Mt 11,2-11: Thầy Có Thật Là Đấng Phải Đến Không?
Mt 11,2-11: Thầy Có Thật Là Đấng Phải Đến Không?
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Mt 11,2-11 [1]
2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 3 “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 4 Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: 5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, 6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.
7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? 8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
***
1.- Ngữ cảnh
Với các Chương 11–12 này, chúng ta đến một khúc quanh trong Tin Mừng theo Matthew. Trong mười chương trước, Nước Trời đến gần, dường như không hề gặp trở ngại nào; ở đây, có điều mới xuất hiện: các câu hỏi chính xác được đặt ra cho Đức Giêsu.
Gioan Tẩy Giả phái các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Phía họ, những người Pharisee cùng với các Kinh Sư (x. Mt 12,38)[2] đã ngỏ lời lần đầu tiên trực tiếp với Đức Giêsu với giọng trách móc và phê phán: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày Sabath” (Mt 12,2). Đó là những câu hỏi quan trọng vừa xuất hiện. Đứng trước bản thân và hoạt động của Đức Giêsu, người ta phải lấy lập trường. Dường như Đức Giêsu có thể là “đối tượng gây vấp phạm” (Mt 11,6), còn “thế hệ này” không sẵn sàng đón tiếp Nước Trời đang đến gần, các thành ở bờ hồ không hoán cải (x. Mt 11,20), phong thái của Đức Giêsu thực sự bị tranh luận (x. Chương 12), và người ta đã “bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mt 12,14).
Bầu khí ngờ vực và đặt vấn đề này là bầu khí mới so với những gì xảy ra trước đây. Quả thật, cho tới nay, chúng ta đã thấy Đức Giêsu tỏ mình ra dần dần như là Đấng Messiah; các chặng chính được Đức Giêsu trình bày với một nội dung huấn giáo phong phú:
1. Như một đoạn văn tổng quát báo trước, các Chương 1–2 đã giới thiệu xuất xứ của Đức Giêsu, con cháu vua David và tổ phụ Abraham; ngay vào thời thơ ấu, Người đã tỏ ra là Đấng Kitô, là Đấng Messiah, hoàn tất lịch sử thánh của Israel nơi bản thân và bằng số phận của Người.
2. Ở Chương 3–4, Vị Tiền Hô mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, đã ban phép rửa cho Đức Giêsu: dịp này, Đức Giêsu đã đăng quang làm Đấng Messiah; sau khi đã được Chúa Cha ban chứng từ thánh hiến, đã chịu quỷ thử thách, Người đã đi loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.
3. Trong các Chương 5–7, qua huấn giáo của Đức Giêsu, người ta đã nhận ra quyền lực của Nước Thiên Chúa và đòi hỏi phải dấn thân; Bài Giảng Trên Núi đã khiến cho các đám đông phải kinh ngạc và thán phục.
4. Xuyên qua các phép lạ chữa bệnh mà Đức Giêsu đã thực hiện cũng như lời nói đầy hiệu năng của Người, các Chương 8–9 giúp khám phá ra uy quyền được ban cho Người cũng như quyền lực đầy năng động của Nước Thiên Chúa.
5. Ở Chương 10, qua bài sai ban cho Mười Hai Tông Đồ và bài diễn từ truyền giáo, ta khám phá ra rằng, các sứ giả của Nước Thiên Chúa được thực sự chia sẻ uy quyền của Đức Giêsu, do các ông được liên kết mật thiết với bản thân Người.
Xuyên qua tất cả các Chương này, ta thấy danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, bay sang cả các miền chung quanh (x. Mt 4,24; 9,26.31).[3] Sự chống đối chưa lộ rõ bao nhiêu, chỉ có một vài lời chỉ trích phát xuất từ nhóm Pharisee (x. Mt 9,11)[4] hoặc các môn đệ của ông Gioan (x. Mt 9,14)[5] dưới dạng những câu hỏi lịch sự, chỉ có một phản ứng quyết liệt hơn lộ ra ở Mt 9,34,[6] nhưng cũng còn ngắn ngủi, để rồi chỉ được nhắc lại và triển khai ở Mt 12,24.[7] Nói đúng ra, trong tất cả những chuyện này, chưa có tranh luận, và ngôn ngữ ẩn dụ của các dụ ngôn chưa được sử dụng, ngoại trừ câu truyện về “hai loại nhà” kết luận Bài Giảng Trên Núi (Mt 7,24-29).[8]
Tuy nhiên, nên ghi nhận phương diện đe dọa và xung đột đã được Mười Chương đầu này của Tin Mừng nêu lên: ý định nham hiểm của vua Herod (x. Mt 2,16),[9] cuộc chiến đấu chống các cám dỗ (x. Mt 4,1-11),[10] lời loan báo những bách hại (x. Mt 5,10-12.44; và nhất là Mt 10,16-23.38).[11] Nhưng đấy là một sự đối kháng mà Đức Giêsu luôn chiến thắng, hoặc là một lời Đức Giêsu kêu gọi đừng sợ hãi, mà hãy nhận ra mối phúc của Nước Thiên Chúa ngay giữa cuộc đối đầu gian khổ. Dù sao, dường như ơn cứu độ đã được đảm bảo cho người nào đứng vững tới cùng (x. Mt 10,22).[12] Do giọng điệu tha thiết của Đức Giêsu nhằm giúp các môn đệ đối phó với những khó khăn và trở ngại họ sẽ gặp, Bài Diễn Từ Truyền Giáo đã mở ra một viễn tượng mới: đó là cuộc thử thách đức tin sẽ phải trải qua.
Đã đến lúc phải tự hỏi về ý nghĩa của hoạt động của Đức Giêsu, như tác giả Matthew đã trình bày khá dài: phải nghĩ gì về những “việc Đức Giêsu làm” (Mt 11,2.19)?.[13] Phải hiểu thế nào về những “cử chỉ quyền lực” ấy (Mt 11,20.21.23)?.[14] Thật ra đây là câu hỏi về tư cách Messiah của Đức Giêsu: từ ngữ “Kitô” mà tác giả Matthew đã sử dụng trong Chương 1–2, đến đây mới xuất hiện lại (x. Mt 11,2). Dường như bây giờ chúng ta đã rơi vào tình trạng lưỡng lự: ơn cứu độ vẫn còn được trình bày như có thể đạt được mà thôi, trong khi đó rõ ràng các lần từ khước, các chống đối, các tranh luận lại nối tiếp nhau đặt Đức Giêsu thành vấn đề. Tác giả sẽ trình bày phần Tin Mừng còn lại như câu truyện về một sự từ khước. Chính là theo chiều hướng này mà chúng ta có thể nói đến một khúc quanh trong diễn tiến của Tin Mừng Matthew.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Mở đầu cuộc tranh luận Kitô học (11,2-3);
2) Câu trả lời của Đức Giêsu về bản thân Người (11,4-6);
3) Bài tán dương của Đức Giêsu về Gioan (11,7-11; ở trong Tin Mừng, thì đọc tới câu 15).
3.- Vài điểm chú giải
– Đấng phải đến (3): Dịch sát nghĩa của từ “ho erchomenos” là “Đấng đang đến”. Chúng ta nhớ đến lời rao giảng trước đây của Gioan Tẩy Giả: “Đấng đến sau tôi thì mạnh hơn tôi (ho opisô mou erchomenos)” (Mt 3,11).
Lời này đưa chúng ta trở lại với sấm ngôn của Isaia: “Kìa Đức Chúa đến với sứ mạnh [quang lâm hùng dũng], tay nắm trọn chủ quyền” (Is 40,10). Do đó, Đấng Messiah cũng được gọi là “Đấng được chờ đợi”, “Đấng sẽ đến”, “Đấng Thẩm phán” (x. Dcr 9,9; Tv 118,26; St 49,10).[15] Gioan Tẩy Giả đã so sánh sức mạnh của Đấng Messiah với việc người tiều phu dùng rìu hạ cây (x. Mt 3,10),[16] rồi với người nông dân sàng sảy sân lúa (Mt 3,12).[17] Ông mời gọi người tội lỗi hoán cải và ban một phép rửa giúp bày tỏ lòng sám hối, trước khi “Đấng ấy” đến, là “Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa” để tiêu diệt (x. Mt 3,11).[18] Đây chính là vị Thẩm phán đáng sợ sẽ dùng lửa không hề tắt mà tiêu diệt tất cả những kẻ tội lỗi không chịu hoán cải (x. Ml 3,2-3).[19]
– Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (6): “Cớ vấp phạm”, “skandalon”, là “cái bẫy đặt trên đường; chướng ngại vật làm cho người ta té ngã”; và nghĩa bóng là tất cả những gì làm cho người ta rơi xuống về mặt luân lý hay tôn giáo. Đức Giêsu tiên liệu rằng, câu trả lời của Người có thể làm cho Gioan Tẩy Giả thất vọng, bởi vì quan niệm của ông về Đấng Messiah quá khác với cách Đức Giêsu đang thực hiện hình ảnh Đấng Messiah của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nghĩ đến phản ứng của Phêrô khi nghe loan báo Thương Khó (Mt 16,22-23)[20] hoặc ngôn sứ Jonah sau khi thấy Thiên Chúa tha thứ cho thành Nineveh (Gn 4).[21]
4.- Ý nghĩa của bản văn
Gioan Tẩy Giả đã loan báo là đến sau ông, sẽ có một người mạnh hơn ông và vượt xa ông về phẩm cách. Người ấy sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và sẽ tách lúa với vỏ trấu ra (Mt 3,11t; x. Is 40,10).
Bây giờ Vị Tẩy Giả đang ở trong tù. Do bởi thái độ cứng rắn và những lời nói đanh thép của ông, vua Herod Antipas đã phải ra lệnh bắt giam ông. Nhưng vì ông nổi tiếng là đạo đức, ông được đối xử đặc biệt; các bạn bè có thể đến thăm ông, cho ông biết những tin tức ở bên ngoài. Ông đặc biệt quan tâm đến Đức Giêsu Nazareth.
* Mở đầu cuộc tranh luận Kitô học (2-3)
Gioan nghe nói đến những hành động của Đức Giêsu. Phải nghĩ về Đức Giêsu như thế nào? Người có thật là Đấng mà ông đã loan báo là đang đến chăng? Quyền bính và năng lực của Người đang đang được biểu lộ ra ở đâu? Chẳng lẽ trong thân phận tù tội, ông không đáng được Đức Giêsu dùng quyền lực Người mà giải thoát sao? Người có thật đang tách hạt lúa khỏi vỏ trấu chăng? Ở đâu? Đức Giêsu là ai? Hẳn là Người phải nói năng và hành động cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn chứ?
Khởi đi từ hoàn cảnh cá nhân ông và sự hiểu biết của ông về các hoạt động của Đức Giêsu, Gioan nêu ra câu hỏi quyết liệt: Phải chăng đã đến lúc hoàn tất mọi sự? Chúng tôi có thể tín nhiệm vào Người chăng? Người là ai? Các môn đệ của Vị Tiền Hô đã đến gặp Đức Giêsu và nêu câu hỏi đúng như thầy họ đã dặn.
* Câu trả lời của Đức Giêsu về bản thân Người (4-6)
Đức Giêsu không cung cấp một câu trả lời rõ ràng và trực tiếp. Qua các môn đệ Gioan, Đức Giêsu đưa Vị Tiền Hô trở lại điểm xuất phát của câu hỏi của ông. Gioan phải diễn dịch ra được câu trả lời từ các việc Đức Giêsu làm, là chính những việc đã thúc đẩy Gioan đặt câu hỏi (Mt 11,2). Các môn đệ ông lại phải về làm chứng cho thầy về những việc Đức Giêsu đã làm (“Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe”), và Đức Giêsu mô tả các việc ấy ra bằng cách nhắc đến các lời hứa Cựu Ước (x. Is 35,4-5t; 29,18-19; 61,1).[22]
Đức Giêsu khẳng định rằng lời hứa ấy đang được hoàn tất nơi các hành vi của Người; qua các hành vi này, quả thực Thiên Chúa đang can thiệp để ban ơn cứu độ. Qua các hành động của Đức Giêsu, Nước Trời hay là quyền chúa tể của Thiên Chúa với quyền lực và ân sủng, đang thật sự trở nên gần gũi (Mt 4,17).[23] Quyền chúa tể này trước tiên không được tỏ ra như là khả năng thắng vượt các quyền lực đối lập của loài người: Gioan sẽ bị chém đầu trong ngục (Mt 14,10);[24] Đức Giêsu sẽ chết trên thập giá; các môn đệ Người sẽ bị bách hại (Mt 10,16-25).[25] Triều đại Thiên Chúa cũng chưa tỏ hiện rõ ràng như việc tức khắc tách biệt lúa và vỏ trấu. Việc phán xét chung kết được dành cho ngày Con Người đến: khi đó kẻ dữ sẽ bị tách ra khỏi những người công chính (Mt 13,36-43.47-50).[26] Nước Trời sẽ được biểu lộ nơi sự kiện những người sống trong cảnh cùng quẫn sẽ được Thiên Chúa trợ giúp (Mt 8,2–9,35) và nơi sự kiện Tin Mừng được loan báo với tất cả uy quyền (Mt 5,1–7,29). Đức Giêsu bắt đầu công việc rao giảng bằng cách loan báo mối phúc cho người nghèo (Mt 5,3);[27] ở tại trung tâm của lời rao giảng này, có sứ điệp về vị Thiên Chúa quyền năng và nhân ái, sứ điệp về Cha Người và Cha của tất cả mọi người, Đấng muốn cho tất cả mọi người được hiệp thông mãi mãi trong vinh phúc với Ngài. Đức Giêsu tự giới thiệu mình như là Đấng cứu chuộc những người cùng khổ và như sứ giả làm chứng về niềm vinh phúc ấy. Trước tiên Người không đến như một người đấu tranh chống lại bạo lực và như thẩm phán nghiêm khắc.
Mỗi người phải tự nhận định và lấy lập trường đối với Người (x. Mt 11,20-24).[28] Đức Giêsu cũng giúp chúng ta ý thức về điểm này: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6). Người không áp đặt cách hành động của Người nhờ sức thuyết phục của những sự kiện hoàn toàn hiển nhiên; Người dành không gian cho người ta đón nhận hoặc từ khước, cho người ta tin hoặc không tin.
* Bài tán dương của Đức Giêsu về Gioan (7-11)
Sau khi đã trả lời câu hỏi về thân thế Người, bây giờ Đức Giêsu đề cập đến công việc và bản thân của Vị Tẩy Giả (Mt 11,7-15).[29] Người ca ngợi lối xử sự cương nghị và lối sống không ngạo mạn tự phụ của đấng không hề cúi gập người lại trước những bậc quyền quý như một cây sạy cong người trước gió (x. Mt 14,3-12)[30] và không ăn mặc lụa là mềm mỏng. Chính sự trung tín và sự dơn giản của ông làm cho ông trở nên đúng là một ngôn sứ nói nhân danh Thiên Chúa (x. Mt 21,26.32)[31] và đáng tin. Nhưng ông còn hơn là một ngôn sứ. Tất cả những vị đến trước ông đều thuộc về thời đại lời hứa, các vị ấy chỉ loan báo từ xa biến cố Đấng Messiah đến trong quyền lực và mang theo ân sủng (Mt 11,13).[32] Gioan là vị ngôn sứ của thời kỳ hoàn tất, nên cao trọng hơn tất cả các vị đi trước. Ông là sứ giả đi ngay trước Đức Chúa và chuẩn bị trực tiếp cho Người đến (Mt 11,10). Ông là Elijah đi trước Đức Chúa và chuẩn bị cho dân chúng đón tiếp Người (Mt 11,14; x. Ml 3,23; Hc 48,10).[33]
Với cách đánh giá Vị Tẩy Giả như thế, Đức Giêsu một lần nữa trả lời gián tiếp cho câu hỏi của ông. Nếu Gioan ở rất sát thời kỳ hoàn tất, thì với Đức Giêsu, thời này đã đến. Nếu Gioan là vị sứ giả dọn đường, thì với Đức Giêsu, người ta đã đón được Đức Chúa đến: không chính xác theo kiểu ông hình dung và chờ đợi (x. Mt 3,12), mà là theo cách Thiên Chúa đã định. Sánh với những người đã đến trước, ông là người cao trọng nhất. Sánh với những người đang thuộc về Đức Giêsu và có thể trải nghiệm sự gần kề của Nước Trời trong sự hiệp thông với Người, ông là người nhỏ. Sự vĩ đại và nhỏ bé ấy không liên hệ đến ơn cứu độ hoặc giá trị luân lý của con người, nhưng liên hệ đến thời gian và biến cố trong đó người ấy được tham dự vào. Chính vì thế Đức Giêsu bảo rằng các môn đệ có phúc so với nhiều ngôn sứ và người công chính (Mt 13,16t).[34] Như thế, thời đại và công trình của Đức Giêsu có một ý nghĩa duy nhất.
+ Kết luận
Qua các môn đệ của Vị Tẩy Giả, Đức Giêsu cũng trả lời cho chúng ta: Người chính là Đấng Messiah mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Chúa từ ngàn xưa. Thiên Chúa vẫn trung thành với lời Ngài hứa; chỉ có con người qua dòng thời gian, đã giải thích sai lạc lời Thiên Chúa hứa để đưa nhau đến những niềm chờ mong hão huyền, theo lòng dạ hẹp hòi của mình. Hôm nay, Đức Giêsu mời chúng ta điều chỉnh lại cách chúng ta nhìn lịch sử cứu độ: không theo khuôn khổ các giấc mơ của chúng ta, nhưng đúng theo chương trình của Thiên Chúa. Và nếu qua Lời Chúa hôm nay, người môn đệ nhận ra rằng mình cũng được mời gọi làm Tiền Hô của Đức Kitô đối với con người hôm nay, thì chúng ta cũng cần nhớ rằng, chúng ta chỉ có thể chu toàn được sứ mạng nếu dựa vào phẩm cách cao quý của Đức Giêsu, Đấng chúng ta loan báo.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay, nhiều Kitô hữu vẫn đang mơ một ơn cứu độ không phù hợp với cách Thiên Chúa quan niệm. Việc Đức Giêsu chữa bệnh và nhất là việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo cho thấy rằng Người không phải là một thẩm phán nghiêm khắc nhưng là một vị Messiah ân cần và từ bi. Thay vì trừng phạt những kẻ tội lỗi, loại trừ những kẻ gian ác, Người lại ban ơn chữa lành cả tâm hồn và thân xác, Người an ủi, Người soi chiếu, Người trợ giúp những ai đang đau khổ, Người đi qua giữa loài người để chỉ làm điều thiện (Chương 8–9), tha thứ tội lỗi (Mt 9,2).[35] Hẳn là có những người khó chịu? Ngay chúng ta đây, chúng ta có chấp nhận được việc Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Ngài ra trong sự khiêm nhường và yếu đuối chăng? Do đó Đức Giêsu đã nói: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. Đây cũng chính là “cớ vấp phạm” do các Mối Phúc gây ra.
2. Con đường tất cả các môn đệ phải theo là nhìn thấy các dấu chỉ mà biết giải thích đúng đắn, biết nhận ra đó là các công trình của Thiên Chúa. Đây là nẻo đường đức tin, khởi đi từ những điều thấy được và đưa tới chỗ khám phá ra Đức Giêsu là ai. Đây là con đường đưa từ bóng tối đến ánh sáng, đi từ những dấu chỉ đến với thực tại được ám chỉ. Nhìn Hài Nhi bé bỏng yếu ớt nằm trong máng cỏ, mà nhận ra đó là Cứu Chúa và Đức Chúa; nhìn Con người bị đóng đinh đau đớn và nhục nhã nhất mà nhận ra đó là Đức Vua Cứu thế, đấy là qua dấu chỉ mà khám ra được thực tại.
3. Đức Giêsu tôn trọng tự do chọn lựa hay từ chối của chúng ta; Người không áp đặt. Do đó, chúng ta không được đánh giá Đức Giêsu tùy theo các chờ đợi hoặc ước muốn của chúng ta, và dựa trên đó mà chỉ trích hay từ khước Người. Trái lại, chúng ta phải thấy thực sự Người là ai và Người đang làm gì, để rồi đón tiếp Người với niềm vui và tri ân, cho dù chúng ta phải sửa chữa và bỏ đi một vài ý tưởng hoặc sự chờ đợi sai lạc nào đó.
4. Là những con người sống ở thời đại “cuối cùng”, chúng ta “có phúc” hơn là chính Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, chúng ta có biết trân trọng những ân huệ đang nhận và dùng những ân huệ đó mà xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người khác chăng?
[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] x. Mt 12,38: 38 Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ”.
[3] x. Mt 4,24; 9,26.31: 24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. 9 26 Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng. 31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
[4] x. Mt 9,11: 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”.
[5] x. Mt 9,14: 14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”.
[6] Mt 9,34: 34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.
[7] Mt 12,24: 24 Nghe vậy, những người Pha-ri-sêu nói rằng: “Ông này trừ được quỷ chỉ là nhờ dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun”.
[8] Mt 7,24-29: 24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”. 28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
[9] x. Mt 2,16: 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.
[10] x. Mt 4,1-11: 1 Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. 5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. 7 Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. 10 Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. 11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
[11] x. Mt 5,10-12.44: 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Mt 10,16-23.38: 16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. 17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. 21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. 23 “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.
[12] x. Mt 10,22: 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
[13] Mt 11,2.19: 2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động”.
[14] Mt 11,20.21.23: 20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: 21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.
[15] x. Dcr 9,9: 9 Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
Tv 118,26: 26 Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA. Từ nhà CHÚA, chúng tôi chúc lành cho anh em.
St 49,10: 10 Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục.
[16] x. Mt 3,10: 10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.
[17] Mt 3,12: 12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.
[18] x. Mt 3,11: 11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.
[19] x. Ml 3,2-3: 2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 3 Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính.
[20] Mt 16,22-23: 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
[21] Gn 4: 1 Ông Giô-na bực mình, bực lắm, và ông nổi giận. 2 Ông cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và nói: “Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. 3 Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” 4 ĐỨC CHÚA hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” 5 Ông Giô-na ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. 6 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu. 7 Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. 8 Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giô-na; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống”. 9 Thiên Chúa hỏi ông Giô-na: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được!” 10 ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. 11 Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?”.
[22] Is 35,4-5tt; 29,18-19; 61,1: 4 Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em”. 5 Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. 29 18 Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. 19 Nhờ ĐỨC CHÚA, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Ít-ra-en, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng. 61 1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân.
[23] Mt 4,17: 17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.
[24] Mt 14,10: 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an.
[25] Mt 10,16-25: 16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. 17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. 21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. 23 “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến. 24 “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25 Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.
[26] Mt 13,36-43.47-50: 36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe. 47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
[27] Mt 5,3: 3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
[28] x. Mt 11,20-24: 20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: 21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. 22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. 23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. 24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi”.
[29] Mt 11,7-15: 7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? 8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. 9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. 11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. 12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. 15 Ai có tai thì nghe.
[30] x. Mt 14,3-12: 3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. 4 Ông Gio-an có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy”. 5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. 7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. 8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm”. 9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. 10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. 11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. 12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.
[31] x. Mt 21,26.32: 26 Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ”. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.
[32] Mt 11,13: 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri.
[33] Mt 11,14: 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.
x. Ml 3,23: 23 Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.
x. Hc 48,10: 10 Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh, để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Gia-cóp.
[34] Mt 13,16t: 16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.
[35] Mt 9,2: 2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”.
=======
CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ
Mt 1,18-24: Khởi Đầu Mới Phát Xuất Từ Thiên Chúa
Mt 2,1-12: Dân Ngoại Đứng Trước Đức Vua Của Người Do Thái
Mt 3,1-12: Lời Loan Báo Của Gioan Tẩy Giả
Mt 4,1-11: Cám Dỗ Tại Hoang Địa
Mt 4,12-23: Chương Trình Hoạt Động Của Đức Giêsu
Mt 5,1-12a: Đức Giêsu Loan Báo Các Mối Phúc
Mt 5,13-16: Nhiệm Vụ Của Người Môn Đệ
Mt 5,17-37: Thứ Bậc Các Giá Trị Theo Đức Giêsu
Mt 5,38-48: Yêu Thương Tha Nhân Không Giới Hạn