Skip to content
Main Banner

Chúng con hết thảy là anh em

Administrator
2008-08-31 00:00 UTC+7 112

Đời sống huynh đệ hẳn là một nét độc đáo của hai Hội Dòng thánh Đa-minh và Phanxicô trong thế kỷ XIII. Giáo sư David Knowles, chuyên dạy về thời Trung cổ tại Đại Học Cambridge, khi viết về hai Dòng này đã lấy cái đầu đề chung là "Các Anh Em". Và giáo sư viết như sau về vị thánh thành Assisi : "Thánh Phanxicô có một nhân cách và một sứ điệp hoàn toàn mới mẻ và có sức thu hút mãnh liệt lòng người. Chính Người đã tạo nên hình ảnh và kiểu gọi "Anh Em".

Về kiểu gọi chúng ta nhận thấy, Phanxicô ít dùng chữ Dòng hay chữ Đạo (Ordo: 3 lần trong Bút tích; Religio 7 lần) để chỉ Tu Hội của mình, nhưng thích dùng chữ "cộng đoàn anh em" (fraternitas:10 lần). Ngài viết trong Luật không sắc dụ, chương 6: "Không ai được mang danh là "Vị Thứ Nhất" (prior), nhưng tất  cả hãy mang tên đồng loạt với nhau là Anh Em Hèn Mọn". Cái tên này nói lên dự phóng cuộc đời mà Phanxicô theo đuổi : Tình anh em và đời hèn mọn. Đó là hai yếu tố căn bản của đoàn sủng mà Chúa ban cho Phanxicô.

Hình ảnh người anh em hèn mọn theo thánh Phanxicô như thế nào, công việc tìm kiếm khó khăn và dài dòng hơn. Trong bài này, chúng ta chỉ dừng lại ở điểm đầu thôi "Tình anh em".


I. NGUỒN MẠCH CỦA TÌNH ANH EM

Tình huynh đệ Phan sinh bắt nguồn từ Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần : một Tình Yêu nối kết Ba Ngôi Vị lại với nhau và từ các Ngài đổ tràn xuống trên tạo vật.

1. Chúa Cha là nguồn mạch của Tình Yêu 

Trong Bút tích, ta thấy thánh Phanxicô thường dùng chữ ‘Cha' để gọi ngôi thứ nhất trong Tình Yêu. Đáng chú ý nhất là trong Kinh Thương Khó : Những chữ ‘Chúa' (Dominus) trong các thánh vịnh, thường được Phanxicô đổi ra chữ ‘Cha' (Pater). Đối với Phanxicô, Thiên Chúa trước hết là một người cha. Ngài là Cha ‘Chí Thánh', ‘Công Minh' (Pater sancte et juste); Ngài là ‘Cha trên trời' (Pater coelestis, Pater in coelis, Pater de coelo) : kiểu nói này Phanxicô thích nhất, vì Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ khi cầu nguyện thì đọc : "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Những anh em không linh mục không thể đọc kinh bằng tiếng La-tinh, thì Phanxicô bảo dùng kinh "Lạy Cha' thay các thánh vịnh.

Đối với Phanxicô, chúng ta chỉ có một Cha chân  thật là Thiên Chúa ở trên trời. Chắc không ai trong chúng ta không biết câu chuyện Phanxicô bị ông thân sinh là Pietro Bernadone kiện ra trước toà giám mục. Trước mặt mọi người, Phanxicô nói :"Ông bà hãy nghe tôi đây. Từ trước đến bây giờ tôi đã gọi ông Pietro Bernadone là cha tôi. Nhưng vì tôi đã quyết tâm phụng sự Chúa, tôi xin trả lại số tiền đã làm  ông đau lòng và tất  cả quần áo ông ấy cho tôi. Từ nay tôi muốn nói : "Cha chúng tôi ở trên trời" chứ không nói "Cha của tôi Pietro Bernadone nữa" (2 Cel 12).

Và vì thánh nhân ý thức rằng chúng ta chỉ có một Cha mà thôi nên Ngài nhắc lại trong Luật không sắc dụ chương 22, lời dạy của Chúa Giêsu : "Các con hết thảy là anh em với nhau. Các con đừng gọi ai dưới mặt đất này là Cha vì các con chỉ có một Cha là Chúa Cha ngự trên trời" (xem thêm Truyện ký Perusia. 65).

2. Chúa Giêsu là Anh Cả của loài người

Loài người không thể tự mình đi tới Thiên Chúa được. Chúa Cha là Đấng Tối Cao (Altissimus); "Ngài ngự trong ánh sáng cao vời, Ngài là tinh thần và chưa hề ai thấy Ngài" (Hn 1). nhưng Ngài là Đấng vô cùng khiêm hạ (humilis) nghĩa là Ngài đã tự mặc khải mình cho loài người bằng cách ban cho loài người Con Yêu Dấu của Ngài. Phanxicô viết một thánh vịnh để đọc trong ngày lễ Sinh nhật :

" Hãy reo vui mừng Chúa
Đấng cứu độ chúng ta
Hãy ca tụng Chúa Trời
Đấng hằng sống và chân thật
Với lời ca hân hoan...
Vì Chúa Cha chí thánh trên trời
là Đại Vương chúng ta trước muôn thế kỷ,
từ trời cao đã gửi Con Yêu Dấu
sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria"
(5 Vep 1-3).

Những chữ ‘từ trời cao' (de alto) và ‘gửi' mà Phanxicô dùng, đặt chúng ta vào trong viễn ảnh thần học của  thánh Gioan : Đức Giêsu là Đấng mà Chúa Cha sai đến trong trần thế để đưa ánh sáng tình yêu cho loài người, dẫn loài người về với Chúa Cha.

Nếu  chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha là nhờ Chúa Kitô mặc khải. Phanxicô nhắc lại trong Huấn ngôn 1 lời Chúa Giêsu: "Ta là Đường, là Chân lý, là Sự Sống. Không ai đến cùng Cha mà không phải qua Ta. Nếu chúng con biết Ta, tất cũng biết Cha Ta nữa. Ngay từ bây giờ chúng con biết Ngài và chúng con đã thấy Ngài" .

Việc Chúa Giêsu mặc khải Chúa Cha là một việc hết sức quan trọng đối với Phanxicô, nên trong Luật không sắc dụ, chương 22, Ngài nhắc lại cho anh em lời nói đó của Chúa Giêsu :

"Chúng ta hãy chạy đến với Người... vì Người dạy : "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống...". Vậy chúng ta hãy giữ lấy lời Chúa, vì Người đã đoái thương nguyện xin Chúa Cha cho chúng ta và mặc khải Danh Chúa Cha cho chúng ta : "Lạy Cha, con đã mặc khải danh Cha cho những người mà Cha đã giao phó cho con: vì những lời Cha bảo Con, Con đã truyền dạy cho họ. Và họ đã nhận thức Con bởi Cha mà ra. Họ đã tin rằng Cha uỷ phái Con...".

Như ta thấy, đối với Phanxicô, tình huynh đệ bắt nguồn trong việc Chúa Giêsu là người Anh đã chết và đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho loài người. Trong cái nhìn của Phanxicô, Chúa Giêsu không phải chỉ là Chúa Chí thánh và siêu phàm, Đấng Thẩm Phán công minh, Đấng mà "anh em hãy sấp mình xuống đất, thờ lạy với một lòng cung kính, sợ hãi" (Thư 3: BT tr. 63). Nhưng trước hết Ngài là Người Anh của loài người. Thomas de Celano viết: "Thánh nhân yêu mến Mẹ Chúa Giêsu Kitô với  một tình yêu khôn tả vì Đức Mẹ đã cho chúng ta một Người Anh là Thiên Chúa oai linh" (2 Cel 198).

Phanxicô đã gọi Chúa Giêsu là Anh vì một lý do là Thánh nhân nghĩ đến việc Chúa Cha đã ban Chúa Giêsu cho loài người và đã đặt Con yêu dấu của Người làm Trưởng Tử (Primogenitus) muôn loài. Trong thánh vịnh mà Phanxicô đã sáng tác để đọc trong ngày lễ Giáng sinh, thánh nhân trích Tv 88,27: "Người gọi Ta : Cha là Cha của Con, và Ta đặt Người làm Trưởng Tử, trên các vua của địa cầu" (5 Vep 4).

Chúa Giêsu, Con Đức Chúa Cha đã làm người để trở nên Người Anh của loài người: mầu nhiệm đó đã làm Phanxicô vui mừng sung sướng và thốt lên những lời thán phục:

" Ôi vinh quang, lành thánh và cao trọng dường nào khi có một Người Cha trên trời! Ôi lành thánh, tốt đẹp và đáng chuộng biết bao khi có một ngườibạn trăm năm trên trời! Ôi lành thánh, yêu quí, thích thú, khiêm hạ, bình an, ngọt ngào, đáng mến và đáng ước ao trên hết mọi sự khi có một Người Anh như thế, một người Anh đã phó mạng sống cho đoàn chiên mình và đã cầu cùng Đức Chúa Cha cho chúng ta... "

Như ta thấy, đối với Phanxicô, tình huynh đệ bắt nguồn trong việc Chúa Giêsu là Người Anh đã chết và đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho loài người.

"... để họ nên một trong chúng ta! "... để tình yêu mà Cha mến phủ con tràn vào họ và con ở trong họ"

Đó là ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu mà Phanxicô hiểu được qua lời kinh hiến tế.

Nhưng ta làm thế nào để trở nên con cái của Chúa Cha và anh em của Chúa Giêsu? Phanxicô trả lời cho chúng ta trong lá thư gời các tín hữu : "Họ sẽ thành con cái Cha trên trời, chuyên lo việc của Ngài; và họ là bạn trăm năm của Ngài, khi linh hồn trung tín của chúng ta được Chúa Thánh Thần liên kết với Chúa Giêsu Kitô; là anh em của Ngài khi chúng ta làm trọn ý Cha Ngài ở trên trời..." (Thư 1).

Làm trọn ý Cha trên trời, đó là phương thế cho chúng ta trở nên con cái Người và anh em của Chúa Giêsu.  Và ý của Chúa Cha là chúng ta hãy tiếp nhận lấy Con Yêu Dấu của Người, đã chết trên thập giá cho chúng ta và bây giờ hiện diện trong phép Thánh Thể.

Cũng trong Thư gởi các tín hữu, Phanxicô viết: "Gần đến giờ thương khó, Ngài (Chúa Giêsu) mừng lễ Vượt Qua cùng các môn đệ; Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn, làm phép, bẻ ra và phán rằng: "Các con cầm lấy mà ăn, nầy là Mình Ta; và Ngài cầm lấy chén rượu mà rằng: Nầy là Máu Ta, Máu của Giao ước mới, sẽ đổ ra để xá tội chúng con và muôn người...".

Thánh nhân viết tiếp vài hàng sau đó: "Ý Chúa Cha muốn rằng: Chúa Con hiển phúc và vinh quang do Ngài "ban cho chúng ta" hãy tự lấy máu mình mà làm lễ vật hi sinh trên bàn thờ thập giá; không phải cho chính mình Chúa Con - nên biết rằng "nhờ Ngài mà mọi vật được tạo thành" - nhưng là cho tội lỗi chúng ta; "hầu nêu gương cho chúng ta theo vết chân Ngài". Đức Chúa Cha cũng muốn hết thảy chúng ta được cứu độ bởi Đức Chúa Con và đón nhận Đức Chúa Con với tấm lòng trong trắng và thể xác khiết trinh" .

Trong viễn ảnh đó, mầu nhiệm Thánh Thể đối với Phanxicô là bí tích hoà giải và hợp nhất: Mình và Máu Chúa Giêsu hoà giải con người với Thiên Chúa và con người với con người.

Trong thư gởi Tổng Tu Nghị, thánh nhân viết : "Thưa anh em, tôi  xin hôn chân anh em và hết tình nài xin anh em hãy biểu dương với tất  cả lòng tôn kính, quí trọng đối với Mình và Máu rất thánh Chúa Giêsu Kitô, vì qua Ngài, mọi vật trên trời dưới đất sẽ được bình định và hoà giải (pacificata et reconciliata) với Thiên Chúa toàn năng" (Thư 3, 12-13).

Vì thế đời sống huynh đệ phải được "biểu thị và nuôi dưỡng bởi phép Thánh Thể, bí tích hiệp nhất và bác ái" (Tu nghị 1973, số 13). Trong lúc các linh mục khác thướng làm nhiều  lễ trong một ngày, thì thánh nhân muốn các anh em trong mỗi cộng đoàn, mỗi ngày quây quần kết hiệp với nhau trong một Thánh lễ duy nhất, trong đó những anh em vắng mặt vẫn tham dự vào ơn Chúa như những anh em có mặt.

Trong thư gởi Tổng Tu Nghị, ngài viết : "Vì Chúa, tôi lại khuyên nhủ và nhắc bảo anh em điều này : Những nơi có anh em ở với nhau, mỗi ngày chỉ cần cử hành một Thánh lễ theo thể thức của Hội Thánh. Nếu ở đó có nhiều linh mục, thay vì lòng ham mộ đức ái, xin mỗi người hãy vui lòng dự lễ của người khác. Vì Chúa Giêsu Kitô sẽ ban đầy ơn phúc cho mỗi người, có mặt cũng như vắng mặt, miễn là xứng đáng với Ngài. Tuy có thể thấy Ngài nhiều nơi, nhưng Ngài không hề bị phân chia và hư hoại, trái lại ở đâu Ngài cũng vẫn là một và Ngài hành động như ý Ngài muốn cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen" (Thư 3,30-33).

Mỗi cộng đoàn một thánh lễ, để tượng trưng một của lễ tình yêu liên kết mỗi anh em với nhau trong một Chúa Kitô, Đấng hằng hành động với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đó là tất  cả lòng ao ước của thánh Phanxicô.

3. Trong "Anh lửa của Chúa Thánh Thần"

Chúa Cha muốn cho chúng ta tiếp rước Con Một của Người, hiện diện một cách đặc biệt trong Phép Thánh Thể. Nhưng con người chỉ có thể làm được việc đó trong ánh lửa của Chúa Thánh Thần mà thôi. Vì con người không thể làm được việc gì tốt lành nếu không có Chúa Thánh Thần giúp sức. Trong Huấn ngôn 8, Phanxicô nhắc lại cho anh em lời thánh Phaolô : "Thánh Tông đồ dạy : Không ai biết tôn xưng Đức Giêsu là Chúa, nếu không có Chúa Thánh Thần giúp sức" .

Tác động của Chúa Thánh Thần trước hết là ban cho chúng ta "những con mắt thần linh" (oculi spirituales) để chúng ta có thể tin nhận sự hiện diện của Chúa Kitô trong mầu nhiệm Thánh Thể,  bởi vì "con mắt xác thịt" (oculi corporis) chỉ nhìn thấy thể xác. Phanxicô viết rõ ràng những điều đó trong Huấn ngôn 1. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong lòng các tín hữu được thánh nhân diễn tả như sau : " Chính Thần Khí Chúa (Spiritus Domini) đang ngự trong các tín hữu sẽ rước lấy Mình và Máu cực thánh Chúa. Hết thảy những ai không dự phần vào Thần trí ấy mà cả dám rước Chúa, đều ăn và uống lấy án phạt cho mình" (Hn 1, số 13-14).

Như thế vai trò của Thần Linh Chúa không những là soi sáng đức tin chúng ta nhưng còn là đón tiếp Chúa Kitô trong lòng chúng ta. Trong Thư gời các giáo hữu, Phanxicô cũng nói rõ việc Chúa Thánh Thần làm cho con người được kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Con:

"Những ai làm như thế (thực hành những lời thơm tho của Chúa mà Phanxicô đã chuyển đạt trong thư) và bền đỗ đến cùng sẽ được Thần Linh Thiên Chúa ngự xuống và làm nhà trú ngụ trong mình. Họ sẽ thành con cái Cha trên trời, chuyên lo việc của Ngài; và họ là bạn trăm năm, là anh em, là mẹ Chúa Giêsu Kitô : là bạn trăm năm của Ngài, khi linh hồn trung tín của chúng ta được Chúa Thánh Thần liên kết với Chúa Giêsu..." .

Vai trò của Chúa Thánh Thần là liên kết chúng ta lại với Chúa Kitô; vì thế giữa mọi người trong cộng đoàn chúng ta có một sợi dây họ hàng trong Thánh Linh. Theo ngôn ngữ của thánh Phanxicô, chúng ta thường bắt gặp những kiểu nói như : "Tình bác ái thần linh" (Caritas spiritualis), "các bạn hữu thần linh" (amici spirituales), "các anh em thần linh" (fratres spirituales).

Thánh Clara cũng  bắt chước  kiểu nói của thánh Phanxicô mà gọi chị em mình là "chị em thần linh" (sorores spirituales : Claire Rg 8).

Tóm lại, nhờ ánh lửa của Chúa Thánh Thần, mà người tín hữu có thể bước theo vết chân Chúa Kitô để đi đến với Chúa Cha. Trong lời kinh "Lạy Thiên Chúa Toàn Năng vĩnh cửu", Phanxicô cầu xin cùng Chúa Cha luôn luôn được hành động theo ý Người và muốn những điều đẹp lòng Người, - "Để cho nội tâm chúng con được gội sạch, nội tâm chúng con được sáng soi, và được ánh lửa Chúa Thánh Linh nung nấu để theo vết chân Con Chúa là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, và chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực mà đến cùng Chúa là Đấng tối cao..." .

Ta có thể kết luận phần này như sau:

  • Cộng đoàn phan sinh không phải là một nhóm cộng tác viên cùng sống với nhau để thực hiện một công việc chung, dẫu đó là một công việc cao cả như hoạt động tông đồ.
  • Nhưng đó là một gia đình tụ họp những người cùng đón nhận Đức Giêsu như Người Con Một của Chúa Cha và Người Anh của loài người.
  • Sự đón nhận đó được biểu lộ một cách đặc biệt và cụ thể trong việc thông dự vào Mầu nhiệm Thánh Thể là bí tích hợp nhất và hoà giải.
  • Họ là những "anh em trong Thánh Thần" vì chỉ nhờ Chúa Thánh Thần mà họ có thể được liên kết lại với nhau trong Người Anh là Chúa Giêsu Kitô.

II. ANH EM TRONG CỘNG ĐOÀN

Trong phần trước, chúng ta đã thấy rằng: đối với Phanxicô, tình  anh em phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi, và Tình yêu ấy được bộc lộ cho con người hôm nay một cách đặc biệt qua Bí Tích Thánh Thể. Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu tình yêu ấy được sống một cách cụ thể như thế nào trong cộng đoàn phan sinh. Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta lần lượt xem 3 điểm : Phanxicô đón tiếp anh em, Phanxicô sống với anh em, Phanxicô bảo vệ đời sống anh em.

1. Phanxicô đón tiếp anh em

Phanxicô đã sống một mình cuộc đời trở lại trong khoảng thời gian gần hai năm rưỡi kể từ cuối năm 1205, khi thánh nhân nghe tiếng Chúa chịu đóng đinh nói tại nhà thờ San Damiano, cho tới năm 1208. Ngày 16/4/1208, Bernadone Quintavalle và Pietro Catani đến xin chia sẻ đời trở lại với Phanxicô, và những người bạn tiên khởi khác lần lượt đến. Cộng đoàn anh em hèn mọn thành hình.

Thánh nhân đón tiếp anh em như những người Chúa gởi đến. Người viết trong Di Chúc: "Sau khi Chúa đã ban cho tôi một số anh em ...". Người tin chắc rằng  Chúa Thánh Linh đã dẫn mỗi người anh em đến với người, cho nên người đón tiếp anh em một cách vui mừng sung sướng.

Thomas de Celano viết: "Thánh Phanxicô và anh em của người tỏ ra hết sức vui mừng sung sướng khi có một người, dẫu là nô bộc, giàu, nghèo, quí tộc, bình dân, hèn hạ, sang trọng, khôn ngoan, chất phác, giáo sĩ thông tháim dốt nát, giáo dân vô học, do Thần Linh Thiên Chúa dẫn tới để nhận lãnh áo trong Dòng" (1 Cel 31).

Truyện ký Pêrugia cũng viết: "Khi chân phước Phanxicô bắt  đầu có anh em, ngài lấy làm vui mừng thấy họ trở lại và thấy Chúa  ban cho mình  những đồng bạn tốt lành. Ngài yêu mến và tôn kính họ đến nỗi ngài không bảo họ đi xin ăn, nhất là ngài nghĩ rằng họ có thể hổ thẹn. Để tránh cho họ cái hổ thẹn đó, mỗi ngày ngài hành khất một mình" (Leg. Per. 3)

Ngài viết một cách vắn tắt đơn sơ trong Luật không sắc dụ: "Ai được Chúa soi sáng muốn nhận đời sống này và đến với anh em, thì anh em hãy ân cần tiếp đón họ" (Lksd 2,1).

Đối với Phanxicô, những người đến với anh em để sống Tin Mừng Chúa Kitô là những người đã được ơn Chúa soi sáng.

Từ nay đời sống trở lại của Phanxicô được sống trong khung cảnh cộng đoàn. Vì thế dẫu là trong ẩn viện, anh em cũng không sống lẻ loi, nhưng sống từng cộng đoàn nhỏ bé để có thể thay phiên giúp đỡ nhau:

"Những anh em nào muốn ở trong ẩn viện tu hành thì hãy ở từng nơi ba hay bốn người là nhiều nhất. Trong số đó hai người sẽ làm mẹ và phải có hai hay ít nhất  một người làm con. Những người làm mẹ hãy sống như Matta và hai người kia hãy sống như Madalêna... Những kẻ làm con sẽ thỉnh thoảng làm mẹ một thời gian, tuỳ theo phiên họ có thể cắt đặt với nhau trước" .

Thánh nhân và những người bạn tiên khởi  rất quí mến đời sống huynh đệ và cho đó là phương tiện chắc chắn nhất để nên thánh.

Thomas de Celano kể chuyện có một người anh em vì muốn trở nên trọn lành hơn, mới từ bỏ anh em, đi đây đi đó, sửa đổi áo dòng và tạo cho mình một kiểu sống khác người. Nhưng càng lang thang như thế, càng gặp nhiều chước cám dỗ, cho đến lúc anh đó hối hận và tự nhủ mình : "Đồ khốn nạn, ngươi hãy trở về trong Dòng đi ! Chính đó là nơi ngươi tìm thấy phần rỗi". Và không chút trì hoãn, anh ấy chỗi dậy và chạy về trong cánh tay mẹ mình... Anh quỳ gối và khiêm tốn nhận lỗi. Thánh nhân nói : "Xin Chúa tha thứ cho anh. Nhưng từ nay đừng lấy cớ thánh thiện mà rời bỏ cộng đoàn và anh em " (2 Cel 32-33; x. 1 Cel 27).

2. Phanxicô  sống với anh em

Vì ý thức rằng tất  cả anh em là con cái của một Cha trên trời và được Ngài tụ họp lại trong cộng đoàn, nên thánh Phanxicô muốn anh em hãy thực tình thương mến nhau và thương mến nhau không những bằng lời nói, mà còn bằng việc làm, ngài chỉ biết nhắc lại điều răn của Chúa và lời dạy của các thánh Tông đồ.

Trong Luật không sắc dụ, chương 11, ngài viết: "Anh em hãy yêu mến nhau như Chúa dạy: đây là điều răn của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con (Yn 15,12). Anh em hãy dùng hành động để chứng tỏ tình yêu (Jc 2,18), mà anh em có bổn phận đối với nhau, như lời thánh Tông đồ dạy : chúng ta đừng yêu nhau bằng lời nói, bằng môi miệng, nhưng bằng hành động và chân thật .

Điều răn bác ái Chúa dạy mỗi Kitô hữu đều phải tuân giữ, nhưng Phanxicô đã đưa ra thực hành trong cộng đoàn anh em với nhiều  sắc thái độc đáo.

  • Cộng đoàn là một gia đình.

Cái độc đáo đầu tiên của Phanxicô là quan niệm của ngài về cộng đoàn.

Thánh Bênêđictô và sau này thánh Bernađô quan niệm Đan viện như một "Học đường" trong đó Chúa Giêsu, vị Thầy độc nhất sẽ dạy cho các môn đệ bài học bác ái: Đan viện là "Bác ái Học đường" (Caritatis schola), "Học đường của Chúa Kitô " (Schola Christi), "Phụng sự Thiên Chúa học đường" (Dominici Schola servitii), "Học đường của Giáo Hội tiên khởi" (Schola primitivae Ecclesiae).

Nhất là thánh Bernađô đã thích so sánh đan viện như một học đường là để chống với những học đường thế tục đua nhau mọc lên trong thế kỷ XII: Trong những học đường thế tục đó, con người học hỏi mọi thứ triết lý nhưng đã quên lãng Thiên Chúa.(xem Luật thánh Bênêdictô, Lời mở đầu (Prologue). ( E. Gilson, La Théologie mystique de Saint Bernard, Paris 1969, 3è édition, p.78ss).

Còn Phanxicô thì quan niệm cộng đoàn như một gia đình. Thánh nhân viết trong Luật sắc dụ, chương 10,5: " Phần các anh Phục Vụ hãy tiếp đón anh em với lòng bác ái và nhân từ, hãy tỏ ra rất thân mật với họ (tantam familiaritatem habeant circe ipsos) làm sao họ có thể nói và cư xử với mình như chủ với tôi tớ..." .

Hai chữ "thân mật" đây (dịch chữ familiaritas) nói lên bầu không khí gia đình mà các vị phục vụ phải tạo ra giữa mình với các anh em khác dưới quyền. Bầu không khí ấy lại càng phải có giữa tất  cả anh em với nhau. Thomas de Celano viết : "Khi khuyên dạy về bác ái, thánh nhân muốn tất  cả hãy sống hoà nhã và thân mật với nhau như trong một gia đình. Thánh nhân nói : Tôi muốn anh em hãy tỏ ra là con cái của cùng một người Mẹ; nếu người này xin cái áo, cái dây hay bất cứ cái gì, thì người khác hãy trợ cấp một cách rộng lòng. Anh em hãy trao sách vở cho nhau dùng và bất cứ điều gì có thể làm vui lòng người kia. Người này nên ép người kia lấy nữa là khác" (2 Cel 180).

Trong một gia đình, anh em không chọn nhau: có người lớn tuổi, có người ít tuổi, mỗi người mang một cá tính, nhưng tất  cả đều được nối kết với nhau trong một tình yêu. Trong cộng đoàn cũng thế, anh em không chọn nhau, nhưng do Thánh Linh tụ họp lại; anh em thuộc mọi giai cấp trong xã hội (1 Cel 31): có những anh em linh mục như Lêô, Sylvestre, có những anh em thông thái như: Bernard (xuất thân từ đại học Bologne), Pietro Catani (tiến sĩ luật ở đại học Bologne (xem De Beer, La conversion de Saint Francois d'Assise, Strasbourg 1963, p.142ss), và những anh em khác thuộc giáo dân thường và ít học, nhưng tất  cả đều thương mến và kính trọng nhau.

Thomas de Celano viết : "Lòng ao ước liên lỉ và mối quan tâm luôn thức tỉnh của Phanxicô là gìn giữ sợi dây hiệp nhất giữa những người con, làm thế nào để những người mà Thánh Linh đã dẫn tới và một người Cha đã sinh ra luôn luôn được sưởi ấm và sống an hoà trong lòng một người mẹ. Thánh nhân muốn lớn cũng như bé, người có học hành cũng như người không có học hành, sống kết hợp với nhau trong mối tình anh em và khi xa cách nhau phải có một tình yêu dài rộng nối liền với nhau".

Thánh nhân còn lấy một tỉ dụ : Tại một Tổng Tu Nghị đông đảo kia, một anh thông thái và một anh vô học đều được mời ra giảng cho toàn thể anh em. Anh thông thái biết giảng cho anh em bằng những cử chỉ và lời lẽ đơn sơ khiêm nhường; và anh vô học biết đặt tin tưởng vào Chúa Thánh Thần và như thế cả Tu nghị đều được khích lệ và Phanxicô kết luận :

"Tổng Tu Nghị đông đảo kia chính là Dòng chúng ta, anh em từ bốn phương trời tới xum vầy theo một kiểu sống (=Bản Luật). Những người học thức thu lượm được những điều bổ ích nơi những người vô học, khi họ thấy những người chất phác tìm kíêm những sự trên trời với lòng nóng nẩy mạnh mẽ, và tuy không được loài người dạy dỗ, mà được Chúa Thánh Thần cho hiểu những thực tại thần linh. Còn những người chất phác cũng tìm thấy điều lợi ích cho mình nơi những người học thức, khi họ thấy những người danh giá kia, mặc dầu có thể có địa vị vẻ vang khắp mọi nơi ở ngoài đời mà vẫn đến sống khiêm hạ với họ trong cùng một đoàn thể. Bởi thế vẻ đẹp của gia đình có phúc chúng ta được rạng rỡ : các thanh sắc khác biệt nhau làm cho người cha sung sướng nhiều " (2 Cel 192).

Qua những câu nói của Phanxicô, ta nhận thấy người thích dùng hình ảnh gia đình để gợi lên bầu không khí mà anh em phải sống với nhau. Và hình ảnh gia đình đó thường được liên kết với cái ý tưởng căn bản là "một người Cha đã sinh ra và một Thánh Linh đã tụ họp lại.

  • Tình âu yếm của một người mẹ :

Một sắc thái độc đáo thứ hai trong phương cách Phanxicô sống điều răn bác ái giữa anh em đó là tình âu yếm của một người mẹ.

Hình ảnh của mẹ mình chắc đã đánh động Phanxicô nhiều. Bà Pica đã âu yếm thánh nhân lúc ngài còn thiếu thời. Nhất là khi ngài quyết trở lại với Chúa thì bị cha ông là Bernadonê hành hạ, đập đánh và nhốt trong một căn phòng. Bà Pica không nói năng gì, nhưng vẫn thương con. Và không sợ chồng, bà đã lợi dụng dịp tốt mở cửa phòng cho Phanxicô tự do đi thực hiện cuộc đời của mình.

Cử chỉ đó làm sao một tâm hồn tế nhị và đầy rung cảm như Phanxicô có thể quên được? Từ đây hình ảnh người mẹ hiền sẽ trở nên gương mẫu của tình yêu mà anh em trong cộng đoàn phải sống với nhau. Trong Luật 1, Phanxicô viết: "Mỗi người hãy tin tưởng tỏ ra cho kẻ khácbiết điều mình cần thiết để họ tìm cách giúp đỡ mình. Hãy thương yêu và nuôi nấng anh em như một người mẹ thương yêu và nuôi nấng con mình, theo phương tiện Chúa ban cho" (I Luật 9,13-14; BT: tr.100).

Bầu không khí giữa anh em phải là một bầu không khí chân thành, cởi mở và tin tưởng vào nhau. Ta nhận thấy Phanxicô không những khuyên bảo anh em phải thương yêu và nuôi nấng nhau, nhưng ngài còn khuyên bảo hãy tỏ bày cho nhau biết những thiếu thốn cần thiết. Tỏ bày cho anh em biết những nhu cầu của mình, đó cũng là  một cử chỉ bác ái nói lên lòng tin tưởng chân thành của ta đối với anh em khác. Trong Luật II, vì nghĩ đến vai trò của Thần linh kết hiệp anh em lại với nhau, Phanxicô nói là tình yêu giữa anh em còn phải lớn hơn tình mẹ thương con :

"Dù ở nơi nào hay gặp nhau ở đâu, anh em hãy tỏ ra là anh em một nhà. Hãy tín nhiệm nói cho nhau biết nhu cầu của mình, vì nếu người mẹ âu yếm dưỡng nuôi con cái xác thịt mình, thì mỗi người phải ân cần yêu thương và dưỡng nuôi anh em thiêng  liêng mình hơn là chừng nào" (II Luật 6,7-8; BT tr. 134).

Và cũng như trong gia đình, tình mẹ bộc lộ một cách rõ ràng nhất khi có đứa con đau yếu, tình anh em cũng phải tỏ ra đặc biệt ân cần khi có người đau yếu:

"Bất kỳ ở đâu, nếu có ai trong anh em ngã bệnh, thì các anh em khác không được rời người ấy trước khi cắt đặt một anh em hoặc nhiều hơn nếu cần, để săn sóc bệnh nhân, như chính mình được kẻ khác săn sóc ! Nhưng trong trường hợp tối khẩn, anh em có thể giao bệnh nhân cho một người khác để họ săn sóc bệnh tình cho chu đáo" ( I Luật 10,1-2; BT tr.100).

trong thời anh em còn sống từng nhóm nhỏ, tản mác trên các nẻo đường, thì lời chỉ dẫn tỉ mỉ trên của  Luật I thiết tưởng cũng không phải là vô ích. Trong Luật II, vì là thời kỳ anh em đã định cư và đời sống được tổ chức chu đáo hơn, Phanxicô chỉ nhắc lại điều răn của Chúa một cách chung, chứ không đi vào chi tiết phải săn sóc bệnh nhân như thế nào:

"Nếu có ai trong anh em ngã bệnh, các anh em khác phải săn sóc người ấy như mình muốn được săn sóc" (Luật !! 6,9; BT tr.134).

Thời xưa cũng như thời nay, con người thường được đánh giá theo hiệu năng của công việc, theo những lợi ích mang lại cho người khác. Vì thế có những anh em đau yếu không được các anh em khác chú ý tới cho đủ. Phanxicô đã nhận thấy sự thực phũ phàng đó, nên đã khuyên bảo anh em: "Hạnh phúc cho tu sĩ biết yêu anh em khi họ bệnh tật, không có sức giúp mình như ý, cũng như yêu họ khi họ khoẻ mạnh đủ sức làm vừa ý mình" (Hn 25; BT tr.32).

Tình thương hiền mẫu phải được tỏ bày ra không những đối với những anh em đau yếu về thể xác, nhưng đặc biệt đối với những anh em đau yếu về tinh thần, nghĩa là những anh em gặp sự nguy hiểm cho đời sống Phúc âm hoặc vì "kẻ thù xúi giục mà phạm tội trọng"

Trong trường hợp đầu, nghĩa là khi có ai trong anh em muốn sống theo đường xác thịt chứ không theo đường tinh thần, thì các anh em gần gũi hãy nhắc nhở, giáo huấn và sửa dạy người anh em ấy cách khiêm nhường và tận tình" (1 L 5,7-8). Đời sống theo Phúc âm sẽ dễ dàng hơn, trọn hảo hơn nếu mỗi anh em trong cộng đoàn giúp đỡ nhau, chỉ vẽ cho nhau "một cách khiêm nhường và tận tình". "Nếu sau ba lần chỉ vẽ mà đương sự không chịu sửa mình, anh em hãy gởi họ tới vị phục vụ và đầy tớ - hoặc báo cáo với ngài - càng chóng càng hay. Vị này với tư cách người phục vụ và đầy tớ, hãy xem đó mà đối xử với đương sự cách nào cho hợp với ý Chúa hơn cả" (I Luật 5,9; BT tr. 93).

Trong trường hợp thứ hai, nghĩa là khi có anh em phạm tội trọng, thì các anh em khác càng phải tỏ ra tế nhị và đầy tình thương mến hơn nữa.

Phanxicô đã viết một lá thư cho một vị phục vụ để tỏ bày tâm tình của ngài đối với những anh em "đau ốm về phần linh hồn" này. Ngài viết:

"Tôi đã biết anh có lòng yêu mến Chúa và yêu mến tôi là đầy tớ Ngài và đầy tớ  anh em hay không là tuỳ anh có làm được điều này chăng : Giả như có anh em nào trên trần gian này đã sa ngã phạm hết các tội họ có thể phạm mà đến gặp mặt anh để xin tha thứ thì không bao giờ người ấy ra về mà không được tha thứ. Nếu người ấy không  xin thì anh hãy hỏi họ có muốn được tha thứ không. Và giả như sau này họ đến gặp anh ngàn lần đi nữa, thì anh cứ hãy yêu mến họ hơn là yêu mến tôi, hầu mong đưa họ về với Chúa. hãy luôn luôn thương xót những người như thế. Và khi có thể thì anh hãy cho các giám viện biết rằng về phần anh, anh nhất định làm như vậy...  Những anh em nào lỡ  biết kẻ ấy phạm tội thì đừng làm họ hổ thẹn và đừng nói xấu  họ, nhưng hãy hết lòng nhân hậu đối đãi với họ và hết sức giữ kín tội lỗi của anh em mình , bởi vì người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, kẻ đau yếu mới cần" (Mt 9,12; Thư 4; BT 70-71).

Ta nhận thấy 3 điểm quan trọng trong câu nói trên của Phanxicô:

  • Thánh nhân lấy việc yêu mến các anh em sa ngã phạm tội như là một điều kiện chứng tỏ lòng chúng ta yêu mến Chúa : "Tôi sẽ biết anh có lòng yêu mến Chúa và yêu mến tôi là đầy tớ anh em hay không, nếu anh có làm được điều này chăng ..."
  • Đối với thánh nhân, không phải lời lẽ có thể phục hồi được các linh hồn về cho Chúa, nhưng là lòng yêu mến của chúng ta đối với họ : "Anh cứ hãy yêu mến họ hơn là yêu mến tôi, hầu mong đưa họ về với Chúa ".
  • Thánh nhân đã gợi lên cho anh em noi theo hình ảnh của Chúa Giêsu là Thầy thuốc nhân từ sống giữa những người thâu thuế và tội lỗi. Khi những người biệt phái ngạc nhiên hỏi các môn đệ: "Tại sao Thầy các ông ăn uống với những người thâu thuế và những người tội lỗi", thì Chúa Giêsu trả lời: "Chẳng phải người khoẻ mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là những người đau ốm. Các ông hãy học lấy câu chép rằng: "Ta muốn lòng từ bi chứ không muốn của lễ. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng người tội lỗi" (Mt 9,11-13).

Hình ảnh và lới nói của Chúa Giêsu bao giờ cũng là đông lực cho đời sống của Phanxicô. Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian để yêu mến và cứu vớt người tội lỗi, thì một anh em hèn mọn không thể sống trọn Phúc âm nếu không có tình yêu đối với những người sống xa Chúa, vì chỉ tình yêu mới có thể cứu rỗi được.

C. PHANXICÔ BẢO VỆ ĐỜI SỐNG ANH EM.

Tình yêu, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa và được sống chân thật như tình mẹ yêu con trong bầu khí gia đình, đó là yếu tố căn bản sáng tạo ra cộng đoàn. Để bảo vệ tình yêu ấy và làm cho nó luôn luôn cháy lên như một ngọn lửa, Phanxicô đã chỉ dẫn cho anh em những điều phải làm và những điều phải tránh.

1.Những yếu tố tích cực

Trong những yếu tố tích cực, ta có thể nghĩ đến :

  • Cách phân chia anh em thành những cộng đoàn nhỏ, chứ không phải những cộng đoàn đông đảo như trong các đan viện;
  • Cách đặt để toàn Dòng dưới quyền một Tổng Phục vụ duy nhất: vị này tượng trưng sự hợp nhất của toàn thể anh em khắp hoàn cầu với nhau và sự tùng phục của mỗi anh em đối với Đức Giáo Hoàng;
  • Việc Phanxicô khuyên các anh Phục vụ năng thăm viếng anh em để giúp đỡ mọi người và gây tình liên đới trong cộng đoàn.

+ Lời kinh chung

Trong phần trước, chúng ta đã có dịp nói tời Phép Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống huynh đệ. Vì thế Phanxicô ao ước trong mỗi cộng đoàn mỗi ngày chỉ có một Thánh Lễ tụ họp tất  cả anh em lại với nhau.

Ngoài thánh lễ ra, Phanxicô xem việc đọc kinh chung như một yếu tố hợp nhất của cộng đoàn. Vì thế, dầu là đau ốm, Phanxicô vẫn ao ước đọc kinh với một anh em khác. Trong Chúc thư, ngài viết : "Mặc dầu tôi dốt nát và đau yếu, nhưng tôi luôn luôn muốn có một giáo sĩ đọc thần tụng cho tôi như đã ấn định trong Luật Dòng" (BT tr.148).

Trong Luật II, 3,1 Phanxicô viết : "Các anh em giáo sĩ phải đọc thần tụng theo thể thức của Hội Thánh Rôma" (BT tr.131).

Trong thời Trung Cổ, mỗi địa phận có qui chế riêng về cách thức đọc kinh nhật tụng và làm lễ. Buổi đầu anh em hèn mọn đọc kinh theo tập tục từng miền, "anh em giáo sĩ đọc như các giáo sĩ khác" (CT : BT 147). Nhưng anh em hành trình luôn và số lượng anh em càng ngày càng đông, nên khi gặp gỡ nhau, anh em đọc kinh như thế nào ? Phanxicô đã chọn thể thức của Hội Thánh Roma" nghĩa là Phụng vụ của Đức Giáo hoàng tại thánh đường Latran làm phụng vụ chung cho toàn Dòng (thánh Đa Minh đã chọn j phụng vụ khác). Điểm này cho ta thấy Phanxicô muốn anh em hiệp thông với nhau trong một lời kinh chung và cả trong lời kinh anh em hiệp thông với Đức Giáo hoàng.

Lời kinh chung là sợi dây quan trọng nối kết anh em lại với nhau. Phanxicô nói trong thư gởi cho Tổng Tu nghị là những ai không đọc Thánh tụng và không giữ những điều khác như Luật dạy, ngài sẽ không kể như "người công giáo và như anh em của ngài nữa". Và một người hiền lành như Phanxicô, luôn luôn sẵn sàng tha thứ cho mọi anh em sa ngã về bất cứ  điều gì, đã tỏ ra hết sức nghiêm khắc về vấn đề thánh tụng : "Tôi cũng không nhìn mặt và nói chuyện với họ cho đến lúc họ làm xong việc đền tội" (Thư 3,43-44); BT tr.70). Trên  giường hấp hối, Phanxicô vẫn còn tỏ ra nghiêm khắc đối với những "ai không đọc Thần tụng như Luât dạy và muốn thay đổi cách nào khác hoặc không phải là công giáo" (CT 31; BT tr.148). Thánh nhân viết :"Tôi buộc nhặt giám viện phải cẩn thận giữ người ấy đêm ngày như người tù phạm, đến nỗi người ấy không thể thoát khỏi tay mình cho đến lúc đích thân nạp người ấy trong tay Phục vụ mình..." (CT c.32; BT 148).

Nếu Phanxicô tỏ ra nghiêm khắc như thế là vì ngài muốn cho anh em cảm thấy rằng lời kinh là nguyên tắc căn bản của đời tu và tình huynh đệ.

* Những cuộc gặp gỡ

Chiếu theo điều lệ của Công đồng Latran (1215) thì mỗi Hội dòng phải họp Tổng Tu nghị 3 năm l lần. Nhưng chỉ có các viện phụ của một miền hội nhau mà thôi, nên cũng chưa phải là những Tổng Tu nghị của toàn thể một Hội Dòng.

Từ thuở sơ khai của cộng đoàn, Phanxicô đã nhận thấy cần thiết phải thường xuyên tụ họp tất  cả anh em laị để thảo luận với anh em về những khó khăn gặp thấy trong đời sống, để khuyến khích anh em giữ lấy lòng sốt sắng ban đầu và để bổ túc bản Luật.

Thomas de Celano kể chuyện là 8 anh em tiên khởi, chia nhau ra làm 4 nhóm để đi giảng. Một thời gian sau, họ trở về quây quần chung quanh Phanxicô : "Họ kể lại những ân huệ mà lòng từ bi của Chúa đã ban, và nếu họ đã tỏ ra bê trễ hay bất mãn, họ khiêm tốn xin lỗi và sẵn sàng nhận lấy nơi Cha thánh lời khiển trách và việc đền tội" (1 Cel 30).

Về sau, Phanxicô triệu tập tất  cả anh em lại Portiuncula một năm 2 lần vào dịp lễ Hiện Xuống và lễ Thánh Thiên Thần Micae (Tres. Soc.57). Nhưng số anh em càng ngày càng đông  thì các cuộc tổng tu nghị cũng thưa dần. Tổng Tu nghị 1221 là Tổng Tu nghị cuối cùng triệu tập toàn thể anh em, đã khấn cũng như còn là tập sinh, các vị phụ trách cũng như anh em dưới quyền.t ừ 1221, mỗi giám tỉnh triệu tập toàn thể anh em mình mỗi năm 1 lần (1L 18,1; 2L 8,5).

Tại Tổng Tu nghị chỉ còn có các giám tỉnh hội lại (5 năm l lần) tại Portiuncula theo Luật I, 18,2; và theo Luật II thì ở bất cứ nơi nào tuỳ Tổng Phục vụ định và cứ 3 năm một lần hay sớm muộn hơn cũng tuỳ theo Tổng phục vụ xếp đặt (Luật II, 8,2-3).

Ngoài khuôn khổ mà Luật ấn định, từng nhóm anh em cũng thường có dịp gặp nhau. Thomas de Celano viết : " Ôi thật lớn lao cái tình yêu trong đời sống cộng đoàn của những tân môn đệ Chúa Kitô. Khi nhiều người hội nhau nơi nào, hoặc khi có dịp gặp nhau trên đường, thì tình yêu thần linh phát xuất như một mũi tên, gieo rắc hạt giống của thứ ân ái chân thật vượt lên trên mọi thứ tình yêu. Họ ôm nhau, họ hôn nhau, họ nói chuyện, họ cười vui, đơn sơ, khoan hậu và hiền lành, đồng tâm trong lý tưởng, vồn  vã và không mỏi mệt trong sự phụng sự nhau. Và quả thật, vì họ khinh chê mọi thứ của cải trần gian và không bao giờ yêu nhau với thứ tình yêu ích kỷ, nhưng đổ hết tất  cả tâm tình vào cộng đoàn, nên họ tìm cách xả thân mình để giúp đỡ hết mọi anh em trong cảnh thiếu thốn. Họ ao ước được gặp nhau, họ còn cảm thấy sung sướng hơn nữa khi được sống với nhau. Họ buồn rầu khi phải chia tay và đau lòng khi phải xa nhau" (1 Cel 38.39).

Bức tranh do Celano vẽ lại đời sống cộng đoàn của những anh em tiên khởi thật đẹp đẽ và có lẽ mang nhiều sắc thái lý tưởng hơn thực tế. Con người luôn luôn mang nhiều yếu đuối. Vì thế Phanxicô, một cách thực tế hơn vì ngài có bổn phận săn sóc anh em, đã nêu lên những điểm tiêu cực cần phải tránh.

2. Những yếu tố tiêu cực

Đời sống thực tế hàng ngày đã làm cho Phanxicô ý thức tới những thứ thuốc độc phá hoại cộng đoàn mà anh em phải tránh.

  • Thái độ buồn bực

Phanxicô xem thái độ buồn bức như một mưu mô của ma quỷ, một thứ bụi bậm mà ma quỷ cố thổi vào tâm hồn của anh em để làm cho dơ bẩn tâm hồn trong trắng của đương sự, cũng như để làm ô uế bầu không khí gia đình (2 Cel 125). Có lần thấy một anh em bực bội và buồn bã, Phanxicô quở mắng nặng lời:

"Một tôi tớ Chúa không nên tỏ ra buồn bã và bối rối trước mặt người khác, nhưng luôn luôn an vui. Anh hãy về trong phòng mình xét tội lỗi mình và than khóc trước mặt Chúa. Nhưng lúc đi chơi với anh em, hãy gạt bỏ cái buồn bã đi và làm như người khác" (2 Cel 128).

Thomas de Celano kể tiếp làngài rất quí mến những anh em đầy niềm vui thần linh và, trong một cuộc tu nghị nọ, ngài bảo viết những lời này:

"Anh em hãy ý tứ đừng ra dáng buồn, ảm đạm như kẻ giả hình, nhưng hãy vui mừng trong Chúa, tươi cười và hoà nhã cho hợp lẽ".

Những lời này của Phanxicô về sai được ghi lại trong Luật ! chương 7, câu 15-16.

  • Lời nói chỉ trích

Thứ thuốc độc nguy hiểm nhất cho đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, đó là những lời phàn nàn và chỉ trích nhau. Chính qua lời nói mà chúng ta thiếu kính nể đối với anh em. Phanxicô viết trong Luật I: "Dù ở đâu hay gặp nhau nơi nào, anh em đều phải đem hết tâm tình và tinh thần siêu nhiên trọng đãi và kính nể nhau, đừng sinh sự càm ràm" (1 L 7,14).

Cũng trong Luật I, Phanxicô dùng lời Kinh Thánh để khuyên dạy anh em: "Anh em không được xỉ báng ai (Tt 3,2), không được càm ràm, không được nói xấu vì có lời chép rằng: Chúa ghét những kẻ hay nói lén hoặc nói xấu" (Rm 1,29-30).

Phanxicô cho việc chỉ trích anh em khác là điều ghê tởm nhất. Ngài so sánh kẻ hay nói hành anh em như một con rệp hút máu, một thứ dịch hạch, một con rắn độc : "Người nói hành dùng cái lưỡi sắc bén của mình như lưỡi gươm để giết và uống máu các linh hồn" (Leg Maj. VIII,4). Một hôm Phanxicô bắt gặp một anh nọ đang nói xấu anh em mình, ngài quay lại với Piedro Catani, là phó phục vụ, và nói những lời ghê gớm này:

"Hội Dòng đang trải qua cơn nguy biến trầm trọng nếu không có phương thế ngăn ngừa những người hay nói xấu. Thứ hương thơm mà các anh em khác gieo toả ra sẽ trở nên hôi hám nếu những cái miệng lưỡi thối tha kia không được đóng lại. Dậy mau, dậy mau, và đi xem xét cho kỹ lưỡng, và nếu người anh em bị vu cáo kia là vô tội thì anh hãy nghiêm khắc sửa phạt anh nói xấu kia để làm bài học cho tất  cả anh em khác. Nếu anh không thể phạt anh ấy được  thì hãy giao anh ấy cho đôi tay của anh võ sĩ xứ Firenze (đó là anh Gioan người thành Firenze; vì anh to cao và khoẻ mạnh nên ngài gọi anh là võ sĩ). Tôi muốn anh và các vị phục vụ khác phải nỗ lực làm sao ngăn chặn cái bệnh dịch này lại".

Thomas de Celano viết: "Theo ý thánh nhân thì ai đã tước  lột danh giá anh em mình thì cũng phải bị tước lột áo dòng ra và không được ngước mắt lên nhìn Chúa cho đến khi người ấy hoàn lại điều người ấy đã ăn cắp" (2 Cel 182; Leg. Maj. VIII,4).

Phanxicô để lại cho anh em  một huấn ngôn ngắn ngủi nhưng quan trọng biết bao cho đời sống huynh đệ trong cộng đoàn: "Hạnh phúc cho tu sĩ một mực yêu mến và kính nể anh em khi xa cũng như lúc gần gũi, và không dám nói sau lưng anh em những điều mà đức ái không cho phép nói trước mặt họ" (Hn 25; BT 32).


III. HUYNH ĐỆ ĐOÀN MỞ RỘNG

Ý thức rằng  Thiên Chúa là Cha chung của tất  cả loài người và tạo vật, Phanxicô đã sống tình huynh đệ không những trong khung cảnh cộng đoàn, nhưng ngài đã sống tình huynh đệ phổ quát.

1. Những người nghèo khó

Ngài đã tỏ ra mình là anh em của tất  cả mọi người nhất là đối với những người  hèn hạ nghèo khó. Được sống giữa những người có địa vị thấp kém, đó là niềm vui của ngài như ngài đã viết  trong Luật I :

"Chúng ta hãy vui mừng khi ở giữa những người tầm thường, bị người ta khinh dể, giữa những người nghèo nèn tàn tật, đau yếu và phung hủi, giữa những người ăn xin ở các ngả đường" (I L 9,3; BT 99).

Những người phung hủi sống bên lề xã hội mà chính Phanxicô cũng đã lấy làm ghê tởm khi ngài chưa trở lại với Chúa, từ nay được ngài gọi là "những anh em tín hữu" (fratres christianes, Leg.Per. 22).

2. Những kẻ thù địch

Rất nhiều lần trong Bút tích, ta thấy Phanxicô khuyên dạy anh em phải thương yêu kẻ thù địch và đối đãi với họh như anh em bạn hữu. Phanxicô cho chép lại trong chương 14 của Luật I những lời Phúc Am này :

"Đừng cự lại người ác, nhưng nếu ai vả má này hãy giơ cả má kia cho họ; và ai lột áo choàng mình, thì hãy cho luôn cả áo trong nữa. Ai xin của gì thì hãy cho người ta của ấy; và đừng đòi lại của gì đã bị tước mất" (I L 14,4-6; BTT 104).

Trong Luật I, Phanxicô nói đến bổn phận của anh em phải đón tiếp tất  cả mọi người, kể cả những kẻ bất lương:

"Bất kỳ ở đâu, trong ẩn viện cũng như các nơi khác, anh em hãy ý tứ đừng lấy một chỗ nào làm của riêng và cũng đừng ngăn cấm kẻ khác lui tới. Và hễ có người đến với anh em, bất phân bạn hay thù, trộm hay cướp, anh em hãy tiếp đón họ tử tế" (I L 7,12-13; BT 97).

Phanxicô nhấn mạnh là anh em không những không được làm hại kể thù địch, nhưng còn phải làm việc thiện để tỏ lòng yêu mến họ :

"Ai không muốn hoặc không thể yêu mến kẻ khác, thì ít ra đừng làm hại nhưng hãy làm ích cho họ" (Thư 1, 26-27).

Ngoài ra, anh em còn phải cầu nguyện cho họ nữa. Bổn phận yêu mến kẻ thù địch vượt sức tự nhiên con người. Vì thế trong bài quảng giải Kinh Lạy Cha, Phanxicô xin Chúa ban cho đủ sức mạnh để có thể tha thứ và yêu mến họ :

"Điều gì chúng tôi không tha thứ trọn vẹn được, thì lạy Cha  là Chúa Tể, xin Cha làm cho chúng tôi tha thứ cho trọn vẹn, để chúng tôi đích thực yêu mến kẻ thù vì Cha và sốt sắng cầu bầu cho họ trước mặt Cha, để khỏi báo thù ai vì sự dữ họ đã làm, nhưng để làm ích cho mọi người trong Cha" (BT 199).

Trong lời kinh trên, Phanxicô tóm tắt thái độ của anh em hèn mọn đối với kẻ thù địch : Yêu mến họ, cầu nguyện cho họ, không làm điều dữ để trả dữ nhưng làm ơn để trả oán.

Phanxicô nhắc nhiều đến những kẻ thù địch? Họ là ai?

Họ có thể là anh em một nhà, nhưng vì bất đồng ý kiến mà trở nên thù địch. Trong Huấn ngôn 3, Phanxicô nói đến những ‘việc bách hại' do anh em gây nên (Hn 3,7-9; BT 22); trong Thư gởi một vị phục vụ, ngài nói đến những ‘phiền hà do anh em hay người khác gây nên, dầu là roi vọt" (Thư 4,2; BT 71).

Những kẻ thù địch còn là những tên cướp đường mà Phanxicô gọi là các ‘anh cướp' (Spec. 66).

Ta cũng đừng quên rằng Phanxicô ra đời và sống trong một thời đại chinh chiến : Hoàng đế giao tranh với Đức Giáo hoàng, người dân thành thị chống lại với giai cấp quí tộc, thì trấn này đáng lại thị trấn kia.

Một điều đáng chú ý hơn hết là trong thời đại đó, người Hồi giáo được xem như là kẻ thù số một của người công giáo. Trong ngôn ngữ của giáo dân, cho đến trong ngôn ngữ của các vị giảng thuyết danh tiếng (Thánh Bernard, Pierre le Vénérable, thánh Pierre Pascal, thánh Toma Aquino) và ngôn ngữ của các Đức Giáo hoàng (Lêô III, Benoit VIII, Jean VIII), những người Hồi giáo được gọi là ‘những kẻ bất lương phạm thân Thánh Địa', ‘những quâ thù địch của Thánh giá Chúa Kitô', ‘Những con chó đáng phạt vào hoả ngục', ‘Những quân bất lương và nghịch đạo' (Giulio Basetti-Sani, Mohammed et Saint Francois, p. 20-24).

Trên môi miệng của Phanxicô, không ai đã bắt gặp được một lời nói lăng nhục. Trong chương 16 của Luật I, Phanxicô nói với những anh em đi truyền giáo cho người Hồi giáo thái độ đối với họ :

"Những anh em ra đi có thể chu toàn sứ mệnh thiêng liêng của mình bằng hai cách. Một là không được kiện tụng, gây gổ với ai, nhưng hãy phục tùng hết mọi người vì Chúa, và tuyên xưng mình là người công giáo. Hai là nếu thấy đẹp lòng Chúa thì hãy rao giảng Lời Chúa" ( L I, 16,6-8; BT tr. 105).

Thái độ của anh em trước hết là thái độ hoà nhã, không nói lời khiêu khích gây gổ và tỏ ra phục tùng hết mọi người như lời thánh Phêrô Tông đồ đã dạy" (1 P 2,13).

Chương 22 của Luật I càng nói rõ lên sự khác biệt giữa thái độ của Phanxicô và thái độ của giáo dân đương thời:

"Tất cả anh em hãy suy ngắm lời Chúa phán: Các con hãy thương yêu thù địch và làm ơn cho kẻ ghét bỏ các con. Chúng ta phải bước theo vết chân Chúa Giêsu Kitô, chính Người đã gọi kẻ phản bội mình là ‘bạn hữu', và tự nguyện nộp mình cho những kẻ đóng đinh Người.  Như thế bạn hữu chúng ta chính là những kẻ gieo ưu phiền lo lắng cho chúng ta, nhục mạ, chửi mắng chúng ta; gây đau đớn khổ cực cho chúng ta,bắt chúng ta chịu cực hình hay chết một cách bất công. Chúng ta phải hết lòng yêu mến họ, vì nhờ những tai hoạ họ gieo rắc mà chúng ta được sống đời đời".

Chữ ‘thù địch' trong câu nói của Phanxicô ám chỉ những người Hồi giáo vì họ gây cho chúng ta ‘chịu cực hình và chết vì đạo' (Martyrium et  mortem). Gọi quân Hồi giáo Sarazin là ‘bạn hữu', đó thật là một thái độ cách mạng của Phanxicô trong bầu khí hiếu chiến thời đó.

Sau khi Đức Giáo hoàng Innocentiô III tại Công đồng Laterano kêu gọi đạo binh  Thánh giá sang chinh chiến với quân Sarrazins bên Đất thánh, thì mùa thu 1219 Phanxicô cũng  trẩy sang Trung Đông để gặp người Hồi giáo ; nhưng ngài ra đi như một sứ giả hoà bình, hai tay không cầm khí giới, tâm trí suy niệm lời này của Chúa - lời mà Phanxicô cho ghi chép đầu chương 16 của Luật I cho "Những anh em đi sang dân Hồi giáo và các dân ngoại khác :

"Thầy phái chúng con đi như chiên giữa sói rừng. Vì thế hãy khôn ngoan như rắn và chất phác như bồ câu" (I Luật 16,1).

Phần tiếp của chương 16 (câu 14-21) cho ta thấy Phanxicô rất ý thức tới những khổ hình có thể xảy ra, nhưng thái độ của một anh em hèn mọn trong mọi hoàn cảnh đau khổ phải là "như chiên giữa sói rừng". Và Phanxicô chào hỏi những người Hồi giáo cũng như tất  cả mọi người, một lời chào mà cần phải có ơn Chúa mới nói lên một cách chân thành được :

"Chúa đã tỏ cho tôi phải chào bằng lời này : Xin Chúa ban Bình an cho anh" (Chúc thư 23; BT 147).

3. Anh em giữa các thụ tạo

Anh chị em của Phanxicô không phải chỉ là loài người, nhưng là tất  ca loài thụ tạo dầu là vô tri giác.

Ta có thể nói giữa Phanxicô và các thụ tạo có một sợi dây họ hàng máu mủ, vì ngài gọi mọi thụ tạo là ‘anh', là ‘chị'.

Bài ca Mặt Trời là một chứng tá rõ rệt :

"Ngợi khen Chúa, Chúa tôi ơi
Vì anh Mặt Trời
Chị Trăng,
Anh Gió, Chị Nước, anh Lửa, chị Đất...

Thomas de Celano viết: "Mùa màng và những vườn nho, những tảng đá, những rừng núi, những phong cảnh vui tười, những suối nước, những chòm cây, đất, lửa, khí, gió, tất  cả muôn loài được Phanxicô mời gọi cách chân thành đơn sơ hãy yêu mến và phụng thờ Chúa hết lòng. Mọi vật đều mang tên là anh, chị. Trực giác sắc xảo của lòng ngài đã cho ngài nhìn rõ cách phi thường mầu nhiệm của các tạo vật, vì từ bây giờ ngài đã sống sự tự do vẻ vang của con cái Chúa" (1 Cel 81).

Thánh Bonaventura cắt nghĩa một cách triết lý hơn: "Càng đi lên về căn nguyên đầu tiên  của vạn vật, thì Phanxicô càng cảm thấy một tình yêu chan chứa đối với chúng. Ngài gọi mọi loài là anh, chị, cả những loài nhỏ mọn nhất, vì ngài biết rằng tất  cả đều do một Nguyên thuỷ độc nhất mà phát xuất" (Leg. Maj. VIII, 6).

Hơn bao giờ hết, thế giới và Giáo Hội đang cần những Phanxicô chân thành và tận tình sống Lời Chúa: "Chúng con hết thảy là anh em... Chúng con chỉ có một Cha là Chúa Cha trên trời".

Norbertô Nguyễn văn Khanh

Chia sẻ