Chúa Giêsu chịu phép rửa/Nghi lễ đơn sơ, hiệu quả vô bờ
Có một cậu bé tên là Bevel. Cha mẹ cậu quá bận bịu với công việc làm ăn nên thường giao cậu cho một bà vú nuôi. Một hôm bà vú đưa cậu ra bờ sông, lúc đó một nhà thuyết giáo nổi tiếng đang làm phép Rửa (Baptêm) cho dân chúng. Bà vú đưa Bevel tới để được rửa tội. Khi dìm Bevel xuống nước cộng với những lời đọc theo lệnh của Chúa Giêsu “Ta rửa con nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, kéo em lên khỏi nước, nhà thuyết giáo nhìn thẳng vào mắt cậu bé Bevel và nói: “Cậu bé ơi ! Giờ đây cậu có giá lắm. Cậu giá trị lắm, chứ trước khi làm baptêm cậu không có giá gì lắm”
Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa. Chúng ta ngồi trong nhà thờ này lễ sáng sớm, một trăm phần trăm cũng đã chịu Phép Rửa. Cùng một từ ngữ “Phép Rửa”, nhưng nội dung hai phép rửa khác hẳn nhau, và hiệu quả cũng khác xa nhau : Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan, còn chúng ta chịu Phép Rửa trong nước và Thánh Thần.
Trước khi xuống nước và sau khi lên khỏi nước, Đức Giêsu vẫn là một : tức vẫn có giá, vẫn vô giá. Có chăng là sau khi lên khỏi nước thì tiếng từ trời phán ra làm cho nhiều người biết cái giá trị sự cao trọng của Đức Giêsu mà trước đó họ chưa biết. Còn Phép Rửa của chúng ta lãnh nhận, trước khi được rửa (dìm hoặc đổ nước) ta chẳng là gì cả, nhưng sau khi rửa, ta cao trọng vô cùng. Nhưng lại khác phép rửa Chúa Giêsu nhận : chẳng có tiếng nào từ trời phán ra như phép rửa Chúa Giêsu đã nhận từ Gioan, khiến nhà thuyết giáo kia sau khi làm Phép Rửa cho bé Bevel đã phải nhìn vào mắt cậu mà nói: Giờ đây cậu có giá lắm, vì cậu được chọn làm con Thiên Chúa (tương đương “Đây là Con của Ta” trong phép rửa Chúa Giêsu nhận).
Quanh năm suốt tháng ít có cơ hội để chúng ta nhắc lại Phép Rửa chúng ta đã lãnh nhận. Thứ bảy tuần thánh trong đêm vọng Phục sinh là cao điểm của sự nhắc lại này, nhưng vì Phụng vụ khá dài nên ít linh mục nào còn muốn giảng giải thêm. Vì thế lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (tuy là phép rửa Chúa Giêsu chịu khác xa với Phép Rửa ta lãnh nhận), nhưng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cơ hội tốt để nhắc nhở Phép Rửa mà ta đã lãnh nhận.
Hôm nay xin nhắc nhở một ý thôi : “Sự cao trọng mà Phép Rửa mang lại,” hay nói văn chương hơn : “Nghi lễ đơn sơ nhưng hiệu quả vô bờ (= phi thường).”
Thật vậy, chỉ lấy nước lã, chứ không phải rượu lễ, bia hơi, hay là nước whisky, sâm banh, để rửa…. Chỉ với nước lã ! Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã. Cả một ao nước lã chẳng là gì huống lọ chỉ là một chút nước lã. Ấy vậy mà với một chút nước lã đó, cộng với lời đọc “Ta rửa ngươi nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì chút nước lã đó làm nên điều kỳ diệu rất phi thường: ta tức khắc trở nên con Thiên Chúa. Không cần biết đến nguồn gốc ta bởi đâu: nô lệ hay ông chủ, da đen hay da trắng, châu Phi hay châu Mỹ, mũi tẹt hay mũi hếch, Tây Thi hay Chung Vô Diệm, tỉ phú đại gia hay áo ôm khố rách, tất cả đều trở thành con Thiên Chúa. Không cần giây mơ rễ má nào về họ máu, về dòng tộc với người anh Do Thái tên Giêsu cả, mà ta –qua Phép Rửa đơn sơ– vẫn trở thành em của người Anh đó và tức là –theo kiểu nói của thánh Phaolô– đồng thừa kế gia tài với Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Ngày 13.11.1908, khi mới được 3 tuổi đầu, thì Phổ Nghi đột nhiên được Từ Hi Thái Hậu chỉ định làm Hoàng đế nối ngôi Bà và Hoàng đế Quang Tự đã ngã bệnh. Phổ Nghi sau này viết trong Hồi ký : “Thế là tôi chính thức trở thành con nuôi của Hoàng đế Đồng Trị và là người thừa kế chính thức của vua Quang Tự”. Vào cung được hai ngày thì cả Thái Hậu Từ Hi lẫn vua Quang Tự đều chết. Thế là ngày 2.12.1908, Phổ Nghi lên ngôi Hoàng đế (lúc 3 tuổi) trở thành vua thứ mười của triều đình Mãn Thanh, và là hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc. Ngày đại đăng quang long trọng đó đã hoà thêm tiếng khóc của Ấu chúa đòi cho được vú mẫu tới để xin bú tí !
Điều ta lưu ý về vị Hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi này là : chỉ đơn sơ với ý muốn của Từ Hi thái hậu thôi, mà cậu bé chẳng nổi danh lắm, lại khá lạ xa với Hoàng tộc, đã trở thành thiên tử (hoàng đế là con Trời). Chẳng cần thử gien xem Phổ Nghi có máu hoàng tộc không, chẳng cần đợi tuổi tác có một chút râu để mà vuốt, chẳng xem gia tài có mấy chục lượng… Chỉ với ý muốn, lời trối của Từ Hi mà Phổ Nghi trở thành con trời (thiên tử).
Nếu ta thèm thuồng sự “tự không ra có,” “từ dân thành vua” nhanh như vậy của Phổ Nghi thì chúng ta lại càng ngạc nhiên và muôn đời tạ ơn Chúa bởi do ý Chúa, chứ không phải công lao gốc gác ô dù gì mà Thiên Chúa gọi và chọn chúng ta làm con của Ngài qua Bí tích Thánh Tẩy tái sinh. Ngài sinh chúng ta một lần nữa (hoặc sinh bởi trên cao) để ta làm con của Ngài.
Những điều chúng ta vừa nói, hình như còn thiếu một cái gì đó, không biết có ai nhận ra được cái thiếu đó không ?
Cái thiếu đó là “Tin.” Thiên Chúa không đè đầu đè cổ bất cứ ai để đặt họ làm con của Ngài đâu. Ngài không ép buộc. Ai tin, Ngài ban. “Hãy đi giảng Tin Mừng khắp loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa thì sẽ được cứu” (Mc 16,16). Còn Tin Mừng Gioan thì ghi : “Những ai tiếp rước Người, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”. Tiếp rước, tức là đón nhận. Đón nhận tức là tin.
Khi đón tiếp người lớn đến nhận Phép Rửa, vị chủ sự hỏi : “Anh xin gì cùng Hội Thánh Chúa ? Thưa tôi xin Đức tin.” Còn khi đón tiếp trẻ nhỏ, cũng câu hỏi : “Ông bà xin gì cho em bé đây ? Thưa xin Phép Rửa.” Bởi bé còn nhỏ chưa thể “tin,” nên vị chủ sự sẽ nói ngay: “Khi xin phép rửa cho con cái, ông bà (anh chị) lãnh nhận trách nhiệm giáo duc các em trong đức tin, để các em tuân giữ luật mến Chúa yêu người như Đức Kitô đã dạy”. Chính đức tin của cha mẹ và người đỡ đầu bảo đảm cho đức tin của con cái (1).
Năm 2019, GH Việt Nam đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Khó khăn đó có thể là những gia đình “rối hôn phối.” Khi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ đôi rối này đến xin Phép Rửa cho con cái, cha sở thường xét xem, đôi rối này có thể gỡ được không. Nếu có thể gỡ được, mà thời gian gỡ không lâu (như thiếu hình thức giáo luật, chưa chuẩn khác Đạo…; còn rối do dây HP, thời gian giải quyết lâu hơn) thì có thể cha sở hoãn một thời gian để thúc bách đôi rối này “gỡ” rối sớm, chứ nếu rửa tội cho con ngay, họ chẳng thấy thúc bách gì để xin gỡ rối cả.
Hãy cầu nguyện cho những em nhỏ và người lớn nhờ Phép Rửa Tái Sinh mà trở nên con Chúa, con Hội Thánh, con giáo xứ. Và nhớ tới Phép Rửa ta đã lãnh nhận mà vô cùng tạ ơn Chúa ngàn đời đã cho ta được địa vị “này là con Cha yêu dấu” như địa vị Anh Cả chúng ta là Chúa Giêsu vậy. Amen
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm