Skip to content
Main Banner

William Ockham: Tương quan Triết_Thần

BTT OFMVN 01
2024-02-07 07:23 UTC+7 211

WILLIAM OCKHAM (1288-1347)


THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP

TƯƠNG QUAN TRIẾT-THẦN

TRI THỨC VỀ THIÊN CHÚA

ĐÓNG GÓP TRIẾT HỌC KHÁC CỦA OCKHAM

==========================


TƯƠNG QUAN TRIẾT-THẦN

Cuộc tranh luận về những “ý niệm phổ quát”, một lần chót, đã được Ockham khơi động lại vào lúc kinh viện học sắp suy tàn. Vào những thế kỷ trước, từ Abélald đến Scotus qua St. Thomas Aquinas, đã nhiều lần các nhà kinh viện suy diễn ra nhiều hình thức trung hoà, nhất là duy thực trung hòa giữa duy danh và duy thực, theo đó giữa những cá vật khác nhau vẫn có những bản tính chung, khác biệt với những nguyên tắc cá tính hóa mặc dù không tách biệt nhau, ngoại trừ trong trí óc. Về mặt tâm lý, những lý thuyết ấy chủ trương rằng: trí năng của con người, trừu tượng hoá được từ những ấn ảnh đặc thù của kinh nghiệm cảm giác, một ý niệm khả tri; nhờ ý niệm khả tri ấy, trí năng mới lĩnh hội được một bản tính chung tách biệt với những điều kiện cá tính hoá. Đó là căn bản chung cho nhiều hình thức duy thực trung hòa khác nhau, nhằm giải đáp thắc mắc sau đây: trong mỗi cá vật, bản tính chung ấy có khác biệt với các cá vật không và khác biệt như thế nào?

Tất cả các hình thức duy thực trung hoà đều trả lời rằng, bản tính chung ấy có khác biệt với mỗi cá vật, nhưng khác biệt như thế nào thì mỗi lập trường chủ trương hơi khác nhau: một là chủ trương rằng, bản tính chung ấy thực sự khác biệt với nguyên tắc cá vật hóa; hai là chủ trương rằng, bản tính chung ấy chỉ khác biệt một cách mô thức với nguyên tắc cá vật hóa - đó là lập trường của Duns Scotus; ba là chủ trương rằng, bản tính chung ấy chỉ khác biệt theo cách thái nhìn mặc dù nó vẫn bao hàm một ''nền tảng trong thực tại'' cho một sự khả dĩ phân biệt như thế. Đó là lập trường của Thomas. Nói cách khác, theo lập trường duy thực, phổ biến là một bản tính chung hiện hữu trong khắp các sự vật đồng thời, nhưng theo Ockham, cùng một sự vật không thể đồng thời hiện hữu trong nhiều sự vật khác nhau được, vì vây, phổ biến không phải là một sự vật, một thực tại (res) được. Đối với ông, phổ biến niệm chỉ là một thực tại của trí khôn, và không có một độ lớn hữu thể nào cả. Nó chỉ hiện hữu trong linh hồn và do đó không hiện hữu trong sự vật. Trong trí thức luận của Ockham, cá vật là cái gì có thể tri thức được trước hết và chính xác nhất. Không có những ý tưởng phổ biến trong Thiên Chúa được, trái lại, Thiên Chúa chỉ tạo dựng duy những cá vật. Điều ấy Duns Scotus đã nói và Ockham nói lại một cách triệt để hơn.

Hậu quả tất nhiên của chủ trương duy danh triệt để này là thái độ hoài nghi đối với mọi khoa học và tri thức tổng quát nếu chúng chỉ chú trọng những gì phổ biến và tất yếu, vì theo nguyên tắc cốt yếu nhất của duy danh, một cách tự nhiên, đối với chúng ta chỉ có cá vật và cái ngẫu nhiên mới là thực tại có thể tri giác và tri thức được. Như thế, rõ ràng Ockham đã mở đường cho khuynh hướng duy nghiệm, vì với ông, chỉ có kinh nghiệm giác quan mới là chính xác nhất: chúng ta không cần gì ngoài lối nhìn cảm giác, trực giác đối với những đối tượng ở ngoại tại và cả những gì xảy ra trong trí óc ta. Và nếu có thể biết được bằng những gì trực tiếp và đơn giản như kinh nghiệm cảm giác đối với những cá vật và ngẫu nhiên thì đừng nói đến những “ý niệm phổ quát” là những cái gián tiếp và phức tạp làm gì. Nói tóm lại, đối với Ockham, nếu chỉ có cá vật là thực tại, còn phổ biến niệm là hư danh thì không thể có một tri thức nào vững chắc và chính xác ở phía các “ý niệm phổ quát”.

Đứng sau “dao cạo Ockham” là nguyên tắc “tiết kiệm bản thể luận” (ontolotical parsimony), tức là ta “không nên giả định nhiều thực thể hơn là cần thiết.” Cho dù Ockham ta không phải là người phát minh học thuyết này, nhưng là người đã dùng nó một cách phổ quát và đặt thù nhất trong lịch sử triết Tây Phương. Thuyết “dao cạo” không từ chối sự tồn tại của các thực thể, nó chỉ khuyên ta nên cẩn thận khi giả định chúng, trừ khi dựa trên lý thuyết hợp lý cần phải dùng nó.

Mối tương quan của “Dao Cạo Ockham” với các vấn đề đức tin và lý trí thì có vẽ không hiển nhiên. Nhưng trong thực tế, cách Ockham dùng “dao cạo” này để giản lược hóa các vấn đề trong hệ thống triết- thần Kinh Viện đã gây nên những cơn sóng gió lớn cho sự kết nối giữa lý trí và đức tin thời trung cổ.

Đối với Ockham, “dao cạo” này là một thực hành của lý trí. Ông ta áp dụng nó vào siêu hình học với một logics rất hùng hồn. Tuy nhiên, sau khi cạo bỏ những gì không cần thiết trong triết học, Ockham nhận ra thuyết siêu hình trở nên quá giản lược, mả trên bình diện tri thức luận, không đủ để làm nền tảng để diễn đạt nội dung của đức tin Kitô. Do đó, Ockham phải lại thêm vào siêu hình học một số điều kiện cần thiết cho tính mạch lạc hay nhất quán của các mệnh đề thần học. Như thế, theo Ockham, công tác khai triển các tín khoản thần học không chỉ đơn giản là áp dụng triết học tốt nhất để phục vụ cho mạc khải Kitô giáo. Hơn thế nữa, suy tư thần học đòi hỏi chúng ta phải giả định thêm một số “thực thể” vốn trên nguyên tắc triết học tốt nhất không thể chấp nhận được.

“Dao cạo” loại bỏ các phạm trù: Ockham dùng “dao cạo” loại bỏ 7 trong 10 phạm trù của Aristotle. Trong thời Trung Cổ đã có nhiều tranh luận rằng 10 “phạm trù” của Aristotle thật ra chỉ là cách dùng ngôn ngữ để phân loại các thực thể mà thôi. Scotus cho rằng các phạm trù của Aristotle nói đến các thực thể, và đây là 10 phương cách hay khung cơ bản nhất để phân loại tất cả hữu thể.

Nhưng theo Ockham, trên bình diện của lý trí, chỉ cần 2 phạm trù: bản thể và phẩm tính. Bản thể là một hữu thể có khả năng tồn tại tự nó. Phẩm tính là những đặc tính hay yếu tính của bản thể. Ockham phản đối việc giả định các thực thể (phạm trù) khác. Để minh họa điều này, ông ta phân tích một số mệnh đề thường được xem như là chúng có thật nhưng thật ra thì không cần thiết. Ví dụ, chân lý của mệnh đề “Socrates thì tương tự như Plato” không đòi hỏi ta phải tin là, ngoải Socrates, Plato và các yếu tính của họ ra, cần phải có thực thể đặc biệt gọi là “tương tự” mà Socrate hay Plato phải có. Thật ra, muốn mệnh đề trên có đầy đủ ý nghĩa thì ta chỉ cần có 2 thực thể (Socrates & Plato) và các yếu tính của hai thực thể đó mà thôi, (không cần thêm vào phạm trù “tương quan”).

Tuy nhiên trên bình diện thần học chúng ta cần phải thêm những thực thể thuộc loại phạm trù thứ ba: tương quan. Vì dụ, tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi không thể có ý nghĩa nếu sự “tương quan” không phải là một thực thể. Cho dù Ockham muốn bảo vệ sự chính thống của đức tin, nhưng ông ta cho rằng sự kiện phải giả định thêm một thực thể mà thật sự không cần thiết (eg. tương quan) chỉ vì lý do thần học, thì chỉ làm cho giá trị tri thức của mệnh đề thần học trở nên yếu kém hơn trên bình diện luận lý học. Từ điểm này ta có thể thấy khả năng tách rời triết học ra khỏi thần học ở cuối thời Kinh Viện.

Thuyết Duy Danh: Thuyết Duy Danh cũng làm cho Ockham nổi danh không kém: ông ta từ chối mọi sự tồn tại của ý niệm phổ quát như là thực thể. Lý do thông thường khi giả định sự tồn tại của cái phổ quát là vì trong nhận thức luận, chúng tiện lợi cho việc đặt nền cho tri thức và ngôn ngữ dùng để diễn tả tri thức đó. Chúng ta cần cái phổ quát để cung cấp thực thể cho trí năng. Tôi có những tri giác về một con chó nào đó, nhưng tôi cũng có tri thức (ý niệm) trong trí năng về con chó phổ quát. Chúng ta cần cái phổ quát để cung cấp nền tảng cho các vấn đề khoa học. Khoa học đối diện với cái phổ quát. Nếu không có những thực thể phổ quát thì đối tượng của khoa học chỉ là khái niệm mà thôi. Cái phổ quát cũng được dùng như là vị ngữ hay bổ ngữ cho chủ từ của một mệnh đề. Nếu ta nói, “Bông hồng này màu đỏ” thì ta phải khẳng định “đỏ” như là một thực thể. Như thế “tính” đỏ cho ta nền tảng khách thể trong việc khẳng định này.

Vấn đề trong việc giả định thực thể phổ quát là thuộc phạm vi siêu hình. Phổ quát là một nhưng cũng là nhiều. Tính “đỏ” là một thực thể, nhưng nó cũng tồn tại trong mọi sự vật có màu đỏ. Vậy thì chúng vừa ở trong các sự vật và ở ngoài sự vật. Tính “con người” thì tồn tại độc lập khỏi mọi con người, nhưng nó cũng hiện hữu trong mỗi con người (vì nếu không, chúng ta không thể dùng vị từ “con người” để khẳng định, e.g., Socrates là con người). Dựa trên vấn nạn siêu hình này, Ockham lý luận rẳng chính khái niệm “thực thể phổ quát” là không nhất quán.

Từ đó, Ockham cổ võ chiều hướng loại bỏ các thực thể phổ quát (universal entities) trên cơ sở tri thức luận là chúng không phục vụ mục tiêu nào cả. Trước tiên, các thực thể loại này thì tùy thuộc và cá nhân dùng chúng mà thôi. Hơn nữa, tính phổ quát của khoa học thì không dựa trên cơ sở của sự tồn tại của các thực thể phổ quát, nhưng đối tượng của khoa học là những “khái niệm phổ quát”; chúng đại diện hay thay thế cho các sự vật cụ thể, chứ không hề có thực thể phổ quát nào đứng sau chúng. Chúng ta chỉ cần “phẩm tính” của các sự vật cụ thể để mệnh đề khoa học có ý nghĩa. Một bông hoa hồng và phẩm tính “đỏ” của nó là đủ để tạo nên nền tảng khách quan để đánh giá mệnh đề của tôi: Bông hồng này màu đỏ.” Nói cách khác, khái niệm không ám chỉ sự tồn tại của thực thể phổ quát nào cả, mà chỉ là tên gọi có thể áp dụng chung cho nhiều sự vật cụ thể.

Cuối cùng, học thuyết duy danh của Ockham rất là nổi tiếng. Đa số học giả nghiên cứu về triết trung cổ, ngay cả những người có cảm tình với triết học Tôma cũng đều phải công nhận là thuyết duy danh là mầm mống khởi đầu cho các vấn nạn “nhức đầu” trong triết học và thần học thời cận đại. Một số cho rằng thuyết duy danh đưa đến não trạng hoài nghi, vì nó chủ trương loại bỏ các bản tính khách quan và thực thể của khái niệm mà chúng ta muốn tìm hiểu. Có nhóm cho rằng thuyết duy danh là nguồn gốc cho xu hướng tương đối hóa trong triết thần cận đại. Vì nếu không có nền tảng thực thể cho khái niệm cho nên tất cả mọi khái niệm đều có giá trị ngang nhau, không học thuyết nào đúng hơn học thuyết nào. Tuy nhiên, Ockham tin tưởng rằng chúng ta vẫn có thể hiểu biết về thế giới chung quanh ta qua cách dùng khái niệm, nếu chúng ta biết dùng các khái niệm đúng theo bản chất của nó. Ockham không cổ võ cho chủ thuyết tương đối, nhưng ông ta chỉ muốn giữ thái độ hoài nghi khi tận dụng thần học tự nhiên để nói về Thiên Chúa như theo phái Averroes.

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

Bài 1: THÂN THẾ & SỰ NGHIỆP

Bài 2: TƯƠNG QUAN TRIẾT-THẦN

Bài 3: TRI THỨC VỀ THIÊN CHÚA

Bài 4: ĐÓNG GÓP TRIẾT HỌC KHÁC CỦA OCKHAM

 


Chia sẻ