Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Thư của Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 800...

Administrator
2019-01-28 00:00 UTC+7 201

Thư của Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 800 cuộc Gặp gỡ giữa thánh Phanxicô và Quốc vương al-Malik al-Kamil.

 

Các anh em thân mến của tôi trong Dòng Anh em Hèn mọn,

tất cả các anh em, chị em và bạn hữu trong Gia đình Phan Sinh,

và tất cả các anh em và chị em Hồi giáo của tôi,

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tất cả anh chị em Bình an của Người!

Tám trăm năm về trước, thánh Phanxicô, người cha chí ái của chúng tôi đã đáp thuyền đi Ai Cập. Và như thế, cuối cùng ngài cũng đã hoàn thành giấc mộng đi đến với người Hồi giáo, một giấc mộng mà ngài đã ấp ủ từ lâu. Ngài đến doanh trại của đạo quân thập tự chinh, ở giữa các Kitô hữu La-tinh, những người đã nghe rao giảng qua nhiều năm về cuộc thánh chiến và được dạy phải nguyền rủa các người Hồi giáo. Những người Hồi giáo này cũng có lý do để nguyền rủa lại Phanxicô, cho rằng ngài, cũng như đa số các người trong các trại thập tự quân, là một kẻ thù, chứ không phải là một sứ giả hòa bình. Ngày hôm nay chúng ta cử hành điều mà không một ai thời đó có thể thấy trước: đó là một con người tràn đầy Thần khí, không có gì làm của riêng, không vũ khí, đã vượt qua các chiến tuyến để xin gặp Quốc vương Hồi giáo, đã được Quốc vương ưu ái đón tiếp, có một thời gian ở lại khá lâu với nhà lãnh đạo Hồi giáo, và từ cuộc thăm viếng này, đã suy nghĩ lại cách mới mẻ sứ vụ của các anh em hèn mọn. Phanxicô đã trở về đất nước ngài cách an toàn, bị cuộc gặp gỡ này đánh động cách sâu đậm và đã phác họa cho các anh em ngài một viễn cảnh mới mẻ, đầy tính sáng tạo về việc anh em có thể đi đến giữa các người Hồi giáo như thế nào, về những “điều đẹp lòng Chúa” (quae placuerint Domino, Lksc 16.8) mà các anh em có thể làm và nói. Kỷ niệm cuộc gặp gỡ của Phanxicô với al-Malik al-Kamil ở Đamietta năm 1219 kêu mời chúng ta tự hỏi lần nữa: những hành vi và những lời nói nào, ở giữa thế giới đa nguyên và phức tạp như hiện nay, có thể đẹp lòng Chúa.

Bằng việc phân định những dấu chỉ của thời đại (Mt 16:3), Giáo hội không ngừng làm nổi bật sự đối thoại liên tôn như một yếu tố chính yếu của sứ mạng của Giáo hội hôm nay. Công đồng Vaticanô II đã khuyến khích các Kitô hữu dấn thân “thực hiện một cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo, đồng thời cộng tác với những người theo các tôn giáo khác, nhưng phải biểu dương đức tin chân chính bằng gương sáng đời sống Kitô hữu của mình.”(Nostra Aetate, 2). Cách đặc biệt, Công đồng dạy rằng Giáo hội nhìn các người Hồi giáo “với lòng kính trọng” và thúc giục các Kitô hữu làm việc với các chị em và anh em Hồi giáo nhằm đề cao công bằng xã hội và thăng tiến đạo đức, hòa bình và tự do, để mưu ích cho tất cả mọi người. (Nostra aetate, 3). Thánh Gioan Phaolô II, trong khi thi hành thừa tác mục vụ của ngài như Giám mục thành Rôma, đã xúc tiến sứ mạng đối thoại này một cách rất đặc biệt khi ngài mời các vị lãnh đạo tôn giáo trên thế giới đến ngôi nhà thiêng liêng của chúng ta, Átxidi, để chứng kiến ở đó giá trị siêu vượt của hòa bình. Đối với những ai tụ hội lại để cầu nguyện cho hòa bình, “bài học lâu bền của Assisi” hệ tại ở “tính dịu dàng, khiêm tốn, cảm thức sâu đậm về Thiên Chúa, và sự dấn thấn phục vụ mọi người” của Phanxicô (Gioan Phaolô II, Diễn từ ở Átxidi, 27/10/1986). Các Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI và Phanxicô cũng đã mời các vị lãnh đạo tôn giáo hành hương đến Assisi và ở tại đó, cầu nguyện cho hòa bình, và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẩn cầu sự trợ giúp của Poverello trong chuyến đi đến Ai cập, xin ngài cầu cho các Kitô hữu và các người Hồi giáo thật sự gọi nhau là anh em và chị em, sống trong một tình huynh đệ được đổi mới dưới ánh mặt trời của Thiên Chúa nhân từ duy nhất. (ĐGH Phanxicô, Diễn từ tại Hội nghị Quốc tế Hòa Bình, 28/04/2017). Như vậy, Giáo hội hoàn vũ kêu gọi gia đình Phan Sinh linh hoạt cộng đoàn liên tôn này trong tinh thần hòa bình của Cha thánh chí ái của chúng ta. Giáo hội mời gọi chúng ta đề cao giây phút có tầm ảnh hưởng sâu xa này trong lịch sử của chúng ta,- cuộc hành trình của thánh Phanxicô đến Ai cập,- để mở lòng chúng ta ra đón nhận cách mới mẻ sự thay đổi mà vị thánh thành Assisi đã trải nghiệm, và để cùng bước đi với các người Hồi giáo và những người thuộc mọi tín ngưỡng khác như những bạn đồng hành, như những người xây dựng sự tương kính, và nhất là, một cách căn bản, như những người chị em, anh em, con cái của Abraham, người cha trong đức tin của chúng ta.

Tôi khuyến khích gia đình Phan Sinh cử hành kỷ niệm này như một thời khắc ở đó ánh sáng của Tin Mừng có thể mở lòng mình ra nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei) trong một người mà mình nhìn với sự sợ hãi và nghi ngờ, trong một người mà mình được cổ vũ để thù ghét. Để đạt mục đích này, một số tài liệu đã được chuẩn bị để giúp tất cả những ai bị cuộc gặp gỡ này đánh động, hầu tưởng niệm nó trong một cách thức thích hợp. Kèm theo lá thư này là những lời chuyển cầu mà tôi khuyến khích các Anh em Phan Sinh sử dụng trong các giờ kinh phụng vụ trong suốt năm kỷ niệm này, những lời chuyển cầu có thể được dùng trong những hoàn cảnh mục vụ khác nhau khi thích hợp. Trong tháng 04, Trung Ương Dòng sẽ sẵn sàng cung cấp trên mạng tài liệu nguồn, được Ủy ban đặc biệt Đối thoại với Hồi giáo biên soạn. Tài liệu này cung cấp bối cảnh lịch sử, các viễn cảnh Phan Sinh và Hồi giáo trên cuộc gặp gỡ và nhiều tài liệu khác để tưởng nhớ Đamietta. Huynh đệ đoàn chúng ta ở Istanbul, một cộng đoàn gồm các anh em dành ưu tiên cho việc đối thoại đại kết và liên tôn, sẽ đăng cai một buổi gặp gỡ trong tháng 10 dành cho các anh em đang làm việc trong những nước đông người Hồi giáo. Đại học Giáo hoàng Antonianum cũng tổ chức nhiều biến cố công khai ở nhiều quốc gia khác nhau trong suốt năm kỷ niệm này. Dù nghiên cứu hay làm mục vụ, tôi khuyến khích anh em tham gia cách tích cực vào các biến cố này hoặc biến cố khác, và xa hơn nữa, xem xét một cách sáng tạo anh em có thể kỷ niệm Đamietta như thế nào trong hoàn cảnh sống thực tế của cộng đoàn địa phương của anh em.

Kỷ niệm này cống hiến một cơ hội duy nhất cho sự hợp tác giữa các nhánh khác nhau của gia đình Phan Sinh. Một số anh em (Phan Sinh), các chị và các học giả của Phong trào Phan Sinh, và các cổ động viên đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo đã chuẩn bị xuất bản những công trình biên soạn trong dịp kỷ niệm này. Tôi mời tất cả anh chị em dùng thời gian năm nay học hỏi và suy nghĩ trong tinh thần cầu nguyện về việc làm thế nào, trong hoàn cảnh địa phương của anh chị em, làm sống lại cách tươi mát trong anh chị em lòng can đảm và cởi mở ra với Thần khí đã được nhìn thấy lâu năm trước kia ở Đồng bằng sông Nile. Trung Ương Dòng nhiệt thành muốn chia sẻ những cố gắng như thế để xây nên những nhịp cầu hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo, vì thế, xin anh chị em thông tri cho chúng tôi các sự kiện và những sáng kiến kỷ niệm Đamietta trong cộng đoàn của anh chị em và trong những Đơn vị khác nhau của các anh em hèn mọn.

Chúng ta sống trong một thời đại có nhiều người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau xem các người Hồi giáo như những “quỷ ma” và xách động các người khác sợ hãi họ. Bên cạnh việc nghiên cứu học hỏi và cầu nguyện quanh các đề tài về gặp gỡ và đối thoại, tôi khuyến khích những ai theo chân thánh Phanxicô mà thiếu một trải nghiệm cá nhân về Hồi giáo, hãy nhớ lại kinh nghiệm của Đấng sáng lập của chúng ta bằng cách làm một việc đơn giản và cụ thể: găp một người Hồi giáo. Cố gắng biết anh ta hoặc chị ta bằng cách vượt qua ranh giới của phép lịch sự trong xã hội và những lời xã giao khi uống trà! Gắng tìm hiểu và lượng xem trải nghiệm nào về Thiên Chúa đã đem lại cho anh hoặc chị ta sức sống, và hãy để cho người bạn Hồi giáo của anh thấy được tình yêu mà Thiên Chúa đổ vào trong tâm hồn anh qua Đức Kitô. Mặc dù Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh rằng các người Hồi giáo, cùng với chúng ta, “tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất và nhân từ” (Lumen Gentium), nhiều tiếng nói, - một cách nào đó đáng buồn,- khăng khăng nhấn mạnh rằng sự đối thoại giữa các Kitô hữu và các người Hồi giáo là không thể được. Nhiều người đồng thời với thánh Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo đồng ý, xem sự tranh cãi và bất đồng như câu trả lời duy nhất cho sự thách đố của kẻ khác.

Các gương sống của Phanxicô và Quốc vương Hồi giáo làm chứng cho một chọn lựa khác. Người ta không còn có thể khăng khăng cho rằng sự đối thoại với các người Hồi giáo là điều không thể. Chúng ta đã thấy điều đó, và chúng ta còn tiếp tục thấy nó trong đời sống của nhiều anh em Phan Sinh và các người anh em, chị em Hồi giáo của họ, những người, với con tim chân thành và yêu thương, chia sẻ những quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho họ qua niềm tin của họ. Lòng trung tín với tầm nhìn của Phanxicô bao hàm việc chia sẻ với lòng khiêm tốn. Thật vậy, món quà đặc thù Kitô giáo mà chúng ta phải chia sẻ với các anh chị em Hồi giáo của chúng ta không chỉ đơn giản là một người Kitô hữu khiêm tốn, nhưng là trải nghiệm về một Thiên Chúa khiêm nhường. Phanxicô là người duy nhất vào thời ngài đã ngợi khen Thiên Chúa bằng cách nói: “Người là khiêm hạ” (KLeo 7) và nói về “lòng khiêm hạ thẳm sâu”, “sự hạ cố lạ lùng” của Thiên Chúa.( TTD, 27) Sự tìm kiếm Thiên Chúa của tâm hồn người Kitô hữu tìm được sự nghỉ ngơi trong tính khiêm hạ của máng cỏ và thập giá vốn là những dấu chỉ của Thiên Chúa cúi xuống để phục vụ và tự hạ mình vì yêu thương chúng ta. Phanxicô mời gọi chúng ta phản ánh thái độ khiêm tốn thần linh này cho những người mà chúng ta gặp gỡ bằng cách đi bước trước trong phục vụ và yêu thương. Hơn nữa, lòng trung tín với tầm nhìn của Phanxicô kêu mời chúng ta đón nhận các niềm tin và các tín hữu của những truyền thống tín ngưỡng khác với một tâm tình kính trọng (GGCC đ. 93.2; 95.2), với lòng trí mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong một cuộc gặp gỡ như thế.

Tôi nhìn nhận rằng có một số người trong gia đình Phan Sinh sống như những nhóm thiểu số trong mãnh đất họ được sinh ra, vướng vào trong cuộc xung đột chính trị và phe nhóm, và có thể có nguy cơ đi đến bạo lực, như nhiều người hôm nay đang làm trong vùng đất mà trước kia Phanxicô đã viếng thăm. Ở một vài quốc gia, Kitô hữu người Hồi giáo chia sẻ các nỗi đau của tình trạng bất công xã hội và sự bất ổn chính trị. Tôi mời gọi anh chị em suy ngẫm trên một trong những tên gọi mà Phanxicô đã dùng trong phần ngợi khen Thiên Chúa của ngài: “Người là nhẫn nại.” (KLeo 7), hoặc như các người Hồi giáo kêu khấn Thiên Chúa: Ya Sabur – “Ôi Đấng kiên nhẫn!” Chính Phanxicô đã học nhân đức nhẫn nại qua tác vụ của ngài ở giữa các người phung cùi, qua những thách đố của các chuyến lữ hành, và qua các xu hướng mà ngài thấy trong Dòng vào cuối đời ngài khi chính các anh em ngài từ bỏ một số lý tưởng mà ngài yêu mến. Phanxicô đã suy niệm nhiều về tình yêu nhẫn nhịn mà Đức Kitô đã tỏ ra trong cuộc khổ nạn của Ngài, và cuối cùng đã nhận ra sự nhẫn nại như một phẩm tính của Thiên Chúa nhân từ. “Người là nhẫn nại.” Thiên Chúa hành động theo một chương trình mà chúng ta không biết, và Thiên Chúa đưa tâm hồn của những người nữ và người nam vào những con đường chúng ta không hề hay. Phanxicô phấn đấu để hiểu chương trình của Thiên Chúa đối với những ai thất bại trong việc theo Đức Kitô như là Thiên Chúa, và Phanxicô tìm được nơi ẩn náu trong lời kinh ngợi khen “Thiên Chúa là nhẫn nại.” Xin Thiên Chúa ban cho mỗi một người chúng ta ơn kiên nhẫn khi chúng ta học tập chung sống với nhau.

Cùng các chị em và anh em Hồi giáo của chúng tôi, hãy để cho tôi nói điều này: thật là ấm áp khi chúng tôi, những anh em Phan Sinh, nhớ lại sự hiếu khách (mà Quốc vương của anh chị em đã) dành cho Người Cha chí thánh của chúng tôi khi mạng sống của ngài bị đe dọa. Sự quan tâm mà nhiều người Hồi giáo đã tỏ ra trong cuộc tưởng nhớ kỷ niệm này làm chứng cho ước vọng hòa bình, một ước vọng được diễn tả vào bất cứ lúc nào một người Hồi giáo chào hỏi một người đồng đạo của mình. Tôi cầu xin trong năm này tình huynh đệ mà chúng ta chia sẻ dưới chân vị Thiên Chúa Đấng tạo dựng mọi sự trên trời dưới đất, sẽ được bày tỏ đậm đà hơn, và xin cho dây liên kết này tiếp tục được củng cố lâu bền sau năm 2019 này. Thiên Chúa có thể tạo nên chúng ta như nhau, tuy nhiên Người đã không làm như thế (Al-Shura 42.8). Cùng với anh chị em, những chị em và anh em Phan Sinh của anh chị em nhiệt tình tỏ ra cho thế giới biết rằng Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo có thể và đang sống bên nhau trong hòa bình và hòa hợp.

Để kết thúc, chúng ta đừng bao giờ quên rằng gương sáng của thánh Phanxicô là một đời sống hoán cải không ngừng. Khi còn trẻ, ngài cảm thấy ghê tởm các người phung, nhưng một hành vi nhân ái đã biến đổi con tim của ngài và “điều đối với tôi trước kia là cay đắng đã trở thành dịu ngọt” (DC, 3). Giây phút đó, giây phút khởi đầu của đời đền tội của Phanxicô được kết nối mật thiết với kinh nghiệm ở Damietta năm 1219 của ngài. Con tim của Phanxicô đã được các người phung mở ra trước đó, và khi ngài thấy mình hiện diện trước một người Hồi giáo mà ngài đã được dạy là phải thù ghét, con tim đó lại được mở ra lần nữa. Lời mời gọi hối cải trong Kinh thánh (Heb., shuv; Aram. tuv) được vang dội trong giới luật được lập đi lập lại trong sách Qumram là hãy trở về với Thiên Chúa (tub), hãy tránh điều xấu bằng làm điều thiện và những việc bác ái trong một xã hội dễ bị tổn thương. Các tín hữu ngày nay – bất kể danh xưng mà họ dùng để gọi Thiên Chúa và cách thức thờ phụng của họ- được mời gọi có cùng lòng can đảm và sự rộng mở tâm hồn. Giữa những tiếng rên siết nhằm hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo của thế giới, nguyện xin Thiên Chúa khiêm hạ, kiên nhẫn và nhân từ chỉ cho tất cả chúng ta các hành vi và lời nói đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Rôma, ngày 07 tháng Giêng 2019

Bình an và mọi điều tốt lành

 

Tu Michael A. Perry, OFM

Tổng Phục vụ và người Tôi tớ

 

Chia sẻ