Skip to content
Main Banner

Người tu bổ nhà Chúa

BTT OFMVN
2008-10-14 23:00 UTC+7 162

Lễ thánh Phanxicô 5-10-2008 ở Vĩnh Phước. Bài đọc 1: Hc. 50, 1, 3 - 7; Bài đọc 2: Gl. 6, 14 - 18; Phúc âm: Mt. 11, 25 - 30

Chúng ta vừa nghe các bài đọc Lời Chúa trong ngày lễ trọng mừng kính Cha Thánh Phanxicô.

Bài đọc một, lấy từ sách Đức Huấn Ca, cuốn sách được viết khoảng 2 thế kỷ trước Chúa Yêsu, với chủ đích nói lên rằng lề luật của Thiên Chúa đã hướng dẫn con người tới một đời sống cá nhân và xã hội nhân bản hơn, khôn ngoan hơn và trách nhiệm hơn. Một phần của cuốn sách ca tụng TC vì Người đã thực hiện những kỳ công qua những biến cố trong lịch sử Ít-ra-en vào thời các tổ phụ, các ngôn sứ, các vua và tất cả những người tuân giữ lề luật Chúa. Vị cuối cùng được nhắc đến là Thượng tế Simon (làm thượng tế từ năm 219 đến năm 196). Ông Simon được mô tả là "người khi còn sống đã tu bổ nhà Chúa và suốt đời củng cố đền thờ..."

Hôm nay, khi cho chúng ta nghe lại những lời ca ngợi vị thượng tế đó, phụng vụ muốn nhắc đến những gì thánh Phanxicô Assidi đã góp phần vào đời sống của Giáo Hội trong thời đại của ngài cách đây 800 năm. Công việc này vẫn được nối tiếp qua các con cái của thánh nhân.

Khi chưa được ơn trở lại cùng Chúa, Phanxicô, như bao thanh niên cùng thời, với ước mơ nóng bỏng thực hiện mộng công danh qua con đường binh nghiệp vào một thời đại mà thế giới Âu châu đang rơi vào tình trạng rối ren, đấu tranh bạo lực giữa các giai cấp. Tham gia một cuộc chiến tranh vào năm 1202 giữa hai thành Assisi và Pêroudia, nơi trú ngụ của giai cấp quý tộc, thật không may, chàng công tử thành Assisi bị bắt làm tù binh. Trở về sau một năm bị giam giữ, một cơ hội nữa lại đến với Phanxicô. Phanxicô quyết định gia nhập đội quân của giáo triều chống lại giới quý tộc người Đức. Lần này trên đường ra đầu quân, Phanxicô trải qua một giấc mơ bí ẩn: ngôi nhà của cha mẹ chàng biến thành một lâu đài chứa đầy quân trang vũ khí. Trong một căn phòng của lâu đài, một người hôn thê đẹp đẽ, dịu dàng đang chờ đón tân lang. Giấc mơ thật đẹp làm cho chàng bừng lên hi vọng. Nhưng niềm vui không kéo dài, một nỗi buồn bất ngờ thấm nhập vào tâm hồn, chàng phải cố găng lắm mới có thể quyết chí lên đường. Nhưng đêm hôm ấy, một tiếng vọng huyền bí trong giấc mộng :

"Phanxicô, hãy nói cho ta hay, con chờ mong ân huệ ở ai hơn? Ở một người làm chủ tất cả hay ở một kẻ chỉ vào hàng tôi tớ ?

Phanxicô đáp lại : - Thưa lẽ cố nhiên là người làm chủ thì hơn.

Tiếng vọng huyền bí ấy mời gọi chàng trai trở về quê hương rồi sẽ biết phải làm gì ?

Và hôm sau, Phanxicô bỏ hẳn ý định tham dự cuộc chiến tranh, quay trở về Assisi giữa bao tiếng xầm xì chê bai.

Một buổi chiều xuân 1206, Phanxicô một mình lủi thủi ghé vào ngôi nhà nguyện nhỏ viếng Thánh thể. Chàng quỳ gối, ngước mắt nhìn lên phía trên bàn thờ, là Thánh Giá Chúa chịu đóng đinh, có khuôn mặt dịu dàng, hiền hậu. Chàng động lòng thương cảm Đấng đã chịu tử nạn vì chàng, bỗng nhiên, hình Chúa khẽ động, làn môi mấp máy, rồi một tiếng tha thiết vọng ra : "Phanxicô, con hãy lo xây lại nhà Ta đang nghiêng ngả điêu tàn."

Đơn sơ chân thành trước Lời Chúa, Phanxicô nghĩ ngay tới việc sửa sang lại những ngôi nhà nguyện đổ nát trong vùng. Và khởi đầu ơn gọi, vị thánh tương lai đã hoàn tất tu bổ 3 nhà nguyện cho Chúa : nhà nguyện thánh Đa-mi-a-nô, rồi nhà nguyện thánh Phê-rô và cuối cùng là nhà nguyện Por-ti-un-cu-la.

Từ bước đầu tiên như thế Phanxicô từ từ hiểu ra rằng ngài được mời gọi ghé vai xây dựng nhà Chúa là Giáo hội. Và thế là hành trình ơn gọi khởi sự.

Thái độ sống của Phanxicô từ ngày đi hành khất và bắt tay sửa sang nhà Chúa, đã gây ngạc nhiên cho một số người nên họ tìm đến. Giờ đây nhà tu hành trẻ đã đứng đầu một nhóm người nhiệt thành sẵn sàng ra đi rao giảng sự đền tội.

Khi số anh em gia nhập đã nhiều, việc đầu tiên mà Phanxicô quan tâm là xin giáo triều Rôma chuẩn y cách sống của nhóm, được gọi là Bản luật đầu tiên, đã được trình bày cho Đức Giáo Hoàng Innôxenxiô III vào năm 1209, với danh xưng là Anh em hèn mọn. Đây là sự chuẩn nhận chính thức để Phanxicô và anh em an tâm thực hiện việc xây dựng Giáo hội theo lời mời gọi của Đấng chịu đóng đinh là Chúa Giêsu Kitô.

Trong bài đọc 2 thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, thẳng thắn giới thiệu Chúa Giêsu trong đoạn kết thư gởi tín hữu Galata, nơi mà ngài đang chứng kiến những sự chối từ thẳng thừng của một số người. Phaolô rao giảng Đức Yêsu, nhưng là một Đức Yêsu chịu đóng đinh. Và thánh nhân khẳng định rõ ràng, "ước gì tôi không tự hào về điều gì khác ngoài thập giá Đức Yêsu Kitô". Đức Yêsu chịu đóng đinh là niềm tự hào của thánh Phaolô thì Đức Yêsu chịu đóng đinh cũng là gương mẫu tuyệt đối của Phanxicô. Chính vì vậy, Chúa đã cho Ngài được đặc ân mang 5 dấu Thánh vào 2 năm cuối đời cho đến khi chết.

Với Phanxicô, cảm nghiệm thiêng liêng trước tượng Đấng chịu đóng đinh trong nhà nguyện thánh Đa-mi-a-nô là cái mốc quan trọng, một bước ngoặt của cuộc đời. Và chính Chúa Yêsu cũng chỉ cho Ngài từng bước, hiểu ra chương trình của Chúa dành cho Ngài, một con đường trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Tâm tình đó được Phanxicô diễn tả trong lời kinh mà ngài đã dạy anh em trong những ngày đầu tiên của Hội Dòng: "Lạy Chúa Yêsu Kitô chí thánh, chúng con thờ lạy Chúa nơi đây và trong hết mọi nhà thờ trên thế giới. Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng thánh giá mà cứu chuộc thiên hạ."

ĐGH Gioan Phaolô II, trong một lá thư gởi cho gia đình Phan sinh vào năm 1982, đã đề cập đến lý do tại sao " hết thảy mọi người chạy theo Phanxicô : bởi vì đời sống Phanxicô là đời sống hoán cải theo Tin Mừng, vác lấy thánh giá mình. Chính nơi đây ngài học được sự khôn ngoan trổi vượt của Đức Yêsu Kitô: dưới mái trường thập giá ".

Đó cũng chính là con đường mà Thiên Chúa chỉ dành cho kẻ bé mọn như Thánh sử Matthêu qua bài Tin Mừng hôm nay đã ghi lại : " vì Chúa đã không cho những nhà hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn."

Chính bằng tinh thần hèn mọn khiêm hạ mà vị thánh thành Assidi đã góp phần xây dựng Giáo hội. Tinh thần ấy đã và đang được con cái của thánh nhân trong nhiều gia đình tu sĩ và giáo dân, tiếp tục cho đến nay. Năm tới, năm 2009 là vừa trọn 800 năm kỷ niệm lối sống Phan Sinh được Giáo quyền chuẩn nhận chính thức, khởi đầu một ơn gọi, một hội dòng, và một linh đạo mới trong Hội thánh.

800 năm là một quãng thời gian khá dài để thế hệ này nối tiếp thế hệ kia trong đại gia đình phan sinh để sống và nuôi dưỡng tinh thần của Đấng Sáng Lập trong nhiều môi trường, nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

Tổng Tu Nghị ngoại thường toàn dòng năm 2006, để chuẩn bị mừng biến cố trọng đại này, đã đưa ra không ít suy tư và nhiều chia sẻ thiêng liêng có tính linh đạo giúp anh em trên toàn thế giới và từng cộng đoàn, từng cá nhân tu sĩ ý thức và thực hiện ơn gọi nguyên thủy của Dòng.

Mừng ngày thành lập Hội dòng, kỷ niệm 800 năm ngày Đức Giáo hoàng In-nô-xen-ti-ô phê chuẩn Bản luật đầu tiên của anh em, là một biến cố quan trọng, vì Luật dòng gắn với đời sống anh em: "Luật và đời sống anh em hèn mọn là thực hành Thánh Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô ". Phanxicô không nói tới bản luật cách chung nhưng là bản luật mà ta đã thề hứa với Chúa. Với thánh Phanxicô, bản luật không chỉ đơn thuần là luật lệ, qui tắc, nhưng là một lời mời gọi làm môn đệ cách mạnh mẽ hơn, sâu xa hơn. Luật dòng là điểm quy chiếu mọi khía cạnh của đời sống người anh em hèn mọn.

Mừng 800 năm thành lâp dòng là thời điểm để anh chị em đang đi theo ơn gọi Phan sinh kiểm điểm và nhận thức ánh sáng phát xuất từ Luật dòng. Đón nhận Luật dòng như nguồn mạch hướng dẫn cuộc đời và sứ vụ người Phan Sinh. Chọn lựa Luật dòng nói lên sự chọn lựa rõ ràng đối với Chúa, là lối sống đích thực của người Phan Sinh.

Tổng Tu Nghị 2006 nói : Đây là dịp "để anh em đặt mình trước bản luật như những anh em hèn mọn... đến độ nó trở thành cho chúng ta sự cụ thể hóa gần gũi nhất của những đòi hỏi Tin Mừng đối với người môn đệ Đức Yêsu Kitô.

Cử hành 800 năm thành lập Hội dòng trong tâm tình tạ ơn, vì cách đây 800 năm, Đấng Tối Cao đã ban cho Phanxicô ơn bắt đầu đời sống hoán cải và đi theo con đường Phúc âm của Chúa Yêsu.

Đây cũng là niềm vui, vì Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta hôm nay tiếp tục viết lên cùng một lịch sử của ân sủng và tình yêu, trong đó chính Thiên Chúa đóng vai trò chủ đạo.

Trong văn kiện kết thúc "Chúa nói với chúng ta trên đường đi" của Tổng Tu nghị Ngoại thường 2006, có lời mời gọi người Anh em hèn mọn trở về nguồn cội và tìm cách trả lời cho câu hỏi: "Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con làm gì trong tư cách những người anh em hèn mọn hôm nay?" và nhằm giúp anh em biện phân cách thức cải tiến đời sống và sứ vụ anh em để trở nên "những dấu chỉ khiêm tốn và đơn sơ của một ngôi sao vẫn tiếp tục chiếu sáng trong đêm tối của các dân tộc, và lôi kéo anh em hướng về trọng tâm của đời sống."

Giáo phận Nha Trang với sự hiện diện 70 năm qua của Dòng Phanxicô, đã tiếp thu được tinh thần sống Phúc Âm của vị Thánh nghèo, trong sự tùng phục giáo quyền, lòng nhiệt thành giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật, lòng yêu mến thiên nhiên, tinh thần nghèo khó, khiêm hạ và đơn sơ. Sự hiện diện đông đảo các thành phần dân Chúa trong ngày lễ khai mạc Năm Thánh Phan Sinh hôm nay, hướng về kỷ niệm 800 năm ơn gọi Phan Sinh vào năm 2009, là một sự động viên, một sự cám ơn và cũng là một lời kêu mời chân thành gửi đến các con cái của vị Thánh nghèo thành Assidi sống đúng với di sản Thánh Nhân để lại. Cầu chúc Nhà Dòng và Đại gia đình Phan Sinh sống một Năm Thánh tràn đầy ơn hoán cải để canh tân. Amen.

Chia sẻ