Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Bài giáo lý đặc biệt của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Trái đất

Administrator
2020-05-08 00:00 UTC+7 159

Vào ngày 22 tháng 4 năm 2020, Đức Thánh Cha, Giáo hoàng Phanxicô, đã trình bày một bài giáo lý đặc biệt nhân dịp Ngày Trái đất lần thứ năm mươi, vào chính ngày kỷ niệm lần thứ năm của Thông điệp “Laudato si “ của Ngài, về việc chăm sóc ngôi nhà chung (St 2: 8- 9, 15): 

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ năm mươi Ngày Trái Đất. Đây là một dịp làm mới lại cam kết của chúng ta trong việc yêu thương và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và các thành viên dễ bị tổn thương trong gia đình nhân loại của chúng ta. Như đại dịch coronavirus bi thảm đã dạy chúng ta, chúng ta có thể vượt qua những thách thức toàn cầu chỉ bằng cách thể hiện tình đoàn kết với nhau và đón nhận những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta. Thông điệp “Laudato Si” chính xác bàn về “sự chăm sóc này cho Ngôi nhà chung của chúng ta”. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm một chút trên trách nhiệm đó, một trách nhiệm đặc trưng cho cuộc “lữ hành trần thế” của chúng ta (Laudato Si, 160). Chúng ta phải phát triển nhận thức về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta được hình thành từ trái đất, và hoa trái của trái đất nhở chúng ta, chúng ta không chỉ đơn giản là người trần thế; chúng ta cũng mang trong mình chúng ta hơi thở của sự sống đến từ Thiên Chúa (x. St 2: 4-7). Do đó, chúng ta sống trong ngôi nhà chung này với tư cách là một gia đình nhân loại trong đa dạng sinh học với các thụ tạo khác của Thiên Chúa. Như “imago Dei”, hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi phải quan tâm và tôn trọng mọi tạo vật, để dành tình yêu và lòng trắc ẩn cho anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, khi bắt chước tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, được thể hiện ở nơi người Con của Người là Đức Giêsu, Đấng đã trở thành người để chia sẻ tình huống này với chúng ta và để cứu chúng ta.

Vì sự ích kỷ của chúng ta, chúng ta đã thất bại trong trách nhiệm trở thành người bảo vệ và quản gia của trái đất. “Chúng ta chỉ cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng ngôi nhà chung của chúng ta đang rơi vào tình trạng mất ổn định nghiêm trọng” (ibid., 61). Chúng ta đã làm ô nhiễm và đã coi thường nó, gây nguy hiểm cho chính cuộc sống của chúng ta. Vì lý do này, đã xuất hiện các phong trào quốc tế và địa phương khác nhau nhằm thu hút lương tâm của chúng ta. Tôi đánh giá cao những sáng kiến này; tuy nhiên, con cái chúng ta sẽ còn cần phải xuống đường để dạy chúng ta điều hiển nhiên sau đây: chúng ta không có tương lai nếu chúng ta phá hủy chính môi trường duy trì sự sống của chúng ta. Chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc trái đất, ngôi nhà-vườn của chúng ta; chúng ta đã thất bại trong việc chăm sóc anh chị em của chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại những người lân cận của chúng ta, và cuối cùng chống lại Đấng Tạo Hóa, Người Cha nhân từ, Đấng lo liệu cho mọi người, và mong muốn tất cả được sống trong sự hiệp thông và cùng nhau phát triển. Và trái đất phản ứng thế nào? Về điều này, có một câu nói rất rõ ràng của người Tây Ban Nha như sau: “Thiên Chúa tha thứ luôn luôn; con người tha thứ đôi khi; trái đất không bao giờ tha thứ”. Trái đất không bao giờ tha thứ: nếu chúng ta đã coi thường nó, và phản ứng sẽ rất tồi tệ.

Làm sao chúng ta có thể khôi phục lại một tương quan hòa hợp với trái đất và với phần còn lại của nhân loại? Một tương quan hòa hợp…Chúng ta thường đánh mất đi cái nhìn của chúng ta về sự hòa hợp: hòa hợp là công việc của Chúa Thánh Linh. Cũng như thế trong ngôi nhà chung, và cũng ở trên trái đất nữa; cả ở trong mối tương quan của chúng ta với dân chúng, với người láng giềng của chúng ta, với người nghèo. Làm sao chúng ta có thể khôi phục lại được sự hòa hợp này? Chúng ta cần một cách nhìn mới về ngôi nhà chung của chúng ta. Hãy nói rõ hơn điểm này: đây không phải là một nhà kho dự trữ nguyên liệu để chúng ta khai thác. Đối với chúng ta là những tín hữu, thế giới tự nhiên là cuốn sách “Tin Mừng của Tạo dựng”: nó diễn tả quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tạo nên đời sống con người và làm cho thế giới cùng tất cả những gì nó chứa đựng trong đó được hiện hữu, nhằm để duy trì nhân loại. Như được diễn tả trong câu kết luận của bài tường thuật Kinh thánh về tạo dựng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1:31) Chúng ta chứng kiến những bi kịch tự nhiên như câu trả lời của trái đất cho sự ngược đãi của chúng ta. Tôi nghĩ: “Nếu bây giờ tôi hỏi Thiên Chúa Người nghĩ gì, tôi không nghĩ là Người sẽ nói với tôi là mọi sự đều tốt đẹp”. Chúng ta là những kẻ đã phá hủy công trình của Thiên Chúa!

Hôm nay, trong khi cử hành Ngày Trái đất, chúng ta được mời gọi làm mới lại ý thức của chúng ta về lòng tôn trọng sự thánh nơi trái đất, bởi vì đây không phải chỉ là nhà của chúng ta mà còn là nhà của Thiên Chúa nữa. Điều này phải làm cho chúng ta ý thức hơn chúng ta đang đứng trên đất thánh!

Anh chị em thân mến, “hãy đánh thức dậy ý thức mỹ quan và chiêm niệm mà Thiên Chúa ban cho chúng ta” (Huấn thị sau Thượng Hội đồng Querida Amazonia, 56). Món quà chiêm niệm là một cái gì mà chúng ta có thể học được một cách đặc biệt nơi các người dân bản địa. Họ dạy chúng ta rằng chúng ta không thể chữa lành trái đất trừ khi chúng ta yêu mến và kính trọng nó. Họ biết sống cách khôn ngoan khi “sống tốt”, không phải theo nghĩa có một khoảng thời gian thoải mái,- không,- nhưng biết sống hài hòa với trái đất. Và họ gọi sự hài hòa này là “sống tốt”.

Đồng thời, chúng ta cần biểu hiện ra trong các hành động cụ thể một chuyển đổi sinh thái. Là một gia đình đơn nhất và phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta cần có một kế hoạch chung để ngăn chặn các mối đe dọa đối với ngôi nhà chung của chúng ta.  “Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một kế hoạch chung (“Laudato Si”, 164). Chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác như một cộng đồng quốc tế để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi kêu gọi những người ở vị trí lãnh đạo hướng dẫn chuẩn bị cho hai Hội nghị quốc tế quan trọng: COP15 về Đa dạng sinh học ở Côn Minh, Trung Quốc và COP26 về Biến đổi khí hậu ở Glasgow, Vương quốc Anh. Hai cuộc họp này rất quan trọng.

Tôi cũng muốn ủng hộ hành động phối hợp ở cấp quốc gia và địa phương. Nó sẽ giúp ích nếu mọi người ở mọi tầng lớp trong xã hội cùng nhau tạo ra một phong trào phổ biến “từ bên dưới”. Ngày Trái đất mà chúng ta đang kỷ niệm hôm nay đã được sinh ra chính xác theo cách này. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp theo cách nhỏ bé của chúng ta. “Chúng ta không được nghĩ rằng những nỗ lực này không thể thay đổi thế giới. Chúng đang sinh lợi ích cho xã hội, dù chúng ta không biết, vì những điều tốt đẹp chắc chắn có khuynh hướng lan rộng, ngay cả khi chúng ta không thấy” (Laudato Si , 212).

Trong mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy cam kết yêu thương và quý trọng món quà tuyệt đẹp của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và chăm sóc tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại của chúng ta. Như những anh em chị em với nhau, chúng ta hãy cùng cầu khẩn Cha trên trời của chúng ta: “Xin hãy gửi Thần khí của Người, Chúa ơi, và đổi mới bộ mặt của trái đất (xem Tv 104: 30).

AH. dịch

Chia sẻ