Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Cuộc đấu tay đôi bên suối Giáp-bốc (St 32, 23-33)

BTT OFMVN 01
2008-11-13 23:00 UTC+7 295

1.- Khung cảnh

Hai mươi năm trước, Giacóp chạy trốn Êxau, vì đã lấy hết phúc lành của cha, mà lẽ ra Êxau được hưởng. Giacóp ra đi một mình với của cải duy nhất là chiếc gậy (St 32,11). Và Thiên Chúa đã tỏ mình ra với ông tại Bết-Ên (St 28,10tt).

Còn lúc này, Giacóp trốn ông bác Laban (St 30,25tt). Chính Thiên Chúa đã truyền cho ông về quê: "Hãy trở về quê cha đất tổ, về với họ hàng ngươi : Ta sẽ ở với ngươi" (St 31,3). Vào thời điểm này, Giacóp đã có một gia đình đông đúc và đàn vật vô số, đó là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Laban đã đuổi theo, nhưng rồi hai bên đã ký kết một khế ước (St 31,43tt). Như thế Giacóp không còn lý do gì để sợ ông bác, nhưng vẫn sợ người anh sinh đôi. Quả thế, các sứ giả đã cho biết rằng Êxau đang đến với 400 người.

Sợ hãi kinh hoàng trước viễn tượng cuộc gặp gỡ, Giacóp vận dụng mọi tài nguyên để chuẩn bị đi vào cuộc gặp mặt: ông làm ba hành vi chứng tỏ ông vừa biết xử sự về mặt con người, vừa biết ký thác cho Thiên Chúa. Thời gian rất gấp rút: "đêm ấy" (cc. 14.22.23).

Giacóp bắt đầu bằng việc chia thành hai trại những người và những đàn vật đang ở với ông, vì ông tự nhủ: "Nếu ông Êxau đến đánh phá một trại, thì trại còn lại có thể thoát" (St 32,8-9).

Rồi ông cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Kẻ đã từng chiếm chỗ của ông anh nay tỏ ra rất bé nhỏ trước nhan Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của ông là một lời cầu nguyện chan hòa sự tin tưởng và phó thác, ông thú nhận rằng ông sợ. Có lẽ đây là lúc cuối cùng ông sẽ được biết là Thiên Chúa có ở với ông luôn luôn chăng, như Người đã hứa với ông tại Bết-Ên (St 28,15). Ông cầu nguyện như sau: "Lạy Thiên Chúa của tổ phụ con là ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa của cha con là ông I-xa-ác, [...], con bé nhỏ, đâu xứng với tất cả mọi ân huệ và tất cả lòng thành tín mà Ngài đã tỏ cho tôi tớ Ngài đây. [...] Xin giải thoát con khỏi tay anh con, khỏi tay anh Ê-xau, vì con sợ anh ấy" (St 32,10-12). Cuộc chiến đấu đêm ấy sẽ là như lời Thiên Chúa đáp lại Giacóp. Sẽ có một người đến điểm hẹn, nhưng theo cách thật lạ lùng!

Cuối cùng, Giacóp gửi các tặng phẩm đến cho anh. Các tặng phẩm này được mô tả như là lễ cống một chư hầu dâng lên chúa tể của mình. Ông cũng tự nhận là tôi tớ của Êxau và hạ mình xuống mà gọi anh là "chúa công" ( St 32,14b-22).

Như thế, thái độ Giacóp tỏ ra đêm ấy là một thái độ nhuần thấm sự khiêm nhường và hạ mình. Là người đã trở nên giàu có và quan trọng, Giacóp đã tỏ ra nhỏ bé trước Thiên Chúa và anh mình.

2.- Cuộc gặp gỡ Giáp-bốc

* Giacóp một mình ở lại miền đất lạ bên này suối Giáp-bốc

Giữa đêm tối, giữa cuộc đời ông, Giacóp ở một mình, cô đơn như người ta vẫn là thế, thật thẳm sâu, trước những biến cố quyết liệt của cuộc đời: một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn, một ơn gọi, một chọn lựa quan trọng, một cuộc gặp gỡ vẫn lo ngại, bệnh tật, cái chết... Giacóp biết rất rõ rằng nội trong một đêm, ông có thể mất tất cả, gia đình, của cải và ngay cả mạng sống ông.

* Một cuộc gặp gỡ không chờ đợi nhưng rất thật

Thế nhưng vào ngay đêm hôm ấy, khi không còn ai ở với mình, Giacóp lại không sống cô độc, vì thần sứ Chúa đã đến gặp ông: "Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông" (St 32,25). Động từ 'bq được sử dụng ở đây gợi đến bụi đất trong đó họ đã lăn vào.

Chỉ khi nào ta chấp nhận thiếu vắng mọi người thân thì Thiên Chúa mới đến gặp ta. Trong tương quan với Thiên Chúa, không ai có thể thay ta lãnh trách nhiệm giùm ta; ta không thể "ủy quyền" cho ai được! Dù sao, con người tự nhiên vẫn không bao giờ sẵn sàng đối thoại với Thiên Chúa, do đó chính Thiên Chúa khởi xướng cuộc đối thoại, để đi tới kết quả nhờ một nỗ lực bền bỉ: Thiên Chúa quá biết trái tim chúng ta, Người biết chúng ta vẫn ở xa Người dù có đoan hứa phụng sự Người. Do đó, Người kéo chúng ta vào một cuộc đối đầu.

Giacóp đã phải lao nhọc, "nổi khùng"! Ông phải ôm ghì lấy đối thủ mà ra sức vật xuống. Ông đã cảm nghiệm về Thiên Chúa nơi bản thân ông một cách toàn diện. Chính khi ta nỗ lực trung thành với Thiên Chúa, thì ta cũng biết Người hơn.

Nhân vật huyền bí đã "chạm tới" hoặc đã "đánh" vào đùi ông khiến ông sẽ phải di khập khiễng. Đây không phải là lần đầu tiên mà Giacóp trải qua một cuộc gặp gỡ không chờ đợi, vào ban đêm, trong khi đi đường. Tại Bết-Êuyn là chính Đức Chúa. Còn ở đây?

* Nhân vật đã đánh nhau với Giacóp là ai?

Giacóp chờ đợi gặp Êxau, hóa ra lại là một người khác. Bóng đêm đã che phủ trên căn tính của người này một tấm màn bí mật. Cũng như họa sư Eugène Delacroix, các nhà nghệ sĩ đã vẽ một thiên thần[1], chứ bản văn thì không nói gì cả. Giacóp đã đấu tay đôi với một nhân vật thật huyền bí, để rồi ông chỉ khám phá ra căn tính của người ấy dần dần.

- Lúc đầu, đây là một "ish", một con người thuộc phái nam (c. 25).

- Khi Giacóp yêu cầu người ấy chúc lành cho ông, phải nói là ông linh cảm rằng đây là một ai đó lớn hơn ông (c. 27).

- Nhân vật ấy từ chối tiết lộ tên của mình, nhưng bảo Giacóp: "Ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng" (c. 29). Phải chăng qua câu nói ấy, người ấy đã tiết lộ danh tánh?

- Cuối cùng Giacóp hiểu rằng ông đang có việc với chính Thiên Chúa: "Ông đặt tên cho nơi đó là Pơ-nu-ên, "vì - ông nói - tôi đã thấy Thiên Chúa mặt đối mặt, mà tôi đã được tha mạng"" (c. 31).

Như đã xảy ra nhiều lần, Giacóp sống một cuộc gặp gỡ ban đêm, và chỉ sau đó ông mới nhận ra người đang ở đó là ai (x. St 28; 29). Ở đây cũng vậy, chỉ sau đó ông mới nhận ra Thiên Chúa. Ông chuyển đi từ đêm tối sang ban ngày và thấy rõ được: "Khi mặt trời mọc, ông đi qua Pơ-nu-ên" (c. 32).

* Một chút mơ hồ và lẫn lộn

Ai đã thắng trong cuộc đấu vật này? Khó mà nói. Phải nói rằng bản văn đã cố tình kể các sự vật một cách mơ hồ. Chẳng hạn c. 26 nếu dịch sát bản văn: "[Ông/Người đó] thấy rằng [ông/người đó] không thắng được [ông/người đó]", thì ta sẽ thấy rõ là ... không rõ! Ai vậy? Phải chăng là Giacóp? Hay là nhân vật thần linh?

Vào một lúc nào đó, Giacóp và nhân vật thần linh như quyện lẫn vào nhau. Cứ y như thể ta không còn phân biệt được giữa trời với đất nữa, trong đám bụi mà hai người đang vật nhau, lăn lộn và đan quyện vào nhau.

Ngay từ khi còn nhỏ, Giacóp đã quen với thực tế là có một nhân vật kép, một người khác khiến người ta có thể nhầm lẫn với ông. Đây là kinh nghiệm của anh em sinh đôi. Trước mặt cha già, ông đã "chơi" với sự kiện ông là một người sinh đôi. Ở đây, trong cuộc đấu tay đôi này, người ta không còn nhận ra được trong một khoảnh khắc, ai là Thiên Chúa ai là Giacóp!

Thật là một kinh nghiệm đáng ngỡ ngàng: khi Thiên Chúa ở đó với một người, có thể xảy ra là người này không còn biết làm thế nào nhận ra cho rõ được: phải chăng là tôi hay là Người? Người hay là tôi? Người trong tôi chăng?

* Giacóp lại yêu cầu được chúc phúc

Giacóp không muốn để chạy thoát cái kẻ đang đánh nhau với ông, ông bám chặt vào người ấy và yêu cầu được chúc phúc. Cho dù đã bị thương, Giacóp vẫn không buông ra. Đây là một giáo huấn quan trọng ông để lại cho chúng ta: trong cuộc chiến đấu và trong đêm tối, đừng buông Thiên Chúa ra. Và phúc lành mà ông vẫn cứ muốn, Giacóp, con người vô phương thỏa mãn, lại yêu cầu lần nữa và lần này ông nhận được từ chính Thiên Chúa[2]. Giacóp đúng là một con người sinh ra để nhận phúc lành, mẹ ông là Rêbêca đã thấy đúng. Tuy nhiên, phúc lành này không chỉ được dành cho ông, nhưng cho Israel và cho mọi gia đình trên mặt đất.

* "Xin cho tôi biết tên ngài" hoặc Đạt tới chỗ nhận diện được một con người

Đêm hôm ấy, mỗi bên đều hỏi tên người kia (cc. 28.30).

Vào lúc Giacóp yêu cầu được chúc phúc, nhân vật thần linh đã hỏi tên ông.

Trước đây, với cha già mù lòa, Giacóp đã khẳng định hai lần rằng ông là Êxau. Còn ở đây, ông tỏ ra rõ ràng ông là "Giacóp". Và sự trung thực này đã cho phép ông đạt tới chân tính con người của ông.

+ Nếu cái tên Giacóp "kẻ chơi gót" (nắm gót chân: St 25,26) được đặt cho ông là trong liên hệ với Êxau,

+ cái tên Israel lại được cho ông trong liên hệ với Thiên Chúa: "Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng" (c. 29).

Cái tên mới này cho thấy ơn gọi không chỉ của Giacóp, mà là của cả một đoàn dân. Quả thế, câu truyện Giacóp không chỉ có tính cách riêng tư, nhưng liên hệ đến toàn thể Israel. Đây là một trong vài chỗ họa hiếm trong Kinh Thánh, dây liên kết giữa một cá nhân và dân chúng được nêu rõ như thế. Giacóp có tư cách kép là tổ phụ của Israel, vừa do tên vừa do dòng máu, bởi vì các con cái ông sẽ làm thành mười hai chi tộc Israel.

* Một cuộc gặp gỡ báo trước một cuộc gặp gỡ khác

Ta có thể tự hỏi tại sao Thiên Chúa đến đấu với Giacóp.

Ở đây, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa đi trước cuộc gặp gỡ với Êxau. Phải đọc hai bản văn này với nhau. Giacóp đã quen với loại kinh nghiệm này: cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa tại Bết Ên đã chuẩn bị cho ông gặp Rakhen, cuộc gặp gỡ ban đêm này sẽ chuẩn bị cho ông gặp anh Êxau.

Cho dù bản văn vẫn có màu sắc huyền bí, nó cung cấp cho chúng ta một câu trả lời: những cuộc chiến đấu đích thực với loài người trước tiên là để sống với Thiên Chúa: "ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta" (c. 29).

Một vấn đề cá nhân có thể được giải quyết bởi vì Thiên Chúa đã đi qua đó. Vậy một cuộc xung đột giữa người với người Giacóp-Êxau sẽ được sống trước tiên với Thiên Chúa. Có điều gì đó sẽ thay đổi.


* Một dấu vết trong xác thịt hay sự yếu đuối lại chiến thắng

Ngay khi bắt đầu đấu vật với nhân vật kỳ bí, Giacóp đã bị đánh vào khớp xương hông. Thế là ông đã phải "khập khiễng" khi đi qua Pơ-nu-ên mà vào Đất Hứa. Tại sao lại có chuyện khớp xương hông bị trật ở đây? Chúng ta có thể hiểu kinh nghiệm này theo nhiều bình diện:

- Đây là một dấu vết Thiên Chúa để lại trong xác thịt của Giacóp để ông không thể nghi ngờ thực tại của cuộc gặp gỡ. Đây không phải chỉ là một cuộc chiến đấu "thiêng liêng". Lần này, Giacóp không cần dựng một tảng đá, như đã làm tại Bết Ên, để ghi dấu cho biết Thiên Chúa đã đi ngang qua, bởi vì chính Thiên Chúa để lại một vết trong xác thịt ông. Ta không biết là Giacóp cảm nhận chuyện này như thế nào, vì ông không than thở và sau khi đã bị đả thương, Giacóp không nói là "chữa lành tôi đi", mà là "chúc phúc cho tôi đi".

- Còn nếu, khi chạm vào xác thịt Giacóp, Thiên Chúa chẩn bị cho ông gặp anh thì sao? Trong lời cầu nguyện của ông, ông đã làm cho mình nên nhỏ bé rồi, trước mặt Thiên Chúa và trước anh ông. Khi chạm vào đùi ông, Thiên Chúa làm cho ông càng ra yếu đuối hơn. Chính là một Giacóp tay không vũ khí sẽ tiến đến trước mặt Êxau. Thông thường sự kiện Giacóp bị thương hẳn sẽ gây khó khăn cho ông khi gặp Êxau. Trong thực tế, thương tích này sẽ che chở ông. Thiên Chúa, với sự khôn ngoan của Người, đã tiên liệu con đường giải thoát này cho ông. Giacóp đã suy yếu đi và dễ tổn thương sẽ tước vũ khí của Êxau. Bởi vì từ nay Giacóp hành động với sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng mà ông đã "cọ xát" với suốt một đêm.

Quả thật, không một ai có thể nên "mạnh mẽ" trước mặt Thiên Chúa, nếu trước đó lại không bị chính Người "đả thương". Lòng trung thành với Thiên Chúa sẽ đánh bại các sức mạnh loài người nơi người ấy: người ấy đi "cà nhắc", vì đã mất sự hung hăng theo xác thịt. Từ nay, người ấy đi vững là nhờ có Thiên Chúa đỡ nâng.


Phan Long

 

 

[1] Khi nhắc đến truyện này, các bản văn Kinh Thánh khác cũng nói là một "thiên thần" (x. St 48,16; Hs 12,5). Theo một bản Midrash Do-thái, đây là thiên thần hộ thủ của Exau, theo một bản văn Do-thái khác, thì đây là tổng lãnh thiên thần Micaen.

[2] Giacóp là một người rất thich được chúc phúc và ông thường được chúc phúc: ông đã thay anh mà đến gặp cha và nhận lời chúc phúc của cha (St 27,27). Rồi cha ông còn chúc phúc cho ông để sai ông đi đến Pátdan Aram (St 28,1-5). Chính Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông trong giấc mộng tại Bết-Ên (St 28,14-15). Khi ông rời Pátdan Aram, gia đình đông đúc và số lớn đàn vật của ông là dấu cho thấy ông được Thiên Chúa chúc phúc.

Chia sẻ