Giấc mơ huynh đệ không chỉ dừng lại ở lời nói
Vatican News
Diễn đàn Nghiên cứu Hồi giáo lần thứ 4 đang diễn ra trong những ngày này, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Đức Thánh Cha và Đại Imam Ahmad Al-Tayyib của đại học Al-Azhar ký kết Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại vì Hoà bình Thế giới và Chung sống.
Trong sứ điệp gửi đến 180 tham dự viên gồm các học giả, nhà nghiên cứu đến từ 27 quốc gia, quy tụ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng “giấc mơ về tình huynh đệ trong hoà bình không chỉ dừng lại ở lời nói, ở trên bàn thảo luận”. Ngài nhận xét rằng hiện nay trong xã hội có ba cản trở con đường này. Đó là ba khuyết điểm của tinh thần con người phá huỷ tình huynh đệ và cần phải nhận diện nó để tìm lại sự khôn ngoan và hoà bình.
Trước tiên là “thiếu hiểu biết người khác”. Biết người khác, xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau sẽ thay đổi hình ảnh tiêu cực mà chúng ta có thể có về anh chị em trong các bài phát biểu, các ấn phẩm và trong giảng dạy. Đây là cách để bắt đầu tiến trình hoà bình được tất cả mọi người đón nhận. Nếu không có một nền giáo dục dựa trên sự tôn trọng và hiểu biết người khác thì hòa bình không có giá trị cũng như không có tương lai.
Điều thứ hai cản trở tình huynh đệ được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là “thiếu lắng nghe”. Ngài nhận xét: “Biết bao điều tệ hại có thể tránh được trong các gia đình, các cộng đồng chính trị hoặc tôn giáo, trong các trường đại học và giữa các dân tộc và các nền văn hoá, nếu người ta biết lắng nghe nhau, biết thinh lặng và nói lời chân thật”. Đức Thánh Cha giải thích thêm rằng để tranh luận, chúng ta phải học lắng nghe, nghĩa là thinh lặng và sống chậm lại, không sợ “hiểu lầm”. Kết quả là chúng ta sẽ có được một tầm nhìn chung về hoà bình để xây dựng tình huynh đệ.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tuy nhiên, tranh luận đòi hỏi một nền giáo dục linh hoạt về trí tuệ. Thiếu nền giáo dục này là trở ngại thứ ba cho tình huynh đệ. Do đó, đào tạo và nghiên cứu phải nhằm mục đích làm cho những người nam người nữ của các dân tộc chúng ta không cứng nhắc, nhưng linh hoạt, sống động, cởi mở với sự khác biệt, tình huynh đệ”.
Đọc bài viết gốc tại đây