Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Lễ Thánh Gia

BTT OFMVN
2018-12-28 23:00 UTC+7 194

Giải quyết tranh cãi

(Nhân năm đồng hành với các gia đình gặp khó khăn)

Mỗi năm tới lễ thánh gia ta thường đưa mẫu mực ba vị tại Nazaret: Giêsu, Maria, Giuse, để làm gương cho các gia đình học đòi băt chước. Nhưng có một điều vẫn thường xảy ra tại các gia đình mà lại chẳng thấy gương mẫu nào nơi thánh gia để ta bắt chước noi theo cả. Đó là làm sao giải quyết các cuộc tranh cãi trong gia đình, chuyện diễn ra như cơm bữa… Thánh gia có tranh cãi không ? Ai dám nói rằng . Mà nói không thì sợ rằng mình nói thuộc lòng quá chăng, xem 3 vị không phải là người nữa mà là thiên thần sốt mến, ở trên mây ! Bài Tin Mừng thuật lại hai ông bà lạc mất trẻ Giêsu tại Giê-ru-sa-lem có thể là một gợi ý cho những lời đối đáp giữa hai ông bà như thế này chăng? Maria nói:

Em nhờ anh để mắt tới con một chút, mà rồi cũng không được.

- Thì anh cứ nghĩ con nó cũng đã 12 tuổi rồi, nên biết nhập theo với nhóm bạn bè nào đó mà về chứ. Ai biết được.

Con tuy đã 12 tuổi, nhưng còn nhỏ lắm, anh phải để ý đến con mới được.

Không biết Giuse sẽ nói lại câu gì, nhưng chắc không phải là câu chia tay này: “Con em chứ con của anh à.”

Thánh Giuse chắc không nói câu “con em chứ con của anh à” đâu. Nhưng ta trộm nghĩ mà không sợ phạm thánh rằng thánh gia vẫn có những tranh cãi nhẹ với nhau. Có điều là ta không thấy tranh cãi đó được ghi lại ở đâu, giải quyết ra sao, để trở thành mẫu gương cho ta học đòi bắt chước. Nhưng điều ta chắc chắn và cần học đòi noi theo là thánh gia đã sống đời chung thuỷ với nhau.

Con người thời nào cũng thường đặt câu hỏi tại sao này: “Tại sao một số cặp vợ chồng lại vượt qua được mọi khó khăn để sống tới lúc răng long đầu bạc, trong khi có những cặp chưa đầy mấy tháng mà đã toan tính chia ly: anh đi đường anh tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi.”

Đã có nhiều trả lời cho câu hỏi tại sao đó

Hôm nay xin giới thiệu câu trả lời của hai nhà khoa học, một là John Gottman ở bang Washington với một phòng thể nghiệm tối tân; hai là Clifford Notarius ở cách đó 5.000km, cũng có một phòng thể nghiệm tương tự. Cả hai nhà khoa học này đã mời được nhiều cặp vợ chồng tình nguyện vào sống chung với nhau trong căn phòng thí nghiệm hay thể nghiệm của họ. Trong phòng này đầy dẫy những máy quay phim ghi hình và những dụng cụ đo đạc tối tân như đo nhịp tim, mạch máu, điện tâm đồ, điện não đồ…

Suốt 20 năm tích luỹ kinh nghiệm do rât nhiều cặp vợ chồng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều địa vị xã hội, nhiều hoàn cảnh khác nhau… tình nguyện vào sống trong phòng đó, một ngày, hai ngày hoặc có khi một tuần nửa tháng, để được các nhà khoa học này phân tích dựa theo kết quả của những gì ghi lại được qua máy móc. Hai nhà khoa học này Gottman và Notarius tuy ở hai nơi cách xa nhau, không biết nhau, nhưng kết luận cho việc “làm sao để sống đời ở kiếp với nhau” của họ lại rất giống nhau. Và kết luận của họ làm tan vỡ nhiều quan điểm, nhiều nhận định cũ về việc do đâu mà sống lâu đến đầu bạc răng long bên nhau và vì cớ làm sao mà chưa đầy mấy tháng đã vội kí đơn xin ly dị.

Rất đơn giản, chỉ cần xem họ giải quyết những bất đồng. Cách giải quyết những xung khắc bất đồng chính là chìa khoá mở hay đóng cuộc chung sống bên nhau.

Vợ chồng sống với nhau, không thể không có những lúc bất đồng tranh cãi. Người ta hay ví von chén bát xếp chung với nhau thế nào cũng có đụng chạm. Vật vô tri còn như vậy, huống gì con người, là vật tế vi, chưa đụng đã có thể chạm nhau rồi. Có khoảng cách xa nhau, mà vẫn như đụng chạm đến tận ruột gan. Vì thế sống chung với nhau, nhất là vợ chồng, ăn chung ngủ chung, thì sao tránh khỏi những chung đụng. Giải quyết nó như thế nào, đó mới là bí quyết. Bí quyết hạnh phúc gia đình và bí quyết giữ thuỷ chung hôn phối, chính là cách giải quyết những bất đồng, tranh cãi.

Nhiều khi chỉ vì chiếc áo hơi bẩn, hơi sờn là đã có thể khởi đầu một cuộc tranh cãi, kéo dài…dài lên tới việc kết án bố mẹ không biết dạy con: mẹ cô dạy cô như thế hả?  

Có khi chỉ vì một nụ cười xoà trao cho nữ đồng nghiệp mà nảy ra một cuộc chiến tranh lạnh giữa chị và anh, rằng ông là người xuồng xã, không xem bà xã ra gì.

Có những cuộc tranh cãi kéo dài, dài đến dai, nghĩa là trở đi trở lại, đến chỗ bái bai nhau… Còn những cặp yêu thương nhau, thì cuộc tranh luận thường ngắn và chỉ tập trung vài ba phút là một trong hai phá vỡ ngay không khí căng thẳng bằng một lời nói khéo, bằng một cử chỉ hay, dễ thương. Có cả ngàn lời nói loại đó để hoá giải một cuộc tranh cãi:

như nàng nói: Đó không phải là lỗi hoàn toàn ở anh đâu, em biết.

chàng nói: không phải chỉ em có lỗi, anh cũng có lỗi nữa.

Hoặc khi thấy chị khơi lại đủ thứ chuyện xưa để trách cứ, thì anh khen: Em có trí nhớ tuyệt, anh đầu hàng. Nếu thấy chị đa nghi hơn Tào Tháo, thì anh khen: Em có óc nhận xét sắc xảo, anh chào thua.

Một vài câu nói khôi hài, dí dỏm, đúng lúc, dư sức phá tan căng thẳng.

Tôi nhớ trong cộng đoàn nhỏ của tôi, có ông thầy lớn tuổi, tên là Lêon. Nhiều lúc trong bàn ăn, anh em tranh cãi với thầy. Khi anh em đang cố đưa lý lẽ để thắng cho bằng được cái chứng cứ của thầy, thì thầy lên tiếng: Lêon nói vậy đó, đúng thì đúng, không đúng thì thôi. Không phải nói dỗi, nói hờn, mà câu nói đơn sơ pha chút hài hước đó đã làm chấm dứt ngay cuộc khẩu chiến.

Vợ chồng biết giải quyết các bất đồng như thế, tức là có một lời nói khéo, và vì là vợ chồng, nên còn có thể có những cử chỉ hay, thì bất đồng –điều không thể tránh—sẽ bay đi xa, và như thế có cơ may sống với nhau cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Và khi vợ chồng (tức là cha mẹ) giải quyết tranh cãi nhanh, sống thuỷ chung cạnh nhau, thì con cái sẽ như có được mái ấm thật ấm để nương tựa, và như thế ta đã phản chiếu gương sáng của thánh gia xưa. Amen  

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Chia sẻ