Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Công giáo và Phật giáo: Hai con đường tiếp cận và Ôm lấy niềm đau

Administrator
2019-06-01 00:00 UTC+7 212

Cuộc đời dường như đầy rẫy những khổ đau và dù là ai có một đức tin nào thì cũng luôn hướng về Đấng mà mình tin tưởng để xin được vượt lên đau khổ và có cuộc sống hạnh phúc, bình an. Có lẽ vì đau khổ là nỗi niềm thường trực cũng như mong muốn vượt lên nỗi đau luôn mạnh mẽ và đầy khao khát, nên buổi thuyết trình “Công giáo và Phật giáo: Hai con đường tiếp cận và ôm lấy niềm đau” - bài trình bày thứ ba trong chuỗi ba bài nói chuyện chuyên đề tại Nhà thờ Thánh Antôn - đã thu hút rất đông người tham dự, từ những gương mặt thân quen của giáo xứ cho đến những người bạn được thu hút bởi chủ đề hấp dẫn đã tìm đến tham dự. Bài trình bày do Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Giám học của Học viện Mục Vụ và Trưởng ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn thuộc Tổng Giáo phận Sài gòn - đã nêu bật được hai con đường tiếp cận nỗi đau của cả Công giáo và Phật giáo. Sự có mặt của một hiền tài Cao Đài cũng góp phần phong phú hóa buổi thuyết trình chiều Chúa nhật 26/5/2019.

Giáo lý Nhà Phật có nhiều cách phân loại khổ đau. Đầu tiên là Tam khổ trong đó Hành khổ là những ý định dẫn đến hành động, Khổ khổ là sự đau khổ chồng chất ví dụ như Hoạ vô đơn chí, và Hoại khổ là loại khổ dẫn đến do sự huỷ hoại hư hao của mọi vật. Cách phân loại thứ hai là Bát khổ với bốn loại đau khổ mà ta rất thường nghe là sinh lão bệnh tử, ngoài ra có thêm Ái ly biệt khổ là nỗi buồn vì chia ly người thân yêu, Oắn tắng hội khổ, Cầu bất đăc khổ - buồn vì xin không được cầu không cho, và cuối cùng là Ngũ uẩn thủ khổ là loại buồn khổ của Thân và Tâm. Nhà Phật cũng chỉ ra rất rõ những nguyên nhân chủ yếu gây đau khổ cho con người là tại Tâm phiền não, tại sự vô minh thiếu hiểu biết nên gắn chặt bản thân vào thế giới vật chất Vô Thường hoặc bị ham muốn ái dục làm khổ, cũng như Tham Sân Si và không biết Tu thân tích đức sống cuộc sống vị tha, từ bi hỉ xả. Từ đó giáo lý Phật giáo hướng dẫn con người biết nhận thức đúng thực tại vô thường, không tham sân si, giữ ngũ giới. Tứ diệu đế chỉ ra Chân lý con đường thoát khổ của Phật giáo là Khổ đế - các đau khổ, Tập đế - nguyên nhân của khổ là tham ái, Diệt đế - mọi khổ đau có thể hết khi tiêu diệt được tham ái, và Đạo đế - con đường tu thân qua Bát Chánh đạo (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng).

Cách tiếp cận của Công giáo hướng dẫn các tín hữu tìm hiểu về khổ đau thông qua Kinh Thánh là cuốn sách vĩ đại về vấn đề đau khổ trong đó có 12 dấu ấn đau khổ tiêu biểu là: nguy cơ phải chết; cái chết của con cái; đặc biệt là của đứa con đầu lòng và duy nhất; tuyệt tự; nỗi nhớ quê hương; bị người chung quanh bách hại và chống đối; người đang đau khổ bị chế giễu và nhạo báng; cô đơn và bị bỏ rơi; sự cắn rứt lương tâm; không hiểu tại sao kẻ dữ lại thịnh đạt còn người công chính lại phải đau khổ; sự thất tín và vô ơn của bạn bè và láng giềng; những nỗi bất hạnh của quê hương xứ sở.

Những đau khổ, theo đức tin Kitô giáo là do tội lỗi: tội tổ tông và tội cá nhân, cũng như việc con người lạm dụng tự do mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người cùng với lý trí vào những việc trái với lương tâm, thậm chí loại Chúa ra khỏi cuộc sống của mình và tập trung tìm kiếm hạnh phúc nơi trần thế. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, đau khổ cũng được diễn tả như một mầu nhiệm để hồng ân Thiên Chúa được chiếu giãi trên thế gian như chuyện người mù bẩm sinh được Chúa Giêsu chữa lành. Do vậy, việc giải thích hay đánh giá đau khổ cũng có thể vượt quá sự hiểu biết của con người và cần được nhìn cả dưới ánh sáng Đức tin.

Để vượt qua đau khổ, giáo lý Công giáo mời gọi tín hữu quay về với nguồn gốc của mọi hồng ân là chính Chúa Kitô, Đấng Giải thoát thế gian và Cứu độ con người. Nhờ thực hành Lời Chúa và Ý Cha, cũng như tu thân theo Tám mối phúc thật, Kitô hữu sống với niềm đau của mình cách tích cực và hy vọng. Kitô hữu cùng cần nhận thức được rằng Chúa Kitô đến không xóa bỏ mọi đau khổ trên trần gian, nhưng mang lại cho đau khổ của nhân loại sự hiện diện của Người. Hãy để Chúa Kitô cùng mang thập giá với chúng ta, hãy ôm lấy niềm đau với Người, chúng ta sẽ không cô đơn. Hãy để cho Chúa Kitô chia sẻ Thập giá đời Bạn, gánh sầu thương sẽ vơi đi và Đường Thánh giá là Đường tới Hạnh Phúc.

Phần chứng từ mình họa của một chị tân tòng cho thấy những trải nghiệm phong phú về việc vượt qua đau khổ bằng việc thực hành Thiền tập và nhận thức đúng thực tại đau khổ là vô thường. Đồng thời, cần quy hướng vào một sự thật duy nhất tồn tại vĩnh hằng là giây phút hiện tại trong tình yêu và bình an của Chúa Kitô, là tìm thấy Nước trời ở trong chính chúng ta.

Buổi sinh hoạt chuyên đề diễn ra rất thú vị, dưới sự dẫn dắt của Cha sở Giu-se Bình, xen kẽ giữa các phần trình bày và chia sẻ là những bài hát múa trẻ trung sôi động của các bạn trẻ trong giáo xứ giúp cho mọi người thư giãn và thoải mái hơn. Đồ ăn và nước uống cũng được phục vụ chu đáo tới tận từng người tham dự. Thật hiếm thấy nơi đâu có được không khí vừa ấm cúng chan hoà vừa nghiêm trang và học hỏi như ở buổi sinh hoạt chuyên đề của nhà thờ Thánh Antôn. Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành và trợ giúp cho mỗi người anh em trong giáo xứ và những người bạn vượt qua những nỗi đau bằng việc ôm lấy thánh giá trong thanh thản bên lòng Chúa.

Bài viết của bạn Thanh Trà, một tân tòng và lần đầu tiên đến Nhà thờ Thánh An-tôn.

 

 

Chia sẻ