Tạm biệt cha Jean Marie Phán
Thế là cha đã ra đi trước tôi, với cùng một căn bệnh quái ác mà ai cũng sợ: Tai biến mạch máu não. Một số anh em trong Tỉnh Dòng cũng đã ra đi vì căn bệnh này như cha Bernard Dương Liên Mỹ và những anh em khác. Kẻ khác thì nói lời vĩnh biệt cha, còn tôi thì tạm biệt cha thôi, vì tôi cũng mang trong mình mầm mống cái chết của cùng một căn bệnh như cha. Về với Chúa, xin cha nhớ đến tôi cách riêng là người anh em sắp nối gót cha.
Tôi ngã bệnh ngày mồng hai tháng một 2007, trong một bữa cơm trưa, sau khi dùng một hộp sữa chua lấy trong tủ lạnh! (Ăn đồ mới lấy ở tủ lạnh ra thật đáng sợ!) Trong thời gian nằm giường bệnh, có lẽ cha cũng có những cảm tưởng như tôi.
Sau chừng hai tuần, tôi tạm hồi tỉnh, với tình trạng bán thân bất toại bên trái. Thấy mình mất hầu hết mọi khả năng sinh hoat thể xác lẫn tinh thần, lúc đầu tôi đâm ra khủng hoảng! Sống trong thất vọng, hầu như hoàn toàn chán nản. Thấy mình không tự chủ được gì nữa, tay chân đã đành mà cả về tinh thần và tâm lý cũng vây; ai cười thì cười theo, ai khóc thì khóc theo, không nín được! Dễ bực bội, dễ xúc động, nhất là không ngủ được, nên tinh thần càng căng thẳng. Có thế tôi mới thông cảm với những người mắc bệnh này mà đâm ra chán nản, thất vọng. Có người đến thăm, kể cho tôi nghe, một linh mục lớn tuổi cũng măc bệnh này, đã tuyệt vọng, chán nản không chịu rước lễ nữa và sống như mất đức tin, ngài bực bội hỏi Chúa: Sao Chúa ác vậy? Con đã làm gì nên tội mà Chúa bắt con chịu thế nầy?! Lẽ tất nhiên Chúa thông cảm với sự yếu đuối của con cái Ngài, không chấp những lời oán trách đó; vì trên Thánh Gía Chúa cũng đã than: Lạy Cha, nhân sao Cha từ bỏ con! ?
Mang căn bệnh này, hơn ai hết, tôi thông cảm với cha. Những căn bệnh khác, chỉ làm tổn thương một phần thân thể thôi, nhưng đây TBMMN làm tổn thương đến mọi khả năng thể xác đã đành, mà nhất là về tinh thần và tâm lý: không tự chủ được cả về cử chỉ lẫn tình cảm và tinh thần nói chung, mất hầu hết mọi khả năng sinh hoạt thể xác cũng như tinh thần. Từ đó dễ sinh ra thất vọng chán nản, bực bội. Ăn thì hàm khó nhai, lưỡi thì cứng khó cuốn đồ ăn, nuốt thì sặc lên sặc xuống, nghẹn, nước măt trào ra. Cho nên nói đến ăn là sợ, mà không ăn thì liệt người, mất sức. Ngồi ăn chung với anh em thì mặc cảm vì đồ ăn chảy ra khỏi miệng vì môi cứng, lại sặc văng lung tung! Làm phiền anh em.
Vì thế, cha có lẽ cũng như tôi, cứ muốn sống rút lui một mình trong phòng, nhưng cũng không được vì phải nhờ người khác giúp đỡ trong sinh hoạt hằng ngày, cảm thấy làm phiền đến kẻ khác quá nhiều. Nhưng nếu không có ai giúp đỡ thì lại tủi thân, cảm thấy bị bỏ rơi. Sống một mình lại hay sợ vớ vẫn, cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Sống trong cộng đoàn thì có mặc cảm: mình là đồ bỏ, không ai thèm ngó ngàng tới. Già trở thành con nít; người bị bệnh tai biến mạch máu não, trở thành một đứa con nít: cần đến sự chăm sóc, cần được kẻ khác để ý tới, phải thế không cha già?!
Người ta còn bảo, bệnh TBMMN là bệnh khó tính: Một bà nọ đến thăm và phàn nàn với tôi: Sao cha bị bệnh này mà cha hiền lành, dễ tính quá! Ông nhà con nóng tính như khùng vậy: khi ông nói ngọng ngịu, không ai hiểu, thì ông nổi khùng đập phá máy móc bàn ghế hết trơn! Tôi trả lời rằng: tôi cũng vậy thôi, cũng muốn đập phá la hét cho đã tức, nhưng không có vợ, hay con cái mà nổi khùng la hét, đành phải chịu, phải thinh lặng thôi, chứ cũng bực mình lắm khi mình nói người ta không hiểu! Có lúc tôi không muốn gặp bất cứ ai! Không muốn nói gì nữa cả, vì nói thì môi lưỡi cứ cứng khó nói, không ai hiểu, nên làm biếng nói..
Nhưng, có lẽ cha cũng vậy, từ từ với thời gian, tôi nghiệm ra rằng, tuổi già và bệnh tật không hẳn là vô ích, ở tuổi tôi (75), những thử thách của bệnh tật và tuổi tác cũng có những giá trị rất lớn,
1-Trước hết cám ơn Chúa đã ban ơn gọi linh mục và tu sĩ cho tôi. Sống trong hoàn cảnh khủng hoảng đó, có lúc tôi dâng lời cảm tạ Chúa về hoàn cảnh bệnh hoạn của mình. Chúa để cho chúng ta sống những năm cuối đời với cơn bệnh này là một hồng ân của Chúa, phải không cha già? Thời gian này là thời gian quí báu hơn bao giờ hết. Vì đây là lúc Chúa muốn dành cho cha và tôi một dịp may cuối cùng để đền tội, để chuẩn bị cuộcVượt Qua sắp tới. Vì làm người ai mà chẳng phải chết.
2-Hơn nữa một câu an ủi của Đức cha Hòa, Giám Mục Nha Trang khi ngài đến thăm tôi khi nghe tôi ngã bệnh nặng, cho tôi thấy ý nghĩa của thời gian bệnh hoạn, ngài nói với tôi rằng: Bây giờ thời gian cha sống có lẽ có ích cho cha, cho Giáo Hôi và cho mọi người hơn khi cha khỏe mạnh, hăng say hoạt động. Phải đây là thời gian dành riêng cho Chúa, chỉ sống bằng cầu nguyện như một đan tu sĩ, một mình âm thầm lặng lẽ với Chúa hơn bao giờ hết, bù lại những năm tháng, vì quá hăng say hoat động mà quên cả kinh nguyện, quên cả Chúa!
3-Một ý nghĩa thứ ba của thời gian bệnh hoạn, là nên giống Chúa Kitô đau khổ. Cuộc sống mà không đau khổ thì chưa phải là cuộc sống, tôi không nhớ mình đã đọc câu nay ở đâu đó. Mấy chục năm sống đời tu, tôi nghe nói cũng như đã từng giảng về chủ đề nên giống Chúa Kitô, nhưng nay sống trong tình trạng đau lâu ốm dài, tôi mới hiểu một cách thấm thía rằng nên giống Chúa Kitô là gì! Phải không cha già?! Và khi đọc câu Kinh Thánh: Được chịu đau khổ bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, tôi hiểu rằng muôn vui mừng trong đau khổ như thế thì phải có lòng tin và nhất là lòng mến nhiều lắm. Người bênh tật phải xin ơn đức tin và lòng mến. Và những người thân của họ hãy cầu nguyện cho họ được lành bệnh tật đã đành, nhưng nhất là cầu cho họ được thêm lòng tin và lòng mến. Có như thế, đau khổ thử thách mới có giá trị thật, khi ta nhận ra đau khổ ta đang chịu, làm cho ta phần nào nên giống Chúa Kitô. Và khi ấy ta mới thấy vui trong đau khổ là chuyện có thật nếu ta có đức tin và đức mến.
4-Một ý nghĩa nữa của bệnh tật đau khổ được tìm thấy trong Thánh lễ và lời kinh. Chưa bao giờ tôi cảm thấy đươc ý nghĩa thấm thía của Thánh lễ và những lời kinh bằng những ngày bệnh tật. Mầu nhiệm thánh lễ là mầu nhiệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Khi còn yếu đau bệnh tật mà ta cố gắng dâng Thánh lễ, Thánh lễ ấy như có ý nghĩa hơn: ta kết hiệp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô một cách cụ thể hơn lúc mạnh khỏe. Có những lời thánh vịnh hay bài kinh sách, khi đau yếu, đọc lên mới thấy thấm thía lạ thường. Khi đang trải qua cơn bệnh, cảm nghiệm được sự yếu đuối và mong manh của cuộc sống thì lời thánh vịnh: làm người ai chẳng phải chết, có ai sống mãi được chăng? . . như con vật một ngày kia cũng phải chết, khi còn mạnh khỏe thì đó chỉ là một tư tưởng, nhưng khi đau liệt thì đó là một cảm nghiệm rất thấm thía. Cuộc sống thật mong manh! Sinh bệnh lão tử, bệnh là một trong bốn cái khổ, là một bất hạnh. Nhưng nhờ những thánh lễ, những giờ kinh cố gắng đọc trong lúc đau bệnh, những đau đớn thử thách khi ấy có một ý nghĩa riêng của nó. Vì thế mà khi nằm liệt giường, cha thánh Phanxicô vẫn muốn anh em đọc kinh cho ngài nghe và đọc theo. .
Trong những ngày thử thách vì tuổi tác và bệnh tật, đời tu hình như có ý nghĩa đặc biệt hơn bao giờ hết. Cảm nhận được như thế là nhờ sống đời tu ít nhiều nghiêm chỉnh, tôi nói ít nhiều, vì chẳng ai dám tự hào mình đã sống đời tu một cách hoàn toàn nghiêm chỉnh cả. Đức tin và lòng yêu mến Chúa tập luyện được trong đời tu sẽ an ủi ta rất nhiều trong những năm tháng thử thách vì tuổi tác và bệnh tật, giúp ta có một cuộc sống bình an trong thử thách, không bị khủng hoảng hay bi quan. Với tuổi tác và bệnh tật ta sống trong âm thầm, nhưng lại có giá trị chứng tá, chứng tá cho giá trị đời tu.
Tôi viết lên những cảm nghĩ này sau gần hai năm trời bị TBMMN, ngày được tin cha già Jean Marie Phán cũng đã bị TBMMN mà ra đi, tôi nghĩ đến những anh em trong Dòng lớn tuổi hơn tôi hay bằng tôi, nhất là những anh em già và bệnh tật như cha Phêrô Bộ. Tôi cũng nhớ đến các anh em đang hăng say truyền giáo ở Pleiku, ở Myanmar. . . và dâng đoạn đời bệnh tật yếu đau của tuổi già, để cầu nguyện và hiệp thông với các anh em ấy.
Nhân dịp viết bài chia sẻ này, tôi cũng xin cám ơn tất cả anh em Dòng nhất, chị em dòng Nhì và chị em Dòng FMM, anh chị em PSTT và tất cả những ai đã nâng đỡ tôi bằng lời cầu nguyện trong những ngày bệnh tật (chứ không phải bệnh họan như cha già Bộ nói! )
Tạm biệt cha già Jean Marie Phán. Hẹn gặp nhau. See you again.
Damiano