Thư Anh Tổng Phục Vụ và Ban Tổng Cố vấn
MỪNG ĐẠI LỄ CHA THÁNH PHANXICÔ 2019
Thư Anh Tổng Phục Vụ và Ban Tổng Cố vấn
LẮNG NGHE TIẾNG KHÓC THAN CỦA AMAZON
Anh chị em thân mến, xin Chúa ban bình an cho anh chị em!
Sau khi trở về với Phúc Âm, Cha Thánh Phanxicô chỉ khao khát một điều mà thôi, đó là sống và làm chứng cho Tin Mừng khi người sống trong thế giới. Từ chương 14 đến chương 17 trong Luật Không Sắc Chỉ, chúng ta có thể thấy những đoạn Kinh Thánh mà người trích dẫn từ Tin Mừng, kể lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi (x. Mt 10,1-42; Lc 9,1-6; 10,1-20; Mc 6,7-13).
Đối với Cha Thánh Phanxicô, sống Tin Mừng, làm chứng và rao giảng Tin Mừng phải được thực hiện trong tinh thần hèn mọn, nghèo khó, khiêm hạ và tùng phục Giáo Hội, không giữ lại bất cứ điều gì cho mình, nhưng dâng trả mọi sự về cho Chúa (x. VAIANI. C. History and Theology of the Spiritual Experience of Francis of Assisi, tr.131). Hơn nữa, khi Thiên Chúa ban cho người một số anh em (x. DC 14), người đã bắt đầu thực hiện một lối sống huynh đệ, là biểu hiện cao cả nhất của đoàn sủng Phan Sinh cho đến ngày nay.
Gần đây, Hội Đồng Dòng Mở Rộng 2018 đã bàn đến khái niệm huynh đệ đoàn chiêm niệm (x. tài liệu Ai có tai thì hãy nghe những điều Thần Khí đang nói với… Anh Em Hèn Mọn hôm nay, 92-105) và đưa ra những đề nghị cụ thể để sống và thực hiện lối sống của chúng ta tại nơi chúng ta đang hiện diện, sẵn sàng dấn thân vào huynh đệ đoàn quốc tế (x. Sđd. 140-148).
Cùng với lời yêu cầu của Hội Dòng, tất cả chúng ta đều cảm thấy bị thách thức bởi Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi người tuyên bố rằng “mọi người có quyền được đón nhận Tin Mừng” và “các Kitô hữu có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người mà không loại trừ một ai” (NVTM 15) và trích dẫn mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu, xem đó là nền tảng của việc phúc âm hóa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm cho mọi dân nước trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (NVTM 19)
Nên nhớ rằng chính cha thánh Phanxicô đã sai anh em ra đi “từng hai người một”, yêu cầu họ loan báo sự bình an và sám hối (x. 1Cel 29). Điều đó chứng thực rằng truyền giáo là một chiều kích trong đoàn sủng chúng ta, thúc đẩy chúng ta đến với anh chị em trên toàn thế giới, đến với họ theo một cách thức độc đáo: Rao giảng bằng lối sống và hành động cổ võ sự hòa giải, hòa bình, công lý và bảo toàn tạo thành (x. THC 1,2). Hiện nay, trong bối cảnh của cơn khủng hoảng khí hậu và di dân mà chúng ta đang sống, đó là một nhiệm vụ thách thức chúng ta hơn bao giờ hết và Giáo Hội mời gọi chúng ta đừng dửng dưng.
Đức Giáo Hoàng vừa nhìn đến Giáo Hội đang sống trong vùng Amazon có liên quan đến nhiều quốc gia và triệu tập Thượng Hội Đồng Amazon với chủ đề: “Vùng Amazon: Những hướng đi mới cho Giáo Hội và Môi Sinh Học toàn diện”. Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng đã viết rằng: “Amazon là một vùng rất đa dạng về phương diện sinh học: Đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Đó là gương bảo vệ sự sống mà toàn thể nhân loại phải thực hiện, bằng cách thay đổi cơ cấu và lối sống trên bình diện cá nhân, quốc gia và Giáo Hội”. Chúng ta cũng phải nhớ rằng có 32 triệu cư dân trong vùng Liên-Amazon (9 quốc gia có rừng Amazon) và trong đó, có khoảng 3 triệu dân bản địa chia thành 390 dân tộc và sắc dân khác nhau. Những người dân bản địa được sinh ra và lớn lên trong sự hài hòa với rừng và đã duy trì sự cân bằng ấy trong hàng ngàn năm. “Tuy nhiên, sự sống nơi vùng Amazon đang bị đe dọa vì việc hủy hoại và khai thác môi trường, cũng như việc xâm phạm những quyền cơ bản của người dân Amazon một cách có hệ thống” (Tài liệu làm việc, 14).