Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Thư Giáng Sinh 2008 của anh José Rodríguez Carballo, Tổng Phục Vụ OFM

Administrator
2008-12-18 00:00 UTC+7 184

"Vốn giàu sang phú quí, Người vẫn chọn nếp sống nghèo khó ở trần gian này" (2 T Th 5)

 

Anh chị em thân mến,

Đây chính là lễ Giáng sinh! Đây là Lễ của mọi lễ đối với cha thánh Phanxicô (2Cel 199). Đây chính là lễ Giáng sinh! Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta, kết hợp mãi mãi với nhân loại (x. Ga 1,14). Đây chính là lễ Giáng sinh! "Khi thời gian tới hồi viên mãn", Thiên Chúa toàn năng và tối cao đã mặc khải mình ra nơi một hài nhi (x. Gl 4,4). "Nào chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ" trong Chúa (x. Kh 19,7).

Chúng ta hãy cử hành Lễ này: Ngôi Lời đã trở thành xác phàm. Thật có lý khi nói rằng đây là Đêm Thánh. Trong ngày này, ngày Chúa đã làm ra (x. Tv 117,24), trên môi miệng, anh chị em hãy reo vang bài ca vui mừng phát xuất từ tận đáy lòng, bởi vì Đấng toàn năng, mà danh Người là thánh, đã làm cho ta những điều trọng đại, và vinh quang của Chúa đã chiếu tỏa trên đất nước chúng ta (x. Tv 85,10).

 

Trong thời gian ân sủng này, anh chị em thân mến, chúng ta hãy ngắm nhìn Vị Thánh Nghèo nhỏ bé để học biết đón mừng mầu nhiệm Nhập thể và giáng sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

"Và Ngôi Lời đã làm người" (Ga 1,14)

Con Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, khi mặc lấy bản tính nhân loại yếu đuối và mỏng giòn của chúng ta. Sau cùng, kế hoạch của Thiên Chúa đã được hoàn tất nơi chúng ta; chúng ta đã được thấy, được chạm đến, được cảm nghiệm (x. 1Ga 1,1-3). Ngôi Lời nhập thể không còn phải là một huyền thoại, nhưng là một con người đã dấn mình trọn vẹn vào trong lịch sử nhân loại, khi đảm nhận lấy chính bản tính của chúng ta. Lều hội ngộ ngày xưa, nơi Thiên Chúa ngự giữa Israel trong cuộc hành trình qua sa mạc (Xh 33,7-10) đã được thay thế vĩnh viễn. Từ nay, lều của Thiên Chúa, nơi Người cư ngụ giữa loài người, là một con người, một "xác phàm", và người ấy được gọi là "Emmanuel"..., Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (x. Mt 1,23).

Các ngôn sứ đã từng tiên báo về những ngày thịnh nộ (x. Is 34,2), phán xét (Is 3,13), báo oán (Gr 5,9), trừng phạt (x. Is 26,21). Có thể nói là Thiên Chúa đã mất kiên nhẫn, và dường như chúng ta không còn lối thoát nào cả ngoại trừ cách náu mình vào trong bụi đất (x. Is 2,10). Tuy nhiên, khi mọi việc tưởng chừng như mất hết, thì Thiên Chúa lại có sáng kiến "để vì chúng ta một hài nhi đã ra đời, một người con đã được trao ban cho chúng ta" (Is 9,5), Người là "Con Đấng Tối Cao", tên người là Giêsu, nghĩa là Đấng Cứu Độ (x. Lc 1,31-32). Đây chính là điều đáng kinh ngạc hết sức vào lễ Giáng sinh, khiến vào ngày này chúng ta phải nói lên rằng "lòng thương xót và tình thương của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, dành cho chúng ta đã được biểu lộ" (Tt 3,4). Đây chính là tin mừng trọng đại của lễ Giáng sinh (x. Lc 2,10), nghĩa là "Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vững bền mãi mãi" (Is 31,3). Bạn đã trở nên một người (đặc biệt) vì một người (đặc biệt) đã yêu thương bạn!

Trong cuộc đời thánh Phanxicô, vào một lúc nào đó, ngài đã khám phá được ý nghĩa sâu sắc cuộc Nhập thể của Ngôi Lời, đó là Chúa Cha đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con mình đến với thế gian. Và từ đó, mầu nhiệm tình yêu này trở thành đối tượng chiêm ngưỡng liên tục của ngài bởi vì mầu nhiệm này không ngừng làm cho ngài kinh ngạc và thán phục, do chỗ "Ngôi Lời Chí tôn, Chí thánh, Chí vinh của Chúa Cha được Chúa Cha, Đấng Tối Cao loan báo qua miệng thiên sứ Gabriel đã hạ sinh trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thánh thiện và hiển vinh, và đã nhận lấy thân xác thật sự của con người mỏng giòn của chúng ta. Người vốn giàu sang phú quý (x. 2Cr 8,9), nhưng lại chọn cái nghèo của chúng ta cùng với Đức Trinh nữ, Mẹ Người" (2 T Th 4-5). Nhập thể thật là mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm nghèo khó tuyệt đối, mầu nhiệm của sự yếu đuối nhân loại! Đây là mầu nhiệm mà chúng ta sẽ cử hành những ngày mừng Giáng Sinh này.

Qua cuộc Nhập thể, tuy vẫn là Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã nhận lấy sự yếu đuối của con người chúng ta, ngoại trừ tội lỗi; Người vốn giàu sang, đã trở nên nghèo hèn và tôi tớ của chúng ta (x. Pl 2,5-8) để cứu chuộc chúng ta bằng sự thương khó và cái chết của Người. "Chúng con xin dâng lời cảm tạ vì cũng như Cha đã dựng nên chúng con nhờ Con Cha, thì Cha cũng yêu thương chúng con (x. Ga 17,26) bằng một tình yêu thánh thiện. Cha đã cho Người ra đời: Người là Thiên Chúa thật và là người thật. Người đã sinh ra làm con Đức Trinh Nữ Maria hiển vinh và thánh thiện. Cha đã muốn Người đổ máu đào và chết trên thập giá để cứu chúng con khỏi ách nô lệ" (L ksc 23,3). Chính điều này là lý do sâu xa nhất giải thích vì sao Phanxicô quí chuộng lễ Giáng Sinh hơn tất cả các lễ khác. Chính điều này là lý do duy nhất lý giải tại sao chúng ta cử hành lễ Giáng Sinh, vì Chúa Cha đã muốn cứu độ và cứu chuộc chúng ta bằng cách gửi Con của Người cho chúng ta.

Tuy nhiên Phanxicô không chỉ dừng lại ở chỗ thán phục mà thôi, nhưng việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm khiêm hạ này trở thành yếu tố quyết định cách thức thánh nhân bước theo Đức Kitô, vì "ước nguyện cao cả nhất, mong muốn mãnh liệt nhất và ý hướng lớn lao nhất của ngài là tuân giữ thánh Phúc Âm trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, sống theo lời dạy và đi theo vết chân của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cách trọn vẹn với tất cả nỗ lực, tất cả chú tâm, tất cả sự khao khát của tâm trí và nhiệt tình của trái tim. Ngài tưởng nhớ đến những lời Chúa dạy qua siêng năng suy gẫm, ôn lại các việc Chúa làm bằng chiêm nghiệm rất tinh tế. Đặc biệt sự khiêm nhường Chúa tỏ bày trong việc nhập thể và tình yêu Chúa tỏ bày trong cuộc khổ nạn thường chiếm tâm hồn ngài cách trọn vẹn đến mức khiến ngài hầu như không muốn nghĩ đến chuyện nào khác" (1Cel 84). Để hiệp thông với chúng ta, Ngôi Lời đã chọn sự tự hủy, hóa ra không, tự làm trống rỗng, tự lột bỏ. Con đường mà Thiên Chúa muốn chúng ta bước theo bắt đầu nơi Bêlem và kết thúc ở Đồi Sọ; bắt đầu nơi máng cỏ và kết thúc tại thập giá. Chính Phanxicô hiểu rõ điều này. Vì vậy không có cách nào khác để qua đó chúng ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa; không có cách nào khác để cử hành lễ Giáng Sinh theo đúng cách thức Kitô giáo và theo gương mẫu thánh Phanxicô nếu không phải là bằng cách làm cho chúng ta trở nên trống rỗng, nhận lấy sự hèn mọn làm phương cách cụ thể lượng định mọi công việc của chúng ta (x. Chúa nói với chúng ta trên đường đi, 28), nếu không theo lô-gích của quà tặng, tức là khả năng ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác, dù họ khác biệt chúng ta như thế nào, như một cách tự cho đi chính mình như Thiên Chúa, Đấng hằng trao ban chính mình Người cho chúng ta (x. Chúa nói với chúng ta, 22).

"Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân" (Lc 2,10)

Các bài tường thuật Tin Mừng nêu bật niềm vui và hạnh phúc mà cuộc Nhập thể của Ngôi Lời đem đến. Đức Maria là người đầu tiên nhận sứ điệp của thiên sứ Gabriel và bài ca Magnificat của Mẹ báo trước niềm vui của tất cả anawin (những người nghèo). Gioan Tẩy Giả trong lòng thân mẫu nhảy lên vui mừng khi gặp Mẹ (x. Lc 1,44). Vì thế, Nhập thể trở thành niềm vui cho tất cả mọi người (x. Lc 2,10).

Phanxicô cũng "mừng ngày sinh hạ Thiên Chúa-hài nhi với một niềm vui khôn tả" (2Cel 199). "Tôi muốn rằng mọi Kitô hữu vào ngày này đều nhảy mừng trong Chúa" (Gương Trọn lành 114). Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỉ" (Tv I-XV, 25). Vì thế, lễ Giáng Sinh là một ngày vui đối với Phanxicô. Nhưng niềm vui Giáng Sinh, niềm vui của Kitô hữu không giống như niềm vui của thế gian, vì thế gian cho rằng mình tìm được niềm vui bằng cách tích lũy các thú vui, giải trí, quà cáp, hưởng thụ, v. v... Niềm vui của lễ Giáng Sinh xuất phát từ sự thán phục và biết ơn vì sự hạ mình của Con Thiên Chúa để mặc lấy sự mỏng giòn và hèn mọn của thân xác chúng ta, vì Người đã chọn cái nghèo của thế gian này cùng với Đức Trinh Nữ, mẹ Người (x. 2 T Th 4-5). Vì thế, đối với Phanxicô, niềm vui chân thật là, như Đức Giêsu, đi theo con đường làm cho nên trống rỗng và hoàn toàn cho đi chính mình. Bởi vì cái nghèo là con đường cứu độ và cứu chuộc đã đưa Đức Giêsu đến cho chúng ta, khi ấy lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ dẫn tới một niềm vui độc nhất, tức niềm vui được sống nghèo khó. Hãy nhận ra nguồn mạch của niềm vui Giáng Sinh đích thực, đó là nhận ra rằng chúng ta nghèo đến nỗi cần được cứu độ, và cần có ai đó làm cho tình trạng cằn cỗi son sẻ của chúng ta nên phong phú hoa trái như tình trạng cằn cỗi son sẻ đã nên phong phú hoa trái của Alcana và Ana (x. 1Sm 1,1-20). Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể giống như Isaac, Samson, và Samuel, là những con cái của ân huệ Thiên Chúa, là những người con của Thiên Chúa (x. Ga 1,12).

Cách Phanxicô hiểu và sống lễ Giáng Sinh như thế phải dẫn đưa chúng ta đến việc kiểm điểm sâu sắc lại cách chúng ta sống mùa phụng vụ quan trọng này, đặc biệt bởi vì có thể mục đích chúng ta mừng lễ Giáng Sinh dường như có phần mơ hồ. Vì thế trong khi vẫn duy trì những giá trị như là cổ võ các cuộc tụ họp gia đình, sự sẵn sàng chia sẻ và hòa giải, tăng cường tình huynh đệ phổ quát, chuyển đến cho các em bé những phương diện quan trọng của đức tin nhờ lễ mừng Bêlem, chúng ta đồng thời vẫn phải đối diện với tình trạng sự quá đà trong tiêu thụ và phí phạm mà không biết đến đa số nhân loại vẫn còn sống bằng hoặc thiếu những nhu cầu cơ bản, mà không biết đến sự hủy hoại sinh thái do chủ nghĩa tiêu thụ gây ra. Có lẽ đây là mặt trái của ngày lễ mừng này, nghĩa là chúng ta mừng lễ Giáng Sinh của chúng ta chứ không phải của họ. Có lẽ chúng ta đã làm biến dạng ngày lễ Giáng Sinh. Nếu vậy, chúng ta phải quay trở lại với cách thức mừng lễ Giáng Sinh của truyền thống Phan sinh.

Lễ Giáng Sinh chính là chuyển động, là ý muốn bỏ lại phía sau những nơi sống tiện nghi. Chúng ta chỉ có thể sống lễ Giáng Sinh nếu chúng ta chấp nhận bị nhổ đi khỏi nơi  chúng ta đang cư ngụ. Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là vị Thiên Chúa mà chỉ những ai nhận biết mình nghèo hèn mới tìm thấy được. Cho phép tôi đặt ra một câu hỏi mà tôi vẫn đang tự đặt ra cho tôi. Nếu có ai đó yêu cầu chúng ta nói cho họ về lễ Giáng Sinh của chúng ta mà không được dùng quà tặng, không ăn uống, không thiệp mừng, v. v... thì chúng ta có điều gì mới mà kể cho họ không? Lễ Giáng Sinh hẳn là thời gian thích hợp để lắng nghe thánh Phaolô cảnh giác chúng ta là đừng có chiều theo thế gian này (x. Rm 12,2), và sống ngày lễ này sao cho trở thành "một chứng tá ngôn sứ rõ ràng đối lại với những ‘giá trị giả dối' của thời đại chúng ta" (HC 67).

"Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và đức khiêm hạ được đề cao" (1Cel 85)

Bài tường thuật về máng cỏ mà Phanxicô đã chuẩn bị vào ngày lễ Giáng Sinh tại Greccio cho thấy Đức Giêsu trong mầu nhiệm khiêm hạ và khó nghèo, bị loại trừ và bất lực, bằng những thuật ngữ như "nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ" (1Cel 84), "Đức Vua nghèo khó" (1Cel 86), "ngôi làng nhỏ bé" (1Cel 86), máng cỏ, cỏ khô, bò và lừa, v. v...

Tại Greccio, cùng với thánh Phanxicô, chúng ta có thể học nhìn, hiểu và cảm nhận một cách khác. Đã quen nhìn những gì hào nhoáng và có uy thế, chúng ta được yêu cầu khám phá và để cho chúng ta được tăng cường sinh lực bằng sự hiện diện nhiệm mầu và thầm lặng của Thiên Chúa nơi những gì nhỏ bé, ẩn giấu, đơn sơ, nghèo hèn trong cuộc sống chúng ta và trong cuộc đời. Chúng ta được mời gọi đến gần con trẻ này, đến gần sự dịu dàng và nghèo khó của em, chứ không phải với thái độ tấn công và ngạo mạn. Để có thể tìm thấy mình nơi con trẻ sơ sinh này, không có con đường nào khác ngoài việc trở nên đơn sơ và nhỏ bé như Đức Maria, Giuse và các mục đồng.

Cả Greccio lẫn Bêlem đều là một lời mời gọi trung thành với chiều kích thiết yếu của thể thức sống của chúng ta, đó là sống hèn mọn. Tổng Hiến Chương xác định là "để có thể bước theo sát hơn và diễn tả rõ ràng hơn sự hóa mình ra không của Đấng Cứu Độ, chúng ta phải có một đời sống của con người bé nhỏ trong xã hội, luôn luôn sống giữa họ như những người bé mọn" (HC 66,1; x. HC 97,1). Greccio và Bêlem là một lời mời gọi "sống Tin mừng như những người bé mọn giữa những người bé mọn" (Chúa nói với chúng ta, 33). Greccio và Bêlem mời gọi chúng ta theo dõi những biến cố hiện tại và đọc thực tại theo quan điểm của người nghèo (x. HC 97,2) và học nơi người nghèo (x. HC 93,1) vì đây chính là theo cách này mà chúng ta mới có thể phục vụ người nghèo.

"Tôi muốn vào ngày này, người giàu cho người nghèo ăn uống thỏa thuê" (2Cel 200)

Một khía cạnh quan trọng của các bài tường thuật lễ Giáng Sinh của Phanxicô là niềm vui tỏa rạng đối với việc biểu lộ trong lịch sử năng động của quà tặng Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Tại Bêlem, chúng ta diện đối diện lô-gích quà tặng (x. Chúa nói với chúng ta, 19-25). Nơi Đức Giêsu, "lòng nhân hậu và yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta được biểu lộ" (Tt 3,4-5). Nơi Đức Giêsu, "ân sủng của Thiên Chúa được thể hiện, đem lại ơn cứu độ cho mọi người" (Tt 2,11). Đứng trước quà tặng phi thường của Thiên Chúa dành cho nhân loại, không chỉ có sự kinh ngạc, biết ơn, ngợi khen mà thôi, nhưng còn phải có sự đáp trả theo tầmn nhìn của lô-gích quà tặng. Nếu Thiên Chúa đã trao ban tất cả cho chúng ta và đã trao ban chính mình nơi người Con của Người, thì chúng ta cũng được mời gọi có được thái độ dâng trả, nghĩa là trao ban chính chúng ta trọn vẹn cho Người (x. L ksc 17,17). Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải "hiến mình cho người khác như Thiên Chúa đã liên tục hiến mình Người" (Chúa nói với chúng ta, 22).

Bằng cách này, việc cử hành lễ Giáng Sinh thúc đấy chúng ta mau mắn thực hiện một số phương cách đề ra trong dự phóng Ân sủng nguồn cội, cho năm 2008-2009. Các phương tiện là mỗi Thực thể (nghĩa là Tỉnh Dòng/Hạt dòng) có thể thiết lập những hình thức cụ thể để từ bỏ và trả lại của cải của chúng ta cho người nghèo, là thầy và chủ thực sự của chúng ta; để quyết định mỗi cộng đoàn mở rộng cửa và quảng đại chia sẻ những tiện nghi của mình với tinh thần liên đới hoàn toàn; để hợp tác tích cực với "Quỹ liên đới" của Trung Ương Dòng nhằm đáp ứng mau lẹ những nhu cầu khẩn cấp trong cũng như ngoài Dòng.

Kết luận

Anh chị em thân mến,

Lễ Giáng sinh năm nay bị bao phủ bởi tấm áo choàng đen tối là cuộc khủng hoảng kinh tế. Tình hình này, trầm trọng đối với nhiều người, không thể để chúng ta cứ dửng dưng được. Sau khi đã nhìn thoáng qua kinh nghiệm của Phanxicô, tôi mời gọi anh chị em mừng lễ Giáng Sinh khởi đi từ viễn tượng sự hèn mọn được sống trong niềm vui trong thế giới hôm nay, nơi mà sự nghèo khó còn ngập tràn và sự phá hoại tạo thành còn đang thách đố chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng sống những giá trị mà thánh Phanxicô đã chuyển lại cho chúng ta, đó là vui mừng đón lấy Lời, cảm tạ vì tất cả những gì tốt lành nhận được từ Thiên Chúa (đặc biệt là quà tặng là chính Con của Người), gần gũi và phục vụ những anh em đang sống với chúng ta, gặp gỡ Thiên Chúa trong những gì đơn sơ và nhỏ bé của cuộc đời, chia sẻ những hoàn cảnh sống của những người nhỏ bé trong xã hội, và hoàn trả lại cho họ những của cải của chúng ta. Những giá trị này chắc chắn là cách thức tốt nhất để cử hành tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa đã biểu lộ nơi Đức Kitô Giêsu tại Bêlem, và sẽ là cách làm chứng tốt nhất về niềm vui tốt lành và lớn lao cho một thế giới đang rất cần có.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một lễ sinh nhật Đức Chúa đơn sơ và vui tươi, chan hòa tinh thần liên đới; và nguyện xin Thần Khí của Người thắp lên trong chúng ta niềm say mê thực sự đối với Thiên Chúa cũng như đối với toàn thể nhân loại trong năm 2009. Cầu chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh vui tươi!

 

Rôma, ngày 8 tháng 12 năm 2008

Lễ trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội,

Nữ Vương và Thân Mẫu của Dòng Anh Em Hèn Mọnm

 

ts. José Rodríguez Carballo, ofm

Tổng Phục Vụ

 

Chia sẻ