Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Chủ Nhật VII PS năm C: Đức Giêsu Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Mọi Thời

BTT OFMVN
2019-05-31 23:00 UTC+7 260

1.- Ngữ cảnh

a) Tính xác thực của ch.17

          Hai diễn từ cáo biệt của Đức Giêsu kết thúc bằng lời cầu nguyện long trọng duy nhất này. Chúng ta có cảm tưởng một khi đã khẳng định: “Thầy đã thắng thế gian” (16,33), Đức Giêsu đã bước qua ngưỡng cửa của thế giới vĩnh cửu. Vậy phải đọc lời cầu nguyện này như một Bài Tiền Tụng phụng vụ, y như thể Đức Giêsu đã long trọng đọc hoặc hát lên vào ngay lúc Người đi vào trong vinh quang của Người. Tác giả cho thấy Đức Giêsu nói vừa y như thể Người còn đang còn ở trong thế gian (17,13.19), vừa y như thể Người đã rời khỏi thế gian (17,4.11.12.18). Trong tâm trí của tác giả, Chúa Con vừa trở về cung lòng Chúa Cha vừa hát bài hoan ca này (1,18; 13,1-3).

          Như thế, không thể cho rằng lời cầu nguyện này là một thánh ca đã được đọc trong phòng Tiệc Ly. Và cũng không thể cho rằng tác giả Ga hoặc một vị thầy nào trong Giáo Hội tiên khởi đã sáng tác ra lời cầu nguyện này rồi gán cho Đức Giêsu. Do cấu trúc cũng như do những yếu tố căn bản nhất của nó, lời cầu nguyện này được liên kết với biến cố lịch sử là Bữa Tiệc Ly, chẳng hạn: có những quy chiếu về “Giờ”, có những điểm gặp gỡ với diễn từ về Bánh trường sinh (ch.6), vị trí ranh giới giữa cuộc sống trong thế gian và cuộc sống bên Chúa Cha, mối bận tâm đến những người còn ở trong thế gian, lời gợi đến sự phản bội (17,12), sứ mạng của các môn đệ, sự từ bỏ cho đến chết. Tác giả Ga đã ghi nhận những cử chỉ, những lời nói của Đức Giêsu hôm ấy, để rồi cung cấp cho chúng ý nghĩa trọn vẹn và đúng đắn dưới ánh sáng của Thánh Thần.

          So với các TMNL và các Thư Phaolô, chúng ta biết là vào buổi chiều cuối cùng ấy, Đức Giêsu đã đưa vào nghi thức những thay đổi để mang lại cho cuộc cử hành lễ Vượt Qua năm ấy một ý nghĩa hoàn toàn mới. Chỉ có điều là chúng ta không nắm được đầy đủ các thay đổi này. Có lẽ bởi vì trong thực tế, các tông đồ khó có thể ghi nhớ được chi tiết những thay đổi ấy khi mà chúng được đưa vào bộc phát dọc theo Phụng vụ Tiệc Ly.

 b) Tên của lời cầu nguyện này

          Tác giả phái Cải cách là David Chytraeus (1531-1600) đã đặt cho lời cầu nguyện này một tên: Lời kinh tư tế (la prière sacerdotale); tên này đã được truyền thống giữ lại.

Các nhà chú giải hiện đại thích gọi là: Lời cầu nguyện thánh hiến hoặc Lời nguyện truyền chức, tấn phong, bởi vì theo các vị ấy, trong lời cầu nguyện này, Đức Kitô đã tự hiến mình làm lễ vật dâng lên Chúa Cha và đã thánh hiến các môn đệ cho sứ mạng sau này. Trong thực tế, mặc dù việc hiến dâng mạng sống của Người là nền tảng của toàn diễn từ, nó lại chỉ được nhắc đến một lần mà thôi (17,19); việc thánh hóa các môn đệ cũng vậy (17,17-19).

Có những tác giả cho rằng chủ đề của bài là sự hợp nhất; nhưng trong thực tế, dù quan trọng, sự hợp nhất chỉ được nói đến trong ba câu (cc. 11.21-22).

Vậy nên giữ lấy kiểu gọi truyền thống. Trong tư cách là thượng tế duy nhất (Dt 5,1), nghĩa là đại diện toàn thể nhân loại có đức tin hiện tại và tương lai, Đức Giêsu quay trở về với Cha Người và cầu nguyện với Cha cho những kẻ mà Người đại diện. Vào dịp làm hành vi tư tế này, Người quay nhìn lại công việc đã làm (cc. 1-8), Người cầu nguyện cho những kẻ đã được giao phó cho Người, cầu nguyện cho nhóm nòng cốt đầu tiên (cc. 9-19) cũng như cho những thế hệ sẽ đến (cc. 20-23), để một ngày kia, tất cả được sum họp với Người trong vinh quang tương lai (cc. 24-26).

 c) Bố cục tổng quát

Cc. 1-11a    : Đức Giêsu cầu nguyện cho chính mình và các môn đệ;

Cc. 11b-19  : cầu nguyện cho hợp nhất;

Cc. 20-26    : cầu nguyện cho Giáo Hội mọi thời.

 Qua bản văn Ga 17,20-26, Đức Giêsu cầu nguyện cho Giáo Hội mọi thời.

 2.- Bố cục

          Bản văn có thể chia thành hai phần:

          1) Lời thỉnh cầu thứ năm (17,20-23);

          2) Lời thỉnh cầu thứ sáu (17,24-26).

 3.- Vài điểm chú giải

- những ai nhờ lời họ mà tin vào con (20): Công thức tôn pisteuontôn là một phân từ ở thì hiện tại, dùng cho nghĩa tương lai: “sẽ tin vào con”.

- để tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha (21): “Tất cả nên một”, sự hợp nhất của các môn đệ là sự tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với Chúa Giêsu và Chúa Cha: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (c. 23). Sự hợp nhất này phản ánh sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con (x. 10,38; 14,10-11). Chúa Con chỉ thực sự là Con bao lâu Người vẫn liên hệ với Chúa Cha; cũng thế, người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi họ được như các tông đồ ngày xưa gặp gỡ trực tiếp Đức Kitô trong lời rao giảng đức tin (1 Ga 1,1-3).  

- con đã ban cho họ vinh quang (22): “Vinh quang” theo ngữ cảnh, cũng là “danh” (cc. 6.11.12.26), “lời Cha” (cc. 6.8 ([2x].17; x. Lời Kinh Thánh: c. 12).  

- con muốn (24): Các môn đệ là của riêng của Đức Kitô mà Chúa Cha đã ban cho Người và Người sẵn sàng đổ máu ra để diễn tả rằng Người chấp nhận. Sự nghiệp của Người như thế liên hệ với sự nghiệp của chúng ta. Vì vậy Người đã diễn tả ý mình với một uy quyền khiến chúng ta ngạc nhiên vì ở trong một lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha. “Con muốn” đúng là một hành vi ý chí. Không nên giảm nhẹ nó đi khi coi đó chỉ là một nguyện ước. Dĩ nhiên Đức Giêsu chỉ luôn luôn muốn những gì Chúa Cha muốn (4,34; 5,30; 6,38-40). Nhưng ở đây, ý muốn nhân loại của Người hài hòa thật trọn vẹn – và Người biết – với ý muốn của Cha Người, nên Người đã không ngần ngại nói bằng một giọng chắc nịch như thế. Qua đó, chúng ta càng thấy rõ Đức Kitô gắn bó với chúng ta như thế nào. Điều Người muốn bây giờ, đó là chúng ta được kết hợp vào đời sống vinh quang của Người. Y như thể vinh quang và niềm vui của Người sẽ không được trọn vẹn nếu không có điều đó. Như thế Đức Kitô đã mạc khải về tình yêu của Người đối với chúng ta đến mức tột cùng.

- để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con (24): Nhìn xa hơn số phận trần thế của các môn đệ, Đức Kitô xin cho họ được ơn theo Người về trời một ngày nào đó, để ở bên Chúa Cha. Người đã nói với họ về điều này (x. 13,37; 14,2-3). Vào lúc này, Người xin thẳng với Chúa Cha cho họ được ở với Người; thật ra, đây cũng là ý muốn của Chúa Cha (x. 6,39). Chỉ khi nào Đức Giêsu đã cho họ sống lại, thì Người mới vĩnh viễn đưa họ về sống với Người, cho họ được thấy không cùng vinh quang thần linh nơi Người. Ngay khi Người còn ở trên mặt đất, vinh quang này đã tỏa rạng nhiệm mầu trong các công trình của Người, trong các cử chỉ và trong toàn bản thân Người, khiến các môn đệ đã có thể chiêm ngưỡng Người dưới ánh sáng đức tin ít nhiều sắc bén của họ (1,14; 2,11). Nay Đức Giêsu đã sống lại, vinh quang này càng rạng rỡ hơn, các môn đệ nhận ra được rõ ràng hơn. Khi nào về trời, chúng ta sẽ nhận được trọn vẹn vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu vì yêu thương Người từ muôn đời, trước khi tạo dựng thế gian. Như một tấm gương không vết nhơ, nhân tính chúng ta sẽ phản ánh vinh quang này cách hoàn hảo, đến độ nó được thấm nhiễm và biến đổi hoàn toàn nhờ vinh quang này (x. 2 Cr 3,18). Khi đó, các môn đệ sẽ được hưởng niềm vui không cùng (x. Ga 16,22).

          Vì Đức Kitô vinh hiển là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha và phản ánh vinh quang của Chúa Cha (Cl 1,15; Dt 1,3), khi các môn đệ chiêm ngắm tấm gương Chúa Con là chiêm ngắm chính Chúa Cha vinh hiển, đúng như Đức Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha ... Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (14,9-10).

- Lạy Cha là Đấng công chính (25): Đức Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha khi làm cho các môn đệ biết Danh Cha (c. 4), và Người sẽ còn tiếp tục làm nữa. Các môn đệ đã mở ra với chân lý và Đức Giêsu đã cho họ biết rằng chính Chúa Cha đã sai Người đến, để tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con ở trong họ và chính Chúa Con cũng được yêu thương bởi họ và trong họ. Nếu đó là thái độ của các tín hữu đang gắn bó với Đức Kitô, và nếu đó là ý hướng của Đức Kitô suốt đời Người, thì điều chính đáng là Chúa Cha nhận lời Chúa Con, khi Chúa Con xin Chúa Cha làm cho tất cả các tín hữu được hợp nhất với nhau trong tình bác ái.

 4.- Ý nghĩa của bản văn

          Trong giờ từ biệt, Đức Giêsu không bận tâm đến số phận của riêng Người; tất cả các tư tưởng của Người đều hướng về các môn đệ và nhắm đến việc cứu độ họ. Đức Giêsu không coi chuyện gì là quan trọng hơn chuyện ký thác các môn đệ cho Thiên Chúa khi Người cầu nguyện với Thiên Chúa Cha; Người ký thác họ cho tình yêu và quyền lực của Chúa Cha. Người sắp bỏ các môn đệ ở lại trong thế gian; Người biết họ bị thế gian đe dọa, thế mà Người lại đã giao cho họ một sứ mạng. Vì thế, Người cầu nguyện với Chúa Cha cho họ.       

Bản văn đọc hôm nay gồm hai thỉnh cầu cuối cùng Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha. Đây là những lời cầu nguyện cho Giáo Hội:

 * Lời thỉnh cầu thứ năm (20-23)

          Đức Giêsu cho các môn đệ hiện tại và các môn đệ tương lai nữa, những người nhờ nghe lời các môn đệ hôm nay rao giảng mà tin vào Người (c. 21): Đức Giêsu đang nhìn đến hoa trái của sứ mạng các môn đệ đưa lại. Các môn đệ tương lai cũng thuộc về cộng đoàn được xây dựng trên chứng từ của các môn đệ đang ở với Đức Giêsu hôm nay. Hai lần Người xin cho tất cả nên một, như Chúa Cha và Chúa Con là một (c. 21). Rồi vẫn giữ lời thỉnh cầu này, Người xin cho các môn đệ nên hoàn thiện trong sự hợp nhất (= hoàn toàn nên một), sự hợp nhất mà Người muốn có theo điển hình là sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con; sự hợp nhất này chính là nguồn mạch và sức mạnh giúp các môn đệ sống sự hợp nhất: ở đây tình yêu là điểm quan trọng nhất (c. 23). Chỉ nhờ sự hợp nhất của các môn đệ, thế gian mới “tin rằng Cha đã sai con” (c. 21).

Như vậy, sự hợp nhất giữa Cha và Con không chỉ là điển hình, mà còn là nền tảng cho sự hợp nhất giữa các môn đệ Đức Giêsu. Họ chỉ có thể nên một, nếu họ được kết hợp chặt chẽ tối đa với Chúa Cha và Chúa Con (c. 21), nếu Đức Giêsu, Đấng có Chúa Cha trong mình, cũng ở trong họ (c. 23).

Nhờ lời rao giảng đức tin, luồng hợp nhất không đứt đoạn này đang liên kết trực tiếp mỗi thế hệ Kitô hữu với Chúa Kitô và Chúa Cha và được diễn tả ra bên ngoài bằng sự hợp nhất của các tín hữu trong tình huynh đệ, để rồi cũng có sự hợp nhất về đạo lý. Xuyên qua mọi thời đại, cộng đoàn Kitô hữu là một đại gia đình duy nhất đang uống tại một nguồn mạch duy nhất ban sự sống, sự sống của Đức Chúa hằng sống, nơi đây họ khám phá ra nguồn của mọi nguồn là Chúa Cha. Chính sự hợp nhất này trong đức tin duy nhất tinh trong, làm chứng cho Đấng Sáng lập của cộng đoàn: Người không thể đạt được kết quả này bằng uy tín loài người được, nhưng chỉ nhờ sứ mạng và chính bản thân Người bắt nguồn từ một thế giới siêu phàm thần linh (x. c. 20).

Nhờ cùng được thông dự vào “vinh quang” của Đức Kitô, các tín hữu sẽ hợp nhất với nhau. Khi nhập thể, Đức Giêsu đã có vinh quang, nhưng khi Người đã lên trời, nhân tính của Người được vinh quang của Thiên Chúa tràn ngập viên mãn. Khi kết hợp với Người bằng đức tin, các môn đệ được thông ban vinh quang ấy; mỗi người theo mức độ của mình, được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, được Thần Khí sinh ra (Ga 1,14; 3,6; 2 Pr 1,4). Được chia sẻ vinh quang của Người và mọi điều thiện hảo của Thiên Chúa, họ nên một Thân Thể với Người và trong Người (x. Ep 4,4-7). Vậy giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa và Giáo Hội, có một sự duy nhất thiêng liêng rất bền chặt (x. 1 Ga 1,3).

 * Lời thỉnh cầu thứ sáu (24-26)        

          Trong lời thỉnh cầu thứ sáu, Đức Giêsu xin cho các môn đệ được thông dự vào vinh quang của Người, họ được ở với Người nơi Người ở. Đức Giêsu diễn tả lời thỉnh cầu này bằng một ý muốn: “Con muốn”. Người diễn tả nguyện vọng này với cường độ càng lúc càng gia tăng mạnh mẽ. Chúng ta biết ý muốn của Đức Giêsu kết hợp với ý muốn của Chúa Cha, nên ở đây không có sự đối lập hoặc chia rẽ. Ở trên mặt đất này, người ta chỉ có thể nhận ra bằng đức tin vinh quang của Đức Giêsu, tương quan hiếu tử của Người với Chúa Cha và sự hợp nhất hoàn toàn của Người với Chúa Cha. Lời cầu nguyện cuối cùng và nguyện vọng lớn lao nhất của Đức Giêsu là tất cả những ai tin vào Người đều có thể “thấy” vinh quang của Người, đều được ở với Người trên trời và được thông dự vào sự hiệp thông hoàn toàn của Người với Chúa Cha.     

          Sau khi đã nói xong thỉnh cầu này, Đức Giêsu còn nói lại những gì Người đã làm và sẽ còn làm nữa (c. 26; x. c. 22). Người như muốn diễn tả rằng sự hợp nhất này là dấu chỉ bắt buộc thế gian, đang ở trong thế đối nghịch với Thiên Chúa, phải đối diện với, khiến thế gian có thể mở lòng ra, và như thế đạt tới đức tin và được cứu độ. Sự hợp nhất này giả thiết có tình yêu và được thực hiện xuyên qua tình yêu. Một cách gián tiếp, chúng ta đang được hướng tới Chúa Thánh Thần bởi vì nhiệm vụ của Thánh Thần chính là chứng minh rằng thế gian sai lầm (x. 16,8-10). Chính Thánh Thần sẽ tiếp tục những gì Đức Giêsu đã đặt nền móng trong thời gian Người hoạt động tại trần gian: Thánh Thần sẽ còn làm cho người biết Chúa Cha và tình yêu của Ngài.

 + Kết luận

          Thế gian vừa là mối đe dọa vừa là sứ mạng đối với các môn đệ Đức Giêsu. Mối đe dọa, đó là họ trở nên xa lạ với Chúa Cha và bị kéo ra khỏi sự hợp nhất với Chúa Cha. Sứ mạng, đó là họ sẽ làm chứng và chinh phục nhân loại về sống hợp nhất với Chúa Cha. Lời cầu nguyện cuối cùng của Đức Giêsu vượt quá cuộc sống trần gian. Người xin cho các môn đệ được thông dự vào chính sự viên mãn thiên quốc của Người. Cuối cùng, Người đảm bảo rằng việc từ biệt đây không phải là sự buông rơi, bất động: Người sẽ tiếp tục làm cho người ta biết danh Chúa Cha.

 5.- Gợi ý suy niệm

1. Các môn đệ mà Đức Giêsu gửi vào thế gian không được có gì chung với thế gian, hiểu “thế gian” theo nghĩa là một lực lượng tội lỗi và thù nghịch với Thiên Chúa. Chỉ như thế, họ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ là đưa đến chỗ hiệp thông với Thiên Chúa. Chính vì thế, Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha thánh hiến họ, tức là xin Chúa Cha giữ họ liên kết với Người, đón nhận họ trọn vẹn vào trong vùng tình yêu từ phụ của Người. Vì thế Đức Giêsu nói là Người đang làm gì để họ được thánh hiến. Tiền đề đầu tiên là họ phải thuộc trọn về Thiên Chúa và bám vững vào Ngài (x. cc. 17-19).

2. Cộng đoàn các môn đệ phải trở thành một sự hợp nhất hoàn toàn. Như thế, không những không được có bất cứ thứ đối kháng thù nghịch nào giữa họ với nhau, mà còn phải loại trừ cả những cãi cọ tranh chấp và từ chối người khác. Nếu chỉ có sự kiện người này ở bên cạnh người kia trong thế trung lập, để cho nhau yên, nhưng mỗi người đi theo đường mình, thì chưa đủ. Sự hợp nhất hoàn toàn có nghĩa là tình trạng ở với nhau hoàn toàn, được kết hợp trong tình yêu và trong sự tín nhiệm đối với nhau, hành động trong sự đoàn kết với nhau, cùng một tấm lòng. Sự hợp nhất này mô phỏng theo sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha và Chúa Con được liên kết với nhau bằng một tình yêu cảm ái, sự trao đổi trọn vẹn, hành động trong sự hiệp thông tâm hồn, có mọi sự chung với nhau.

3. Sự hợp nhất giữa các môn đệ không dựa trên một quy ước và một sự đồng ý giữa những con người với nhau, nhưng dựa trên việc họ gắn bó với Đức Giêsu. Họ càng tin vào Người và, nhờ Người làm trung gian, họ được thông dự vào sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con bằng cách đón nhận tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, họ càng được liên kết với nhau.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

 

 

Chia sẻ