Thư Anh Giám Tỉnh tháng 05/2008
Đakao, ngày 14 tháng 5 năm 2008
Kính gửi toàn thể anh chị em trong Đại Gia Đình Phan sinh Việt-Nam
Anh chị em thân mến,
Cầu chúc toàn thể anh chị em nhận được bình an và niềm vui, là những hoa trái của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta vừa kết thúc Mùa Phục Sinh với lễ Hiện Xuống, được coi như Sinh nhật của Hội Thánh. Chắc chắn chúng ta thấy lời nguyện đầu thánh lễ của thứ bảy tuần VII PS thích hợp với chúng ta, để tạ ơn Chúa Cha đã “cho chúng ta được hoan hỷ sống trong Mùa Phục sinh”, và để xin Người “ban ơn giúp chúng ta biết ăn ở thề nào để chứng tỏ Đức Kitô đã đổi mới” chúng ta. Phải chăng thế là xong? Chúng ta có thể lên đường!
Lên đường cùng với Hội Thánh trong ngày mừng lễ Sinh nhật, chúng ta đối diện ngay với những thực tại bi đát của thế giới. Mọi chuyện vẫn còn dở dang ra đấy! Tôi nhìn vào lòng Hội Thánh và thế giới, trong lòng xã hội và Giáo Hội Việt-Nam, để xem tôi đã sống thế nào và sẽ phải sống thế nào.
Về mặt Giáo Hội, Đại Hội Quốc tế về Thánh Thể vào giữa tháng 6 tại Québec (Canada), Đại Hội của Liên Hiệp Kinh Thánh Công giáo vào cuối tháng 6 tại Tanzania, Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XII vào tháng 10 tại Rôma, các giáo huấn của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về các vấn đề của Giáo Hội và thế giới, các phong trào “phò sinh” (Pro-life)…, tất cả những điều này đang bảo tôi: Chưa có cái gì xong cả!
Nhìn vào thế giới, tôi ghi nhận các chuyển biến về thương mại thế giới, trận bão vừa qua đã tàn phá miền tây nam Myanmar, trận động đất mới đây ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã gây ra biết bao đau thương, những chết chóc do nạn khủng bố, những khủng hoảng chính trị tại nơi này nơi kia…, tất cả những điều này cũng đang bảo tôi: Chưa có cái gì xong cả!
Nhìn vào đất nước chúng ta, cũng có đủ thứ vấn đề. Chỉ cần mở tờ nhật báo Tuổi Trẻ ngày 13-5 ra thì đã thấy đủ chuyện: nhà báo chuyên đấu tranh chống tham nhũng bị bắt; nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL bị lỗ hàng trăm tỉ đồng, vì không được mượn tiền ngân hàng; giá sách giáo khoa tăng gây khó khăn cho học sinh; chồng đánh vợ rồi đem vứt bên suối; nghịch lý cúp điện và thừa điện; rồi vấn đề y tế, vấn đề sân khấu thiếu đạo đức… . Rồi Hội Thánh Việt-Nam đang chuẩn bị cho Năm Thánh 2010, cũng như đang phải đối phó với các vấn đề. Tất cả những điều này đang dồn dập bảo tôi rằng: Chưa có cái gì xong đâu! Cuối cùng, Gia đình Phan sinh chúng ta cũng đang hướng tới Lễ mừng 800 năm thành lập Hội Dòng và 80 năm thành lập Tỉnh Dòng, không phải để vui sướng an tọa, nhưng để lấy đà đi tới: vì vẫn cứ phải “bắt đầu lại không ngừng”!
Chưa có cái gì xong cả! Nhưng trong hoàn cảnh giới hạn của chúng ta, chúng ta làm được gì? Có thể chúng ta không làm được gì nhiều, nhưng ít ra không thể nào dửng dưng mà coi đó là chuyện của những người khác. Chúng ta cầu nguyện để xin Thiên Chúa thương đến các nạn nhân thiên tai địa họa, để xin Người cứu chữa các tệ đoan, là đúng rồi. Nhưng cũng phải xin được ơn sẵn sàng, vì biết đâu Người có thể dùng chúng ta để chữa một điều gì đó. Quan tâm tới những đau thương của người khác không phải là chỉ đọc báo, nghe đài, truy cập Internet, rồi đi hò hét người khác là: Sao không làm gì đi? Sao không nói gì vậy? Quan tâm tới người khác là như Đức Giêsu, cảm thấy lòng mình quặn thắt lại khi chứng kiến đoàn dân bơ vơ tất tưởi, và Người tìm cách giải quyết trong vị trí của Người. Đồng cảm với người khác là như Mẹ Maria, thấy người ta lúng túng vì hết rượu, là tìm cách cứu chữa, cách rất khiêm tốn nhưng rất dứt khoát. Là tu sĩ, anh chị em đã sống đời tu thế nào để gọi là dấu chứng về sự hiện diện sống động của Thánh Thần giữa lòng thế giới? Là giáo dân, anh chị em đang dấn thân thế nào để làm cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi anh chị em lan tỏa ra mà xoa dịu một nỗi đau nào đó, dù nhỏ bé, trong cuộc đời?
Hướng về đại lễ Chúa Ba Ngôi, cầu chúc anh chị em cảm nghiệm sâu sắc tình yêu cứu độ của Người, để sẵn sàng ban tặng, sẵn sàng kiến tạo sự hiệp thông, sẵn sàng hy sinh để xây dựng. Xin Chúa Ba Ngôi chúc lành cho tất cả chúng ta.
Thân mến,
Ts FX Vũ Phan Long, OFM
Giám Tỉnh