Đi tìm niềm hy vọng giữa cơn đại dịch Covid 19
Thư gởi các Anh em trong Dòng
Các Anh em trong Dòng thân mến của tôi,
Xin dùng lại lời của Cha thánh chí ái: Nguyện xin Thiên Chúa ban cho Anh em bình an!
Tôi có ý định viết thư cho anh em một lần nữa trong thời điểm thử thách đặc biệt này của cuộc sống của thế giới, để đề cập cùng anh em một số phúc lành và thách đố mà chúng ta đang phải đối mặt với tư cách là một huynh đệ đoàn quốc tế, và để khuyến khích tất cả chúng ta đi đúng hướng và giữ vững đức tin. Tôi đã chọn ngày này, ngày kỷ niệm sự chấp thuận dứt khoát của Đức Giáo hoàng Honorius III vào năm 1223 đối với Luật và Đời sống (Regula bullata), nhằm nói với anh em về những vấn đề cấp bách đang đè nặng lên con tim chúng ta.
Trong suốt nhiều tháng qua, tôi đã liên lạc với một số Giám tỉnh và Giám hạt để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của các anh em thân mến của tôi, và để trao đổi những lời an ủi, tình liên đới và niềm hy vọng Kitô giáo. Năm 2020 sẽ mãi mãi được ghi nhớ là năm mà cả cộng đồng nhân loại đã phải khiêm tốn hạ mình xuống do bởi mầm bệnh Sars-CoVid-2 (được gọi là CoVid-19). Trong khi đại dịch tiếp tục tàn phá các cộng đồng nhân loại, để lại muôn vàn khổ đau, thì nó cũng đang gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng khác. Các gia đình, bạn bè và anh em trong Dòng đã cảm nhận được tác động tâm lý và tình cảm do duy trì khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang và tránh thể hiện bằng các hình thức thể lý biểu lộ tình cảm, làm chúng ta mất đi một thứ gì đó rất quan trọng và cần thiết cho cuộc sống con người và cộng đồng. Thất nghiệp và mất kế sinh nhai cũng đang có tác động rất tiêu cực đến cuộc sống của hàng tỷ người ở mọi khu vực trên thế giới. Dân chúng ngày càng bị đẩy vào tình trạng nghèo đói triền miên. Cảm giác sợ hãi, bất an, bất lực và tuyệt vọng ngày càng gia tăng.
Đại dịch toàn cầu này và những hậu quả tiềm ẩn của nó cũng đang tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của tất cả các anh em trong Dòng. Nhiều anh em của Dòng đã chết. Nhiều người khác bị ốm nặng và phải nằm viện. Vẫn còn những anh em khác đang trải qua thời gian bị cách ly với anh em của họ trong huynh đệ đoàn. Ngay cả công việc của chúng ta, sự tham gia của chúng ta trong các giáo xứ, trường học, các chương trình phục vụ xã hội, các cuộc tỉnh tâm, hoạt động vì công lý, hòa bình và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta đều bị đại dịch làm gián đoạn cách nghiêm trọng. Một số anh em đã chia sẻ với tôi về những cơn chán nản, cảm giác cô đơn, cảm giác mất tự chủ và sức lực trong cuộc sống của họ, và thậm chí cả cảm giác tức giận và nỗi buồn kéo dài trong lòng. Tôi có thể hiểu những cảm xúc này bởi vì chính tôi cũng đã cảm nhận chúng ở mức độ này hay mức độ khác.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sáng tạo ra những cách thức mới để ở bên nhau, nhân lên những khoảnh khắc ở đó chúng ta có thể chia sẻ cho nhau những khó khăn và thất vọng mà chúng ta đang trải qua, ngay cả khi chúng ta tôn trọng các tiêu chuẩn sức khỏe cộng đồng vì lợi ích chung. Thánh Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong Luật và đời sống: “Dù ở nơi nào hay gặp nhau ở đâu, anh em hãy tỏ ra là anh em một nhà. Người này hãy tin tưởng cho người kia biết nhu cầu của mình, vì nếu một người mẹ nuôi dưỡng và yêu thương đứa con huyết nhục của mình, thì mỗi người lại phải yêu thương và dưỡng nuôi anh em thiêng liêng mình ân cần hơn là dường nào! (Lsc, 6).
Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đã làm thay đổi nghiêm trọng cách chúng tôi, ở Trung ương Dòng, tiến hành công việc phục vụ của chúng tôi đối với toàn thể huynh đệ đoàn trên thế giới. Tôi đã không thể thăm viếng anh em, những người anh em thân mến của tôi, cũng như các Tổng Cố vấn không thể đồng hành trong cuộc sống với các đơn vị của anh em trong một cách thức có thễ diễn tả sự gần gủi và “tính nhân vị Phan sinh”. Tính nhân vị Phan sinh này xem trọng việc gặp gỡ “mặt đối mặt”, việc chia sẻ cầu nguyện, các bửa ăn và đời sống chung. Chúng tôi buộc phải tiến hành các cuộc họp của mình qua Zoom, Skype hoặc một số định dạng điện tử. Bất chấp những hạn chế này, chúng tôi đã cố gắng hết sức giữ cho các kênh liên lạc luôn mở với hy vọng rằng chúng ta có thể khuyến khích nhau nhìn vào Chúa Giêsu, quan tâm đến nhau và bày tỏ tình liên đới của chúng ta với những người đang đau khổ ở chung quanh chúng ta.
Một thách thức nữa mà chúng ta phải đối mặt với tư cách là huynh đệ đoàn, đó là tình hình tài chính của chúng ta. Các Phục vụ đã thông báo với tôi rằng một hậu quả đáng lo ngại của CoVid-19 là thu nhập bị giảm nghiêm trọng trong khi chi phí tiếp tục gia tăng. Kết quả là một hiệu ứng dây chuyền (đôminô): các huynh đệ đoàn địa phương từng sống tự túc nay phải tự mình đi tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính; các Tỉnh dòng và Hạt dòng đang cảm thấy khó khăn trong việc hỗ trợ các anh em, và càng khó khăn hơn khi chuyển về Trung ương các khoản đóng góp liên đới của họ. Trung ương lại phụ thuộc vào các khoản đóng góp này để hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Dòng, huấn luyện, các nhu cầu truyền giáo của nhiều đơn vị nghèo về tài chánh. Ngoài ra, chúng tôi cũng phụ thuộc vào nguồn thu từ Fondazione Opera Antonianum chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của khách sạn Il Cantico và Thính phòng đặt tại Đại học Giáo hoàng Antonianum. Đại dịch đã làm thất thu. Fondazione sẽ không thể đóng góp bất kỳ khoản đóng góp nào cho ngân sách của Trung ương cho năm tài chính 2019, năm 2020 và có thể cả năm 2021. Chúng tôi đang cảm thấy khó khăn.
Thưa anh em, tôi hy vọng rằng, trong những thời khắc khó khăn này, anh em sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những gì thực sự quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Như Hiến chương nhắc nhở chúng ta, chúng ta “phải sống Phúc âm cách triệt để...trong tinh thần cầu nguyện và sốt mến, và trong tình hiệp thông huynh đệ...làm chứng về đời sống hoán cải và hèn mọn...trong tình bác ái đối với tất cả mọi người...rao giảng sự hòa giải, hòa bình và công lý..và bày tỏ sự tôn trọng đối với mọi loài thọ tạo.”(Điều 1&2). Lối sống theo Phúc âm này cung cấp cho chúng ta một nền tảng thiêng liêng trong những lúc thử thách. Tình huynh đệ phải là một ốc đảo của hy vọng, một nơi mà chúng ta rút ra sức mạnh từ lòng tốt và sự quan tâm mà chúng ta thể hiện đối với nhau. Cũng quan trọng việc chúng ta biết chăm sóc bản thân, bao gồm tập thể dục, đọc sách, cầu nguyện và học tập, củng cố cơ thể, trí óc và trái tim của chúng ta để duy trì sự ổn định. Cam kết của chúng ta trở thành anh em với tất cả mọi người sẽ khiến chúng ta tham gia vào việc suy ngẫm sâu sắc hơn về nhiều rạn nứt trong xã hội - kinh tế, chính trị, xã hội, những hình thức khác nhau của sự bất bình đẳng ngày càng tăng, phân biệt chủng tộc và các 'chủ nghĩa' khác - các 'vi rút' khác – những thứ phá hoại lợi ích chung và sự dấn thân tạo mối đoàn kết toàn cầu.
Chúng ta hãy cầu xin có nhiều kiến thức và sự sáng suốt để hướng dẫn các nhà khoa học, các bác sĩ và những chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong việc tìm kiếm chủng ngừa (vắc xin), những liệu pháp, để giảm bớt hậu quả của lây nhiễm CoVid-19 và trong việc chăm sóc tổng quát những người bị ảnh hưởng xấu nhất. Chúng ta hãy xin cho các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta có sự khôn ngoan của Salômôn để họ có thể theo đuổi lợi ích chung, nhận ra sự thất vọng và tức giận của những người mà họ được kêu gọi chăm sóc và phục vụ, đồng thời tìm ra những cách thức mới để đồng hành với những người cần sự trợ giúp đặc biệt nhất. Chúng ta hãy mở rộng vòng tay để ôm lấy các anh chị em của mình, chia sẻ thời gian và những nguồn lực quý báu của chúng ta với những người đang cần nhất, như một dấu hiệu rõ ràng nói lên rằng tất cả chúng ta đều liên kết với nhau, tất cả chúng ta đều là thành viên của một gia đình của Chúa, là anh chị em cùng nhau đồng hành trên con đường đang dẫn chúng ta đến sự thực hiện cách sung mãn vương quốc của Chúa trong hiện tại và sau này. Theo cách nói của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ước gì thảm kịch của đại dịch CoVid-19 có thể giúp chúng ta may mắn tránh khỏi “những xác tín sai lầm và vô ích mà chúng ta đã dựa vào đó để xây dựng, trong lịch trình hàng ngày của chúng ta, các dự án, thói quen và những ưu tiên của chúng ta… [để chúng ta có thể đi đến] ý thức cách chắc chắn và thích thú rằng chúng ta là một phần của nhau, rằng chúng ta là anh chị em của nhau ”(Fratelli tutti! 32).
Khi tưởng niệm tất cả các vị Thánh của Dòng, chúng ta hãy cầu xin -với sự trợ giúp của Chúa, lời chuyển cầu của thánh Phanxicô và tất cả các thánh trong Dòng chúng ta, và Mẹ Maria, Nữ Vương của Dòng Phanxicô,- cho chúng ta có thể khơi lại lòng nhiệt thành ban đầu và lòng kiên trung. để sống theo Luật và Đời sống do thánh Phanxicô đề xuất và được Đức Giáo hoàng Honorius III chấp thuận. Chúng ta hãy tiếp nạp thêm sức mạnh từ chứng tá trung thành của các thánh trong Dòng của chúng ta, những người cũng đã trải qua nhiều thử thách nhưng đã có thể giữ được sống động tình yêu và niềm hy vọng mà các ngài đã nhận được ngay từ đầu cuộc hành trình Tin Mừng của các ngài. Chúng ta hãy làm mới lại cam kết của chúng ta để trở thành những con người của hy vọng, những anh em yêu thương nhau, những người tìm kiếm công lý, hòa bình đích thực, những người thúc đẩy lòng tốt, tình huynh đệ và liên đới đối với tất cả mọi người và toàn thể vũ trụ được tạo dựng. Chúng ta hãy tích cực đón chờ Tổng Tu nghị năm 2021, khi chúng ta cùng đến với nhau để suy ngẫm và nắm lấy chủ đề của Tu nghị: Đổi mới tầm nhìn, nâng niu tương lai của chúng ta - “Hãy trỗi dậy… và Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi”.(Ep 5 : 14)! Chúa ở đây! Hy vọng gần kề!
Để kết luận, tôi mời gọi anh em hãy cùng cầu nguyện với tôi bằng những lời sau đây trích từ Kinh các “Lời ngợi khen Thiên Chúa”, do thánh Phanxicô sáng tác và tín cẩn giao cho anh Lêô ở La Verna năm 1224:
Ngài đẹp. Ngài khoan dung,
Ngài là Đấng che chở,
gìn giữ và bảo vệ chúng con,
Ngài là sức mạnh. Ngài là nơi chúng con ẩn náu.
Ngài là Đấng chúng con trông cậy,
Ngài là Đấng chúng con tin tưởng,
Ngài là Đấng chúng con mến yêu.
Ngài là tất cả sự dịu ngọt của chúng con,
Ngài là sự sống đời đời của chúng con,
Ngài là Đức Chúa lớn lao và kỳ diệu,
là Thiên Chúa toàn năng
là Đấng Cứu tinh nhân hậu. Amen.
Rôma, ngày 29 tháng 11 năm 2020
Lễ Các Thánh trong Dòng Phan sinh
Trong tình huynh đệ
Br. Michael A. Perry, OFM
Tổng Phục vụ và Tôi tớ