Giáo hội tại thành phố Basra có thể sẽ vắng bóng khi tín hữu di cư đi nơi khác
Vatican News
Giáo hội tại Basra đang biến mất như đang xảy ra ở phần lớn các nơi ở Iraq: hầu hết các nhà thờ trong thành phố, trung tâm quy chiếu của một khu vực giàu dầu mỏ, thậm chí hiện nay không còn được sử dụng nữa bởi vì 80% tín hữu trong số các tín hữu nghi lễ Assyria, Canđê và Syriac là những cư dân nguyên thủy của tỉnh đã di cư hoặc bỏ trốn.
Một số người đã tìm nơi ẩn náu ở phía bắc, ở khu vực người Kurd ở Iraq, nơi tình hình - tương đối - yên tĩnh hơn, bất chấp các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chống lại người Kurd vẫn tiếp tục trong những tuần gần đây và không tha cho các Kitô hữu. Những người khác đến các cộng đồng hải ngoại rộng lớn hiện nay ở Bắc Mỹ, Châu Âu hoặc Australia.
Rudaw Aram Sabah, thành viên của tổng giáo phận nghi lễ Canđê ở Basra và miền nam Iraq, giải thích với trang tin của người Kurd: " Họ cảm thấy bị đe dọa. Đây là lý do tại sao các Kitô hữu di cư. Mỗi khi có cơ hội, họ nắm lấy nó và rời đi". Ông cho rằng việc di cư trong quá khứ là do một loạt lý do bao gồm cả việc bị gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu ổn định.
Ông nói tiếp: "Có nhiều lý do dẫn đến việc di cư của các Kitô hữu. Khi luật pháp yếu kém, nhà nước không hoạt động hoặc quyền của bạn không được công nhận và bạn bị coi là công dân hạng ba, bạn sẽ di cư ra nước ngoài bất cứ khi nào bạn thấy có cơ hội". Ông kết luận rằng hiện tượng này "rất đau lòng", cũng bởi vì mạng sống của người dân thường bị đe dọa "do những lời đe dọa liên quan đến mạng sống" hiện vẫn còn.
Basra là trung tâm quan trọng nhất ở miền nam Iraq và là nơi xảy ra bạo lực sắc tộc và giáo phái nghiêm trọng trong những năm gần đây, khiến Giáo hội phải đình chỉ mọi hoạt động ngoài mục vụ và chính quyền phải áp đặt lệnh giới nghiêm. Số tín hữu đã giảm từ 1,5 triệu trước cuộc xâm lược của Hoa Kỳ năm 2003 xuống còn dưới 300 ngàn (theo một số nguồn chỉ có 150 ngàn). (Asia News 31/01/2024)