Skip to content
Main Banner

Trở Nên Mối Phúc Lành

BTT OFMVN
2008-08-24 23:00 UTC+7 122

Đến với lễ thánh Clara hôm nay, chúng ta không phải như là những người đã tìm ra một ốc đảo, đến đây để quên đi những khó khăn của thế giới, của Giáo Hội. Chúng ta không đến đây như là những con người mang đầy những thương tích để được xoa dịu, được chữa lành, rồi quên đi những khó khăn. Nhưng chúng ta đến đây để mang tất cả những khó khăn, những thương tích của chúng ta, để dưới ánh sáng của sứ điệp đời sống của thánh Clara, chúng ta tìm được sự sống mới, nghị lực mới, để tiếp tục dấn thân trong hành trình sống niềm tin Kitô hữu, sống đời sống tu trì Phan sinh hoặc đời sống tu trì trong các Hội Dòng khác, để phục vụ Hội Thánh và thế giới.

Hôm nay chúng ta đến đây trong tình trạng như thế nào? Chúng ta là những người con của thế giới và của Hội Thánh, chúng ta đang ở trong một tình trạng khá phức tạp. Các chuyên viên nói rằng: Hội Thánh của chúng ta và thế giới đang gặp những thách đố mới và những vấn đề mới. Đối diện với những thách đố và vấn đề ấy, chúng ta bị rối loạn, vì chúng có thể làm cho thế giới đi vào xu hướng cá nhân chủ nghĩa ngày càng rõ nét, xu hướng đi tìm hưởng thụ khoái lạc và đắp bồi cho chính mình ngày càng nổi bật, dù là trong hiện tượng “toàn cầu hóa” này, có rất nhiều cái hay, cái đẹp của thế giới được nhanh chóng chuyển đến cho chúng ta. Dù sao, đi nữa, các nhà xã hội học đang lo lắng về một kết qủa tiêu cực: các quan hệ trở nên tạm bợ, vì người ta không thật sự muốn dành thì giờ cho nhau. Tinh thần liên đới chỉ là chuyện của các biểu ngữ … Nghe vậy, rất có thể nhiều anh chị em gật gù, rồi buông một câu: Ô, nhưng người Việt ta thì khác! Dân Thành phố văn minh này thì khác!… Có thật người Việt ta thì khác không? Có thật là người ở Thành phố này thì khác không? Chúng ta thử xem.

Đi trong một thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, mà sự hỗn độn và vô trật tự gia tăng với một tốc độ chóng mặt, chứng kiến cảnh các khách ngoại quốc mấy lần thò chân xuống mặt đường để rồi lại vội lùi lên lề đường, không dám bước qua, tôi tự hỏi: đâu rồi sự an toàn mà người ta bảo đảm cho nhau, đâu rồi việc người ta dành sự quan tâm cho người khác?

Đứng chờ người thân tại phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất, bị đẩy tới, bị xô lui, rồi người ta lấn tới đứng ngay trước mặt mình, vừa hét qua điện thọai di động, vừa nhảy tưng tưng vẫy người nhà đang đi ra, thúc cả cùi chỏ vào bụng vào ngực mình, tôi lại thêm một lần tự hỏi: đâu rồi sự tế nhị lịch sự của người Việt mình? Một người anh em tôi bị người ta đụng xe, té lăn xuống vệ đường, kẻ gây ra tai nạn thì sừng sổ chửi bới như chính họ là nạn nhân, rồi một người khác chạy ngang qua, lấy luôn cái mũ bảo hiểm của người anh em bị lăn ra đó, tôi tự hỏi: đâu rồi tình liên đới, đâu rồi tinh thần “chị ngã em nâng” của người Việt? Những người trong Thành phố văn minh của chúng ta đang sống như thế đó!

Kể lại một vài chuyện tiêc cực nhỏ bé đó, để khỏi nhắc đến những điều tiêu cực to lớn hơn, tôi cảm thấy có cái gì đó bất ổn, có cái gì đó đáng lo. Phải chăng Thành phố của ta đang là cái mô hình của tình trạng bất ổn tâm lý xã hội của thế giới? Sống trong bầu khí đó, nhiều hay ít, chúng ta chịu ảnh hưởng. Ngẫm nghĩ lại mà xem, tất cả chúng ta, ngay các tu sĩ Dòng kín, chúng ta có thật sự sống hết tình liên đới với người khác không? Có thật sự là biết bận tâm đến lợi ích của người khác không? Hay là tình liên đới chỉ là chuyện trên môi miệng?

Sứ điệp của cuộc đời thánh Clara, một vị thánh có tên là ánh sáng, hôm nay đưa lại một ánh sáng nào cho cuộc sống chúng ta? Nhìn lại cuộc đời và đọc lại sứ điệp thánh Clara để lại, tôi chợt hiểu : dường như là con người, những anh chị em chúng ta hôm nay đang đánh mất tọa độ, nghĩa là không còn hiểu mình đang đứng ở vị trí nào, tại kinh tuyến và vĩ tuyến nào, thậm chí dường như phải nói rằng anh chị em chúng ta đang bị hỏng chân, đang bị chìm, nên chới với; và họ nhấn chìm bất cứ ai, dù là anh chị em ruột thịt, họ nắm được, để họ nổi lên. Phải chăng càng ngày càng có nhiều anh chị em chúng ta rơi vào tình trạng đó? Phải chăng chính chúng ta cũng đang như thế? Chới với, quờ quạng, và nhận chìm bất cứ ai, miễn là mình nổi lên là được?

Thánh Clara cũng chỉ là người con của một thời đại, có những chuyện hay, chuyện dở; ngài có những tài năng và có những khiếm khuyết. Nhưng ngài không chới với, ngài bước bước nào chắc bước ấy. Bởi vì ngài biết rõ vị trí của ngài trong thế giới, biết rõ tọa độ của ngài: có một Đấng ở trên ngài, và có những con người ở với ngài, người gần người xa. Ngài gọi Đấng ở trên ngài là “Chúa Cha đầy lòng thương xót” (DC Cl 2); ngài cầu nguyện với Chúa Cha, ngài liên hệ với Chúa Cha qua hàng ngàn cử chỉ trong đời thường. Chúa Cha chính là Nguồn Suối tuôn trào mọi điều thiện hảo không bao giờ cạn kiệt; Chúa Cha là Sự thiện toàn vẹn, là Đấng Tạo hóa và là Chúa tể của mọi người. Vì là Sự Thiện toàn vẹn, Chúa Cha làm điều gì cũng tốt và nói ra điều gì cũng lành. Có Chúa Cha và sống tốt với Chúa Cha, ngài liên tục được chúc lành, mà ngài thấy, với Thiên Chúa, điều Người chúc lành trở thành hiện thực. Khi đó, Clara thấy cuộc sống của ngài xinh đẹp: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dựng nên con?.

Chúa Cha đầy lòng thương xót, đã thương xót cá nhân ngài, nhưng cũng thương xót mọi người khác. Chân lý đức tin này khiến ngài hiểu: ngài luôn ở trong một cuộc sống hết sức sống động do chuyển động trao ban, đón nhận và đáp trả, ban tặng với trọn vẹn tình thương, đáp trả với hết lòng cảm mến. Đây là nền tảng để sống sự hiệp thông, tình liên đới. Sống tốt với Thiên Chúa và sống tốt với người khác là như vậy. Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ của ngài. Do đó, trong lời Chúc lành để lại cho chị em, thánh Clara nêu rõ hai điều đó: “Các con hãy luôn … tất cả các chị em mình và hãy chăm chỉ tuân giữ những điều các con đã hứa với Chúa” (cc. 14-15).

Lòng nhân lành hoàn toàn nhưng-không của Chúa Cha, Đấng đang chúc lành chúng ta và tỏ lộ dung nhan Người cho chúng ta (cc. 2-3), dẫn đưa chúng ta đến chỗ sống an hòa sâu xa với chính mình và với người khác. Đây không có chuyện phủ nhận các bóng tối trong đời sống chúng ta, những điềm trong lịch sử đời ta mà ta muốn quên đi. Khi cái nhìn của Thiên Chúa–Tình Yêu hướng vào cuộc sống chúng ta để nói với nó: “Thật là tốt đẹp!”, chúng ta cảm thấy mình được đón nhận và tôn trọng trong cuộc phiêu lưu đời người, một cuộc phiêu lưu đôi khi đưa đến đủ thứ thương tích. Chúng ta bắt đầu sẵn sàng ưng thuận với gương mặt thật, con người thật của chúng ta, để không đeo mặt nạ, không nấp trong mai rùa. Khi đó, từ đáy lòng, có thể dâng lên một lời chúc tụng tạ ơn: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì Chúa đã dựng nên con”.

Thấm nhuần trọn vẹn Tinh Thần của Chúa, thánh Clara để lại cho chúng ta di sản là cái nhìn của ngài, một cái nhìn biết vui sướng về cuộc sống của người khác, không giam hãm cuộc sống của người khác vào những gì ngài đã biết rồi. Vào mỗi buổi sáng, trái tim ngài lại ngạc nhiên trước những đường nét của một gương mặt chị em, anh em, vì những đường nét đó đang phác ra cho ngài hình ảnh Đấng Tạo hóa mà ngài vẫn hết lòng quý yêu tôn thờ.

Khi lòng đã thấm nhuần lòng tốt của Thiên Chúa, lời nói của ta thành lời chúc lành, đời sống của ta thành mối phúc lành cho người khác. Clara đã là một mối phúc lành cho anh chị em trong khi ngài còn sống. Lời chúc lành của ngài tóm tắt cả một đời là phúc lành: “Mẹ chúc lành cho các con khi mẹ sống và sau khi mẹ chết, với hết khả năng của mẹ, bằng mọi phúc lành mà Chúa Cha nhân từ đã ban và sẽ còn ban cho con cái Người trên trời dưới đất, và bằng mọi phúc lành mà một người cha và người mẹ thiêng liêng đã ban và vẫn còn ban cho các con cái thiêng liêng của mình” (cc. 12-13).

Có xác định được vị trí của cuộc đời mình như thế, người ta mới bình an, để sống sự tin tưởng, lịch sự, liên đới, người ta mới trở thành lời chúc lành cho người khác. Ước gì những người đầu tiên chứng tỏ được điều này, là chính các chị em Dòng Clara, rồi đến anh chị em trong Gia đình Phan sinh. Tuy nhiên, thánh Clara là vị thánh của Giáo Hội, nên ước gì tất cả chúng ta bắt chước được ngài. Hiểu được lòng Thiên Chúa tốt lành, sống tốt với Người, thì cũng sống tốt được với anh chị em mình, để lời nói của chúng ta trở thành lời chúc lành và đời sống của chúng ta trở nên mối phúc lành cho anh chị em chúng ta.

Để kết thúc, xin gửi đến anh chị em lời chúc lành của thánh Clara: “Nguyện xin Chúa ở với anh chị em mọi lúc và ước gì anh chị em luôn ở với Người” (c. 16).

(Bài giảng Lễ sáng thánh Clara 11/08/2008 của anh FX Long, ofm )

Chia sẻ