Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Bài ca của ông Môsê và của Con Chiên (Kh 15,2-4)

BTT OFMVN 01
2008-12-14 23:00 UTC+7 430

Về cuối năm phụng vụ, chúng ta được nghe một vài đoạn trích từ sách Khải huyền, một quyển sách chi chít các biểu tượng cần được giải mã. Ở đây, xin chia sẻ với quý bạn đọc một vài khám phá từ phân đoạn Kh 15,2-4[1].

2 Tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên nó ; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa 3 và hát bài ca của ông Mô-sê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên ; họ hát rằng :

"Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng,

sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu !

Lạy Đức Vua trị vì muôn nước,

đường lối Ngài quả chân thật công chính[2]!

4 Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa ?

Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài ?

Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn.

Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan,

vì ai ai cũng đều thấy rõ

những phán quyết công chính[3] của Ngài."

Cuộc chiến đấu của những người công chính đã đến hồi kết thúc chung cuộc. Tác giả giới thiệu cho chúng ta khung cảnh đã được đổi mới từ bên trong: "Một biển pha lê pha lửa" (15,2). Đây chính là "biển", biểu tượng sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa, nay đã được hoạt động của Thiên Chúa thanh luyện và làm cho tỉnh ngộ (do đó có hình ảnh "biển pha lê"); hoạt động này đã thắng vượt các yếu tố tiêu cực và thù nghịch (x. 4,6). Hình ảnh này quy về "biển" của sách Xuất hành như là yếu tố nền, được triển khai đến mức tối đa, làm phát sinh một cuộc tạo dựng hoàn toàn mới, với những luật mới, với một tổng hợp hẳn là không thể có được giữa những yếu tố và những phương diện khác nhau, như lửa được pha lẫn với nước biển (x. chẳng hạn Kh 8,8: "Quả núi lớn rực lửa"). Hình ảnh này vận dụng các tương quan mới để nói về cuộc tạo dựng mới tượng tự sách Khôn ngoan (Tác giả sách Kn đã coi việc đi qua biển trong Xh là như một cuộc tạo dựng mới, trong Kn 19, đặc biệt là Kn 19,19-20).

Khi nói đến Môsê, chúng ta ghi nhận đây là lần duy nhất trong toàn sách Kh, một nhân vật Cựu Ước được nêu tên. Bài ca được lấy từ Xh 15,1, nhưng cũng được gọi là Bài ca của Con Chiên, bởi vì nếu "cuộc tạo dựng" thứ nhất (đi qua biển) là công trình của Môsê, nên hát mừng bằng "bài ca của ông Môsê (x. Xh 15,1-18), thì "cuộc tạo dựng" thứ hai, như đã được ca mừng, là công trình của Con Chiên, nên được ngợi khen bằng "bài ca của Con Chiên".

Bây giờ chúng ta chiêm ngắm nhưng người được cứu chuộc, những người công chính trên trái đất: họ "đứng". Tư thế "đứng" hàm ý một sức mạnh. Chẳng hạn: Đức Kitô nói, "Này ta đứng ngoài cửa và Ta gõ" (Kh 3,20) diễn tả sức mạnh tha thiết và kín đáo của tình yêu; "Con Chiên "đứng ... trông như thể đã bị giết" (5,6), hình ảnh diễn tả sức mạnh của sự phục sinh. Lệ thuộc vào Con Chiên, được liên kết mật thiết với Con Chiên, những người được cứu chuộc cũng "đứng", họ được thông phần vào sự phục sinh của Đức Kitô. Như những người Do-thái trong sách Xh sau khi vượt qua Biển Đỏ, đã hát bài ca ông Môsê, những người được tuyển chọn ở đây ca ngợi Thiên Chúa bằng bài ca của Con Chiên (15,3), vì họ đã thắng Con Thú, kẻ thù của Thiên Chúa (c. 2).

Bài ca gợi tới các cuộc cử hành phụng vụ trong giáo đoàn của tác giả Gioan, được dệt nên bởi các lời Cựu Ước, nhất là các Thánh vịnh. Đây là dấu chứng tỏ các Kitô hữu đã coi Kinh Thánh (phần Cựu Ước hiện nay) như là Lời Chúa và là nguồn lương thực nuôi dưỡng đức tin, cũng như đời sống cầu nguyện và phụng vụ của họ. Thông thường, bài thánh ca được hát lên, có các nhạc cụ kèm theo. "Cây đàn" (kithara), trong chiều hướng của Cựu Ước, gợi đến một cuộc cử hành phụng vụ vừa thi vị vừa tưng bừng. Những người công chính, "tay cầm đàn của Thiên Chúa", thì sẽ tấu lên những khúc nhạc của thiên đình, những khúc thánh ca, thánh nhạc. Họ ca tụng các "sự nghiệp lớn lao kỳ diệu" của "Thiên Chúa toàn năng", một danh hiệu của Thiên Chúa thuộc Cựu Ước. Đây chỉ có thể là những việc Người làm để cứu độ con người đang tiến đi trong thế giới và trong lịch sử. Chúng ta thấy cầu nguyện đích thực không chỉ là cầu xin, mà còn là ca ngợi, cám ơn, chúc phúc, cử hành và tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Chúa Tể đã ra tay cứu chuộc chúng ta.

Thế rồi những người công chính cũng sống chiều kích phổ quát của công cuộc cứu độ: "Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan". Đây chính là lời mô phỏng lại câu Tv 86,9: "Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan". Như vậy, chúng ta được mời gọi đưa mắt nhìn tới tận chân trời, để thấy rằng người muôn nước sẽ về phủ phục trước tôn nhan vi ai ai cũng đều thấy rõ những "phán quyết công chính" của Ngài (Kh 15,4). "Những phán quyết công chính" là những phán quyết hàm chứa hành động cứu chữa, điều chỉnh của Thiên Chúa, để tha thứ, để cứu độ, chứ không phải để tiêu diệt (x. 15,7; 16,5; 19,2). Ngòai ra, quang cảnh hùng vĩ này khiến ta không thể nào không nghĩ tới lời ngôn sứ Malakhi: "Quả thật từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; Và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân, Đức Chúa các đạo binh phán " (Ml 1,11).

Đến cuối năm phụng vụ, tượng trưng cho thời điểm cuối đời, được nghe những lời này, quả thật là khích lệ. Chúng ta cũng cảm thấy nôn nao muốn được hợp lòng hợp ý hợp tiếng với đoàn người được Thiên Chúa tuyển chọn mà hát mừng Người. Đến đây chúng ta tiếp cận với chiều kích phổ quát của công trình cứu độ.

Vậy chúng ta cùng hợp lòng với nhau trong bài hát của Thánh Grêgôriô Nadien (tk IV):

"Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con Vua vũ trụ, sáng danh Chúa Thánh Thần Chí Thánh, xứng đáng mọi lời chúc tụng".

"Một Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi: Người đã tạo dựng và hoàn thành mọi sự, trời của những hữu thể trên trời, đất của những hữu thể dưới đất. Biển, sông và nguồn nước Người đã làm đầy tràn với những hữu thể dưới nước, làm sống động tất cả với Thần Khi Người, như thế muôn loài thọ tạo sẽ ngợi khen Đấng Sáng Tạo khôn ngoan: Người là nguyên nhân duy nhất ban sự sống và sự sống vĩnh cửu. Mong sao thọ tạo lý trí có thể hát những lời ngợi khen Người trên hết như là một vị Vua quyền phép và một người Cha tốt lành. Trong tinh thần, với linh hồn, miệng lưỡi và ý nghĩ của con, xin cho chúng con cũng làm vinh quang Chúa trong sự trong sạch, ôi Lạy Cha"

(Poems, I, Collection of Patristic Texts 115, Roma, 1994, tr. 66-67).

 

FX

 

[1] Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, Bài đọc 1 (năm chẵn).

[2] "công minh" (Bản dịch của Nhóm Pd CGKPV).

[3] "công minh" (Bản dịch của Nhóm Pd CGKPV).

Chia sẻ