Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo
SAN GIOVANNI ROTONDO. Lúc 9 giờ rưỡi sáng ngày 17-3-2018, ĐTC Phanxicô đã đến thị trấn San Giovanni Rotondo, gặp gỡ các trẻ em bị ung thư và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
Trong số các công trình Cha Piô để lại nơi đây có Nhà Thoa dịu đau khổ, nay là một nhà thương tối tân nhất ở miền nam Italia với 1.200 giường bệnh, gồm rất nhiều khu khác nhau.
Đến San Giovanni Rotondo lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được giáo quyền, chính quyền, cũng như các cha dòng Capuchino tiếp đón và liền đó ngài đến thăm khu điều trị trẻ em bị ung thu tại bệnh viện Nhà Thoa dịu đau khổ gần đó. ĐTC đã ân cần hỏi thăm và khích lệ hơn 20 em bị ung thư, cùng với cha mẹ các em.
Và lúc gần 11 giờ, ĐTC đã viếng Đền thánh Đức Mẹ Ân Phúc. Tại đây, cha Bề trên tổng quyền và cha giám tỉnh dòng Capucino, Thánh Thiên Thần và Thánh Piô, đã tiếp đón, hướng dẫn ngài kính viếng di hài Cha Thánh Piô và Thánh Giá các dấu thánh giữ tại Đền thánh này.
Cử hành thánh lễ
Lúc 11 giờ 30 ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ ngoài trời cho khoảng 30 ngàn tín hữu từ các nơi tựu về, trong đó có 300 bệnh nhân được sự giúp đỡ của tổ chức Unitalsi chuyên giúp đưa các bệnh nhân đi hành hương. Đặc biệt cũng có một phái đoàn tín hữu gốc Ý từ Argentina.
Đồng tế với ĐTC có Đức TGM Michelle Castoro của giáo phận Manfredonia sở tại cùng với 3 GM, Cha Bề Trên Tổng quyền dòng Capuchino và khoảng 100 LM dòng Capuchino và thuộc tổng giáo phận Manfredonia sở tại.
Bài giảng
Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc trong thánh lễ, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu qua 3 lời: cầu nguyện, bé nhỏ, khôn ngoan.
Ngài nêu cao cách thức của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, đối thoại như con thảo với Chúa Cha, và Cha Piô cũng thường nhắn nhủ các con cái: ”Hỡi các con, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mõi” (Parole al 2o convegno internazionale dei gruppi di preghiera, 5-5-1966). ĐTC nói:
Chúng ta hãy tự hỏi: kinh nguyện của chúng ta có giống kinh nguyện của Chúa Giêsu hay không, hoặc đó chỉ là những lời kêu cứu khẩn cấp thỉnh thoảng xảy ra? Hoặc chúng ta hiểu kinh nguyện như những liều thuốc an thần cần sử dụng đều đặn để được lắng dịu tinh thần, chống lại sự căng thẳng? Không phải vậy, kinh nguyện là một cử chỉ yêu thương, là ở với Chúa, là trình bày cho Chúa cuộc sống của thế giới: đó là công việc từ bi thương xót tinh thần không thể thiếu được. Và nếu chúng ta không phó thác các anh chị em và những tình cảnh cho Chúa, thì ai sẽ làm? .. Vì thế Cha Piô đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Cha nói với họ: ”Chính kinh nguyện là sức mạnh của tất cả các tâm hồn tốt lành được liên kết với nhau, kinh nguyện ấy làm chuyển động thế giới, đổi mới các lương tâm [...] chữa lành những người bệnh, thánh hóa công việc, nâng cao sự săn sóc sức khỏe, mang lại sức mạnh tinh thần [..], làm lan tỏa nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên những yếu nhược và kiệt lực”.
Lời thứ hai là ”bé nhỏ”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì đã tỏ lộ những mầu nhiệm nước Chúa cho những người bé nhỏ. Đây là những người không tự mãn, tự phụ, những người có con tim khiêm tốn và cởi mở, thanh bần và túng thiếu, thấy mình cần phải cầu nguyện và để cho mình được đồng hành. Con tim của những người bé nhỏ giống như ăng ten bắt được tín hiệu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa tìm cách tiếp xúc với tất cả mọi người, nhưng ai coi mình là người lớn, thì tạo nên một sự nhiễu sóng trầm trọng; khi người ta tự mãn, thì chẳng còn chỗ cho Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa yêu thương hơn những người bé nhỏ, và tỏ mình ra cho họ..
Lời sau cùng là sự khôn ngoan, như bài đọc thứ I theo sách ngôn sứ Giêrêmia (9,22) “Người khôn ngoan đừng tự phụ vì sự khôn ngoan của mình, kẻ mạnh đừng hãnh diện vì sức mạnh của mình”. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại có những tài năng lớn lao và sức mạnh chân thực không hệ tại quyền lực... Khí giới khôn ngoan duy nhất và không thể chiến bại chính là đức bác ái được đức tin linh hoạt, vì đức bác ái có năng lực giải trừ sức mạnh của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu chống sự ác trong trọn cuộc đời và đã chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa, nghĩa là với lòng khiêm tốn, vâng phục, với thập giá, dâng hiến đau khổ vì tình yêu. Tất cả đều cảm phục Cha về điều đó, nhưng ít người bắt chước cha... Thánh Piô đã dâng hiến cuộc sống và vô số những đau khổ để giúp các anh chị em gặp gỡ Chúa. Và phương thế quan trọng để gặp Chúa chính là phép giải tội, bí tích hòa giải. Chính nơi bí tích này mà một cuộc sống khôn ngoan, được yêu thương và tha thứ, được khởi sự và tái khởi sự, chính nơi bí tích này bắt đầu sự chữa lành tâm hồn. Cha Piô là tôn đồ của tòa giải tội. Ngày nay ngài cũng mời gọi chúng ta đến bí tích này.
Sau thánh lễ ĐTC còn chào thăm chính quyền và một số đại diện tín hữu trước khi đi ra bãi đậu trực thăng lúc 1 giờ trưa để đáp trực thăng về Roma lúc 2 giờ.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2018/03/17