Tất cả anh em của tôi, các anh em đang rao giảng, cầu nguyện và lao động, giáo sĩ cũng như giáo dân
THƯ ANH TỔNG PHỤC VỤ VÀ BAN TỔNG CỐ VẤN GỬI TOÀN DÒNG
NHÂN ĐẠI LỄ CHA THÁNH PHANXICÔ 2022
“...Tất cả anh em của tôi, các anh em đang rao giảng, cầu nguyện và lao động, giáo sĩ cũng như giáo dân”
(LKsc XVII,5)
Anh chị em quý mến,
xin Chúa ban bình an cho anh chị em!
Những lời của thánh Phanxicô mà chúng tôi chọn làm tiêu đề cho bức thư này cung cấp một tổng hợp chính xác về căn tính của Dòng như Cha Thánh mong muốn: Một cộng đoàn gồm những người đảm nhận các hoạt động khác nhau trong cuộc sống thường nhật, nhưng luôn ý thức sâu sắc mình thuộc về đại gia đình Hội thánh của Chúa Giêsu. Bất chấp sự đa dạng của các sứ vụ, họ được hiệp nhất với nhau do ơn gọi chung là trở thành anh em, nghĩa là, mỗi người chọn sống mối tương quan với người kia theo lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng “nói, hoặc làm, hoặc thực hiện bất cứ điều tốt đẹp nào qua lời lành và việc thiện của họ” (LKsc XVII,6). Vì vậy, mọi lập luận chiếm đoạt hoặc nô dịch người khác theo nhu cầu hoặc mong muốn của mình đều phải bị loại bỏ.
Năm nay, nhân đại lễ Cha Thánh, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về Phúc nghị của Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 18 tháng 5 năm 2022, đề cập đến việc anh em tu sĩ giáo dân có thể tham gia vào các chức vụ quản trị. Chúng ta chia sẻ niềm vui về bước tiến mà Giáo hội đã đạt được này, nhờ hành trình nghiên cứu lâu dài và thỉnh cầu của Gia đình chúng ta và những Hội dòng khác. Phúc nghị này được gửi đến các anh em hèn mọn, các chị em chiêm niệm và toàn thể Gia đình chúng ta như một lời nhắc nhớ về đặc sủng chung.
Sống Tin Mừng trong huynh đệ đoàn
Ơn gọi và sứ mạng của Phanxicô đã thúc đẩy ngài làm cho tiếng gọi huynh đệ cộng hưởng trong xã hội và trong Giáo hội đương thời như là hoa trái chân thực nhất của Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Mọi giác ngộ của ngài bắt nguồn từ khám phá đáng ngạc nhiên rằng không một người nào bị bỏ rơi ngoài lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng chào đón tất cả mọi người như những đứa con yêu dấu: cả người khỏe mạnh và người phung hủi, cả kẻ trộm cắp và đứa mất dạy, cả giáo hoàng và quốc vương Hồi giáo, cả hiệp sĩ và cái bang…
Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu đã chỉ cho Phanxicô thấy mục tiêu hướng tới, và tình huynh đệ là con đường dẫn ngài đi theo Chúa Giêsu. Thật vậy, đời sống và Luật Dòng Anh em Hèn mọn là sống và trung thành tuân giữ “thánh Phúc Âm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trong sự vâng phục, không có của riêng mình và trong sự khiết tịnh”. Kỷ niệm bát bách chu niên phê chuẩn Luật Dòng mà chúng ta sẽ cử hành vào năm 2023 giúp chúng ta trở lại cốt lõi căn tính của chúng ta, cùng với niềm hân hoan đón chào mầu nhiệm Nhập thể mà chúng ta cũng sẽ cử hành vào năm 2023 để kỷ niệm lần thứ tám trăm lễ Giáng sinh ở Greccio.
Cũng vậy, đối với chúng ta, huynh đệ đoàn là không gian để trải nghiệm đời sống mới theo Tin Mừng và cảm nghiệm sự hài hòa trầm bổng du dương của các giai điệu trổi lên từ những cung đàn bất tận. Theo cách này, chúng ta trở thành lời tiên tri cho một nhân loại trung thành với bản thiết kế nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa.
Sự suy giảm số lượng anh em tu sĩ giáo dân
Nhưng sự hài hòa trong đa dạng là một thực tại phải được đón nhận như một món quà, như hoa trái của sự sống và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, cần được bảo vệ và chăm sóc. Trong thời điểm lịch sử mà chúng ta đang trải qua, đối với chúng ta, dường như việc quan tâm đến món quà tình huynh đệ cũng có nghĩa là chia sẻ mối bận tâm về sự suy giảm số lượng anh em giáo dân trong Dòng, tỷ lệ suy giảm này cao hơn so với anh em giáo sĩ.
Nếu sự sụt giảm nói chung trong Dòng buộc chúng ta phải phản tỉnh một cách khôn ngoan, như Tổng Tu nghị năm 2021 đã khuyến cáo, thì riêng sự sụt giảm của anh em giáo dân là một dấu hiệu khiến chúng ta phải lo lắng. Huynh đệ đoàn chúng ta xem ra đang đấu tranh để duy trì sự đa dạng của các tác vụ vốn đã đặc trưng cho lối sống này từ khi bắt đầu. Phanxicô hiểu huynh đệ đoàn của mình là đa dạng, gần như thay thế cho đời sống đan tu hoặc kinh sĩ; ngày nay chúng ta đang cố gắng để tìm lại nguyên bản của lối sống này. Phải chăng chúng ta đang ở trong nguy cơ biến mình thành những cộng đoàn của các thừa tác viên chức thánh, chỉ dựa vào một bản luật để làm điểm tựa cho việc tổ chức đời sống chung, chứ không dám để mình bị thách thức bởi những đòi hỏi tìm kiếm các hình thức mới của đời sống huynh đệ theo Tin Mừng? Tình hình dĩ nhiên là khác nhau ở mỗi khu vực mà Dòng hiện diện; nhưng chúng tôi tin chắc rằng đây là một câu hỏi đi vào trọng tâm của ơn gọi của chúng ta, và do đó nó chất vấn mọi anh em.
Cách riêng, tất cả những điều này tạo nên lời chất vấn đối với quá trình huấn luyện của chúng ta. Trên thực tế, điều liên kết chúng ta là tất cả chúng ta đều là anh em, chứ không phải là chức linh mục. Vì vậy thật hữu ích khi dành thời gian để khám phá lại tiến trình huấn luyện của chúng ta, từ thường huấn cho đến huấn luyện khởi đầu, rằng ơn gọi ban đầu của mỗi người chúng ta là trở thành một người anh em hèn mọn. Chính trên con đường này, chúng ta có thể đánh giá lại quà tặng tuyệt vời là ơn gọi tu sĩ giáo dân và giới thiệu nó với niềm xác tín hơn, kể cả trong đề xuất ơn gọi của chúng ta.
Một vài suy tư
Trong hoàn cảnh sụt giảm ơn gọi này, một tín hiệu tích cực đã đến với chúng ta từ Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong Phúc nghị nói trên của mình, ngài nhìn nhận rằng sự tham gia của tất cả các anh em vào đời sống, sứ vụ và quản trị của huynh đệ đoàn là hệ quả của sự chia sẻ cùng một đặc sủng. Nó không chỉ là vấn đề về “quyền” và quyền lực mà còn về đặc sủng và căn tính. Bắt đầu từ món quà là bản Phúc nghị tông tòa này, có vẻ thích hợp để chúng ta triển khai thêm một số suy tư.
1) Đời sống thánh hiến trong thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô giáo về cơ bản mang đặc tính giáo dân. Trong quá trình lịch sử, ngay từ những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo, đời sống thánh hiến, trên thực tế, đã được khai sinh từ ước muốn sống Phúc Âm một cách triệt để hơn, dẫn đến một sự lựa chọn định hướng cho toàn bộ cuộc đời của những người nam và người nữ cảm thấy mình được mời gọi; đây vẫn là những giáo dân. Tất nhiên, vấn đề không phải là hoài niệm về một quá khứ mà bây giờ đã rất xa; trên thực tế, chúng ta cũng phải tính đến sự kiện là trong Giáo hội Latinh đã xuất hiện các cộng đoàn tu trì thuộc loại giáo sĩ và xu hướng này cũng đã đánh dấu các Dòng cổ xưa nhất. Câu chuyện phức tạp, nhưng nó không miễn cho chúng ta tự chất vấn liệu ngày nay chúng ta có còn ước muốn “sống theo sự hoàn thiện của thánh phúc âm” cách triệt để như các anh em vẫn đang sống để hướng dẫn các lựa chọn cá nhân và cộng đoàn của chúng ta cho tương lai hay không, khi mà các ơn gọi đang bị hấp dẫn bởi căn tính giáo sĩ hơn là đời sống anh em hèn mọn.
Vả lại, chúng ta hãy nhớ: Thánh Phanxicô không phải là một linh mục, và chính nơi ngài mà chúng ta tìm thấy gốc rễ đầu tiên về căn tính của mình. Thánh Phanxicô, trong mối quan hệ với các hệ thống theo chiều dọc và phân tầng xã hội, cũng như với một số thể chế trong Giáo hội và đời sống tôn giáo vào thời đại ngài, đã nghĩ về “các anh em hèn mọn” như những người được kêu gọi để hoàn thiện mình trong cùng một gia đình, thông qua một quy tắc của sự hiệp thông huynh đệ được bắt nguồn và hình thành trong tình bác ái và tính hèn mọn. Lý tưởng này bao hàm một thách thức liên tục cho tương quan thân mật tối đa giữa anh em, cho sự bình đẳng, về mặt thần học và pháp lý, theo dấu chỉ của đức bác ái Kitô giáo, trong sự tôn trọng, phục vụ và vâng phục lẫn nhau.
Đây là lý do tại sao chúng ta cảm thấy rất gần với hơi thở thổi hồn vào bản Phúc định của Đức Giáo hoàng Phanxicô, mà đối với chúng ta đó là nguồn cảm hứng tuyệt vời để làm sống lại trực giác ban đầu về ơn gọi của chúng ta ngày nay. Trong ánh sáng đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng thế giới hôm nay có không ít ứng cử viên bị thu hút bởi ơn gọi giáo sĩ hơn là đời sống của các tu sĩ hèn mọn. Có thể đây là kết quả của một óc biện phân còn nhiều thiếu sót. Vả lại, chương trình huấn luyện của chúng ta chưa đủ sức truyền cảm hứng và chưa hỗ trợ nhiều cho nhận thức này, cũng như chân dung và hoạt động của hầu hết các huynh đệ đoàn nơi chúng ta hiện diện, đều được đánh dấu chủ yếu bởi thừa tác vụ linh mục. Điều này cũng đã được thực tế chứng minh là hơn một nửa số tu sĩ giáo sĩ rời bỏ Huynh đệ đoàn chúng ta để gia nhập hàng giáo phẩm giáo phận, tuyên bố dè dặt ràng rằng họ cảm thấy mình giống linh mục hơn là anh em hèn mọn. Tín hiệu khẩn cấp cần thay đổi.
2) Ơn gọi giáo dân trong huynh đệ đoàn chúng ta là hồng ân quý giá trên hết, vì nó là một ký ức sống động về chiều kích linh mục gắn liền với sự thánh hiến của bí tích rửa tội, vốn là nguồn cội của sự thánh hiến đời tu. Mọi tín hữu, nhờ phép rửa, được mời gọi tham dự vào hiến tế hoàn hảo và duy nhất của Đức Kitô không chỉ qua việc cử hành bí tích, nhưng trên hết nhờ sự hiến dâng mạng sống mình vì lợi ích của anh chị em: Đây là sự thờ phượng đích thực theo Thánh Khí (x. Rm 12,1) mà mọi người đã được rửa tội, giáo sĩ hay giáo dân, phải dâng lên Thiên Chúa. Sống tình tương thân với Chúa theo cách này sẽ không làm cho ta trở thành kẻ chiếm hữu người khác, nhưng là định hướng lại thứ tự và thống nhất các hoạt động mà ta được kêu gọi thực hiện, dù là giáo sĩ hay giáo dân. “Mỗi người hãy dùng ơn Thiên Chúa ban để phục vụ kẻ khác, như những người quản lý trung thành các ân sủng... để Thiên Chúa được vinh hiển trong mọi sự nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 4,10).
3) Cuối cùng, suy tư về sự hiện diện của anh em giáo dân trong Dòng chúng ta, cũng có thể trở thành một lời mời gọi ý thức về trách nhiệm mà chúng ta, với tư cách là những môn đồ của thánh Phanxicô, phải có đối với toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Trong thời điểm lịch sử rất khó khăn này, cũng được đánh dấu trong Giáo hội bởi sự hỗn loạn, bất ổn, chống đối và đòi hỏi, lời kêu gọi hiệp nhất giáo sĩ và giáo dân mà không gặp sự chống đối trong huynh đệ đoàn của chúng ta, cũng có thể trở thành một động lực để mơ về một Giáo hội trong đó những lời của Chúa Kitô được thực sự ứng nghiệm: “Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26). Đây là những từ gợi cảm hứng để Phanxicô đặt tên cho huynh đệ đoàn của ngài: anh em hèn mọn, tức là những người cảm thấy khao khát để phục vụ, vì họ thực sự cảm nghiệm rằng Chúa là Đấng đã phục vụ họ đầu tiên. Đối với chúng ta, đây dường như là một lời kêu gọi khẩn thiết mà thời đại gửi đến chúng ta, những người mang tên hèn mọn: Ngày nay chúng ta có nên làm chứng nhân cho một cộng đoàn mà trong đó vẫn còn những kiểu suy nghĩ như “vua các dân… và những kẻ có quyền trên họ” (x. Lc 22,25)? Giáo hội khẩn thiết cần chứng tá quên mình của những người nam và người nữ, những người chứng tỏ bằng cuộc sống của họ rằng họ có thể sống như anh chị em, chứ không phải như những đối thủ cạnh tranh hay địch thù. Chỉ có chứng tá này mới có thể loại bỏ tận gốc mọi hình thức chủ nghĩa giáo sĩ (cho dù đến từ giáo sĩ hay giáo dân), mọi áp lực xã hội, yêu sách thống trị hoặc óc hơn thua, và mọi tầm nhìn thiển cận coi sự đa dạng của ơn gọi như là mối đe dọa đối với đời sống có phẩm trật trong tổ chức giáo hội.
Các hội nghị của anh em tu sĩ giáo dân
Với tư cách là Hội Đồng Dòng, chúng tôi tin tưởng rằng các hội nghị của anh em giáo dân ở cấp độ Hội đồng và quốc tế vào năm 2025, theo yêu cầu của Tổng Tu nghị năm 2021, sẽ là những địa điểm và cơ hội quý báu cho các suy tư này. Chúng tôi hy vọng sẽ đánh giá và khởi động lại ơn gọi toàn vẹn của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng tôi mời anh em chuẩn bị và sống những ngày gặp gỡ này với niềm tín thác.
Chính từ đây, chúng ta có thể đón nhận cơ hội mà Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho chúng ta khi kêu gọi tất cả anh em tham gia vào sứ vụ quản trị của Dòng: Đó là một thách thức để nhìn lại và thay đổi những tư tưởng gốc rễ, hầu mở ra tương lai mà Thần Khí đã khơi dậy trong chúng ta.
Anh chị em quý mến, ước gì việc cử hành lễ thánh Phanxicô, người cha và là anh của chúng ta, giúp chúng ta trở lại trọng tâm ơn gọi của mình, và hiệp nhất cuộc sống chúng ta xung quanh cốt lõi chói sáng là tiếng gọi của Chúa.
Xin Cha Thánh giúp chúng ta đừng để ngọn lửa đặc sủng bị dập tắt dưới sức nặng của những thất vọng và mệt mỏi; nhưng xin ngài hãy thắp lại ánh đuốc cuộc sống và niềm tin, là những món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta đã nhận được.
Với tình yêu này, chúng tôi thân mến chào từng người và tất cả anh chị em là những khách lạ và lữ hành trên khắp thế giới, ước mong phúc lành của thánh Phanxicô giúp chúng ta sống Phúc Âm với niềm vui, bằng cách bước theo chân Chúa Giêsu trong thời đại khó khăn và nhưng cũng đầy phước hạnh này, cùng với những người nam và người nữ thiện chí của ngày hôm nay.
Mến chào anh chị em trong tình huynh đệ!
Rôma, Trung Ương Dòng, ngày 17 tháng 9 năm 2022
Lễ Thánh Phanxicô Năm Dấu
Fr. Massimo Fusarelli, ofm
Tổng Phục vụ
Fr. Ignacio Ceja Jiménez, OFM
Phó Tổng Phục vụ
CÁC TỔNG CỐ VẤN
Fr. Jimmy Zammit, OFM
Fr. Cesare Vaiani, OFM
Fr. Joaquin Echeverry, OFM
Fr. César Külkamp, OFM
Fr. Albert Schmucki, OFM
Fr. Victor Luis Quematcha, OFM
Fr. John Wong, OFM
Fr. Konrad Grzegorz Cholewa, OFM
Prot. 111649
(Nguồn: https://ofm.org/wp-content/uploads/2022/09/IT-lettera-francesco.pdf)