Chủ Nhật 6 TN năm C: Ngẫm Về Chữ Phúc
Nhiều chữ “phúc” vang lên trong bài Tin Mừng hôm nay, lại là liền sau Tết Kỷ Hợi, nên suy tư về chữ “phúc” quả là xứng hợp.
Khổng Tử một ngày kia đi dạo núi Thái Sơn, gặp ông Vĩnh Khải Kỳ cũng đang ngao du tại đó. Ông này mặc áo da cừu, lưng thắt dây đai, tay gảy đàn cầm, vừa đi vừa hát. Khổng Tử hỏi: Tiên sinh làm thế nào mà thường xuyên vui vẻ thế ?
Vinh Khải Kỳ trả lời : Trời sinh muôn vật muôn loài, mà loài người là quí nhất. Ta được làm người đó là một điều quý, đáng vui. Trong loài người, đàn ông quí hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều quí, đáng vui. Người ta sinh ra có người đui người què có người sống yểu chết non, còn bọc trong tã mà đã chết rồi, mà ta đây hoàn toàn khoẻ mạnh, nay đã 90 tuổi, thế là ba điều quý, đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự hết của đời người, ta nay xử cảnh thường như nhiều người, đợi lúc hết như mọi người, thì có gì là lo là buồn.
Đức Khổng Tử nói: Phải lắm, tiên sinh thế là biết cách hưởng sự vui sướng ở đời.
Vinh Khải Kỳ quả đang sống những cái phúc ở đời.
Bài Tin Mừng hôm nay của Luca tuy chỉ vang lên 4 chữ phúc, chứ không như của Matthêu đến 8 chữ phúc, nhưng như thế cũng là phúc lắm rồi, bởi có kẻ được phúc này, có kẻ được phúc kia, có kẻ hai ba bốn phúc, có kẻ nửa chữ phúc cũng tìm không ra.
Trong cuộc sống thường ngày ta cũng dễ thấy cái Phúc nằm ở nhiều lớp người, nhiều hoàn cảnh. Lm Cao Siêu ghi :
“Chẳng có gì dễ hiểu như hai từ hạnh phúc.
Nhưng định nghĩa hạnh phúc lại là điều không dễ.
Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc,
và nơi mỗi người, quan niệm này cũng biến đổi theo thời gian.
khi thì hạnh phúc là cái này lúc thì hạnh phúc là cái kia.
Đói, hạnh phúc là cơm canh. Đau, hạnh phúc là chạy nhảy
Thường ta hay chạy theo những cái bóng của hạnh phúc,
để rồi vỡ mộng, nhưng nhờ đó ta dần dần hiểu hơn
thế nào là hạnh phúc đích thật.
Hạnh phúc không nằm nơi của cải, kiến thức, quyền uy.
Hạnh phúc không do chiếm được những gì mình muốn,
nhưng do trao hiến điều quý nhất của mình.
Hạnh phúc là sự ổn thỏa giữa tôi với Chúa,
giữa tôi với anh em, giữa tôi với chính tôi...” (Lm Cao Siêu)
Có những lúc hạnh phúc thật đơn sơ dễ thấy nhưng mà cũng khó đạt :
Nhà kia có người con ngoan ngoãn hiếu đễ – ta khen : ông bà là người có phúc.
Gia đình nọ, vợ chồng chí thú làm ăn, nuôi dạy con cái nên người, ta khen : anh chị là người hạnh phúc.
Nhà nọ, đầm ấm sum vầy, ta bảo : họ có phúc.
Và cũng có cái phúc thật giản đơn: Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo, tức là mất phúc !
Vậy là cái phúc ở đời nằm trong tay nhiều hạng người, nhiều hoàn cảnh chứ không giới hạn ở một vài dăm ba. Thì cái phúc của người theo Đức Kitô, (Kitô hữu) cũng nằm trong tay nhiều hạng, chứ không chỉ 4 như Luca, hay 8 như Matthêu, hay thêm cái phúc tin không có trong bộ tứ, bộ bát trên, như trong Gioan, không thấy mà tin cũng phúc. “Phúc cho ai không thấy mà tin,” “phúc cho bà là người đã tin,” “phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”.… Do đó cái chính không phải là xem hạng người nào có phúc, nhưng xem coi : người có phúc thì họ được gì.
Cả 4 mối Phúc của Luca lẫn 8 mối Phúc của Matthêu cũng đều nhắc tới cái được. Gom tất cả các cái được đó lại và nhại theo câu chuyện giữa Khổng Tử và Vinh Khải Kỳ mà chúng ta nghe đầu bài, ta có thể thuật như sau :
“Một ngày kia, Đức Khổng Tử đi chu du thiên hạ, gặp một nhóm người ngực mang khổ giá nhưng nét mặt vẫn tươi vui. Bảng tên của họ ghi “Kitô hữu.” Đức Khổng Tử hỏi một người trong nhóm: Này anh, kẻ hậu sinh, nhóm của anh tìm được cái gì mà sao anh và họ vui tươi hớn hở như thế ? Nét mặt các anh biểu lộ tâm hồn của những phúc nhân, những chân phước.
“Chàng Kitô hữu trả lời:
“Chúa trời sinh muôn vật muôn loài mà loài người là quí nhất. Chúng tôi được làm người, đó là một điều phúc.
“Chẳng những chỉ là người bình thường mà chúng tôi còn được làm người con của Trời, con của Chúa, làm thiên tử. Về điều phúc này lớn lao quá, đến nỗi khổ mấy để đạt được cũng không quản, đạt được rồi, vui mấy cũng không vừa. Không bút nào tả cho xiết, không lời nào nói cho cùng. Chúng tôi là thiên tử, là con trời. Đó là 2 điều Phúc.
“Là con trời nhưng Trời không là vị Chúa tể oai phong cho bằng Trời là Cha, Chúa là mẹ. Chúa là Cha, cũng không phải là cha nghiêm khắc công thẳng mà là Cha nhân từ. Cha chúng tôi nhân từ đến độ có người cho là nhu nhược, nhưng Ngài vẫn cứ giữ nhân từ vô cùng như thế. Dù chúng tôi có tội lỗi bao nhiêu, dù chúng tôi có xúc phạm Ngài thế nào, chỉ cần một tiếng khóc ăn năn: Phúc cho kẻ than khóc, thì Ngài liền quảng đại thứ tha. Cha chúng tôi quyền phép vô cùng nên mới nhân từ vô hạn được như vậy. Đó là 3 điều phúc.
“Rồi khi cái chết là sự hết của đời người, chúng tôi sẽ được về cùng Cha, không phải chỉ mãi là tâm linh là khí phách sống trong nhà Cha, mà cả xác của chúng tôi cũng được phục sinh trong ngày sau hết để vui hưởng hạnh phúc trong nhà Cha như nhà mình : đó là 4 điều phúc.”
Nghe chàng Kitô hữu trả lời, Khổng Tử liền nói: “Được 4 chân phúc như các anh các chị, làm sao các anh các chị không vui, không mừng được. Lời của các anh chị nghe là lời phúc: Phúc âm. Tin mà các anh chị nhận là Tin Mừng : Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.”
Cứ đón, cứ nhận những Tin Mừng mà Đức Kitô loan báo,
Cứ nghĩ tới cứ nhớ về những cái Phúc mà chúng ta được đó :
-phúc làm người,
-phúc làm người con Chúa,
-phúc làm người con Chúa là Cha nhân từ,
-phúc được về nhà Cha cả hồn lẫn xác,
Chúng ta sẽ đủ sức mạnh đủ nghị lực để sống vui sống hạnh phúc chẳng những đời sau mà đời này nữa, cho dù có nhiều nghịch cảnh vây quanh ta, ta vẫn vang lên những lời chúc phúc mà chắc chắn Chúa đã hứa và Chúa sẽ thực hiên. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm