Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Chủ Nhật 3 MC năm C: Hai bài học từ hai bài đọc

BTT OFMVN
2019-03-22 23:00 UTC+7 212

Hôm nay ta sẽ rút ra hai bài học từ hai bài đọc. Bài học một từ bài đọc một. Bài học hai từ bài đọc ba, tức bài Tin Mừng.

1. Bài học một.

Bài đọc I trong 5 Chúa nhật Mùa Chay cứ tuần tự thuật lại 5 giai đoạn trong lịch sử cứu độ, hay còn được hiểu là 5 giai đoạn trong cuộc hành trình loài người tìm gặp Chúa (1). Hôm nay tới giai đoạn của Môsê. Bài đọc I kể chuyện Chúa hiện ra với Môsê, điều đáng để ý là Chúa không hiện ra với ông trong Đền thờ mà là trong sa mạc (thật ra thời dân ở Ai Cập làm gì có đền thờ, nhưng chí ít cũng chọn một nơi “ngon” hơn một chút); và hay ho hơn nữa, Chúa hiện ra không phải khi Môsê đang cầu nguyện mà trong lúc ông đang chăn cừu. Vậy là, Chúa hiện ra cho Môsê ở một nơi “phàm trần” và trong một sinh hoạt “phàm trần.”

Chúng ta có biết đặc điểm của người giáo dân được CĐ Vatican 2 kể ra là gì không? Hãy mở Hiến chế tín lý về Giáo Hội, chương 4, bàn về giáo dân, số 31, thấy ngay: “tính cách phàm trần (trần thế) là tính cách riêng biệt và đặc thù của người giáo dân” mà người giáo dân chiếm 99,99% Dân Chúa.

Vậy là, Chúa không bắt người giáo dân phải vào đền thờ mới gặp được Chúa. Sẽ có lúc Chúa đòi như thế, như hôm nay Chúa nhật ta đến Nhà Thờ (nhưng đó không phải là bài học ta rút từ bài đọc 1 hôm nay). Chúa cũng không đòi chúng ta phải ngưng công việc thường ngày, rồi quỳ đọc kinh cầu nguyện, bấy giờ Chúa mới hiện ra. Không. Ngài đã gặp Môse đang khi ông chăn cừu, trong sa mạc đất phàm.

Khi ở Chicago, ghé thăm văn phòng của một bà giáo dân làm việc cho giáo xứ, tôi ngạc nhiên thấy trong phòng bà lúc nào cũng có ngọn nến. Bà tới nơi làm việc, việc đầu tiên là đốt ngọn nến. Hỏi bà lý do, bà có sẵn ngay: nơi làm việc là nơi thánh

Ta thử đọc lại câu chuyện Mô-sê: Hãy cởi dép ra vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. Dù Môsê đang đứng tại một nơi phàm trần giữa hoang địa, nhưng Chúa bảo ông rằng đó là nơi thánh. Điều gì đã khiến nơi đó thành nơi thánh ? Thưa chính là sự hiện diện của Chúa. Mà Chúa chẳng ngại gì hiện diện giữa nơi phàm trần, nơi mà người giáo dân sống và làm việc. Ta nghe thêm Công Đồng nói: “Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả dệt thành đời sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, (…) để họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình: tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác.”

           Không cần thắp lên ngọn nến bằng sáp như bà kia khi đến nơi làm việc, nhưng cứ buôn bán lương thiện, chạy xe (ôm, xích lô, taxi, tải…) không ép giá, thi cử không quay cóp, dạy học theo lương tâm, làm các nghề sự nghiệp hành chánh công minh chính trực, chu toàn bổn phận cha mẹ, vợ chồng con cái trong gia đình…, ắt sẽ là những ngọn nến có khi còn sáng hơn ngọn nến sáp kia nhiều, vì được đốt bằng tim gan, xương máu của ta. Làm việc tận tuỵ sao không tiêu hao xương máu được !

           Vậy là bài học một rút từ bài đọc một là ta hãy biến nơi phàm trần ta ở, chốn trần thế ta làm việc trở thành nơi thánh bằng cách để Chúa đến ở với ta.

           2. Bài học hai

           Bài học hai rút ra từ bài Tin Mừng. Bài Tin Mừng nhắc đến 2 biến cố đẫm máu, tuy thua xa các vụ bắn chết 50 người tại hai đền Hồi giáo bên New Zealand mới đây, hay không kêu to như vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân Trung Quốc năm nào (12-8-2015), cũng không dã man như vụ giết 6 người tại Bình Phước 4 năm trước đây (7-7-2015), nhưng cũng gây kinh hãi: “Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.”  Vậy là họ bị giết ngay trong khu vực đền thờ, mới có máu chiên bò sát sinh hoà lẫn với máu của người bị giết. Đó là chuyện người ta kể cho Chúa nghe.

Đáp lại, Chúa kể cho họ nghe chuyện mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết. Nhà thờ Ngọc Lâm, tỉnh Thái Nguyên sáng 17-1-13 sập mái, chết mấy người, bị thương trên 5 chục. Cũng ghê ! Ta thử theo chân các nhà lịch sử Kinh Thánh để hiểu hơn một chút hai cuộc chết chóc mà Tin Mừng nhắc đến. (2)

Lúc đó Phi-la-tô, tên rất quen thuộc, vì ta có nhắc đến tên ông quan này trong kinh Tin Kính, Philatô có một quyết định rất tốt rằng Giê-ru-sa-lem cần có một hệ thống dẫn nước mới và tân tiến hơn. Ông quyết định xây cất hệ thống đó, và để đài thọ cho việc này, ông đề nghị dùng một phần tiền của Đền Thờ. Nghe đến ý tưởng sử dụng tiền của Đền Thờ vào việc không phải đền thờ (trần thế) cũng đủ khiến dân Do-thái cầm vũ khí chống lại. Khi dân chúng tụ tập lại thì Phi-la-tô cho lính của ông cải trang trà trộn với họ. Lính được lệnh mang gậy thay vì gươm. Đến lúc được báo hiệu, lính xông vào dân chúng và phân tán họ. Việc đó đã diễn ra đúng nhưng vì bọn lính đã hành động rất hung dữ, đi quá lệnh trên, gây thiệt mạng cho một số thường dân người Galilê.

Còn về phần mười tám người bị tháp Si-lô-ê đổ xuống đè chết, cho đến nay vẫn còn là một sự kiện bí mật. Nhưng có người cho rằng họ đã lãnh việc xây ống dẫn nước của Phi-la-tô, một công việc mà dân chúng ghét. Vì số tiền công họ lãnh đều là tiền của Chúa và đáng lẽ họ phải tình nguyện trả lại vì tiền đó từ đền thờ, tức là một cách lấy trộm của Chúa. Khi tháp Si-lô-ê đổ xuống trên họ thì dân chúng cho rằng vì họ đã bằng lòng làm công việc đó, cho nên Chúa phạt nhãn tiền. Người Do-thái đã nghiêm khắc kết buộc “đau khổ”“tội lỗi” với nhau. Trước đó rất lâu, Êlipha đã nói với Gióp rằng: "Có ai vô tội mà bị tiêu diệt đâu?" (G 4,7) Đây là một giáo lý độc ác, cay nghiệt như Gióp đã biết rõ. Chúa Giê-su đã bác bỏ thuyết đó đối với một số trường hợp cá nhân. Như người mù thủa mới sinh : “chẳng phải lỗi nó, chẳng phải tội cha mẹ nó.”

Mà thường những thánh nhân là những người chịu đau khổ nhiều nhất. Thánh vịnh nói: «Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân». Các Ki-tô hữu thời sơ khai, các thánh tử đạo, thường là những người hiền đức nhưng cuộc đời của họ nhiều khi gặp toàn nghịch cảnh, và có khi phải chết một cách thảm thiết. Chẳng hạn rất nhiều Ki-tô hữu bị Nê-rô cho sư tử xé xác và bị thiêu sống tập thể. Chính thánh Tê-rê-xa A-vi-la cũng gặp rất nhiều thử thách, đến nỗi bà phải than với Chúa: «Bây giờ con mới hiểu tại sao Chúa lại quá ít bạn như thế, vì Chúa thường đối xử với bạn thân thiết của Chúa như thế này đây!».

Cho nên khi nói về hai cuộc chết chóc trên, Chúa Giêsu muốn nói ngay, chẳng phải họ có tội mà họ chết đâu. Chúa Giê-su còn đi xa hơn nữa và nói rằng nếu các thính giả của Ngài không chịu nhìn vào chết chóc đó mà ăn năn thì họ cũng sẽ bị tiêu diệt.

Trong thời Chúa Giêsu cũng như thời chúng ta, chúng ta dễ bị cám dỗ giải thích các biến cố cách thiếu bác ái đối với người khác. Biết bao lần người ta đã nghe những lối giải thích bộc phát như sau: Trời phạt nó. Đó là án phạt của Chúa, hoặc chúng ta dễ lạm dụng kiểu nói “trời có mắt” để biện minh cho ý của chúng ta, để tạo cho mình mối quan tâm được Chúa ưu đãi hơn những người khác.

Và rồi chúng ta cũng dễ có cám dỗ ngược lại và gán ép cho Chúa những biến cố bất lợi xảy đến cho chính chúng ta: Trời bỏ tôi. Chúa làm ngơ giả điếc. Ngài trả thù mà... Đôi khi những biến cố đó chỉ là do những nguyên nhân thiên nhiên vô hồn (thời tiết, bệnh truyền nhiễm, tai biến tự nhiên...). Cần phải hết sức thận trọng khi giải thích những gì xảy đến cho ta.

Người khôn ngoan nhất là người -như Chúa Giêsu dạy- biết lợi dụng tất cả những gì xảy đến để hoán cải không ngừng, để tạ ơn Chúa khi gặp những biến cố may mắn, để xin cho tâm hồn vững mạnh và biết tùng phục ý Chúa khi gặp các biến cố xui xẻo. Như thế lời Kinh thánh sau đây sẽ nên trọn cho chúng ta: “Mọi sự đều góp phần sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa ” (Rm 8,28). Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh

--------------------------------------------------

(1) Bài đọc I các Chúa nhật Mùa Chay có một bố trí đặc biệt, không liên quan tới bài Tin Mừng, như các CN Thường Niên. Nó diễn đạt lại 5 giai đoạn của lịch sử cứu độ, CN I : Thời nguyên thủy ; CN II : Thời Abraham ; CN III : Thời Mô-sê ; CN IV : Thời Đất Hứa ; CN V : Thời các ngôn sứ.

(2) theo giải thích trong bài chia sẻ của cha Hàm

 

 

Chia sẻ