Sang bờ bên kia
Khi vào tập viện, tôi được học đây là giai đoạn bản lề, giai đoạn thuộc ngưỡng (liminality); là giai đoạn chuyển giao giữa hai lối sống: từ ngoài đời sang đời tu.
Tập sinh bắt đầu bước vào đời sống mới, bước theo vết chân Đức Giêsu-Kitô. Tôi muốn trở về với Tin Mừng, để học xem Đức Giêsu đã huấn luyện các Tông Đồ trong giai đoạn này như thế nào? Tôi muốn nhìn giai đoạn tập viện theo những bài học Đức Giêsu đã huấn luyện các môn đệ trên biển và đi theo lời mời gọi của Người: “Chúng ta sang bờ bên kia đi” (Mc 4,35).
Một bến bờ
Ban đầu các Tông Đồ theo Chúa với những động lực và hy vọng khác nhau, có những hy vọng rất bình thường, có khi tầm thường. Có ông đi theo tiếng gọi mà không biết mục đích sẽ về đâu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Và Chúa thực hiện công việc huấn luyện của Ngài đối với những người Ngài chọn: “Tôi sẽ làm cho các anh”. Để huấn luyện Đức Giêsu muốn tách các môn đệ ra khỏi đám đông dân chúng. Ngài tách các ông khỏi bến bờ đầy công danh và những niềm an ủi trần thế. Rồi Ngài kêu mời họ đến một bến bờ mới: “Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia” (Mt 8,18). Sở dĩ trên bờ có đám đông vì Đức Giêsu đang chữa bệnh rất “thành công”: “Người nói một lời là trừ được các thần dữ và chữa lành mọi kẻ ốm đau” (Mt 8,16). Trong trình thuật Mát-thêu 14,13-21 và Mac-cô 6,30-44, đó là bến bờ mà Đức Giêsu đang làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Người có “cơ may” được tôn làm vua. Nơi khác đó là một bến bờ mà Đức Giêsu đang dùng dụ ngôn để rao giảng về Nước Thiên Chúa, nên có “đám người rất đông tụ họp quanh Người” (Mc 4,1). Như vậy đây là bến bờ Đức Giêsu và các môn đệ được tiếp đón, được tôn vinh. Họ là những người rất quan trọng trong dân chúng. Nhưng Đức Giêsu không để các môn đệ nán lại lâu trong khung cảnh đó. Xong việc Đức Giêsu nhanh chóng ra lệnh cho các ông đến một bến bờ mới: “Lập tức Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước trong lúc Người giải tán đám đông” (Mt 14,22). Có khi Người mời gọi: “Chúng ta sang bờ bên kia đi” (Mc 4,35).
Điều kiện để ra khơi
“Bỏ đám đông ở lại các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền” (Mc 4,35-36). Mác-cô diễn tả sự ra đi này không nhẹ nhàng như thuở ban đầu: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18). Sự vâng phục và sự từ bỏ này mang một chút chần chừ, luyến tiếc. Tuy nhiên, các Tông Đồ vẫn tuân lệnh bỏ đám đông ở lại để chở Đức Giêsu đi. Vì sao sự ra khơi lại khó như vậy? Chúng ta hãy đi từ trình thuật Mát-thêu 8,18-27 khi được lệnh sang bờ bên kia, một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Đức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Như vậy, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ một sự thanh thoát trước của cải, sự an toàn của thế gian mang tới. Thật ra thế gian này cũng không tìm thấy sự gì mang lại sự an toàn tuyệt đối cho con người: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu.” (Lc 12,15). Môn đệ Đức Giêsu đi vào đời, họ là những người lữ hành và khách lạ. Hành trang của họ phải gọn nhẹ. Họ tích trữ cho mình “những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,20). Tiếp đó, một môn đệ thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” Một đòi hỏi khước từ các mối tình cảm, điều mà bản chất con người ai cũng gắn bó. Nếu “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27) Để đáp lại đòi hỏi đó của Đức Giêsu, người tu sĩ tuyên khấn: Khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo.
Ra khơi
Xưa kia, để thanh luyện lòng tin và dạy dân Israel biết đặt niềm tin tưởng, ký thác vào mình, Thiên Chúa đã tách họ khỏi Ai-cập và dẫn vào sa mạc. Có thể nói sa mạc là nhà tập của dân Israel. Đức Giêsu dùng biển cả để huấn luyện các môn đệ: “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người mà nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất” (Mt 8,23-25). Mặc dù các Tông Đồ vừa được chứng kiến phép lạ của Thầy mình, được nghe Thầy giảng dạy nhiều điều, nhưng lúc gặp thử thách các ông vẫn hoảng loạn, vẫn chao đảo mất hết niềm tin tưởng. Đức Giêsu phải thốt lên: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” (Mt 8, 26). Lần khác khi Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ. Ông Phêrô đã tin tưởng phần nào nơi quyền phép của Thầy mình nên mới xin: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14,28). Quả thật, ông đã đi được trên mặt nước, nhưng khi gặp chút thử thách ông đâm sợ, và bắt đầu chìm. Ông bị nhận chìm vì nghi ngờ, Đức Giêsu đã cứu ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”. Tất cả các biến cố ấy Đức Giêsu đều nhắm tới một bài học duy nhất là lòng tin. Lòng tin phải được củng cố và chứng tỏ trong những cơn gian nan thử thách.
Giữa hai bờ
Biển hồ ngăn cách hai bờ, biển quả thật là giai đoạn thuộc ngưỡng của các Tông Đồ. Bên này bờ các môn đệ hòa tan trong dân chúng. Các ông có cái nhìn không hơn dân chúng về Đức Giêsu. Trước lời giảng dạy và phép lạ của Người họ không xuất phát lòng tin. Họ thiển cận thấy được chút lợi lộc vật chất trước mắt. Chúa trách họ: “Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”(Ga 6,26-27). Dân chúng mỗi người có một cái nhìn khác nhau về Đức Giêsu, có thể họ nhìn Người sai lệch, vì họ không được tiếp xúc nhiều với Người và không được Người soi sáng giải thích. Phần các môn đệ là những người sống cạnh Chúa, họ phải có cái nhìn chuyên biệt hơn, đúng đắn hơn. Vấn đề này có lần Đức Giêsu đã hỏi các ông: “Người ta nói con người là ai?` Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?”(Mt 16,13-14). Người ta nói thế nào về Đức Giêsu điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là người môn đệ phải khám phá ra Đức Giêsu là ai trong cuộc đời mình. Theo các môn đệ tiếng Chúa gọi: “Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Sang bờ bên kia các ông đã có cái nhìn mới về Thầy mình, từ sự ngạc nhiên, thắc mắc: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mc 4,41). Có khi các ông xác tín: “Những người ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa” (Mt 14,33). Đó là cái nhìn khác, một cảm nghiệm khác giữa người môn đệ và dân chúng về vị Thầy mà mình hằng đi theo.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa tôi sẽ rời tập viện, cũng có nghĩa là hết mang danh là tập sinh. Nếu trong giai đoạn này tôi có được một kinh nghiệm về Thiên Chúa, thì đây đích thực là khởi điểm đời sống người môn đệ. Nếu không, dù có khấn, dù được gọi là tu sĩ tôi vẫn chưa trải qua giai đoạn này. Tuy nhiên, theo tôi giai đoạn thuộc ngưỡng không dừng lại ở thời gian tập tu, không chỉ dành cho người tu sĩ, mà mọi người, một lúc nào đó trong cuộc đời, khi họ ngộ ra Chúa hiện diện cách rõ ràng hơn nơi chính mình, lúc đó họ đã trải qua giai đoạn thuộc ngưỡng.
RA KHƠI
Những ngày cuối năm tập, chuẩn bị khấn lần đầu.
An-tôn Vũ Văn Chính, Tập sinh 2007-2008