Cứ tưởng lá lành đùm lá rách...
Được Dòng gởi ra Vinh để phục vụ trong mùa hè, tôi có dịp tiếp xúc và cộng tác với Nhóm Bảo Vệ Sự Sống Gioan Phao lô II (NBVSS) ở Thành phố Vinh. Tôi đã được đánh động rất nhiều về thiện chí của những anh chị em giáo dân nông dân này và có vài cảm nhận về Nhóm.Xin chia sẻ với những người đầy lòng thiện chí khác, ngõ hầu chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện. Có lẽ khi tôi viết những dòng này thì những anh chị em thiện chí trong Nhóm không bao giờ muốn được nhắc đến; nhưng tôi muốn nói lên sự thán phục của tôi và có lẽ là của nhiều người giáo dân thiện chí khác nữa ở Thành phố Vinh này.
1. Hai lúa đi làm công việc Bảo vệ sự sống
Có lẽ rất thất lễ khi dùng từ "hai lúa" để chỉ các anh chị trong NBVSS, nhưng đây là một thực tế ở giáo xứ Yên Đại, Thành phố Vinh. Các "hai lúa" trong Nhóm có một tinh thần hy sinh vì sự sống của con người. Họ chất lên vai thêm một gánh về sự sống của con người, song song với gánh nặng của áo cơm.
Quá trình hình thành của Nhóm cũng rất bất ngờ. Cách đây hai năm có một nhóm gia đình ở xã Nghi Phú, thuộc vùng ven của Thành phố Vinh đã hợp lại trong bầu khí cầu nguyện và cùng nhau chia sẻ Tin Mừng. Sau một thời gian sinh hoạt, Nhóm đã đi đến quyết định dấn thân vào công việc bảo vệ sự sống với những mục tiêu cụ thể như sau:
Tổ chức các buổi cầu nguyện cho sự sống, dưới hình thức Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi, cầu nguyện kiểu như cộng đoàn Taizé; cung cấp tài liệu học hỏi, tư vấn nhằm mục đích thăng tiến đời sống hôn nhân gia đình theo giáo huấn của Hội Thánh.
Chia nhau tới các trung tâm nạo phá thai để vận động thai phụ bỏ ý định phá thai, tìm mọi cách xin xác thai nhi là nạn nhân của tội ác phá thai và đưa về để lo hậu sự.
Đón nhận và nuôi dưỡng các thai phụ là những người lầm lỡ, các cháu bé bị bỏ rơi; sẵn sàng chia sẻ vật chất để giúp đỡ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp họ từ bỏ ý định phá thai.
Tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu và học hỏi để nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng sống giúp các bạn trẻ tránh xa nguy cơ xấu.
Tuyên truyền giáo dục về sự thánh thiêng của sự sống và di chứng tai hại của việc nạo phá thai trong các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Thời gian qua họ đã dấn thân một cách đáng khâm phục để thực hiện những mục tiêu trên.
2. Lá rách lại đùm lá rách hơn
Lẽ thường thì "Lá lành đùm lá rách", nhưng sự tình ở Nhóm này thì ngược ngược lại một chút "Lá rách lại đùm lá rách hơn". Nhiều người phải hy sinh công việc gia đình để lo công việc của Nhóm.
Anh Tùng, một thành viên trong Nhóm tâm sự: "Em làm nghề điện dân dụng, nhưng phải tranh thủ hết sức mới có thời gian để sinh hoạt với Nhóm. Em không trực tiếp vào các bệnh viện để tư vấn cho các "bà bầu" đi phá thai, nhưng làm những công việc khác để xây dựng Nhóm".
Còn chị Thành, một thành viên đã có gia đình và 3 con thì tâm sự: "Tôi phải thu xếp công việc chồng con và gia đình để cộng tác vào công việc của Nhóm. Tôi có thể trực tiếp chăm sóc các người lầm lỡ, khi họ đã đổi ý không phá thai nữa. Lo cho họ được mẹ tròn con vuông là tôi vui lắm rồi. Tôi cũng đã bàn bạc với chồng tôi và trích một phần kinh tế của gia đình để lo công viêc chung, vì Nhóm chúng tôi chưa nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào khác ngoài sự chia sẻ khiêm tốn của Ban Bác Ái Giáo Phận Vinh".
Anh Lộc, một thành viên khác trong Nhóm, cũng có ý nghĩ tương tự: "Khi dấn thân vào công việc này phải hy sinh công việc nhà, vì công việc của Nhóm bất tử lắm, cần là đi ngay. Cho dù hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, nhưng tôi phải hy sinh thời gian cho công việc của Nhóm". Khi được hỏi: "Mình đã nghèo thì làm sao mà cưu mang được các bà mẹ nghèo và các em bé như hiện nay?". Anh trả lời: "Thì họp anh chị em lại, bàn bạc, thống nhất và bỏ ra phần kinh tế ít ỏi của gia đình mình để lo công việc chung. Mình chia sẻ với họ bát cơm của chính con cái mình, như vậy mới quý chứ". Anh cũng đã ý thức được việc dấn thân của mình: "Ai làm công việc này mà không hy sinh thì không thể làm được, vì không có danh vọng, không có tiền bạc. thậm chí còn bị người ta hiểu lầm, soi mói, làm khó dễ nữa".
3. Một sự tương phản tưởng chừng vô lý
Khi viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một vài nhà mở hoành tráng và nguy nga được nhiều người biết đến ở Vinh. Nhưng đó lại là chốn "cao sang" cách xa những bà mẹ lỡ lầm và những người nghèo nhất trong xã hội. Có lẽ trong những căn nhà sang trọng đó, người ta cũng khó khăn để đi đến với những mảnh đời đang đau khổ trong một bệnh viện nào đó. Ngược lại, tôi đã bị đánh động, khi đến viếng thăm những thai phụ và các bé bị bỏ rơi đang được anh chị em trong NBVSS cưu mang và nuôi dưỡng ở một mái tranh nghèo của một người dân nào đó ở các làng quê xứ Nghệ.
Chị T., một trường hợp lầm lỡ, tâm sự: "Tôi là một mảnh đời bất hạnh, tôi đã chán ngấy cuộc đời này. Từ khi tôi được các anh chị trong Nhóm cưu mang và giúp đỡ, tôi thấy ở đây chứa chan tình người và đó là nghị lực để tôi tiếp tục cuộc sống này, vì tôi thấy vẫn còn có nhiều người tốt trong xã hội lọc lừa này. Tôi sẽ nuôi con trong một tháng và sau đó tôi phải xa đứa bé vì hoàn cảnh cuộc sống, nhưng 3 năm sau tôi sẽ trở lại, xin nhận lại đứa con".
Sự hy sinh của các anh chị trong Nhóm còn thể hiện qua việc góp công góp của xây được hai Nghĩa Trang Anh Hài, ở Hồng Lĩnh và Văn Hạnh thuộc Hà Tĩnh, để chôn cất các thai nhi xấu số bị cha mẹ mình giết chết. Nhìn thấy nơi an nghỉ tươm tất của các thai nhi, mà lòng tôi cảm thấy mừng cho các em, vì như vịnh gia đã từng thốt lên:
"Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa
Thì hãy còn có Chúa đón nhận con"
Đúng là một sự tương phản vô lý! Khi những mái tranh nghèo thấp lè tè lại là nơi cưu mang những bà mẹ lỡ lầm và nhất là những đứa bé vô tội kháu khỉnh lại được sinh ra và nuôi dưỡng. Những mầm sống thánh thiêng đã nhờ những "lá rách" đùm bọc và được cất tiếng khóc chào đời; và trở thành một con người có đầy đủ mọi quyền của một con người. Tương lai của xã hội vẫn có thể ở trong tầm tay của những trẻ thơ này.
Những hành động tưởng chừng nghịch lý nhưng không hề vô lý này đã nói lên tấm lòng hy sinh của các anh chị em trong NBVSS. Họ đã sẵn sàng chia sẻ một phần sự sống của mình và gia đình mình như bà góa trong Tin Mừng đã làm và được Chúa Giêsu khen ngợi. Chính những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi lao nhọc đã sinh ra những mầm sống đẹp cho đời và cho người. Hơn thế nữa, các anh chị em trong NBVSS đang cộng tác một cách quảng đại với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống thánh thiêng của con người.
Nhờ lòng thành tâm thiện chí của những nông dân chân chất này mà có rất nhiều cháu bé đã bị lên án tử bởi chính cha mẹ ruột của mình, lại được cất tiếng khóc chào đời như bao đứa trẻ khác. Và có biết bao đứa trẻ bị chết oan uổng được trân trọng có được nấm mồ ấm.
Giờ đây, khi viết về những "hai lúa" đang làm công việc bảo vệ sự sống, tôi thấy thương những mảnh đời đơn nghèo vật chất và giàu sang tình người ở xứ này. Qua hoạt động âm thầm của họ, tôi cũng học được nhiều bài học yêu thương và trao ban như Đức Kitô dạy: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh mạnh sống mình vì người mình yêu".
Cầu chúc các anh chị trong NBVSS luôn được Thiên Chúa chúc lành và các thánh Anh Hài bầu cử trước nhan thánh Chúa, để họ tiếp tục công việc tốt lành mà Chúa vẫn hằng mong muốn.
Quang Huyền