Ga 21,1-19: Đức Giêsu Hiện Ra Ở Bờ Hồ Tiberiad
Ga 21,1-19: Đức Giêsu Hiện Ra Ở Bờ Hồ Tiberiad
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Ga 21,1-19 [1]
1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.
***
1.- Ngữ cảnh
Tuy ngay từ đầu, Tin Mừng thứ IV được lưu truyền luôn luôn có chương 21, các nhà chú giải cho rằng, chương này chỉ là một phụ trương được thêm vào sau. Nhưng vì không có được những bằng cớ thật xác đáng về ngôn ngữ và văn phong để có thể khẳng định mạnh hơn, các tác giả hiện nay chấp nhận rằng, chương 21 đã được một môn đệ thuộc trường phái Gioan (hoặc một môn đệ của người môn đệ Đức Giêsu yêu thương) thêm vào khi xuất bản quyển Tin Mừng thứ IV. Với lại, có một loạt những chi tiết rõ ràng là các biểu tượng, khiến không dễ gì mà nói được rằng điều gì đã xảy ra thực sự.
Riêng ở đây, chúng ta chọn đọc theo phương pháp đồng đại. Như thế, theo đường tường thuật của tác giả thánh, Đấng Phục Sinh đã hiện ra hai lần giữa các môn đệ, chứng minh rằng Người là Đức Chúa hằng sống và đã được tôn vinh (Ga 20,19-21),[2] bằng cách cho các ông thấy các vết thương. Lần hiện ra được kể trong bản văn chúng ta đọc hôm nay là lần thứ ba. Vào lúc tảng sáng, Đức Giêsu ở trên bờ Hồ Tiberiad; các môn đệ đang ở trên thuyền để đánh cá. Các ông thấy Người, nhưng không nhận ra Người (Ga 21,4). Các ông im lặng. Đức Giêsu nói và hành động, còn các ông thì hành động theo như Người truyền. Ở đây không còn phải là ghi nhận sự thật là Người đã sống lại, nhưng là trải nghiệm một điều khác: khi các ông hành động theo lời Người, các ông đạt được những kết quả khả quan, và các ông thấy là Người vẫn tiếp tục ăn uống với các ông (Ga 21,1-14). Sau đó, Đức Giêsu đã “bổ nhiệm” Simon Phêrô làm mục tử chăn dắt chiên của Người, đồng thời loan báo con đường tương lai của ông (Ga 21,15-19).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1/. Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ (Ga 21,1-14):
a/. Cảnh đánh cá (câu 1-8),
b/. Bữa ăn trên bờ biển (câu 9-13),
c/. Một nhận xét (14);
2/. Đức Giêsu Phục Sinh nói với Phêrô (Ga 21,15-19):
a/. Đức Giêsu phục quyền và giao nhiệm vụ cho Phêrô (câu 15-17),
b/. Đức Giêsu nói về số phận của Phêrô (câu 18-19).
3.- Vài điểm chú giải
– Sau đó (1): Đến sau đoạn kết Ga 20,30-31,[3] công thức chuyển tiếp này không có giá trị về thời gian rõ ràng gì.
– Tỏ mình (1): Động từ “phaneroun” được dùng 9 lần trong Tin Mừng thứ IV (còn trong chương 21: 2 lần trong câu 1 và 1 lần trong câu 14). Động từ này diễn tả một ý tưởng, là có điều gì đó vượt lên khỏi bóng tối; đối với Gioan, động từ này muốn nói đến một mạc khải từ trời cao ban cho trái đất.
– Cho các môn đệ (1): Từ này nhắm đến những người đã chứng kiến Đức Giêsu hiện ra ở Ga 20,19.26. Như thế, ta có thể cho rằng, đây là Nhóm Mười Một (theo các Tin Mừng Nhất Lãm). Bảy (hoặc Năm) môn đệ sẽ được nêu tên ở câu 2.
– Ông Simon Phêrô… (2): Con số các môn đệ có mặt là Bảy ông. Tại chương 21 này, chúng ta đang ở tại miền Galilee; miền này nhắc nhớ đến “Galilee của Dân ngoại”. Và Bảy môn đệ là các thủ lãnh của cộng đoàn phát sinh từ Dân ngoại (x. Cv 6,1-6).[4] Điểm mới ở đây là có những thủ lãnh đến từ Dân ngoại, và những thủ lãnh thuộc Nhóm Mười Hai. Điểm này nhằm nêu bật sự hợp nhất của cộng đoàn.
– Đêm ấy họ không bắt được gì cả (3): Động từ “piazein” (ở đây và câu 10) xuất hiện trong Tin Mừng Gioan tất cả 6 lần khi nói về việc bắt Đức Giêsu; trong thực tế, động từ này không mấy khi được dùng để nói về việc bắt thú vật hay bắt cá. Những người quen biết tập quán Palestin cho biết là, thường thường, trên Hồ Galilee, người ta đánh cá ban đêm thì có kết quả tốt hơn là ban ngày; với lại, cá bắt được ban đêm có thể bán được khi còn tươi vào lúc sáng sớm.
– Thả lưới xuống bên phải mạn thuyền (6): Chi tiết lạ lùng này không có trong câu truyện song song của Tin Mừng Luca (Lc 5). Bên phải là bên may mắn, bên tốt (x. Mt 25,33),[5] nhưng ở đây hẳn là không có nghĩa này. Tác giả Gioan muốn gợi ý là Đức Giêsu có sự hiểu biết vượt quá tự nhiên, và người môn đệ có bổn phận luân lý tương ứng là vâng lời Người chính xác.
– Chúa đó (7): Danh hiệu này được dùng như một lời tuyên xưng Đức Giêsu Phục Sinh ở Ga 20,18.25 và 28.
– Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần (7): Khó mà cho rằng Phêrô hoàn toàn trần truồng, vì như thế sẽ xúc phạm đến tính nhạy cảm của người Do Thái. “Ở trần” (gymnos) có thể có nghĩa là ăn mặc phong phanh. Chúng ta có thể hình dung ra hoàn cảnh sau: Lúc đó vì là buổi sáng, trời hơi lạnh, Phêrô khoác một tấm “áo ngoài” (ependytes) để làm việc. Vừa nghe biết là Đức Giêsu, ông liền thắt áo lại để nhảy xuống nước mà bơi vào, bởi vì động từ “dyazonnymi” (ở thì aorist là diezosato), có nghĩa là “thắt [áo] quanh mình [bằng một dây lưng]”. Như thế ông thắt chặt áo lại để bơi dễ dàng.
– Một trăm năm mươi ba con (11): Tác giả Gioan thường dùng “khoảng/phỏng chừng” (hôs), thế mà ở đây ông lại cho một con số tròn. Rất có thể người ta đã đếm cá vì tò mò; nhưng con số này được ghi lại hẳn không chỉ vì muốn cho chính xác. Do đó, các nhà chú giải đã đoán là đây là một con số biểu tượng:
+ (a) Thánh Jeronimus cho rằng, con số này lấy từ kiến thức về động vật học lúc đó (trên thế giới có 153 loại cá), để nói công việc truyền giáo của các Kitô hữu sẽ đưa vào Hội Thánh mọi người, hoặc ít ra mọi hạng người;
+ (b) Thánh Augustin cho rằng, con số này tượng trưng cho sự hoàn hảo…;
+ (c) Thánh Cyrillo Alexandria thì tách con số làm ba: Số 150 chỉ toàn thể Dân ngoại, số 50 chỉ số sót của Israel, số 3 chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi…
Vấn nạn cho các giả thuyết này là: các độc giả của Tin Mừng thứ IV có hiểu được theo cách tinh tế như thế chăng. Nhưng dù theo giả thuyết nào, ý nghĩa phổ quát vẫn nổi bật. Ta có thể cho rằng, ý nghĩa của con số 153 bắt gặp công thức “gom được đủ thứ cá” trong dụ ngôn về Nước Trời (x. Mt 13,47).[6] Hội Thánh phải quy tụ vào trong lưới của mình tất cả các dân nước; như Người mục tử chân chính quy tụ vào đàn của mình những con chiên phát xuất từ những ràn chiên khác với ràn chiên Israel (Ga 10,16).[7] Cũng vậy, Con Người sẽ lôi kéo tất cả mọi người vào trong một tấm lưới cánh chung (x. Ga 12,32; 6,44).[8] Như thế, cần liên kết vào đề tài này các chi tiết về chiếc thuyền duy nhất và tấm lưới nguyên vẹn.
– Đó là lần thứ ba (14): Từ công thức này, ta suy ra là người viết đã biết những chương trước. Nhưng trong chương 20, ta thấy có ba cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh. Vậy hẳn là tác giả chỉ quan tâm đến các cuộc hiện ra với Nhóm Mười Một (không kể đến cuộc hiện ra với Maria Magdalene).
– Anh có mến/thương Thầy không? (15.16.17):[9] Hầu như tất cả các nhà chú giải đã cho rằng, Đức Giêsu hỏi ba lần là để tha việc ba lần Phêrô chối Người. Nhưng nếu vậy, hẳn là đến lần thứ ba, mới có việc trao quyền chăn chiên, như để cho Phêrô hiểu là ông đã thực sự được tha thứ. Thế thì tại sao ở đây lại có ba lần trao “bài sai”? Vào thời xa xưa, những công thức pháp lý thường không được viết ra, nhưng được lặp lại ba lần trước người làm chứng (chẳng hạn trong luật hôn nhân Palestin); khi đó thủ tục kết giao đã được hoàn tất đúng quy cách và có hiệu lực. Như vậy ở đây, Đức Giêsu lặp lại ba lần là để cho hiểu rằng, Phêrô đã được chính thức và đúng thể thức trao nhiệm vụ chăn dắt tất cả đàn chiên của Người. Qua ba lần trực tiếp trao nhiệm vụ, Đức Giêsu cũng gián tiếp tha thứ cho Phêrô.
Tình yêu mà Đức Giêsu nói đến là “Agapé”, một tình yêu quảng đại, hy sinh tự hiến mình (agapas me). Sau khi đã chối Đức Giêsu, Phêrô không dám so sánh “Agapé” của ông đối với Đức Giêsu cũng như với “Agapé” của các môn đệ khác, nhưng ông khẳng định tình thương của ông (philo se) là tình thương trìu mến (philia) như một người bạn (philos). Ông đã chứng tỏ tình thương trìu mến của ông đối với Đức Giêsu lớn hơn tình thương của các môn đệ khác, khi nhảy xuống nước và bơi vào bờ để đến với Đức Giêsu trước (câu 7), còn các môn đệ khác từ từ vào bờ bằng thuyền (câu 8).
– Hãy chăm sóc… chăn dắt (15.16.17): “Chăm sóc” (boskein: câu 15 và 17), “chăn dắt” (poimanein: câu 16). Bản Kinh Thánh LXX dùng cả hai động từ Hy Lạp này để dịch động từ Hippri “râ‘âh” (to feed; to pasture; to rule), nên ta có thể coi hai động từ này có cùng một ý nghĩa (Bản Kinh Thánh Neo Vulgata dịch cả hai trường hợp này bằng động từ Latin “pascere”). Tuy nhiên, cách tinh tế hơn, ta thấy “boskein” được sử dụng theo cả nghĩa chữ lẫn nghĩa bóng (Ed 34,2) để diễn tả việc “nuôi dưỡng thú vật”;[10] còn “poimanein” có cả một vùng ý nghĩa bao quát hơn, gồm các công việc làm cho đàn vật như “hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng”, cả nghĩa chữ (Lc 17,7) [11] lẫn nghĩa bóng (Ed 34,10; Cv 20,28; Kh 7,17…),[12] và cũng có thể có nghĩa là “điều khiển, cai quản”. Tổng hợp lại với nhau, hai động từ này diễn tả toàn thể công việc mục vụ.[13]
– Chiên (15.16.17): Ở câu 15, “các chiên” là “arnia” (“lambs”); ở câu 16 và 17, “các chiên” là “probata” (“sheep”). “Arnia” là từ hiếm, trong Tin Mừng thứ IV chỉ được dùng ở chỗ này,[14] nên từ tương ứng với “arnia” ở câu 17, chúng tôi đồng ý với R.E. Brown mà cho rằng, thay vì đọc là “probata” thì phải đọc là “probatia”, cũng là một từ hiếm (theo Codex Alexandrinus và Codex Vaticanus); còn “probata” (theo Codex Sinaiticus) có thể là một sửa chữa của người chép cho hài hòa với câu 16 và Gioan 10. Lý do: nếu bản gốc là “probata”, không lẽ người chép nào đó lại sửa thành từ ngữ hiếm là “probatia”.[15]
Tuy có những tác giả, như Brown, cho rằng các từ ngữ này có cùng một ý nghĩa như nhau để chỉ chung là “các con chiên”, chúng ta có thể cho rằng, cần phân biệt ý nghĩa các từ, vì có một (hoặc hai) từ lạ là “arnia” và “probatia”. Khải Huyền 7,17 mô tả “Con Chiên” (arnion) như là Đấng “chăn dắt” (poimanei) và “dẫn đưa” (odegesei) đàn chiên như một mục tử. “Arnia” ở Ga 21,15 hẳn cũng có ý nghĩa biểu tượng này. Vậy từ ngữ này rất có thể nhắm đến các thủ lãnh của cộng đoàn Kitô hữu. Nói cách khác, ở câu 15, Đức Giêsu ủy thác cho Phêrô nhiệm vụ nuôi dưỡng các thủ lãnh (mục tử) các chiên của Người. Ở câu 16 và 17, “các chiên” là “probata” (“sheep”) và “probatia” (“little sheep”). Khi đó, chúng ta sẽ có một danh sách đi xuống là “mục tử”, “các tín hữu”, và “các tân tòng”. Dù sao, nếu không chấp nhận “probatia”, chúng ta vẫn có thể hiểu “probata” theo nghĩa bao quát là “các tín hữu” (nói chung) và “các tân tòng”.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Trong Ga 21,19-31, tác giả muốn các Kitô hữu biết rằng, bất cứ khi nào họ gặp nhau trong ngày của Chúa để cử hành Thánh Thể, Chúa Phục Sinh sẽ ở giữa họ. Trong bản văn hôm nay, Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ vào một ngày trong tuần. Bản văn thật sự có những ý nghĩa biểu tượng.
* Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ (1-14)
Theo đề nghị của Phêrô, Bảy môn đệ đi đánh cá. “Bảy” là biểu tượng của sự hoàn thiện, sự đầy đủ, nên Phêrô và các tông đồ kia tượng trưng tất cả các môn đệ của Đức Kitô. Còn “biển”, đối với Israel, là biểu tượng của tất cả những sức mạnh thù nghịch với con người. Nhiệm vụ các ông là đi ra “biển” mà “đánh/bắt cá” người, tức kéo họ khỏi những hoàn cảnh giới hạn tự do yêu thương và sống hạnh phúc. Suốt đêm, các ông không bắt được gì cả, vì không được Chúa Phục Sinh hướng dẫn. Khi đêm tối tan biến thì cũng tan biến ước mong đánh được một mẻ cá lớn.
Ngay lúc các ông còn đang chìm trong thất bại, Đức Giêsu ở trên bờ gọi các ông: “Này các chú (paidia)”. Trong tư cách Đấng Phục Sinh, Người không bị chia cách khỏi các ông, nhưng vẫn liên kết với các ông với lòng thương mến, để ân cần săn sóc các ông. Khi nghe Người gọi, các môn đệ thú nhận là đã thất bại. Đức Giêsu cho các ông những chỉ dẫn chính xác và tiên báo một mẻ cá phong phú. Các ông đã vâng nghe Người, nên đã đạt được một kết quả hết sức dồi dào. Kinh nghiệm cho các môn đệ thấy rằng họ đạt được kết quả không nhờ những vất vả mệt nhọc của họ, nhưng nhờ nghe lời Đức Giêsu. Người môn đệ Đức Giêsu thương mến bây giờ nhận ra Chúa.[16] Cũng như vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, tại mộ trống (Ga 20,2.8), bây giờ người môn đệ Đức Giêsu thương mến đã là người thứ nhất nhận biết Đức Giêsu với niềm tin tròn đầy. Người môn đệ này có trực giác bén nhạy và đã báo cho Phêrô biết khám phá của mình. Ông Phêrô đã không chờ đợi thêm, ông quên cả mẻ cá lớn, con thuyền và các môn đệ khác, ông nhảy xuống biển, để là người đầu tiên đến bên Đức Giêsu.
Đức Giêsu Phục Sinh không ở trên thuyền, mà lại ở trên bờ, còn các con thuyền nhắm Người mà đi vào. Ở đây, có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng nữa: Dù đang đứng trên bờ, Đức Giêsu đang ở trong vinh quang của Cha Người và cũng luôn luôn ở cùng chúng ta, mỗi ngày, cho đến tận thế. Đức tin cho các môn đệ được nên vững chắc là do Người tiếp tục trò chuyện với họ.
Đấng Phục Sinh chờ các môn đệ vào tới bờ, cũng có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng là đạt tới trời. Người đã có cá rồi (câu 9), đây là hoa trái từ các hành vi của Người trong thế giới, cho dù công việc của Người phải được hoàn tất bởi những kẻ tin Người. Giống như Bảy môn đệ, toàn thể cộng đoàn Kitô hữu được chờ đợi là mang theo cá với mình, tức là hoa trái của việc tông đồ. Còn bánh thì Đức Giêsu luôn mang theo, đó là Thánh Thể, bánh mà Chúa Kitô Phục Sinh bẻ ra muốn tất cả chúng ta chia sẻ. Người mời tất cả các môn đệ ăn điểm tâm với Người và xin họ góp phần bằng số cá vừa đánh được (Ga 21,10.12). Cũng như trong bữa ăn với số bánh được Đức Giêsu nhân lên cho đám đông, trong đó Hồ Tiberiad được nhắc tới (Ga 6,1),[17] ở đây Đức Giêsu cũng “cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy” (Ga 21,13). Chắc chắn, hơn bao giờ hết, bây giờ Đức Giêsu quả là “bánh ban sự sống” (Ga 6,35) cho các ông.[18] Không một môn đệ nào hé một lời, bởi vì các ông đều biết rằng đó là Chúa. Các ông hoàn toàn sống dưới sự hiện diện và cho sự hiện diện của vị Chúa này, là Đấng đã sống lại, đã ngỏ lời với họ cách khả ái, Đấng vừa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ lùng và cho các ông được hiệp thông với Người và ban cho các ông sự sống viên mãn.
* Đức Giêsu Phục Sinh nói với Phêrô (15-19)
Sau khi ăn xong, Đức Giêsu ngỏ lời với Simon Phêrô. Lần cuối cùng hai vị nói chuyện với nhau là vào giờ từ biệt (Ga 13,36-38).[19] Lúc ấy, Phêrô đã quay lại hỏi là Người đi đâu và đã đoan chắc với Người là sẵn sang hy sinh mạng sống vì Người. Đức Giêsu đã ba lần tiên báo rằng Phêrô sẽ chối Người ba lần, và chuyện đã xảy ra như thế (Ga 18,15-18.25-27).[20] Bây giờ Người hỏi ông ba lần là có mến thương Người không, rồi trao phó ba lần nhiệm vụ làm mục tử chăn dắt đàn chiên của Người, là để chứng tỏ Người đã tha thứ cho Phêrô, và nhất là cho hiểu ông đã được chính thức trao phó nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Người.
Những câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho Phêrô và những câu trả lời ông thưa lại là một lối “chơi chữ” rất ý nghĩa trên các động từ. Trong tiếng Hy Lạp, động từ “phileo” diễn tả tình yêu thương giữa bạn bè, dịu dàng nhưng không bao trùm cả cuộc sống, còn động từ “agapo” diễn tả tình yêu không giới hạn, không dè giữ, trọn vẹn và vô điều kiện. Lần đầu, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Simon…, anh có mến Thầy (agapas me)”, nghĩa là yêu thương với tình yêu trọn vẹn và vô điều kiện không? (Ga 21,15). Nếu chưa trải nghiệm sự phản bội, hẳn là ông đáp ngay: “Con mến Thầy (agapo se)” vô điều kiện! Bây giờ, khi đã nếm cảm nỗi đau buồn vì thất trung, đã sống tấn bi kịch về sự yếu đuối của mình, ông chỉ dám khiêm tốn trả lời: “Thưa Thầy, con thương Thầy (philo se)”, nghĩa là “con thương Thầy bằng tình yêu con người nghèo hèn của con”. Đức Kitô lại hỏi: “Simon, con có mến Thầy”, tức là yêu thương bằng tình yêu trọn vẹn mà Thầy mong muốn không? Phêrô lặp lại câu trả lời nói về tình yêu con người nghèo hèn của mình: “Kyrie, philo se”. Đến lần thứ ba, Đức Kitô chỉ hỏi: “Phileis me?”, “Anh có thương Thầy không?”. Simon hiểu rằng Đức Giêsu bằng lòng với tình yêu nghèo hèn của ông, vì đó là thứ tình yêu duy nhất ông có thể bày tỏ, nhưng ông cũng buồn vì thấy Thầy đã phải nói với ông như thế. Thế là ông trả lời: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết rõ con thương Thầy (philo se)”. Có thể nói là, Đức Giêsu đã thích ứng với Phêrô, hơn là Phêrô thích ứng với Người! Chính sự thích ứng này đã làm phát sinh niềm hy vọng và tin tưởng nơi Phêrô, sau khi ông đã phải đau khổ vì phản bội, để ông còn có thể bước theo Thầy (Ga 21,9).[21]
Tại Capharnaum, Simon Phêrô đã tuyên xưng niềm tin và tình yêu đối với Đức Giêsu, nhưng rồi ông đã chối Thầy ba lần. Hôm nay, ông tái lập tương quan cơ bản với Đức Giêsu, và đồng thời với Thiên Chúa (x. Ga 14,15-24):[22] Chính vì thế, ông lại có thể được nhận làm môn đệ Đức Giêsu và đi theo Người cho đến chết để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 21,18-19).
Trong tư cách là Người mục tử nhân lành, Đức Giêsu lo lắng cho đàn chiên của Người, vì bây giờ Người không hiện diện hữu hình ở giữa họ nữa. Bởi vì Người chăm sóc họ và muốn gìn giữ họ, Người trao ban Phêrô, để ông làm mục tử dẫn dắt họ. Phêrô phải săn sóc họ, phải giữ cho họ đi trên đường ngay nẻo chính, phải điều khiển và hướng dẫn họ. Con đường đã là và vẫn là Đức Giêsu (Ga 14,6);[23] sự sống chỉ đến nhờ kết hợp với Người. Nhiệm vụ của Phêrô là dẫn đưa họ đến với Người và giữ cho họ được hiệp thông với Người.
Bước đầu tiên để đi tới nhiệm vụ đó chính là tình yêu của Phêrô đối với Người mục tử nhân lành. Điều cần ghi nhận là vị trí tối thượng của Phêrô được đặt trên tình yêu tối thượng của ông đối với Đức Giêsu, bởi vì Người chỉ giao nhiệm vụ chăn chiên sau khi đã hỏi Phêrô là có yêu thương Người hơn những môn đệ khác không. Nơi ông, tình yêu đối với Đức Giêsu càng sống động, thì bản thân ông càng mất tầm quan trọng, ông càng phải săn sóc những ai được giao phó cho ông, ông phải dẫn họ đến với Đức Giêsu và giữ cho họ kết hợp với Người. Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần là ông có yêu mến Người không. Phêrô không khẳng định mạnh để trả lời; ông nhắc lại rằng, Đức Giêsu biết, và ông tuyên xưng chính tình yêu của ông. Lần thứ ba, ông buồn, vì ông nhớ lại chuyện chối Đức Giêsu ba lần. Nhưng Đức Giêsu đã tha thứ cho ông rồi. Bây giờ, khi ông đã trải nghiệm tối đa sự yếu đuối của bản thân, thì Đấng Phục Sinh giao phó nhiệm vụ mục tử cho ông. Lần thứ ba, ông trả lời thẳng thắn, ông không thể che đậy gì với Chúa, vì ở với Người, mọi chuyện được bảo đảm.
Vào giờ ly biệt, Phêrô đã khẳng định là sẽ theo Chúa. Đức Giêsu đã loại bỏ sự tự phụ này và báo trước: “Sau này, anh sẽ đi theo Thầy” (Ga 13,36).[24] Phêrô sẽ chia sẻ số phận của Đức Giêsu, sẽ chết như Người, một cái chết tàn bạo. Ông sẽ bị dẫn đến nơi ông không muốn. Ông phải chấp nhận điều mà kẻ khác áp đặt cho ông. Ta không chắc phải chăng là khi nói như thế, Đức Giêsu nhắm đến cái chết thập giá. Nhưng vào lúc mà Phêrô không còn chọn con đường của mình nữa, thì ông đã ở trên đường của Đức Giêsu, Đấng đã nhận lấy cái chết thập giá. Do đó, Đức Giêsu bảo ông: “Hãy theo Thầy” (câu 19.22). Dù thế nào, Đức Giêsu luôn luôn ở với Phêrô không những khi thành công, mà cả khi thất bại, cả khi ông bị người đời khước từ và giết chết (câu 18.19).
+ Kết luận
Trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ sống thời gian sau này, khi Người không còn hiện diện hữu hình giữa các ông nữa. Các lần Người hiện ra sau Phục Sinh cũng nhắm mục tiêu này. Các ông phải biết chắc chắn rằng Người đã chiến thắng trên sự chết và Người sẽ trở về với Thiên Chúa. Các ông phải tin vào Người là Đức Chúa và Thiên Chúa. Điều tác giả thực sự muốn chúng ta biết chắc, đó là các tông đồ đã trải nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, nhưng đồng thời, ngài cũng cung cấp một bài giáo lý cho các Kitô hữu thời ngài. Hôm nay, Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang ở với chúng ta qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu chỉ để nói về niềm tin vào Đức Giêsu, thì các chương 1-20 cũng đã đủ, hoặc chỉ cần nói thêm đến Ga 21,14. Do đó, có thể nói bài tường thuật cuộc hiện ra này chỉ là dịp để đưa vào cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Phêrô. Như thế, ở đây không còn là một vấn đề Kitô học nữa, mà là một vấn đề Giáo Hội học.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu Phục Sinh vẫn luôn ở gần bên các môn đệ, âu yếm dõi theo các hoạt động của họ, nhưng họ không cảm thấy được sự hiện diện này. Và Người giúp họ thắng vượt những thất bại, nếu họ vâng nghe lời Người chỉ dẫn. Đối với chúng ta cũng thế, Đức Giêsu Phục Sinh luôn chúc phúc cho công việc chúng ta làm và vẫn là nguồn ban sự sống cho chúng ta. Chúng ta phải trung thành với những nhiệm vụ được giao phó và bước theo Người trên đường Người đi.
2. Hình ảnh Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các môn đệ nhắc lại cho các ông nhớ rằng Người chính là lương thực nuôi dưỡng các môn đệ. Hôm nay vì Người đã sống lại, Người đúng là lương thực thần linh, ban sự sống đời đời, giúp cho các môn đệ đủ sức tiến về quê hương vĩnh cửu.
3. Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục hiện diện và hướng dẫn các môn đệ sống và làm việc bằng Lời của Người. Khi các cộng đoàn Kitô hữu đi theo các lời chỉ bảo của Người, họ sẽ thấy những kết quả thường phi thường, được bài Tin Mừng hôm nay tượng trưng bằng lượng cá lớn mà các môn đệ bắt được.
4. Qua hoạt cảnh Đức Giêsu Phục Sinh trao nhiệm vụ mục tử cho Phêrô, chúng ta hiểu: vị mục tử nhân loại cần nhớ rằng mình chỉ là người được giao phó nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của chính Đức Giêsu. Như thế, mục tử nhân loại cũng phải liên tục bước theo Đức Giêsu để có thể chu toàn sứ mạng được ký thác. Để luôn ở ngang tầm với sứ mạng, người mục tử cứ phải yêu mến Đức Giêsu hơn mọi người khác.
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Ga 20,19-21: 19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.
[3] Ga 20,30-31: 30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
[4] Cv 6,1-6: 1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. 2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. 4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”. 5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. 6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
[5] Mt 25,33: Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
[6] Mt 13,47: Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.
[7] Ga 10,16: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.
[8] Ga 12,32; 6,44: 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 12 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.
[9] G. Mlakuzhyil, The Christocentric Literary Structure of the Fourth Gospel, pp. 344.
[10] Ed 34,2: Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Ít-ra-en, hãy tuyên sấm. Hãy nói với chúng, với các mục tử đó: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?
[11] Lc 17,7: Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”.
[12] Ed 34,10: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.; Cv 20,28: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.; Kh 7,17: Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.
[13] R.E. Brown, The Gospel according to John, II, XIII-XXI, 1105t; Mlakuzhyil, Structure, 344-345 (xem các Chú thích 298-299).
[14] Quyển sách Tân Ước khác dùng từ “arnion” là sách Khải Huyền (29 lần).
[15] R.E. Brown, The Gospel according to John, II, 1105t; Mlakuzhyil, Structure, 344-345 (xem các Chú thích 298-299). C. Rusconi lại cho rằng, phải đọc “probata” ở ngay câu 16 là “probation”, “agnello”, “agnella” (xem mục từ này trong Vocabolario del Greco del Nuovo Testamento, EDB, Bologna 1997, 287). Đây là quan điểm của Codex Vaticanus, Nestle, Aland Synopsis, Barrett, Bultmann.
[16] Đây là hiện tượng mà các nhà chuyên môn gọi là anagnorisis (Xem Vocabulaire 70-71). Cũng là peripeteia (Voabulaire 77).
[17] Ga 6,1: Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.
[18] Ga 6,35: Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”.
[19] Ga 13,36-38: 36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”. 37 Ông Phê-rô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” 38 Đức Giê-su đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.
[20] Ga 18,15-18.25-27: 15 Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. 16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. 17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Ông liền đáp: “Đâu phải”. 18 Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ. 25 Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” Ông liền chối: “Đâu phải”. 26 Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” 27 Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.
[21] Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI ngày 24-5-2006. Đây cũng là quan điểm của PIB.
[22] Ga 14,15-24: 15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. 22 Ông Giu-đa, không phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” 23 Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
[23] Ga 14,6: Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
[24] Ga 13,36: Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo”.
============
CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ
Ga 1,1-18: Ngôi Lời Đã Làm Người
Ga 1,6-8.19-28: Ông Gioan – Người Làm Chứng
Ga 1,35 – 42: Các Môn Đệ Đầu Tiên
Ga 2, 13 – 25: Đức Giêsu Thanh Tẩy Đền Thờ
Ga 3,13-17: Chính Nơi Thập Giá, Thiên Chúa Nói Với Chúng Ta Mọi Sự
Ga 3,14-21: Một Tình Yêu Vượt Quá Tầm Suy Nghĩ Của Con Người
Ga 3,16-18: Một Tình Yêu Không Thể Tin Được
Ga 4,5-42: Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ
Ga 6,1-15: Đức Giêsu Hóa Bánh Ra Nhiều
Ga 6,24-35: Tôi Là Bánh Ban Sự Sống
Ga 6,35-40: Tôi Sẽ Cho Họ Sống Lại
Ga 6, 41-51: Tôi Là Bánh Hằng Sống Từ Trời Xuống
Ga 6,51-58: Sự Sống Xuất Phát Từ Hành Động Trao Ban Sự Sống
Ga 6,54a.60-69: Bỏ Đi Hoặc Ở Lại
Ga 8,1-11: Đức Giêsu Và Người Phụ Nữ Ngoại Tình
Ga 9,1-41: Ánh Sáng Cho Người Mù
Ga 10,1-10: Đức Giêsu Là Cửa Ràn Chiên
Ga 10,11-18: Tôi Là Mục Tử Nhân Lành
Ga 10,27-30: An Toàn Trong Tay Thiên Chúa
Ga 11,1-45: Chính Thầy Là Sự Sống Lại Và Là Sự Sống
Ga 12, 20 – 33: Ánh Sáng Của Thập Giá
Ga 13,31-33a.34-35: Điều Răn Mới
Ga 14,1-12: Sự Hiệp Thông Bền Vững
Ga 14,15-21: Tuân Giữ Các Điều Răn Của Thầy
Ga 14,23-29: Đức Giêsu Luôn Luôn Hiện Diện
Ga 15,9-17: Ở Lại Trong Tình Yêu Và Sinh Hoa Kết Trái