Lễ Ba Ngôi
Tại sao không là một mà phải là ba ?
Ta sẽ trả lời làm sao, nếu có ai đó đặt cho ta một câu hỏi và cũng là câu thách đố như thế này : “Giả như Thiên Chúa chỉ có một Ngôi vị duy nhất chứ không phải ba ngôi, thì điều đó có làm cho đời sống chúng ta thay đổi gì không ?” Nói rộng ra nếu khi Giáo hội truy cứu Phúc âm, tầm tra Kinh thánh mà xác định lại Thiên Chúa chỉ là một chứ không phải ba; Giêsu chỉ là con người và Thánh Thần chỉ là thiên thần bậc nhất, cả hai chỉ là thụ tạo chứ không phải ngang hàng Chúa Cha, thì điều đó có làm cho cuộc sống của ta giảm bớt cái gì không ? Có buồn hơn không ? Hay là vui hơn vì đỡ phải thờ lạy cả hai vị kia. Làm dấu thánh giá có khi khoẻ hơn, vì chỉ cần rờ trán, nhân danh Cha là đủ.…
Tôi có thể đoán được câu trả lời, đại loại như sau : Thiên Chúa Ba Ngôi hay Thiên Chúa một ngôi vị cũng vậy thôi, có lẽ chẳng thay đổi gì là mấy. Tôi vẫn ăn vẫn ngủ vẫn sống… để đi nhà thờ, thờ một Chúa một Ngôi hay Ba Ngôi cũng được !
Nhưng cũng một mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này mà đặt thành một câu hỏi khác, thì có lẽ câu hỏi sau này ảnh hưởng hơn tới đời sống chúng ta. Câu hỏi như sau : “Nếu Thiên Chúa không phải là Tình yêu thương, thì cuộc sống của chúng ta ở trần gian này có mất bớt hương vị không ?” Câu trả lời có thể thấy ngay: Nếu vậy cuộc sống hơi căng đó. Thiếu bóng dáng Thiên Chúa Tình Yêu thì còn lại bóng dáng của Thiên Chúa biết hết mọi sự, dò xét từng hành vi góc cạnh của con người, ghi nhận vào bộ nhớ để đến ngày phán xét mở ra hạch tội: đó là một Thiên Chúa quan toà kiêm mật thám. Nếu Thiên Chúa không phải tình yêu mà là như vậy thì cuộc sống căng thẳng quá bởi vì con người có ai mà không có lỗi. Gioan nói: “Ai nói mình không có tội là nói dối.”
Đến đây, ta đã hé thấy đề tài ta sẽ suy nghĩ : Tại sao Thiên Chúa phải là ba Ngôi Vị ?
Thiên Chúa một ngôi, hai ngôi hay ba ngôi chẳng liên hệ gì tới tôi, nhưng Thiên Chúa không phải là Tình yêu thì cuộc sống của tôi đen quá. Điều này liên hệ đến tôi. Vậy ai tinh ý sẽ thấy được câu trả lời cho câu hỏi: tại sao Thiên Chúa phải là ba ngôi vị.
1. Thưa vì Thiên Chúa là Tình yêu.
Nếu Thiên Chúa chỉ là một vị, đơn độc, thì không sao "yêu" được. “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…” Là tình yêu thì ít ra phải có hai vị ngang nhau, đồng loại, hai “người” mới yêu nhau được. Còn con người đối với con chó con mèo thì quí mến, chứ không phải là yêu –hiểu đúng nghĩa. Vì thế Thiên Chúa là Tình yêu thì Thiên Chúa phải có ít là hai vị ngang hàng nhau, cùng là Thiên Chúa thật.
Nhưng nếu Tình yêu chỉ có giữa hai vị với nhau, thì tình yêu đó chưa phong phú. Tình yêu phong phú, đầy tràn phải là tình yêu sản sinh, “tình yêu phát sinh tình yêu.” Vì thế Thiên Chúa là tình yêu đầy tràn không thể co cụm giữa hai vị mà là phát sinh vị thứ ba như là hậu quả tất nhiên của một tình yêu sung mãn. Thiên Chúa là Tình Yêu thì Thiên Chúa phải là ba vị. Điều này các đôi bạn trẻ hiểu được hơn ai hết. (Không phải ba vị là mối tình tam giác, có kẻ thứ ba chen vào đâu !). Nên hai người yêu nhau, yêu nhau thật sự (chứ không chỉ lấy nhau để thoả mãn nhau) thì thường mong ước có người thứ ba, tức người con như là hiệu quả cụ thể của mối tình giữa hai người: một mối tình phong nhiêu sản sinh. Hai người lấy nhau mà không muốn có con thì chưa phải là tình yêu. Muốn mà không thể có, thì khác.
Có điều khác biệt giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và tình yêu vợ chồng là : Thiên Chúa thiêng liêng, không có hình hài, thể xác, nên không lệ thuộc nơi chốn lẫn thời gian, vì thế nơi Ngài, Ba Ngôi vị khởi từ một lúc, có từ đời đời, chứ không phải đợi chín tháng mười ngày mới có Chúa Thánh Thần. Cha, Con yêu nhau và Thánh Thần là chính Tình yêu (hậu quả của Tình yêu) giữa Cha và Con (Người (CTT) bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra). Vậy tại sao Thiên Chúa phải là ba ngôi vị. Thưa vì Thiên Chúa là Tình yêu phong nhiêu.
2. Vì Thiên Chúa là một gia đình, nên Thiên Chúa phải là 3
Một gia đình mà tờ hộ khẩu chỉ ghi tên một người, hoặc hai người vợ và chồng thì như còn thiếu. Một gia đình là phải có cha – mẹ – con, mới là gia đình đầy đủ. (Vì thế những vợ chồng son sẻ thường được giáo hội khuyến khích nhận con nuôi).Trong gia đình Thiên Chúa ba ngôi vị, người ta đã so sánh như thế nào với gia đình nhân loại ?
- Truyền thống Đông phương thường ví Cha là cha – Con là con – Thánh Thần là mẹ. Vì Thánh Thần là tình yêu bao la. Lòng mẹ bao la như biển thái bình, dạt dào. Trong ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần, Giáo hội gọi Chúa Thánh Thần là niềm an ủi trong lúc lệ rơi, là nghỉ ngơi trong cảnh cơ hàn. Người mẹ trong gia đình đúng là người an ủi. Lòng mẹ chính là chỗ nghỉ ngơi khi mệt nhọc. Mẹ là Chúa Thánh Thần.
- Nhưng truyền thống Tây phương lại xem Chúa Thánh Thần Ngôi Ba là con, tức là hậu quả của mối tình giữa ngôi I và ngôi II. Hai Ngôi yêu nhau, nhiệm xuất ra ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.
Bởi thế, ta không cần xét xem Thiên Chúa là một gia đình thì ai là cha, ai là mẹ, ai là con. Cho bằng Thiên Chúa khôn ngoan nhiệm mầu đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, tức là một con người biết yêu thương, và sống trong gia đình.
Đức Piô 12 đã nhận xét: Ttrong một gia đình mà người cha quên mình đi để chỉ nghĩ đến vợ con, người mẹ quên mình đi để chỉ nghĩ đến chồng con; các con quên mình đi để nghĩ tới cha mẹ, thì gia đình ấy đúng là Thiên đàng. Gia đình là Thiên đàng. Thiên đàng có Thiên Chúa, Thiên Chúa là Tình yêu.
Người vợ đi chợ về, đưa trái cam cho chồng. “Anh ăn trái cam cho có sức đề kháng” (Vitamin C). Người chồng và cũng là người cha không ăn, nhưng lén đưa cho đứa con út, nghĩ rằng nó nhỏ nhất nhà, nó phải được chăm sóc hơn. Con út không ăn, để dành chờ anh hai đi làm về, trao cho anh : “Anh đi làm về mệt cần bổ dưỡng.” Anh cả cầm quả cam – đi xuống bếp, thấy mẹ vất vả anh đề nghị mẹ dùng quả cam này để mẹ thêm sức sống. Quả cam từ người mẹ đi một vòng trở về người mẹ.
Trong gia đình đích thực, câu chuyện quả cam trên vẫn thường diễn ra. Lúc đó hình ảnh quả cam được thay bằng món quà, cục kẹo, xấp vải, chiếc áo…, hay khái quát hơn, tình thương yêu. Tình yêu luân chuyển giữa cha mẹ con cái vợ chồng anh em càng nhiều thì càng xứng đáng là đại diện là bản sao cho Thiên Chúa Ba Ngôi là một gia đình.
Một linh mục giáo sư thần học, dạy môn Thiên Chúa Ba Ngôi cho các nữ tu. Cuối khoá, thầy hỏi: “Các sơ bây giờ đã hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi chưa?” Gần như cả lớp đồng thanh: “Dạ hiểu rồi.” Cha bật cười: “Vậy thì các chị giỏi hơn tôi rồi!”
Những ai sống trong gia đình có cha mẹ con cái, hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi hay hơn các linh mục hì hục lý giải mầu nhiệm này. Bởi lẽ Thiên Chúa là Ba vì Ngài là một gia đình. Hãy chỉ cho chúng tôi, các linh mục, hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong gia đình của anh chị. Đó là lời xin lời mời và là một thách thức các anh chị đó. Giờ thì chúng ta hãy tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi qua Kinh Tin Kính.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm