Đẹp Thay Những Bước Chân Thừa Sai Phan Sinh
Được tham dự ngày tìm hiểu Dòng Phan Sinh trên đất Việt, nhân kỷ niệm 90 năm hiện diện chính thức của Dòng Phanxicô Việt Nam, được tổ chức tại Giáo xứ Thánh Antôn, Cầu Ông Lãnh, tôi không khỏi xúc động khi nghe Cha Têphanô Nguyễn Xuân Dinh chia sẻ về “Dấu ấn Áo nâu ở Sài Gòn – Cửu Long”. Một niềm tự hào cho con cái Cha Thánh tại Việt Nam khi có những bước chân của các thừa sai Áo Nâu từ thế kỷ thứ 17, 18.
Từ năm 1659, Toà Thánh thiết lập hai giáo phận trên đất Việt, và đặt hai Giám quản Tông toà đầu tiên: Giáo phận Đàng Trong: từ sông Gianh trở vào phía Nam, với Giám mục Lambert de la Motte ; và Giáo phận Đàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra miền Bắc, với giám mục François Pallu.
Các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Trung Hoa … Các ngài đã sẵn sàng từ bỏ quê cha đất tổ, để đến truyền giáo tại Việt Nam, được phục vụ Tin Mừng trên giải đất này. Các ngài đã chấp nhận nếp sống thiếu thốn tiện nghi, chịu đựng khí hậu nóng bỏng của vùng nhiệt đới, chấp nhận cả những ngược đãi, hiểu lầm, hy sinh cả tính mạng. Trong đó, có sự đóng góp nhiều nhất phải kể đến Hội Thừa Sai Paris (MEP), Dòng Đa Minh, Dòng Tên, và cà Dòng Phan Sinh. Các ngài đã có những đóng góp rất lớn lao, đã đồng hành cùng dân tộc trong mọi biến cố, và đã tích cực làm chứng cho niềm tin bằng nhiều hoạt động bác ái phục vụ, cũng như bằng chính cả mạng sống mình.
Về truyền giáo, chỉ riêng Dòng Phanxicô, với hơn một thế kỉ (từ 1719-1834), đã thiết lập hàng trăm giáo xứ mới tại miền Trung và miền Nam.
Trong phần chia sẻ về “Dấu ấn” tại miền Nam, nhất là khu vực Sài Gòn, không thể không tự hào về các “công trình” của các vị thừa sai Áo Nâu.
- Ai có thể ngờ rằng ngay tại nơi đây, Dấu ấn áo nâu đã ghi đậm nét trên Họ đạo Chợ Quán, Bến Nghé, Cầu kho… lan toả về Lái thiêu, Trảng Bàng hay Vàm Cỏ, Cửu Long, Hà Tiên.
- Ai đã biết đến công lao của Cha José Garcia OFM, (1687-1761), “Tông đồ Phaolô” của vùng đất Sài Gòn Cửu Long? Ngài đến Việt Nam thực hiện sứ vụ thừa sai Phan Sinh từ năm 1723, Ngài đã lập nên họ đạo cổ xưa nhất vùng Sài Gòn, họ đạo Chợ Quán, cái nôi Công giáo đầu tiên ở vùng Sài Gòn, mở đầu cho công việc phục vụ kéo dài hơn 100 năm, qua các thời cha José Garcia, Diago Jumila, Julian de Pilar, Fernando de Olmedilla, Santiago Ginestar. Manuel Castuera, Juan Montaner, Clemente Maria a Caprauna và Joseph Marie Morrone. Từ họ đạo Chợ Quán, cha cũng đã lập nên các giáo điểm vệ tinh thuộc Bến Nghé, tiền thân của họ đạo Cầu Kho (1863)
Năm 1739 cha Garcia còn tiếp tục xây dựng một nhà thờ tại Cà Hon, thuộc vùng Thủ Ngữ, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gao, Tiền Giang. Sau đó cha Manuel de Vallenmoso, cha Francesco Del Finochietto, thành lập họ đạo Thủ Ngữ, mở rộng ra Cái Mơn, Cái Nhum, Ba Giồng.
Dòng Phan Sinh đã vắng bóng trên dải đất Việt Nam gần 1 thế kỷ sau đó, do bị bắt, bị chết…
Mãi đến năm 1928, Cha Maurice Bertin (người Pháp) và một số anh em Phan Sinh mới đến lại Việt Nam, chính thức thiết lập Dòng Anh Em Hèn Mọn theo Giáo luật tại thành phố Vinh, xứ An Nam theo quyết định của Thánh bộ Tu sĩ (20/05/1929).
Hôm nay, mừng kỷ niệm 90 năm Dòng Anh Em Hèn Mọn hiện diện trên quê hương Việt Nam, tôi, một cựu chủng sinh của Dòng, là một Phan Sinh Tại Thế, đang bước đi trong ơn gọi Phan Sinh, vô cùng tự hào về những đóng góp của các vị Thừa sai Áo Nâu khi đem Tin Mừng Phúc âm đến cho dân tộc Việt, khi Dòng Phan Sinh hiện diện và đồng hành trên quê hương Việt, qua các công lao to lớn của các vị tiền bối. Từ sự tự hào đó giúp tôi càng yêu mến Tinh thần Phan Sinh hơn, yêu mến Ơn gọi Phan Sinh hơn.
Ước mong nếp sống Phan Sinh và con người Phan Sinh qua các bậc tiền nhân sẽ đến gần hơn với mọi người.
Các bạn trẻ, nếu yêu thì hãy tìm đến vời ơn gọi Phan Sinh qua các nhánh của Dòng, hay cùng đồng hành với Giới trẻ Phan Sinh. Người trung niên đang sống bậc gia đình hãy đến với Dòng Phan Sinh Tại Thế. Đó chính là cách thức mỗi người chúng ta bày tỏ lòng yêu tinh thần, lối sống Phan Sinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô là một giáo sĩ Dòng Tên, vì yêu tinh thần Assisi đã chọn tước hiệu giáo hoàng là Phan Sinh. Hà cớ gì chúng ta còn chần chừ mà không đến “nếm thử và nhìn coi…”?
Joseph Trần Như Kiên
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.