Chủ Nhật 13 TN năm C: Ba Người Muốn Theo Chúa
Phần cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa. Chúng ta chẳng biết họ là ai, cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không, nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ, để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
“Thưa Thầy, Thầy đi đâu con cũng xin đi.” Thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào !
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định; là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Ðấng mà chỗ tựa đầu đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa đầu cuối là thập giá. Hay nói theo đức cha Oanh, đời Chúa gắn liền ba chữ đ : sinh ngoài đồng, sống ngoài đường, chết ngoài đồi. Nhưng mà cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn, trước những đòi hỏi bất ngờ của Chúa Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện : cho anh về chôn cất người cha trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng. Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc thực sự : “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết !” Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách. Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng ; nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương, sao lại bỏ bê !
Nhưng cắt nghĩa thế này ít gây sốc hơn : "Tôi phải chôn cha tôi" đó là cách nói ngày nay vẫn còn thông dụng ở Đông Phương. Một giáo sĩ Tây phương tên Waldmeter thuật lại chuyện người bạn của giáo sĩ là một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ giàu có và thông minh. Giáo sĩ khuyên anh nên du lịch Âu Châu sau khi tốt nghiệp để kiến thức được đầy đủ hơn, chàng Thổ trả lời: "Nhưng tôi phải chôn cha tôi trước đã". Vị giáo sư tỏ bày cảm thông và chia buồn về việc cha chàng qua đời. Nhưng thanh niên Thổ cho biết cha chàng vẫn còn sống, và chàng có ý nói mình phải làm tròn bổn phận đối với cha mẹ trước khi có thể lên đường du lịch. Và quả thật, anh không thể nào ra đi cho đến khi cha mình qua đời, và rất có thể còn nhiều năm nữa. Đó chắc cũng là ý muốn của thanh niên trong đoạn Tin Mừng này: "Một ngày kia, khi cha tôi chết đã, tôi sẽ theo Ngài".
Anh ta hoãn việc theo Chúa lại nhiều năm sau, nhưng Chúa Giêsu là Đấng khôn ngoan, Ngài biết rõ lòng người, Chúa biết rằng nếu chàng không theo Ngài lúc đó thì sẽ chẳng còn dịp nào nữa. Có nhiều lúc chúng ta được thôi thúc vào những công tác cao hơn, nhưng lần nào cũng vậy, chúng ta cứ bỏ lỡ cơ hội mà không hành động. Cái bi đát của đời sống thường ở chỗ bỏ lỡ thời cơ. Chúng ta được cảm thúc làm điều thiện hoặc từ bỏ một vài sự yếu đuối hay thói quen, chúng ta được thôi thúc nói với ai điều gì, một lời an ủi, cảnh cáo hoặc khuyến khích; nhưng thời giờ trôi qua, công việc vẫn chưa hoàn tất, điều ác vẫn chưa thắng được, lời vẫn chưa bao giờ nói.
Trong chúng ta, người tốt nhất vẫn còn một chút uể oải lười biếng nào đó, còn thói quen trì hoãn bỏ trôi công việc, còn sợ hãi và không dứt khoát, và cơ hội tốt thường không được chuyển thành hành động và sự việc. Chúa Giêsu đang phán cùng người này: "Trong giây phút này, ngươi cảm biết mình phải ra khỏi cái xã hội chết mà ngươi đang sống, ngươi nói chờ cho năm tháng qua đến khi cha ngươi chết thì ngươi mới ra đi ; hãy đi ngay bây giờ hoặc sẽ chẳng bao giờ ngươi ra khỏi đó". Nguyện Chúa ban cho ta sức mạnh quyết định để giúp chúng ta khỏi thảm cảnh của thời cơ đã mất.
"Con sẽ theo Chúa, nhưng hãy cho con về lo cho ba con đã,
con không biết khi nào các vị mãn phần.
Khi làm tròn chữ hiếu xong, con sẽ chọn theo thầy."
Lập luận có vẻ có hiếu đó, nhưng hãy biết "trước hết lo việc Chúa, còn mọi sự khác Chúa thêm cho sau."
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã. Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Không bao giờ có người nông dân nào có thể cày một luống thẳng trong lúc cứ ngoái nhìn lại đằng sau. Thế mà có nhiều người chân bước theo Chúa mà lòng còn đặt vào việc thế tục đã qua, lòng còn bị chia sẻ … Đối với hạng người này Chúa Giê-su không bảo "hãy theo Ta," cũng không bảo "hãy trở về", nhưng Ngài bảo "Ta không chấp nhận một sự phục vụ hâm hẩm." Thái độ hâm hẩm ấy chứng tỏ anh ta chưa nhận thức được cái đặc ân vinh hiển được Chúa kêu mời hay vẫn còn cân nhắc đặc ân ấy với hy sinh phải chịu.
Người thứ ba : xin cho tôi về từ giã gia đình trước.
Thực ra gia đình, nếu đó là vợ chồng, là một ràng buộc. Mà ràng buộc thì không được cắt đứt. Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân li. Cho nên khi Chúa nói từ giã gia đình, chắc là những cái không buộc phải ràng, tức là từ giã những giá trị đời này : nhà cửa, tiện nghi, thú vui, tiền tài, của cải…
Một linh sư Ấn Độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông. Có một người đàn ông nọ muốn xin làm đệ tử. Ông rón rén đến bên vị linh sư và đặt dưới chân vị tu hành hai viên ngọc quý như của lễ ra mắt. Vị linh sư cầm lấy một viên và ném xuống sông. Tiếc của, người đàn ông giàu có liền nhảy xuống sông để cố tìm lại viên ngọc. Nhưng mất một ngày mà không tài nào tìm lại được. Chiều đến, người đàn ông xin vị linh sư chỉ rõ nơi linh sư đã ném viên ngọc quý. Vị linh sư cầm viên ngọc còn lại ném luôn xuống sông và nói: "Ta đã ném vào chỗ đó. Ngươi hãy lặn xuống mà tìm".
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa. Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai. Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu, Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã. Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta? Ðâu là lựa chọn ưu tiên một? Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng. Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài, tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Chúng ta là Kitô hữu, tức là thân hữu, là bằng hữu của Chúa, mà cũng là người đi theo Chúa. Có lúc nào ta theo Đạo mà chẳng biết theo ai không ?
Triết gia Martin Buber có kể về đạo sĩ Naftali ở Ropschitz như sau: Trong thành phố nầy, những người giàu có thường mướn người bảo vệ nhà ban đêm. Những người nầy đi bách bộ chung quanh khu vực họ phải canh. Một buổi tối kia, đạo sĩ Naftali đi bách bộ trong phố. Ông gặp một người bảo vệ và hỏi anh: "Anh đi cho ai?" Anh nầy nói tên người chủ của anh và hỏi lại đạo sĩ: "Còn ngài, thưa đạo sĩ, ngài đi cho ai?" Câu hỏi đánh động ông như một mũi tên nhọn, ông trả lời một cách cực nhọc: "Cho đến bây giờ, ta chưa đi cho ai cả". Im lặng một hồi lâu, ông hỏi người bảo vệ: "Anh có muốn làm việc cho ta không?". Anh bảo vệ trả lời: "Tôi muốn lắm và tôi phải làm gì cho ngài?". Đạo sĩ trả lời: "Anh phải nhắc ta điều đó". ("ngài đi cho ai = ngài đang theo ai")
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
(tổng hợp từ Lm Cao Siêu, Lm Ngọc Hàm và vài nguồn khác)