ý nghĩa việc Đức Giêsu chịu chết trong Phúc Âm Gioan, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu đoạn Ngài rửa chân cho các môn đệ. Đối với Gioan, việc rửa chân là điển hình tiêu biểu cho toàn bộ việc Đức Giêsu bị bắt, bị kết án và chịu chết.[11] Việc rửa chân rõ ràng là một biểu tượng của tình yêu và tình yêu là ý nghĩa trọng tâm của cuộc Khổ Nạn và cái chết của Đức Giêsu. Chính yếu tố này trong cái chết của Đức Giêsu đã tập trung tầm nhìn của Thánh Phanxicô vào tình yêu thể hiện trong cuộc Khổ Nạn.

Trong Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh, hai ý tưởng trên đây, sự khiêm hạ của Nhập Thể và tình yêu của Khổ Nạn, giữ vị trí trung tâm. Như chúng ta sẽ thấy, việc Nhập Thể giữ vị trí trung tâm đến mức có liên quan đến việc tạo dựng tiên khởi, đến việc tạo dựng đang diễn tiến và cả đến việc tạo dựng tương lai mà chúng ta gọi là sự sống lại. Tình yêu của Khổ Nạn cũng mang tính chất trung tâm như vậy. Cuộc Khổ Nạn hoặc các sự thương khó không chỉ bao gồm việc Đức Giêsu chịu đóng đinh nhưng còn bao gồm cả những đau khổ của tầng lớp dân chúng bị đóng đinh ở bên lề xã hội. Trong thần học, “Nhập Thể và Cứu Độ” vẫn thường là những điểm chính của mọi Kitô học, trong khi đó viễn tượng Phan Sinh coi “Tạo Dựng – Nhập Thể – Cứu Độ – Vinh Quang” như là một toàn thể liên kết với nhau cách thiết yếu. Đây là một viễn tượng xuất phát từ chính các sách Phúc Âm, các Giáo Phụ tiên khởi và các thần học gia thời đầu Trung Cổ. Viễn tượng này đã được lý giải cách cặn kẽ và có hệ thống trong thế kỷ XIII qua tác phẩm của các học giả Phan Sinh đầu tiên như Alexander thành Hales, Bônaventura và John Duns Scotus. Do đó chúng ta hãy chuyển sang quá trình diễn đạt kiến nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi bằng các từ ngữ chuyên môn của “truyền thống thần học khoa bảng”.


[1]Nội dung các đoạn này dựa trên Michael W. Blastic, OFMConv., “It Pleases Me that You Should Teach Sacred Theology; Franciscans Doing Theology,” (“Tôi Hài Lòng về việc Anh Sẽ Dạy Môn Thần Học thánh; việc dạy và học Thần Học của Anh Em Phan Sinh”), Franciscan Studies, 55 (1998): 1-25, và trên Zachary Hayes, OFM, “Franciscan Tradition as a Wisdom Tradition,” (Truyền Thống Phan Sinh, một Truyền Thống Minh Triết), Spirit and Life, 7 (New York: Holy Name Province, O.F.M., 1997): 27-40.

[2] Nguyên ngữ là vision, còn có thể dịch là tầm nhìn, nhãn quan.

[3]

[4]

[5]

[6]

[7]

[8]

[9] Nguyên văn “The love of the Passion”, có thể dịch là “Tình yêu (của loài người) đối với cuộc Khổ Nạn” hay “Tình yêu (của Thiên Chúa) thể hiện trong cuộc Khổ Nạn”. Tác giả dùng cụm từ theo cả hai nghĩa. Người dịch phải theo ngữ cảnh để tùy nghi chọn ý thích hợp.

[10]

[11]

ĐỌC BÀI VIẾT GỐC TẠI ĐÂY

04-franciscan-tradition-1707116260.jpg
Chia sẻ