Skip to content
Main Banner

Như hạt lúa gieo vào lòng đất

BTT OFMVN
2008-10-13 23:00 UTC+7 202

Lễ an táng cha già Jean Marie Trần Văn Phán, OFM, ngày 13-10-2008, tại Nhà thờ giáo xứ Đakao

(G 19,1.23-27a; 1 Ga 3,1-2; Ga 12,23-26)

Nếu Đức Giêsu còn tự ví như là hạt lúa được gieo vào lòng đất (x. Ga 12,24), tại sao chúng ta lại không mượn hình ảnh đó mà ví cuộc đời của mỗi chúng ta, của chính cha già Jean Marie Trần Văn Phán, rất thân quen với bút hiệu "Duy Ân Mai"?

Quả thật, như một hạt lúa, vào năm 1919, bé Trần Văn Phán được Thiên Chúa đưa vào cuộc đời, gieo vào lòng đất Vinh, tại xứ Thuận Nghĩa. Và cũng như hạt lúa được gieo vào lòng đất, phải chết đi, để sinh được nhiều hạt khác, chú Trần Văn Phán nghe tiếng Chúa gọi, từ giã gia đình để đi vào Dòng Anh em hèn mọn, để rối năm 1941 thì khấn lần đầu và năm 1949 thì chịu chức linh mục, tất cả chỉ để đi theo Thầy Giêsu nghèo khó và chịu đóng đinh và phục vụ theo gương Người.

Kể từ đó, như lời Đức Giêsu nói: "Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó", cha Duy Ân Mai được gửi đi đến sống tại những nơi nào Đức Giêsu đưa anh em Phan sinh tới, từ Vinh, Thanh Hóa, đến Nha Trang, và Sàigòn. Nhưng đấy cũng là những đợt chìm sâu hơn vào lòng đất quê hương, hạt lúa Trần Văn Phán phải chết đi, hầu có thể sinh nhiều hoa quả thiêng liêng cho dân tộc mình. Nói "phải chết đi", vì tôi đã được nghe cha Duy Ân Mai tâm sự là không thiếu phen cha cảm thấy thực hiện cho được một quyết định của Bề trên về mình cũng khó chịu, đau đớn.

Hôm nay, cha đã nằm xuống với 89 tuổi đời, 66 năm khấn dòng, 59 năm linh mục, cha Duy Ân Mai còn đang nói với tôi nhiều điều. Tôi xin chia sẻ.

Tôi nhớ về cha Duy Ân Mai như một "người tôi tớ trung tín" với nhiệm vụ của mình đúng giờ, dù khi là Phụ trách Đakao, hay chỉ còn lo chăm sóc các phòng khách. Khi còn trẻ khỏe thì đi dâng lễ tại các cộng đoàn tu sĩ chung quanh; cha yêu thích việc giảng dạy, dù anh em cũng thường khó mà hiểu được các lời ngài nói. Khi đã già yếu, cha đều đặn có mặt ở nhà nguyện để cử hành phụng vụ, có mặt tại nhà thờ để dâng thánh lễ, có mặt tại nhà cơm và sẵn sàng rửa chén bát. Cứ sau mỗi bữa cơm, nhìn cha già lui cui rửa chén với anh em trẻ và đôi khi còn bị anh em trêu chọc, có lần tôi bảo anh em: Các cụ ta vào tuổi này, ở ngoài đời, cơm nước xong là chơi với con cháu, chứ đâu có chuyện lui cui rửa chén dĩa thế này? Còn cha già thì vừa làm vừa nhắc anh em: Đừng có mà ăn sạch làm dối!

Tôi nhớ về cha Duy Ân Mai như một con người sẵn sàng dấn thân vào lãnh vực truyền thông, giáo dục, và văn hóa nghệ thuật, và có nhiều sáng kiến. Khi cha phụ trách tờ báo Duyên Nghèo của Chi Tỉnh, rồi tờ Tin Vui của Hạt Dòng trước đây, cha đôn đốc công việc, chịu khó tìm các trợ bút. Cha phiên dịch các bài giảng, biên sọan và in sách giáo lý cho thiếu nhi cũng như cho giới trẻ, điều khiển ca đoàn, làm đĩa hát. Mấy ai biết rằng cha già đã điều khiển ca đoàn liên tục trong vòng 40 năm? Cha còn tự hào mình đã đi tiên phong trong việc thực hiện một cuộn phim công giáo, tựa đề "Người làm hoa", một cuộn phim anh em nghe nhắc đến là mỉm cười!

Tôi nhớ về cha Duy Ân Mai như một con người có tính tình bộc trực, không bằng lòng điều gì là phản ứng ngay. Nhưng cũng là người rất trân trọng ý kiến của các bề trên: khi BT đã lên tiếng, là ra sức chu toàn. Cha để ý đến anh em, sẵn sàng chia sẻ cho anh em một quyển sách, một đĩa phim, một món đồ dùng, để rồi sau đó, khi cần, lại đơn sơ đến xin lại!

Tôi nhớ về cha Duy Ân Mai như một con người rất trật tự, rất nghiêm túc. Trật tự trong việc sắp xếp sách vở. Trật tự trong cử hành phụng vụ: cha kỹ lưỡng chu toàn các luật phụng vụ và muốn anh em đọc kinh, hát lễ đúng luật và tinh thần phụng vụ. Những anh em đã qua cộng đoàn Đakao không thể nào quên những lần thấy cha già bực bội vì anh em làm những điều "siêu phụng vụ". Năm nào cha cũng sọan cho anh em một ordo (= lịch; trật tự), tức một quyển lịch tổng hợp lịch Rôma với lịch Dòng và lịch Giáo phận TPHCM, dù quyển lịch nào cũng có những sai sót, nghĩa là... không không hoàn toàn là ordo, là trật tự! Nhưng cha già không bận tâm, cha vẫn làm. Chỉ có năm vừa rồi là cha không nghĩ gì đến công việc này nữa.

Quả thật, cha Duy Ân Mai có trong lòng thế nào là sống ra ngoài như vậy, và vì thế cha thường xuyên là niềm vui cho anh em, dù cha cũng chẳng biết. Hôm nay, với Gia đình Phan sinh, chúng ta ghi nhận rằng, khi chúng ta vừa bước vào Năm Thánh, năm trở về nguồn cội, Thiên Chúa đưa một người anh cũng là một cây "cổ thụ" của Tỉnh Dòng AEHMVN và của cộng đoàn Đakao, trở về với Người, để nhắc chúng ta rằng đừng bao giờ quên "cội nguồn" của mọi "nguồn cội" là chính Thiên Chúa. Người cũng đang bảo chúng ta rằng, như cha Duy Ân Mai, chúng ta hãy tận dụng những vốn liếng Chúa ban để sống và phục vụ. Cha là một viên gạch nhất định đã góp phần vào việc xây dựng Tỉnh Dòng và Giáo Hội, cụ thể giáo xứ Đakao này. Chúng ta cám ơn Thiên Chúa cho cha già Duy Ân Mai và về cha già Duy Ân Mai.

Hôm nay, chúng ta có thể nói, thế là Gia đình Phan sinh chúng ta đã "đầu tư" được thêm một người AEHM VN vào thiên quốc. Chúng ta đã thấy rằng, như hạt lúa, cha già Duy Ân Mai đã đi sâu vào lòng đất quê hương, chết đi mà sinh các hoa trái thiêng liêng. Chúng ta tin rằng, như ông Gióp, "sau khi da [cha già] bị tiêu hủy, thì với tấm thân, [cha] sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa" (G 19,26). Chúng ta tin rằng, "khi Đức Kitô xuất hiện, [cha già Duy Ân Mai] sẽ nên giống như Người, vi Người thế nào, [cha] sẽ thấy Người như vậy" (1 Ga 3,2).

Ước mong rằng từ cha già Duy Ân Mai đến chúng ta, con đường vừa nối tiếp vừa chuyển hướng nên phong phú hơn.

FX. Long

Chia sẻ