Chủ Nhật III Phục Sinh năm B: Thiên Nhiên Minh Chứng Có Sống Lại
Khi một người đi du lịch ở nước ngoài về, họ kể cho chúng ta nghe tháp Eiffel cao thế nào, sắt sơn màu gì, dòng sông Seine nước chảy ra sao. Chúng ta tin có như vậy. Đó là tin bởi nghe. Rồi thì họ cho ta xem những tấm hình kỷ niệm họ đứng bên bảo tàng viện Louvre. Ta càng tin họ hơn về những gì đã nghe. Đó là tin bởi thấy. Tin bởi thấy (bằng mắt) thì dễ hơn tin bởi nghe (bằng tai).
Thường thì cho nghe trước, xem sau. Trình tự này cũng giống như bài Tin Mừng hôm nay.
Khởi đầu : 2 môn đệ đi Emmau về thuật lại họ đã gặp Chúa như thế nào lúc đi đường và bẻ bánh. Mọi người bàn tán. Đó là tin bởi nghe.
Rồi Chúa hiện ra, Ngài đưa tay chân (có vết thương) cho họ xem. Và đó là tin bởi thấy.
Các Tông đồ tin bởi thấy, nhưng truyền lại cho chúng ta thì chỉ bằng lời. Vì thế chúng ta chỉ còn một cách để tin : Tin bởi nghe. Các Tông đồ không có máy ảnh, để ghi lại một bức hình khi Chúa hiện ra. Không có video để quay cảnh Chúa giơ tay chân, ăn bánh trước mặt các Tông đồ như thế nào. Iphone di động càng không có. Vì thế chúng ta không có cơ hội tin bởi thấy, mà hoàn toàn tin bởi nghe.
Nhưng không phải cứ nghe gì là tin cái đó. Không phải cứ thấy cái gì là tin liền ngay. Một con người chưa bước ra khỏi nhà mà ba hoa nói về những chuyện ở tận bên Tây bên Tàu, ta nghe đó nhưng đâu có tin.
Một con người đưa tấm hình rõ ràng họ chụp đứng trên toà nhà chọc trời Nữu Ước. Ta thấy đó – nhưng đâu có tin, nhất là gần đây, nhìn những Album, có cảnh cô dâu chú rể chui vào ly rượu, chui vào TV, chụp hình, ta thấy đó, nhưng đâu có tin thật như vậy. Vì ta biết rõ, chẳng qua là ghép hình, là photoshop.
Vậy từ nghe đến tin và từ thấy đến tin còn cần đến bộ óc phán đoán, nhận xét. Đó mới là cái chính. (chúng ta không bàn tới tin là ơn nhưng không Chúa ban).
Vậy nếu chúng ta, những kể hậu sinh của các Tông đồ, chúng ta chỉ được nghe mà không được thấy về Chúa sống lại, thì điều đó cũng không thiệt hại gì cho chúng ta, vì chúng ta còn bộ óc để suy xét nữa, và bộ óc sẽ cho chúng ta thấy nhiều khi cả những điều mà các Tông đồ thời xưa không thấy.
Nếu thiên nhiên mạc khải có Thiên Chúa, (như nhìn thiên nhiên, vũ trụ với trật tự lạ lùng liền biết có Chúa là Đấng tạo thành), thì thiên nhiên cũng mạc khải – cho ta thấy- có sự sống lại. Ta sẽ điểm 4 hình ảnh thiên nhiên cũng minh chứng sự sống lại:
1. Hạt lúa : nếu phơi khô – ướp lạnh – cất kỹ – vẫn là hạt lúa. Nhưng nếu ngâm nước, chôn dưới đất, sinh ra cây lúa.
Hình ảnh này chính Chúa đã dùng . Và thánh Phaolô đã nói tới khi trả lời cho dân Corinto. Họ hỏi Phaolô khi sống lại, lấy xác nào mà trở về ? Phaolô đã trả lời– Bạn gieo vật gì thì vật ấy phải chết đi mới sống lại được chứ. Vật bạn gieo không phải là thân cây tương lai, song chỉ là hạt. Từ hạt, Chúa làm nảy nở cây riêng biệt. Đó là hình ảnh kỳ diệu – cho chúng ta hiểu được phần nào việc sống lại – việc đi từ thế giới này chuyển qua thế giới bên kia.
2. Con bướm : khi nhìn một con bướm ngày đẹp đẽ, có ai lại nghĩ rằng nó thoát xác từ một con sâu róm lông lá xấu xí, phải bò chui dưới lá cây đất đá. Sâu nào ra bướm đó. Có cái liên tục và có cái cách quãng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể suy ra : từ thân xác hay chết, thuộc về cát bụi, sẽ trở thành thân xác vinh quang thuộc thần thiêng, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác.
3. Bảo tồn xác : Tại sao phải chôn cất con người đàng hoàng? Tại sao khi con người chết, khác hẳn với con vật. Tôn trọng, thì người ta làm lăng tẩm để giữ xác, hoặc chôn cất với quan tài gỗ quí để giữ xác được lâu; hoặc nữa, có hoả thiêu cũng giữ lại tro cốt. Tất cả sự quí trọng đối với thân xác đó như muốn cho ta thấy, cho ta hiểu xác loài người sẽ có một ngày như thế nào đó chứ chẳng lẽ. Đức tin Kitô giáo gọi là sống lại.
4. Vật quí giá : Hình ảnh này tôi học được nơi một linh mục trong Dòng, nay đã chết. Điều chúng ta tưởng khó tin nhất là xác loài người sống lại, lại không khó tin lắm theo lý luận này. Trong một bữa ăn, linh mục này nói, chứng minh xác sống lại dễ lắm. Và cha lý luận : Nếu chúng ta có 1 radio cổ lỗ xĩ, dùng đèn, ta bỏ đi cũng không tiếc, nhưng nếu ta có Tivi video, đa hệ, tự động tối tân, ta bỏ đi ta có tiếc không ? Nếu ta có máy vi tính thông minh, ta vất đi, ta có tiếc không. Thân xác chúng ta còn giá trị, qúi báu gấp bội cái đầu video, cái máy vi tính cực kỳ tối tân. Đầu óc, con tim, cánh tay… bất cứ cái gì cũng vô giá. Đến nỗi lúc tạo dựng xong con người, Chúa nói “tốt quá sức.” Vậy lẽ nào Chúa lại để cho cái tốt đẹp quá sức đó phải hư nát.
Ngay cả khi thân xác ta già nua, bệnh hoạn, tật nguyền, thì thân xác đó vẫn mang hình ảnh của Chúa : Nào Ta dựng nên con người giống hình ảnh Ta. Làm sao Chúa Tạo Hoá lại để nó hư nát được.
Thánh Phêrô trong bài giảng chứng minh Chúa Giêsu sống lại, đã dùng đến Tv 15 : “Chúa sẽ không để mạng tôi chôn vùi trong âm phủ”.
Vậy là ta đã thử dùng 4 hình ảnh thiên nhiên cung cấp để minh chứng có sự sống lại của thân xác là : Hạt lúa, con bướm, tôn trọng xác người, và vật thể quí giá.
Tin Chúa Giêsu chết và sống lại thì dễ hơn là tin chúng ta sẽ sống lại. Ngài là Chúa, Ngài sống lại cũng dễ thôi, cũng như chúng ta dễ dàng tin Tổng Thống quyền phép, Vua kia giàu có … nhưng từ cái giàu có, quyền phép của Tổng Thống, của vua kia mà chúng ta cũng được lây hưởng, đó mới là điều khó. Thì, Đức Kitô chết và sống lại, có mục tiêu là để chúng ta cũng được sống lại như Người. Đó chính là TIN MỪNG. Đúng là tin vui mừng thật.
Khi con người đón nhận cái tin mừng đó, thì cơ nguy không còn hiểm nghèo nữa, hy sinh không còn khó chịu nữa, già lão không phải là thảm hoạ, cuộc sống không là ngục tù và cái chết không phải là tử thù.
Xin cho mọi người Kitô hữu biết sống trọn Tin Mừng này bằng cách luôn hát Alleluia trong mọi lúc, luôn biết qúi trọng thân xác mình và tha nhân vì một ngày kia xác loài người sẽ sống lại.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm