Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Sự giản dị Phúc Âm

Administrator
2008-09-16 00:00 UTC+7 277

THƯ TỔNG PHỤC VỤ DÒNG AEHM
GỬI CÁC CHỊ EM NGHÈO THÁNH CLARA

Chị em thân mến,

Xin Chúa ban bình an cho chị em!

Năm nay, trong lúc chúng ta còn đang chuẩn bị cử hành lễ kính mẹ thánh Clara,

tâm trí tôi tự nhiên lại hướng về cuộc họp của Đại Hội các Chủ Tịch các Liên Hiệp chị em Clara mà chúng tôi đã triệu tập vào đầu năm nay tại Assise. Cùng với tất cả chị em, tôi vẫn còn muốn tạ ơn Chúa vì những ngày dồi dào ân sủng mà chúng ta đã được cùng sống với nhau. Được triệu tập về từ khắp nơi trên trái đất, như trong một Lễ Hiện Xuống mới, Thánh Thần đã làm cho chúng ta sẵn sàng lắng nghe để hiểu được các ngôn ngữ và các kinh nghiệm khác nhau : Người đã ban cho chúng ta được cảm nghiệm niềm vui được thuộc về một đại gia đình duy nhất nhưng đa dạng; Thánh Thần đã làm bừng cháy chúng ta bằng ngọn lửa của Người trong chúng ta, khi làm cho chúng ta cảm thấy phải cấp bách tái sinh (x. Ga 3,3), để canh tân lòng trung thành của chúng ta đối với Đức Chúa duy nhất của cuộc đời chúng ta, Đấng mà chúng ta đã hứa đi theo vết chân Ngài. Trong một bầu khí cầu nguyện và chia sẻ, là những khách hành hương đến viếng các địa điểm liên hệ đến thánh Phanxicô và thánh Clara, chúng ta đã giải khát nơi những suối nguồn của đoàn sủng chúng ta, tại ân sủng nguồn cội, bằng cách một lần nữa thán phục sức mạnh và sự tươi mát của cội nguồn này. Một vài cam kết cụ thể cho đời sống của các Liên Hiệp cũng đã xuất hiện và chị em ta đã vạch ra một lộ trình chung, lộ trình này sẽ đồng hành với chị em tiến về kỷ niệm 800 năm ngày khởi đầu đời sống của thánh Clara tại Thánh Đamianô, kỷ niệm này sẽ được cử hành vào năm 2012.

 

Cho dẫu không thể nhắc lại ở đây tất cả sự phong phú của những ngày này, tôi cũng muốn nhấn mạnh chút ít về sự hiệp thông đời sống đã được tức khắc tạo lập giữa chị em, là dấu chỉ hiển nhiên về sự duy nhất của chị em giữ lòng cùng một kinh nghiệm sống đoàn sủng, một kinh nghiệm vượt lên trên mọi khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa. Chính trong sự hiệp thông sâu sa này mà tỏ lộ ra Tin Mừng mà chị em được kêu gọi mang đến cho thế giới, bằng cách làm chứng rằng trong Đức Giêsu Kitô, tất cả chúng ta là những con cái nam nữ của cùng một Cha, là anh em chị em với nhau, có khả năng thiết lập những tương quan "mới", trong tư cách là những người nam người nữ "được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa" (Ga 1,13). Cũng kinh nghiệm về tình huynh đệ này, đã được sống trong sự vâng phục Phúc Âm, trong sự hợp nhất thánh thiện và đức nghèo tối cao, ở tại nền tảng của đời sống thánh Clara và chị em của ngài tại Thánh Đamianô, và cách đây tám thế kỷ, kinh nghiệm này vẫn còn gây kinh ngạc, vẫn đang chất vấn và đòi hỏi phải trở về cùng Chúa.

 

Khía cạnh được nêu bật tức khắc qua những chứng tá của chị em thánh Clara trong án phong thánh, chính là sự giản dị Phúc Âm của cuộc sống tại Thánh Đamianô và sự hiệp thông bền chặt đã liên kết chị em lại với nhau. Hai yếu tố này được nối kết mật thiết với nhau, bởi vì một cộng đoàn càng mang tín Tin Mừng thì các thành phần càng lớn lên trong việc chia sẻ kinh nghiệm đức tin, để từ đó trào vọt lên sự hiệp thông thực sự: "sự hiệp thông phát sinh từ việc chia sẻ những của cải của Thánh Thần, một việc chia sẻ đức tin và chia sẻ trong đức tin, trong đó mối dây huynh đệ càng được mạnh mẽ nếu những gì được bỏ chung vào càng có tính trung tâm và trọng yếu" (Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn 32). Vậy, chính việc chia sẻ kinh nghiệm đức tin vào Đức Chúa Phục Sinh, một việc chia sẻ có tính trung tâm trong đời sống của mỗi Chị em nghèo, sẽ xây dựng nên cộng đoàn. Và chính Giáo hội từ bao lâu nay gợi ý cho chúng ta những đường lối phải theo để đi trọn con đường này, khi cũng cống hiến cho chúng ta những phương tiện cần thiết. Trước tiên, đó là việc cộng đoàn cùng nhau lắng nghe Lời: "Việc chia sẻ trong Lectio divina và các suy tư về Lời Thiên Chúa đã đặc biệt mang lại nhiều hoa trái cho nhiều cộng đoàn (...). Ở đâu việc lắng nghe Lời Chúa được thực thi cách bột phát và trong sự đồng thuận, sự trao đổi này nuôi dưỡng đức tin và niềm hy vọng,  cũng như sự trân trọng và tin tưởng lẫn nhau, làm cho sự hòa giải trở nên dễ dàng và dưỡng nuôi tình liên đới huynh đệ trong cầu nguyện" (ĐSHĐTCĐ 16). Như thế, cầu nguyện trở thành nơi người Chị em nghèo, hiệp nhất với các chị em khác, đón nhận Lời Thiên Chúa, hấp thụ các tâm tình đã là những tâm tình của Đức Giêsu Kitô (x. Pl 2,5), và nhờ việc chiêm ngưỡng, chị được biến đổi hoàn toàn nên hình ảnh của chính Ngài (x. 3 T Ag 12-13). Thật vậy, chính khi sống trong tình yêu đối với Lời, mà người ta trở thành nơi cư ngụ của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 14,23) và người ta có được cái nhìn đức tin, nhờ đó người ta cũng có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng được yêu mến trên khuôn mặt của anh em và chị em, trong lúc học cách đọc ra những dấu chỉ của thời đại và của các nơi chốn y như thể các dấu chỉ này đang chất chứa niềm trông cậy. Chính nhờ thế mà khi các cộng đoàn để cho mình được lời Phúc Âm hướng dẫn, các cộng đoàn sẽ trải nghiệm và làm cho sự hiện diện của Thánh Thần trở thành hữu hình trong lịch sử, nhờ công bố bằng lời nói và gương sáng (x. Hn 7,4) rằng chỉ mình Thiên Chúa là "sự thiện, tất cả sự thiện, sự thiện tối cao" (K Lêô 3). Do đó, cuộc gặp gỡ cá nhân và huynh đệ, nhất là cuộc gặp gỡ nơi bàn tiệc Lời và bàn tiệc Thánh Thể mở ra với điều mà Thánh Thần đang gợị ra cho ngày hôm nay (x. Cv 2,29) và giúp không trốn tránh thực tế, nhưng đi tới gặp gỡ thực tế ấy, để khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn ở trong cái thực tế ấy, ngay cả trong những khía cạnh bi thảm.

Vậy, người Chị em nghèo được kêu gọi trở nên một "người nữ Phúc Âm", đó cũng là điều Đức Gioan Phaolô II đã nói về thánh nữ Clara, "trong ngài tỏa rạng cách thật đặc biệt mầu nhiệm Đức Kitô" (Cuộc gặp gỡ với các chị Clara và các Chị nhà kín tại Đan viện mẫu ở Assisi, ngày 10.1.1993). Một người nữ đầy tình yêu, xác tín rằng mình chỉ có thể đạt tới sự thành toàn, bằng cách đi theo Chúa trên một con đường sống đức tin được chia sẻ với các chị em, một người nữ được giao hòa với lịch sử cá nhân của mình, ngay cả khi mình bị ghi dấu bởi những vết thương đau đớn, một người khao khát gắn bó với dự phóng sống Phúc Âm, ngay cả khi bản thân không hiểu hết được ý nghĩa của dự phóng này.

 

Trong sự hợp nhất thánh thiện

Đời sống cộng đoàn của chị em Clara, được xây dựng trên việc lắng nghe Phúc Âm đang trở thành sự sống, thấy "sự hợp nhất của tình yêu hỗ tương" (LD Cl 10,7) là cách diễn tả chính mình ra đầu tiên và hùng hồn nhất. Sự hợp nhất này, được sống bằng việc tiếp đón và tôn trọng giá trị của sự khác biệt nơi kẻ khác, đưa người Chị em nghèo vào trong một tiến trình năng động, một tình trạng huấn luyện thường xuyên, trong đó luôn luôn vang lên và được lặp lại một lời kêu gọi kiến tạo những quan hệ chân thực với chính mình, với chị em, với tha nhân và với Thiên Chúa. Bằng cách này, "con người được thánh hiến dần dà tự giải phóng mình ra khỏi nhu cầu đặt mình làm trung tâm mọi sự và chiếm hữu kẻ khác, ra khỏi sự sợ hãi trao hiến mình cho anh em; đúng hơn người đó học yêu như Đức Kitô đã yêu mến người ấy, bằng tình yêu đã tỏa lan trong trái tim mình và làm cho mình có khả năng quên đi chính bản thân và tự hiến giống như Chúa người ấy đã làm" (ĐSHĐTCĐ 22). Một người phụ nữ lão luyện trong nếp sống luôn dâng trả lại tình yêu mà Thiên Chúa đã tuôn tràn trong trái tim của chị (x. Rm 5,5), qua lời nói, tâm tình, cách ứng xử và những chọn lựa thường ngày. Người Chị em nghèo không tìm thấy trong cộng đoàn một nơi trú ẩn thoải mái, nhưng là nơi mà chị dấn thân xây dựng sự hiệp thông, vì cảm thấy đồng trách nhiệm trong việc trung thành với những chọn lựa của cộng đoàn, hỗ trợ một bầu khí thanh thản, thông cảm và nâng đỡ lẫn nhau (x. ĐSHĐTCĐ 57).

Bằng việc giữ mình khỏi "mọi hình thức kiêu ngạo, huyênh hoang, ganh tị, tham lam, bận tâm và lo lắng việc đời, nói xấu và cằn nhằn, cãi cọ và chia rẽ" (LD Cl 10,6), mỗi ngày hơn thêm một chút, người Chị em nghèo tín nhiệm vào cộng đoàn của mình và đồng thời, nâng đỡ cộng đoàn bằng cách chiêm ngưỡng cộng đoàn trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Trong sự chiêm ngưỡng này, chị ấy diễn tả việc tạ ơn cá nhân về những gì chị không ngừng đón nhận từ cộng đoàn. Thật vậy, một cộng đoàn đích thực được hình thành trong việc chiêm ngưỡng tình yêu Ba Ngôi, trong đó người ta học cách khám phá ra vẻ đẹp và chiều kích tích cực của kẻ khác cũng như của mình, học cách định hướng các nhu cầu của mình trong khi cũng quan tâm tới tha nhân, học luôn luôn cởi mở ra với tương quan, như Thiên Chúa đã làm với chúng ta, ngay cả khi chúng ta không trung tín với Người (x. 2 Tm 2,13). Chỉ khi nào cộng đoàn này được tình yêu soi sáng và nâng đỡ, sự hợp nhất thánh thiện mới có thể thắng được những xung đột không thể tránh khỏi và vẫn được toàn vẹn bên kia những mối căng thẳng này: "Cộng đoàn nào biết sống sự tha thứ và yêu thương nhau thì luôn luôn có thể cải thiện và cùng tiến bước bên nhau. Thật vậy, các cộng đoàn không thể nào tránh khỏi những xung đột. Sự hợp nhất mà các cộng đoàn phải xây dựng là một sự hợp nhất được dựng xây với cái giá là sự hòa giải" (ĐSHĐTCĐ 24). Khi một cộng đoàn các chị em nghèo đi vào được con đường này, như Giáo Hội đòi hỏi, cộng đoàn đó thực sự trở thành một ngôi trường thực sự, nơi học được linh đạo (x. Ngàn năm thứ ba đang đến 43).

Điều quan trọng là tự mình huấn luyện và để cho mình được huấn luyện để đạt tới một sự bình đẳng trong các tương quan bên trong cộng đoàn, trong thái độ tôn sự khác biệt tự nhiên giữa các vai trò. Đặc biệt, chị nào đã đón nhận trong cộng đoàn thừa tác vụ quyền bính thì được kêu gọi chỗ sống "sự vâng phục" riêng biệt này, theo dấu chân Đức Kitô, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28). Vì lý do này, để phục vụ chị em, cũng như thánh Clara, chị Bề Trên phải là người đầu tiên trau dồi đời sống trong Thánh Thần, thực hiện việc biện phân cần thiết đối với các chị em và đối với cộng đoàn, bằng cách để cho Lời Chúa, Luật Dòng và Hiến Chương hướng dẫn chị; chị phải là người chăm chỉ linh hoạt đời sống phụng vụ bởi vì đời sống phụng vụ làm nên trung tâm đời sống cộng đoàn; chị phải để ý tới những quà tặng mà mỗi chị em đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa và sẽ cổ vũ chúng; chị phải thổi sự can đảm và niềm hy vọng vào các chị em đang sống trong khó khăn và đau khổ; chị phải chăm nom duy trì cho đoàn sủng và tính chất Giáo Hội của cộng đoàn được sống động; chị sẽ phải đồng hành với chị em trên con đường huấn luyện thường xuyên (x. Sự phục vụ của quyền bính và vâng phục 13). Tuy nhiên, sự hợp nhất thánh thiện sẽ phải được mỗi chị em tuân giữ với niềm kính trọng, trong mức độ chị ấy từ bỏ ý muốn riêng của mình để ý Cha được hoàn thành, trong sự vâng phục và theo gương Đức Kitô (x. 2 T Th 11). " Tuy nhiên cũng có thể xảy ra là chính nguời được thánh hiến phải đi tới chỗ "học vâng phục" khởi đi từ đau khổ hoặc khởi đi từ những hoàn cảnh cá biệt và khó khăn nào đó, khi chẳng hạn, người ấy bị đòi hỏi phải bỏ đi những dự phóng và những suy nghĩ nào đó của bản thân, từ bỏ cao vọng tự mình quản lý cuộc sống và sứ mạng của mình; hoặc mỗi khi người ấy thấy những gì được đòi hỏi (hoặc thấy người đòi hỏi mình) dường như về mặt nhân loại không mấy thuyết phục. Người nào ở trong những hoàn cảnh như thế không được quên rằng trung gian thì luôn bị giới hạn do bản chất của nó, và ở thấp hơn i so với điều nó đưa mình tới, nhất là nếu đó lại là trung gian con người đứng trước ý muốn của Thiên Chúa; nhưng chị ấy cũng phải nhớ rằng mỗi lần chị đối diện với một mệnh lệnh hợp pháp, thì cũng là mỗi lần Chúa đòi hỏi chị vâng phục quyền bính đại diện cho Ngài vào thời điểm đó, và cũng là mỗi lần chính Chúa Kitô "đã học vâng phục qua những thử thách mà Người đã phải chịu" (Sự phục vụ của quyền bính và lòng vâng phục 10).

 

Không có của riêng

Con đường ấy của tự do, một con đường cho phép chị em sống trong cộng đoàn mà đi theo Đức Chúa các chúa, để chị em trở nên khả tín và trung tín với ơn gọi cá nhân, cũng bao hàm một sự nghèo khó về của cải; sự nghèo khó này đặt chị em ở cùng một bình diện với những người nghèo và làm cho chị em trở nên những người trung thành bắt chước Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự ý trở nên nghèo vì chúng ta trong thế giới này (x. LD Cl 8,3). Như thế, trong khi chứng tỏ mình đã tìm thấy được viên ngọc quý, các Chị em nghèo chọn lựa chia sẻ số phận của những người nghèo, trước hết bởi vì "sự nghèo khó Phúc Âm tự nó có một giá trị, vì mối phúc đầu tiên trong Tám Mối Phúc dẫn chúng ta tới chỗ bắt chước Chúa Kitô nghèo khó. Thật vậy, ý nghĩa đầu tiên của mối phúc này là làm chứng Thiên Chúa như sự giàu có đích thực của trái tim con người. Nhưng chính là vì lý do này, nó mới phản kháng mạnh mẽ lại việc tôn thờ ngẫu thần Mam-môn, bằng cách tự nêu mình ra như một lời kêu gọi mang tính tiên tri đứng trước  một xã hội, tại quá nhiều nơi chốn của thế giới tiện nghi, đang gặp nguy cơ đánh mất ý nghĩa của sự chừng mực và thậm chí cả ý nghĩa của các sự vật" (ĐSTH 90).

Trong Bức thư Thánh Clara của Assisi và của ngày hôm nay vào năm 2004, tôi đã mời gọi chị em làm một cuộc lượng giá về sự nghèo khó, bằng cách định hướng khởi đi từ những câu hỏi mà tôi xem như vẫn còn quan trọng vào ngày hôm nay: "Chúng ta diễn ta cụ thể "đời sống không có của riêng" như thế nào? Đâu là những hình thức nghèo khó và hèn mọn mà chúng ta được kêu gọi "tạo ra" hoặc "lấy lại", để cho dấn thân "sống không có của riêng" của chúng ta thực sự trở nên một chứng tá thấy được và đáng tin, có ý nghĩa và ý nghĩa rõ ràng? Đâu là nền tảng thật của sự nghèo khó của chúng ta? Chúng ta có xác tín rằng "tính chất lữ hành", được hiểu trước hết như một sự truất hữu và tự do tinh thần, là một nét đặc thù trong ơn gọi Phan sinh và Clara và là một đòi hỏi của "nếp sống không có của riêng" của chúng ta không? Đâu là thái độ và sự sẵn sàng của chúng ta khi đứng trước những thay đổi, mà do cần thiết, chúng ta phải thực hiện?". Chị em thân mến, đây là một lời kêu mời sống trung tín với thể thức của chị em, để chị em trở thành một dấu chỉ tiên tri, một sự hiện diện mang tính lịch sử của Thiên Chúa trong thế giới.

Tiếng người nghèo kêu thấu lên tới Thiên Chúa không thể để cho chị em sống dửng dưng. Trong Hiến Chương của chị em, khi nói chứng tá của sự nghèo khó, có câu này: "Trong nếp sống cá nhân cũng như cộng đoàn, các chị em phải luôn nêu lên một chứng từ về nghèo khó. Trong tinh thần liên đới, chị em phải thích ứng với tình trạng của biết bao người hiện nay đang sống trong những điều kiện thấp kém" (HC 153,3). Những người nghèo đẩy chúng ta tới những chọn lựa cụ thể, bằng cách cũng đảm nhận qua các dấu chỉ bề ngoài một đời sống thống nhất trong sự giản đơn.

Vì chị em được kêu gọi bước theo Chúa Kitô nghèo khó trong tình trạng đồng hình đồng dạng, nếu cần, chị em phải tìm kiếm những hình thức mới để diễn tả Phúc Âm, xuyên qua một chứng tá rõ ràng hơn về sự nghèo khó vừa mang tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn. Tôi cũng nghĩ tới tầm quan trọng của việc lao động trong đời sống chúng ta, như là một dụng cụ ưu tuyển giúp chia sẻ tình trạng bấp bênh của những con người đang làm việc và sống bình thường nhờ đồng lương của bản thân họ.

Thế giới càng lúc càng cần tới những chứng nhân, những con người, nhờ hồng ân Thiên Chúa, tự hiến toàn vẹn, cần những "người nữ có khả năng chấp nhận ẩn số của sự nghèo khó, những người nữ bị thu hút bởi sự đơn giản và khiêm tốn, những người nữ  yêu mến sự bình an, miễn nhiễm với những thỏa hiệp, cương quyết bỏ mình hoàn toàn, tự do mà đồng thời vâng phục, hồn nhiên mà bền bỉ, dịu dàng mà mạnh mẽ trong xác tín đức tin" (CTPÂ 31).

Và vì lẽ đó, trong khi chúng ta chuẩn bị cử hành lễ trọng kính thánh Clara, tôi cũng cầu xin, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, để Chúa khấng ban cho chị em ơn biết tạ ơn mỗi ngày về quà tặng ơn gọi lớn lao mà chị em đã lãnh nhận, và ra sức bảo vệ và đổi mới ơn gọi đó liên tục, cũng như xin cho mỗi chị em ngày càng là một gương sáng và là một tấm gương soi, không những cho tha nhân mà còn cho chính chị em mình (x. DC Cl 19).

Chị em rất thân mến, "Hãy luôn luôn yêu thương Thiên Chúa, linh hồn mình và tất cả chị em mình, và hãy chăm chỉ tuân giữ những điều chị em đã hứa với Chúa" (CL Cl 14).

Nguyện xin Chúa chúc lành cho chị em luôn mãi và ở khắp mọi nơi!

Người anh em và tôi tớ của chị em,

 

Rôma, ngày 3.7.2008

Lễ kính thánh Tôma Tông đồ

ts José Rodriguez Carballo, OFM

Tổng Phục Vụ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ