Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Thừa Sai I-Nê-Xu Của Sách “Cương Mục” Và Thừa Sai I-Nê-Xu Dòng Phan Sinh

Administrator
2023-02-18 00:00 UTC+7 2327

1. Thừa Sai I-nê-xu Của Sách “Cương Mục”

Dòng đầu tiên của Niên Biểu Công Giáo Việt Nam trân trọng đánh dấu: “Vị thừa sai đầu tiên, được Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục XXXIII 6B nói đến tên Inikhu, đã lén đến truyền giáo ở xã Ninh Cường, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy thuộc Gp. Bùi Chu ngày nay.”[1]

1.1. Sử liệu được đưa vào sách “Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam” (sau đây viết tắt là Niên Giám), phải chăng đã có một sự công nhận nào đó, nếu không nói là chính thức? Vậy giá trị của sử liệu này như thế nào? 

1.2. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (sau đây viết tắt là Cương Mục) là “bộ quốc sử bằng chữ Hán do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn từ năm 1856 đến năm 1884, gồm 52 quyển […] Tài liệu kê cứu của bộ sử này bao gồm dã sử[2]. Chúng tôi tham khảo ấn phẩm tiếng Việt (PDF) có thông tin: “Soạn giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, năm 1856-1881”[3], tức nếu được khắc in thì sớm nhất trong năm 1881. Sau đây là nội dung đoạn trích từ bản dịch Việt ngữ: “Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô.”[4] Để rõ hơn, chúng tôi đưa hình ảnh dưới đây:

Như vậy, thông tin mà sách Niên Giám tham chiếu không nằm ở chính văn mà ở “Lời chua”, còn nội dung lời chua thì được thu thập từ “Dã lục” chứ không phải từ chính sử, ví dụ như sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – nguồn chính để soạn Cương Mục. Các dịch giả cho cước chú giải thích Dã lục “cũng như Dã sử, sách của tư gia ở dân gian nghi chép, khác với sách của sử quan, nên gọi là Dã lục.[5] (sic)

1.3. Sau đó, trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim[6], rồi tiếp theo là hầu hết các tác phẩm về lịch sử truyền giáo ở Việt Nam đều dẫn thông tin trên[7]. Tuy nhiên, các tác giả gần như không phê bình sử liệu.

1.4. Năm 1877, tức trước sách Cương Mục, học giả Trương Vĩnh Ký cho biết là đã tìm thấy sử liệu trên trong biên niên sử, nhưng ông dè dặt để nó ở cước chú của cuốn Cours d’Histoire Annamite (sau đây viết tắt là Histoire): “Note trouvéedans les annales: «Au 3e mois de l’année du règne de Nguyên-hoà (du roi Lê-trang-tòng), un Européen du nom deInê-xu (Ignatio, Ignace) arriva dans les villages de Ninh-cường, Quần-anh, Nam-chơn, et dans les villages Trà-lũ,Giao-thủy, et transmit secrètement la doctrine de la religion gauche de Giatô (Jésus)»”[8]. Ở đây chúng ta học tập gương cẩn trọng của một nhà bác học. Nhận xét: Ghi nhận về I-nê-xu của Histoire và Cương Mục trùng khớp nhau, và đều không đặt ở chính văn. Tuy nhiên, vẫn chưa có dữ liệu nào để khẳng định Cương Mục đã biết I-nê-xu trong Histoire

1.5. Năm 1930, Bonifacy trong Les Débuts du Christianisme en Annam (sau đây viết tắt là Annam) đề cập đến cùng một vấn đề, nhưng cho rằng Monsieur Deloustal đọc được trong một cuốn Gia lục hoặc biên niên sử không chính thức:“Monsieur Deloustal a lu, en effet, dans le Gia lục ou annales non officielles, au sujet du nom de Gia-tô (Jésus) le passage suivant: Dans le courant du 3e mois de la première année Nguyên Hòa (Union qui commence) du roi Lê Trang tông (1533), un homme de l’Océan (Dương nhân), du nom de I-ni-Khu, vint subrepticement dans les villages de Ninh Cương (Force paisible) et de Quần Anh (Héros en foule) du Huyên de Nam Chân (Vérité du Sud), et à Giao Thủy (Eau visqueuse), dans le Trà Lũ (développement du thé), et y enseigna en cachette la fausse doctrine de Gia Tô”, và Bonifacy cho biết ngoài việc suy đoán là I-ni-Khu được phiên từ Inigo hoặc Ignace, bản thân không có thói quen sử dụng các nguồn chưa được kiểm chứng[9]. Một nhận xét: Thông tin về I-nê-xu của Annam trùng khớp với cước chú của Histoire và lời chua của Cương Mục (các tiểu tiết ‘người Tây Dương’, ‘un Européen’, ‘un homme de l’Océan’ coi như đồng nghĩa), vì thế chúng ta có lý do mạnh để tin rằng Monsieur Deloustal đã tiếp cận cùng một nguồn như các tác giả của hai tài liệu trên, nguồn không chính thức. Lập trường của các tác giả cũng đồng nhất: Histoire đặt ở cước chú, Cương Mục đặt ở lời chua, còn Annam không dùng.

1.6. Năm 1968, Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử bài viết tựa đề “Tây Dương Gia tô bí lục, một tài liệu lịch sử quý giá, nêu cao tinh thần yêu nước chống xâm lược”, khẳng định “chắc chắn là sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đã căn cứ vào đấy, nên mới chua: ‘Lê Trang-tông, niên hiệu Nguyên-hòa năm đầu, có người Tây là Y-nê-khu lẻn vào truyền giáo ở các làng Quần-anh, Ninh-cường, huyện Nam-chân (tức Nam-trực ngày nay) và các làng Trà-Iũ, huyện Giao-thủy, đều thuộc tỉnh Nam-định ngày nay’”.[10] Thậm chí, ở cuối trang, Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm còn chú thích là “Tác giả còn cho biết cụ thể là Y-nê-khu đến nước ta ngày 24 tháng 4 âm lịch, lập ra một dòng lấy tên là dòng Chi thu (tức Giê-su)”. Với những cứ liệu trên, chúng ta dần sáng hơn về nguồn (và giá trị nguồn) của sách Cương Mục, và cũng có thể là của Monsieur Deloustal, vì sự trùng hợp thông tin của chúng (còn về nguồn của Histoire sẽ bàn sau).

1.7. Năm 1981, nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành ấn bản Việt ngữ cuốn “Tây Dương Gia tô bí lục” (sau đây viết tắt là Bí Lục) của bốn tác giả Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hòa Đường, Nguyễn Bá Am và Trần Trình Hiên, do Ngô Đức Thọ dịch và giới thiệu. Tác phẩm cho biết “Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ 1 (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ignatiô lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường huyện Nam Chân.”[11] “Quần Anh và Trà Lũ” xuất hiện ở cuối trang, cùng với làng Ninh Cường là những nơi Ignatiô lẻn vào cư ngụ để giảng đạo… Chúng ta thấy, điều mà hai tác giả Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm khẳng định “chắc chắn”phía trên đã được kiểm chứng: Thông tin liên quan đến cuộc truyền đạo của I-nê-xu vào Đại Việt trong lời chua của Cương Mục hoàn toàn trùng hợp với Bí Lục! Việc còn lại lúc này là xác định thế giá của sách Bí Lục.

1.7.1. #Về phần giới thiệu (tr.11-25): Phụ đề của tựa sách là “Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương”. Ngay dòng đầu tiên của Lời giới thiệu, dịch giả cho biết Bí Lục “là một tác phẩm truyện ký dã sử” (tr.11). Sau đó ông nói tiếp “xét về thể loại thì TDGTBL là một tập truyện ký dã sử” (tr.17), và vì là “một tác phẩm văn học dã sử” (tr.17) nên các nguồn trích dẫn của nó mặc dù có “ghi tắt theo kiểu xưa như Thực lục, Ngoại lục, Giảng lục v.v…., và cả Bí lục nữa, không đủ cho chúng ta xác định đó là những tài liệu nào” (tr.17). Dịch giả cũng tự thú “chưa dám nói chắc là có thể tìm được ở một tài liệu nào” (tr.17) các thông tin về cuộc đời Chúa Giêsu hay những mô tả về các tích lễ của đạo, vì các tác giả không theo một cuốn tiểu sử nào đã từng xuất bản trước đó. Về nhân thân các tác giả, “cả bốn người đều là giáo sĩ Thiên Chúa giáo dòng Tên sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX” (tr.11), trong đó có “hai giám mục địa phận Nam Chân là Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hòa Đường” (tr.12.19). Sách viết bằng chữ Hán khắc in năm 1812 nhưng lại đề cập đến cuộc chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc (tr.312-313), vì vậy dịch giả cho rằng ngoài bốn tác giả trên còn có sự tham gia của những ngòi bút khuyết danh ở nửa cuối thế kỷ XIX (tr.15) trong truyền bản mà ông dùng để dịch Việt ngữ. Dịch giả “có chú ý tìm hiểu tiểu sử của bốn tác giả” (tr.24) qua “những điều ghi chép có tính chất tự truyện rải rác trong tác phẩm” (tr.19) nhưng ông không ghi nhận được một dấu tích nào. 

Như vậy, theo dịch giả, Bí Lục là một tác phẩm dã sử (ông nhắc tới 3 lần) với nhân vật chính được dựng lên dựa vào một bảng thư mục chỉ toàn những tựa đề viết tắt rất… bí lục, đến nỗi dịch giả phải thú nhận khó tìm được sử liệu mà Bí lụccung cấp nằm ở tài liệu nào. Nếu “nguồn” không được xác định thì đó chỉ có thể là bịa đặt! Về các tác giả của Bí Lục, chúng tôi theo nghiên cứu của cha Đỗ Quang Chính (mặc dù cha nhận là còn nhiều thiếu sót, nhiều vị không có tên Việt), thì trước khi dòng Tên bị giải thể (1773) có 33 Giêsu hữu Việt Nam (21 linh mục, 11 tu huynh, 1 học viên), còn sau 1773 có các cựu Giêsu hữu Việt Nam được phong chức linh mục gia nhập giáo phận Tây và Đông Đàng Ngoài[12]: không thấy ai có tên như các tác giả Bí lục. Tuy nhiên, người viết có thể lấy bút danh. Dầu vậy, chúng ta vẫn có thể ngay lập tức xóa tên hai tác giả giám mục, vì năm 1933 Việt Nam mới có giám mục tiên khởi. Lại nữa, sự kiện hai tác giả này đi Rôma khiếu nại việc giải tán dòng Tên[13] có được nhắc tới trong lịch sử dòng Tên Việt Nam như chuyến đi của Philipphê Bỉnh không?...

1.7.2. #Về nội dung tác phẩm: Sách chia 9 quyển: 8 quyển đầu tường thuật cuộc đời Chúa Giêsu và việc lập đạo, truyền đạo; quyển cuối cùng kể chuyện truyền đạo vào Việt Nam, phần này có thông tin về I-nê-xu. Theo dịch giả, sách “Viết về đề tài tôn giáo với quan điểm tư tưởng yêu nước chống đế quốc xâm lược.” (tr.11) Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng không đủ giờ và không đủ chỗ để dẫn ra đây những nội dung xuyên tạc và vô văn hóa của Bí Lục mà không một tín hữu Kitô nào (không riêng Công giáo) không cảm thấy bị xúc phạm ngay khi đọc những dòng đầu tiên. Đây xin đan cử một vài đoạn:

[Với cha mẹ] “Jêsu lấy cớ phải ngồi cho nghiêm trang để làm lễ, rồi lên ngồi giữa giường cao, gọi Jiuse là Ông Già, gọi Maria là Bà Già. Thực ra thì khi ấy cả hai cha mẹ vẫn ngồi giữa đất, Jêsu nào có vái lạy cung kính tôn thờ gì đâu!”(tr.49) [Phép chuộc tội] “Kẻ nào phạm tội bội nghịch thì phải cáo lỗi với quỷ ở âm phủ bằng cách quỳ rạp xuống đất thè lưỡi liếm đất 3 lần hoặc 4 lần. Sau vài tháng, Jêsu gọi những người phạm tội phải liếm đất tới hỏi: ‘Việc liếm đất thế nào rồi?’ Ai nấy đều trả lời: ‘Đã liếm rồi’. Jêsu mừng thầm, cười mà bảo riêng với các môn đồ rằng: ‘Bảo liếm đất mà bọn họ cũng làm thì chẳng còn việc gì mà họ không theo.’” (tr.67) [Khuyên răn khi xưng tội chịu phép Matrimôniô] “Các con chỉ nên giao hợp một tháng hai lần thì mới đúng phép. Nếu chịu được mỗi tháng một lần thì đó là điều rất được phúc để lên thiên đường… Đàn bà khêu gợi chồng làm sự ấy thì tội nặng hơn. Chồng ép giao hợp nhiều lần mà vẫn ưng chịu thì trước hết cũng cứ là tội của vợ… Nếu các con làm chuyện kín trong buồng nhiều quá thì tội ác chồng chất không che nổi mắt Chúa… Kiểm tính xem họ ăn nằm với nhau bao nhiêu lần rồi đưa ra lời khuyên… Nguyên do là vì giao hợp nhiều thì sinh đẻ lắm, đạo ta khó kiềm chế được.” (tr.147-148) [Thuyết Ba Ngôi] “Jêsu khẽ nhếch mép rồi bất giác ha hả cười to mà rằng: Chỉ có một Chúa Trời, chẳng làm gì có cái chuyện ‘ba ngôi’! Nhưng nếu không mượn oai Chúa Trời thì không mê hoặc được dân chúng… Nào có ai trèo lên trời mà biết là ba ngôi?” (tr.153). Quyển IV dựng lại những huyền thoạiqui mô lớn về cuộc phục sinh truyền phép kín trên núi Ôlivêtê (tr.122-173). Quyển V là cả một truyện hư cấu như tiểu thuyết tiên hiệp: Tác giả dựng lên cuộc chiến tưởng tượng giữa “quân LâmBô” của Jêsu với quân Jiuđê gồm các đạo “thần binh” do ĐôSaNùng cầm đầu (tr.174-211). Quyển IX đưa thông tin giám mục khâm mạng Ignatiô[14] lẻn vào truyền đạo ở làng Ninh Cường năm Nguyên Hòa thứ 1, rồi về sau môn đồ của ông đều được phong giám mục và xin được lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo. Nhưng Ignatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng (tr.291-292)… 

Với nội dung như trên, Bí Lục đã tự chường mặt ra là một cuốn sách suy đồi, xuyên tạc rẻ tiền, phỉ báng tôn giáo, thiếu kiến thức: Nhân vật lịch sử Giêsu đã bị hư cấu bôi nhọ với “nhiều yếu tố truyền kỳ” (tr.17) trở nên một kẻ bỉ ổi vô văn hóa, bỏ công lục lọi hết Văn khố Vatican cũng không tìm thấy một dòng tu nào có tên Giêsu được thành lập trước năm 1540, thắp đuốc giữa ban ngày cũng chẳng đọc được một cuốn sử nào ghi lại dấu chân vị sáng lập dòng Tên ở Viễn Đông, hay tìm được một vị giám mục Việt Nam nào trước năm 1933... Không thể kể hết ra đây những lời lẽ xuyên tạc và những lỗ hổng kiến thức lịch sử, thậm chí rất sơ đẳng của Bí Lục… Nhà nghiên cứu mới cần đọc toàn bộ, chứ chẳng một độc giả nào buồn để mắt đến trang thứ hai, nếu không nói là vứt ngay vào sọt rác! Tác giả tự tố cáo bản thân là kẻ tà tâm, không dùng văn để tải đạo nhưng để thực hiện mưu đồ chính trị. Một tác phẩm ra đời là để “lưu danh thiên cổ”, riêng Bí Lục thì chọn cho mình nấm mồ “lưu xú vạn niên”. Vậy thì Bí Lục có giá trị nào không? Phần tiếp theo đây sẽ cho thêm thông tin.

1.7.3. #Về thông tin xuất bản phẩm: Sách do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội phát hành năm 1981 với số lượng 20.500 bản, khổ 13x19, dày 315 trang, giá 15đ00, “sách in ngoài chỉ tiêu kế hoạch”. Mặc dù được xuất bản với giấy phép của Nhà nước, nhưng ở trang trước Trang tên sách và Trang bìa cuối có ghi 4 chữ lớn “LƯU HÀNH NỘI BỘ”. Tại sao? Phải chăng chính nhà xuất bản đã thấy có quá nhiều nghi vấn về nội dung, về tác giả, về thư mục… mặc dù đã được dịch giả hùng hồn giới thiệu là “tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử tư tưởng Việt Nam” (tr.25)? Những lời này một lần nữa phơi bày tà tâm và thâm ý của tác giả cũng như của người giới thiệu. Phép “lưu hành nội bộ” khả dĩ là một câu trả lời, và cũng cách nào đó cho biết mức độ tự trọng của những người làm ngành xuất bản.

Tóm lại, Bí Lục là một cuốn sách dã sử, hư cấu và xuyên tạc, nhằm mưu đồ chính trị. Thật khó, nếu không nói là không thể, để tìm giá trị sử liệu trong một “truyện ký dã sử” (tr.11) bao gồm cả “những điều ghi chép có tính chất tự truyện”(tr.19). Nhân thân của các tác giả được ký tên không rõ ràng, lại còn có sự đóng góp của những ngòi bút khuyết danh (tr.15). Sách kê cứu của Bí Lục toàn là những tài liệu rất… bí lục! Quá trình lưu truyền của tác phẩm đến ấn bản được dùng để dịch Việt ngữ chưa được xác định (tr.13)… Khi mà tất cả thông tin về tác phẩm đều có vấn đề, mà lại là vấn đề lớn, liệu nó có đủ uy tín để nằm vào danh mục kê cứu của sử gia? (Có chăng là kê cứu để phản bác.) Tuy vậy, một giá trị mang tính tham khảo chúng tôi chú ý là “nguồn gốc trong nhân dân” (tr.13) của bản chữ Hán mà Ngô Đức Thọ dùng để dịch ra Việt ngữ, như sẽ trình bày sau.

1.8. Nhận định: Nguồn nguyên thủy về I-nê-xu nằm ở đâu?

1.8.1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (sau đây viết tắt là Toàn Thư), một quyển chính sử và là nguồn tham khảo chính của Cương Mục có ghi chép về I-nê-xu? Cho đến khi được khắc in năm 1697, Toàn Thư trải qua các giai đoạn biên soạn chính được giáo sư Phan Huy Lê giới thiệu như sau[15]: [1] Ngô Sĩ Liên, đến năm 1479 biên soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 15 quyển, ngoài nguồn tài liệu của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, “tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện chí và những việc nghe thấy truyền lại” (tr.23.103). Giai đoạn lịch sử này nằm trước câu chuyện I-nê-xu, nhưng chúng tôi chú ý chi tiết tham khảo dã sử. [2] Nhóm Phạm Công Trứ, ngoài việc khảo đính giai đoạn trước, “tham khảo sách dã sử của Đăng Bính và lược lấy những sách sót của người đương thời dâng hiến để chép từ quốc triều Trang Tông Dụ Hoàng Đế (1533-1548) đến Thần Tông Uyên Hoàng Đế (1649-1662)” (tr.27.31). Khung thời gian này bao trùm câu chuyện I-nê-xu, và chúng tôi đặc biệt chú ý nguồn dã sử của Đăng Bính. [3] Nhóm Lê Hy, “Khảo đính sử cũ… Lại sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử, biên chép từ Huyền Tông Mục Hoàng Đế niên hiệu Cảnh Trị năm đầu (1663) đến Gia Tông Mỹ Hoàng Đế năm Đức Nguyên thứ hai (1675)” (tr.33). Chúng tôi tiếp tục chú ý nguồn dã sử. Giai đoạn này Toàn Thư ghi nhận lệnh cấm đạo Hoa Lang[16] vào năm Cảnh Trị thứ 1 [1663] nhưng không cho biết đạo truyền vào nước ta khi nào: “Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm.”[17] Đây là sử kiện xưa nhất trong chính sử nước ta liên quan đến việc truyền đạo của người Tây Dương, nhưng không cho biết mốc điểm cụ thể, chỉ nói chung chung là “trước đây”[18]. Một nhận xét: Tuy là chính sử, nhưng cả Toàn Thư lẫn Cương Mục đều có sử dụng nguồn dã sử.

1.8.2. Cương Mục chép lại đoạn trên của Toàn Thư rồi thêm lời chua như đã nói.[19] Sử kiện mà sách trước chỉ đề cập tới bằng trạng từ phiếm chỉ “trước đây” thì sách sau cho chú thích bằng năm tháng rõ ràng, dựa vào Dã lục (được giải thích là “cũng như dã sử”). Dã sử nào? Theo phép soạn sử của Quốc sử quán thì chính sử đi theo chính sử: Vậy khả năng lớn là “dã sử của Đăng Bính”, nhưng Toàn Thư không có một dòng nào về I-nê-xu. Thế thì ý kiến Cương Mục dẫn theo Bí Lụcthì sao (xem 1.6)?

1.8.3. Bí Lục trang 13-15 cho biết các phiên bản của nó như sau:

1.8.3.1. Bản khắc in năm Gia Long 11 [1812] (sau đây viết tắt là BL-1)

1.8.3.2. Bản của Nguyễn Văn Hoàng (sau đây viết tắt là BL-2): Biết tin các bản BL-1 bày bán ở các phố chợ Thăng Long, Tòa Tổng Giám mục sai người gom mua, cả ván in, đem thiêu hủy hết, Nguyễn Văn Hoàng mới giấu một bản chép tay để lưu lại cho đời sau. Như vậy, BL-2 là “bản chép tay” chứ không phải một trùng bản (khắc in) của BL-1 còn sót lại.

1.8.3.3. Truyền bản của BL-2 (sau đây viết tắt là BL-3): Dịch giả thú nhận là không biết bản BL-2 có còn truyền đến ngày nay hay không, chỉ biết về sau sách đó đã được lưu truyền và một truyền bản của nó đã đến với chúng ta. Đó là cuốn sách mang ký hiệu HV26 hiện được lưu giữ ở Thư viện Khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cho biết thêm bản HV26 này là “một cuốn sách chép tay có nguồn gốc trong nhân dân”, ước chừng được sao chép vào khoảng cuối thế kỷ 19 hoặc những năm đầu thế kỷ 20, vì các chữ húy của vua Tự Đức được kiêng tránh đầy đủ. Cũng cần lưu ý là có một vài ngòi bút khuyết danh đóng góp vào bản này. Đây chính là bản được dùng để dịch Việt ngữ năm 1981 mà chúng tôi đang khảo cứu.

Vậy thì thông tin về việc truyền đạo của I-nê-xu xuất hiện ở đâu? Nếu ở bản BL-1 (thu gom thiêu hủy nhưng vẫn có khả năng còn sót lại), thì xác suất Cương Mục căn cứ vào đấy rất cao. Nếu ở BL-2, thì không có gì bảo đảm các tác giả của Cương Mục đã có thể tiếp cận, vì nó được “cất giấu”. Nếu ở BL-3, liệu khi khắc in Cương Mục thì “bản chép tay có nguồn gốc trong nhân dân” này đã hoàn thành chưa? Hai tác giả Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm khẳng định “chắc chắn” Cương Mục dựa vào Bí Lục (xem 1.6) là Bí Lục bản BL-3 này. Chính hai ông đã nói: “Quyển sách chép tay hiện có, có lẽ chép lại theo một bản khác của tác giả viết lại sau và có viết thêm.”[20]

Tóm lại, nếu BL-1 có thông tin về I-nê-xu thì khả năng rất lớn đây là nguồn dã lục trong lời chua của Cương Mục và cả của Monsieur Deloustal được Annam dẫn lại. Riêng về Histoire, chúng tôi không nghĩ học giả họ Trương quan tâm (nếu ông biết Bí Lục), ngược lại là khác, vì ông vốn xuất thân từ trường dòng. Ghi nhận từ một tác phẩm xuyên tạc Kitô giáo như Bí Lục khó có thể đi vào trong trích dẫn của ông (có chăng là để phản bác). Nếu các khả năng trên đều không xảy ra, nguồn trong nhân dân về I-nê-xu mà BL-3 tham chiếu có thể là nguồn chung cho cả Histoire và Cương Mục lẫn Annam, và chúng tôi nghiêng về nguồn dân gian này.

1.8.4. Bàn thêm về nguồn trong nhân dân/dã sử

Không có quá nhiều ý kiến phủ nhận tầm quan trọng của nguồn trong nhân dân, đặc biệt với một quốc gia lắm thiên tai và nhiều chiến tranh như Việt Nam. Chính sử thần Ngô Sĩ Liên và các tác giả tiếp theo của Toàn Thư đã từng sử dụng nguồn này. Ghi chép chính thức của nhà nước là không đủ, họ phải tìm thêm nguồn tư liệu bên ngoài triều đình. Chúng ta thấy rõ Ngô Sĩ Liên dựa vào dã sử để biên soạn phần Ngoại kỷ của Toàn thư từ họ Hồng Bàng đến hết đời An Dương Vương[21]vì đó là giai đoạn trước bình minh hữu sử. 

Tuy thế, nguồn trong nhân dân cần được phê bình kỹ càng. Ở đây chúng ta bắt gặp thái độ khoa học nghiêm túc của người làm sử qua cách xử lý thông tin của hai tác giả Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm: “Về thời điểm này, chúng tôi ngờ rằng chưa được đúng với sự thật và cần được nghiên cứu thêm… Chúng tôi ngờ rằng có thể do hai tác giả Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hòa Đường, là hai cha dòng Chi thu (tức dòng Tên) đã lầm lấy năm sáng lập ra dòng Tên và tên người sáng lập ra Hội ấy làm thời điểm và người truyền giáo vào Việt-nam chăng. Vì năm Quý tỵ đời Trang-tông là năm 1533, liền với năm 1534 là năm một giáo sĩ người Pháp là Ingace (I-nê-khu) de Loyola sáng lập ra một giáo đoàn sang Viễn đông lấy tên là Compagnie de Jésus.”[22] (sic).

Nguồn dân gian/dã sử càng có ý nghĩa hơn đối với một chính thể vốn xem Giatô là tả đạo. Sử kiện về tôn giáo này thường không có chỗ trong chính sử, có chăng là những chỉ dụ cấm đạo. Cần thiết là thái độ thận trọng đối với các nguồn chưa được kiểm chứng này. Ta nhận thấy sự dè dặt khi các tác giả dẫn thông tin I-nê-xu: Histoire đưa vào cước chú (xem 1.4), Cương Mục đặt ở lời chua (xem 1.2), còn Bonifacy thì dẫn chứng để bác bỏ (xem 1.5).

Dầu vậy, Bonifacy đã nhanh chóng phủ định chính mình: Khi viết Lời tựa cho cuốn “Xứ Đàng Trong” của Cristoforo Borri, ông đã trích lại I-nê-xu của Monsieur Deloustal (xem 1.5) như một sử liệu đã được công nhận, không cần dẫn nguồn[23]

Dường như có một sự giằng co khoa học trong việc sử dụng nguồn dân gian nơi vị Giảng viên Lịch sử bản địa tại Đại học Hà Nội kiêm Thông tấn viên Viện Viễn Đông Bác Cổ này. Thái độ nước đôi ấy phải chăng diễn tả khả năng thấu hiểu của ông về cách thức bảo tồn và lưu truyền ký ức của dân tộc Việt? Nhân dân dùng Việt ngữ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, ít biết việc pháp đình lề luật; sử sách triều đình dùng Hán ngữ, ghi chép những việc triều chính. Trong số những ký ức dân gian hiếm khi được sử quan để mắt ấy có những câu chuyện về “tả đạo” Giatô.

Ở đây chúng ta có minh họa từ thực tế truyền giáo thuở ban đầu của dòng Tên ở Turon (Đà Nẵng) và Cacciam (Quảng Nam): Cha Buzome phát hiện ra trong một buổi diễn kịch phục vụ dân chúng, một diễn viên mặc trang phục Bồ Đào Nha bước lên sân khấu với cái bụng giấu một đứa bé bên trong. Trước mặt khán giả, diễn viên để đứa bé chui ra khỏi bụng áo rồi hỏi: “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam” (“Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?”) Đứa bé trả lời có, rồi người ta giấu nó lại vào bụng. Cảnh diễn lặp lại nhiều lần để mua vui cho người xem. Cha Buzome nhận ra đây là câu mà các thông ngôn đã dịch “có muốn vào đạo Kitô không?” Như thế là có sự hiểu lầm rằng việc vào đạo đồng nghĩa trở thành người Bồ Đào Nha.[24]

Dân gian cứ hồn nhiên truyền nhau “vào lòng Hoa Lang”, trở thành “kinh điển” đến nỗi có thể dàn dựng một kịch bản sân khấu, mãi cho đến khi được sửa lại “vào đạo Kitô”. Dòng ký ức truyền khẩu không gặp trở ngại nào trước đó, thậm chí vẫn chưa dừng hẳn sau khi được đính chính. Vậy phải chăng đã từng có một ký ức cộng đồng về sự kiện I-nê-xu trước khi nó được chép thành văn, rồi được đưa vào các ấn bản khắc in? Cách chú giải Gispert của Bonifacy dưới đây cho thấy ông ủng hộ giả thuyết này (xem 2.5). Nguồn trong nhân dân cứ tiếp tục dòng đời của nó bất chấp đe dọa từ kỹ nghệ in ấn hay khoa học viễn thông hiện đại.

1.8.5. Tạm kết:

Nguồn từ sử quan chính thống là tài liệu làm việc của sử gia. Nguồn trong nhân dân/dã sử chỉ có giá trị tham khảo. Những chuyện dã sử được xây trên nền lịch sử cần được khảo sát kỹ càng. Nâng dã sử lên “mặt bằng” lịch sử là một quá trình đầy thách thức đối với sử học. Vì thế, trở về với lập luận cuối số 1.8.3.3, chúng tôi dừng vấn đề lại ở nguồn trong nhân dân/dã sử, nguồn mà Bí Lục phiên bản BL-3 đã tham chiếu, và rất nhiều khả năng cũng là nguồn của cả Histoire và Cương Mục lẫn Annam. Theo đó, chân dung I-nê-xu được nhìn thấy ít chất nghi sử hơn dã sử. Do vậy mà Histoire và Cương Mục cho rằng vị trí phù hợp của sự kiện này là ở cước chú hoặc lời chua. Và đó cũng là lý do chúng tôi muốn tạm kết luận: I-nê-xu là nhân vật dã sử chứ không phải nhân vật lịch sử

Nhưng nếu không có một dòng ghi nhận trân trọng nào về I-nê-xu trong sử chính thống Việt Nam cũng như các tài liệu được xuất bản trong nước thì liệu có nguồn sử ngoại quốc nào khác không? Vài tác giả đề cập đến một thừa sai tên I-nê-xu, và cho rằng thuộc dòng Phan sinh, thi hành sứ vụ ở gần thời điểm này. 

2. Thừa Sai I-nê-xu Dòng Phan sinh

2.1. Linh mục Bùi Đức Sinh nói sử gia Marcos Gispert OP trong tác phẩm Historia de las Misiones Dominicanas en Tungkin đã muốn gán I-nê-xu cho giáo sĩ Iñigo de Santa Maria OP, nhưng cha đã bác bỏ ý kiến này và thêm rằng rất có thể I-nê-xu là một giáo sĩ dòng Phan sinh Bồ Đào Nha.[25] Vậy người Bồ có mặt ở nước ta khi nào?

2.2. Lê Thành Khôi cho biết người Bồ Đào Nha là những thủy thủ tiên phong ở Viễn Đông: Năm 1516, Fernand Perez là người Bồ đầu tiên đến Đại Việt, tiếp theo đó là hoạt động buôn bán của họ với Đàng Trong.[26] Trên các chuyến hải hành, chắc chắn có mặt các thừa sai với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên ở nửa đầu thế kỷ 16 chưa thấy xuất hiện tên I-nê-xu (Inigo, Ignacio).

2.3. Tác giả linh mục Nguyễn Hồng tổng hợp sử liệu ngoại quốc cho biết: “Dưới triều vua Lê Anh Tông (1556-1573), từ khi lập trụ sở thương mại ở Áo Môn, liên lạc buôn bán người Bồ với Việt Nam mỗi ngày một tiến triển. Một năm, có tầu buôn người Bồ ở Áo Môn gặp bão giạt vào vùng biển Thanh Hóa. Bị quan sở tại dẫn giải về Kinh, họ có dâng lên nhà vua một bức thư của một cha dòng thánh Phanxicô, viết bằng chữ Hán, xin phép giảng đạo trong vùng, kèm theo bức họa cuộc phán xét chung để làm quà tặng.” Tác giả suy đoán cha dòng Phanxicô từ quần đảo La Sonde, vì lúc này dòng chưa có tu viện ở Phi Luật Tân cũng như Áo Môn.[27] Tuy nhiên, ngoài những thông tin trên chúng ta không biết thêm gì về hành trạng của cha dòng Phanxicô này, kể cả tên tuổi. 

2.4. Borri, người từng ở Đàng Trong 5 năm (1618-1622), cho thông tin về người châu Âu vào Việt Nam: “Trước khi các cha dòng Tên tới Đàng Trong, người Bồ Đào Nha đã có thói quen đem theo các cha tuyên úy trên thương thuyền đi Malacca, Macao, Manila để họ cử hành Thánh lễ và ban các bí tích cho thủy thủ đoàn trong suốt thời gian tàu neo lại những nơi đó, thường mỗi năm kéo dài ba đến bốn tháng. Tại đó, các cha tuyên úy không có nhiệm vụ gì khác ngoài việc phục vụ cho người Bồ Đào Nha. Các vị không có bổn phận chăm sóc đời sống tinh thần cho dân bản xứ nên không học ngôn ngữ cũng như không thiết tha đem ánh sáng Phúc âm cho những người dân ấy… Chúng tôi chỉ biết rằng một vài cha dòng Phanxicô ở Manila[28] và một cha dòng Augustinô ở Macao đã tới Đàng Trong cho sứ vụ truyền giáo, nhưng họ buộc phải ra đi vì muôn vàn khó khăn.”[29] Nguồn của Borri cũng không nói tới bất kỳ một nhân vật I-nê-xu nào.

2.5. Trong Lời tựa cho cuốn “Xứ Đàng Trong” của Cristoforo Borri, Bonifacy đã dẫn lại thông tin của tác giả Gispert: “Cha Marcos Gispert cho biết trong tác phẩm Historia của cha, vào năm 1605, một tu sĩ dòng Phanxicô đến từ Malacca, không rõ tên, bị bắt giam ở Đàng Ngoài, nơi ông đã gặp nhiều Kitô hữu, và ông đã tận dụng hoàn cảnh bất hạnh của mình để rửa tội cho những người bản xứ đã nhận được hướng dẫn tôn giáo. Cha đặt vào thời kỳ này việc truyền đạo của thừa sai Inigo, việc này như chúng ta đã thấy, nhất thiết phải xảy trước năm 1533, vì chính vào năm này, tôn giáo mà ông rao giảng đã bị vua Lê Trang Tông cấm.”[30] Chúng ta thấy cha Gispert chỉ “đặt vào thời kỳ này [1605] việc truyền đạo của thừa sai Inigo[31]” nhưng Bonifacy đã chú giải bằng cách dẫn ngay đến I-nê-xu của năm 1533 (theo Annam, xem 1.5). Hiện chúng tôi chưa có sách của cha Gispert (xem 2.1) để đối chiếu. Thông tin ở đây xuất hiện tên I-nê-xu (Inigo), nhưng là hơn 70 năm sau 1533.

2.6. Ioan Gonzalez de Mendoça trong tác phẩm xuất bản năm 1585 có nói đến việc vua Tunquin (Đông kinh)[32] nhiều lần cử sứ giả đến Macao[33] để mời thừa sai, nhưng không được đáp ứng: “Tất cả các vương quốc ấy đều rất gần với đức tin thánh thiện của chúng ta, bởi vì vị Vua lớn nhất mà tôi đã nói phía trên [Đông kinh], người xưng là Hoàng đế, đã nhiều lần phái người đến Macao và những nơi khác có các Kitô hữu, yêu cầu gửi đến cho họ các thầy và các tu sĩ để dạy họ về đạo thánh Đức Chúa Trời, bởi vì tất cả họ đều quyết tâm đón nhận và chịu phép rửa, và họ mong muốn điều này với tấm lòng chân thành, đến nỗi ở nhiều thành phố, họ đã chuẩn bị sẵn gỗ để xây nhà thờ, cũng như những vật liệu cần thiết khác. Cho đến nay, họ vẫn chưa đạt được ước muốn này vì chúng ta đang quá thiếu các thừa tác viên, những người mà họ yêu cầu, và không thể đáp ứng ước vọng của họ.”[34] Tác phẩm ra đời năm 1585, nên sự kiện phải diễn ra trước đó, có thể ngược lên đến thời điểm I-nê-xu 1533 chăng? Nhưng tác giả cho biết là Macao không thể đáp ứng nhân sự vì đang thiếu thừa sai. Giai đoạn trước sau năm 1585 do nhà Mạc nắm quyền ở Đông kinh (1527-1593). Thông tin trên được Mendoça lấy theo “Itinerario del Nuevo Mundo” của cha Giám hạt  Martin Ignacio OFM. Chính Mendoça cho biết: “Liên hệ đến cha Ignacio nói trên (người mà tôi đã đề cập, tôi theo hầu hết Itinerario của ông) rằng khi ông đi ngang qua Vương quốc ấy [Cochinchina] để trở về Tây Ban Nha, nhìn thấy lòng sùng đạo và khao khát trở thành Kitô hữu của người dân ở đây, ông muốn ở lại để rửa tội cho họ. Lòng bác ái và lòng trắc ẩn đã níu chân ông trước những linh hồn đạo đức đang bị cầm buộc, nhưng bởi vì không thể trì hoãn bài sai phải đến Malacca, và cũng vì cho rằng không thể làm gì với số nhân sự ít ỏi giữa một dân tộc quá đông đảo như vậy, ông nhận thấy tốt hơn là trở về Tây Ban Nha để tìm kiếm những người bạn đồng hành để giúp đỡ họ.”[35]

2.7. Về cha Ignacio OFM, sử liệu Phan sinh cho biết: “Martin Ignacio de Loyola sinh tại một thị trấn ở Cantabria, và là một người họ hàng rất gần của thánh Ignacio de Loyola. Anh mặc áo dòng và tuyên khấn tại tu viện thánh Phanxicô, sau đó gia nhập nhánh tu sĩ chân đất của chúng tôi tại tỉnh dòng thánh Giuse. Năm 1580, anh xin đi Philippines, và cùng năm đó anh đến Mexico, ở lại đây, cộng tác đắc lực cho điểm tân lập của tu viện thánh Cosma của chúng tôi cho đến năm 1582, khi anh đáp tàu đi Philippines. Tháng 6 cùng năm, anh đến Trung Quốc, nơi anh bị giam cầm và ngược đãi; nhưng được một người Bồ Đào Nha cứu thoát, anh đã từ Canton [Quảng Châu] đến Macao vào tháng 8 năm đó. Sau khi được bổ nhiệm làm Giám hạt đầu tiên của tân Hạt dòng Malaca vào năm 1583, anh đã đến thành phố này, và từ đây anh khởi hành đi Madrid và Rôma vào cuối năm 1583. Vào năm 1585, anh đã viết và gửi đăng báo ở Madrid một cuốn sách có tựa đề Itinerario del Nuevo Mundo. Trong đó, anh đã ghi lại những chuyến đi của mình từ Tây Ban Nha đến Mexico, Philippines, Trung Quốc, Malacca, rồi vòng qua miền đông Ấn Độ trở về Tây Ban Nha. Tác phẩm đã được đón nhận rất nồng nhiệt, đặc biệt là phần liên quan đến Philippines. Có lẽ đây là cuốn đầu tiên mô tả quần đảo Philippines. Vào năm 1586, anh lên tàu đến Trung Quốc lần thứ hai. Tại thành phố Macao anh đã gặp rất nhiều khó khăn không thể vượt qua đối với người Bồ Đào Nha, đến nỗi anh phải trở về Tây Ban Nha qua ngã Mexico. Anh ở lại tỉnh dòng thánh Giuse cho đến năm 1594, rồi xin gia nhập phái bộ thừa sai đi Buenos Aires [Argentina]. Tại đây, anh cống hiến hết lòng nhiệt thành của mình vào sứ vụ tông đồ cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục Paraguay vào ngày 9 tháng 10 năm 1601. Năm 1605, anh được vinh thăng tổng giám mục của Rio de la Plata [Argentina], nơi anh đã phục vụ đến cuối đời và về với Chúa vào khoảng năm 1612 với đầy đủ công đức và phẩm hạnh.”[36]

Vậy là vào năm 1583 trên đường từ Macao đi nhận chức Giám hạt ở Malaca, cha I-nê-xu (Ignacio) dòng Phan sinh từng đi ngang qua nước ta (Cochinchina), đã 50 năm kể từ năm 1533. Cha mất năm 1612, nhưng rất tiếc Félix de Huerta không cho biết năm sinh. Nếu cha thọ 100 tuổi và đến nước ta năm 1533 thì lúc đó cha đang tuổi 21, nhưng tiểu sử đã không cho thấy điều đó.

2.8. Tạm kết: Chúng tôi dừng lại ở đây, trong khi vẫn chưa tìm được tài liệu ngoại quốc nào có thông tin về thừa sai I-nê-xu đến nước ta năm 1533. Vì thế, với những sử liệu hiện có, I-nê-xu mà Niên Giám trích dẫn từ Cương Mục vẫn tiếp tục là một nhân vật dã sử cho đến khi được chứng minh bằng các nguồn lịch sử chính thống.

(Chúng tôi dùng cách phiên âm I-nê-xu theo Histoire và Cương Mục.
Các phiên âm khác theo nguyên văn nguồn dẫn.
L'anno duemilaventidue-
 Dicembre, frate Mendicante ofm)

Văn Phòng Tỉnh Dòng

 

[1] Hội đồng Giám mục Việt Nam, 2016. Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2016, Hà Nội: Nxb Tôn giáo, tr.195.

[2] Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, Tập 2, 2002. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách khoa, tr.495.

[3] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1998. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Bản dịch của Viện Sử Học, Hà Nội: Nxb Giáo dục, tr.2.

[4] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1998. Sđd, tr.720; cũng trang này, ở cước chú, các dịch giả nói rằng “phải phiên là ‘I-nê-xu’ mới đúng, vì chính tên là Ignatio”. [Thực ra, trước đó, Trương Vĩnh Ký đã phiên là I-nê-xu rồi! Xem 1.4] Thông tin về I-nê-xu còn lặp lại một lần nữa ở tr.889.

[5] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1998. Sđd, tr.720.

[6] X. Trần Trọng Kim 1971. Việt Nam Sử Lược, Trung tâm Học liệu xuất bản (Xb lần đầu năm 1920), tr.142.

[7] X. Hồng Lam, 1944. Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Huế: Đại Việt Thiện bản, tr.103-104; Nguyễn Hồng, 1959. Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, Q.I, Saigon: Hiện tại, tr.14; Phan Phát Huồn, 1965. Việt Nam Giáo Sử, Q.I, Saigon: Cứu thế Tùng thư, tr.35.

[8] Trương Vĩnh Ký, 1877. Cours d’histoire annamite, Vol.2. Saigon: Imprimerie du Gouvernement, tr.139.

[9] Auguste Bonifacy, 1930. Les Débuts du Christianisme en Annam. Des Origines au Commencement du XVIIIe siècle, Hanoi, tr.4.

[10] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 107, Tháng 2/1968, tr.58 (https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/68621).

[11] Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hòa Đường…, 1981. Tây Dương Gia Tô Bí Lục, Ngô Đức Thọ dịch, Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, tr.291; dịch giả cho cước chú: “Nguyên thư phiên YnêKhu”. [Nhân tiện xin giới thiệu: Thư viện Duns Scotus có 2 cuốn, xin mời Anh em!]

[12] X. Đỗ Quang Chính, 2007. Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, Texas: Antôn & Đuốc Sáng, tr.522-528.

[13] X. Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hòa Đường…, 1981. Sđd, tr. 12.21; Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 107, Tháng 2/1968, tr.57.

[14] Dịch giả cho cước chú: “Nguyên thư phiên YnêKhu” (tr.291).

[15] X. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Đức Thọ dịch, 1993), Tập 1. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, tr.22-36.

[16] Hoa lang = Bồ Đào Nha. Xem J. L. Taberd ed., 1838. Dictionarium Anamitico-Latinum, Serampore: Ex typis J.C. Marshman, tr.201: Hoa lang = Lusitani; tr.253: Hoa lang = Lusitani, vel etiam omnes Europæi; đạo Hoa lang = religio Lusitanorum seu Christiana.

[17] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch, 1993), Tập 3. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, tr.265.

[18] Về người Tây Dương nói chung thì năm 1585 có tướng giặc nước Tây Dương đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển, nhưng bị quân ta đánh nên bỏ chạy. (X. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 2002. Đại Nam Thực Lục, Tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Hà Nội: Nxb Giáo dục, tr.32).

[19] X. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1998. Sđd, tr.720.

[20] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 107, Tháng 2/1968, tr.57.

[21] X. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Đức Thọ dịch, 1993), Tập 1, tr.23.

[22] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 107, Tháng 2/1968, tr.58.

[23] X. Bulletin des Amis du Vieux Hué, 18e Année, No 3-4, Juillet-Déc. 1931, tr.279-280.

[24] X. Christoforo Borri MDCXXXI. Relatione della Nvova Missione delli PP. Della Compagnia di Giesv al Regno della Cocincina, Roma, tr.107-108.

[25] X. Bùi Đức Sinh, 2002. Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Canada: Calgary, tr.55-56.

[26] X. Lê Thành Khôi, 2014. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nguyễn Nghị dịch, Hà Nội: Nxb Thế giới, tr.326.

[27] Nguyễn Hồng, 1959. Sđd, tr.21-22.

[28] Có lẽ Borri ám chỉ chuyến đi năm 1581 của tám anh em OFM: Xem Marcelo de Ribadeneira, 1601 (bản gốc 1599). Historia de las Islas del Archipielago, y Reynos dela Gran China, Tartaria, Cuchinchina, Malaca, Sian, Camboxa y Iappon… Barcelona, tr.155-156.

[29] Christoforo Borri MDCXXXI. Sđd, tr. 103-105.

[30] Bulletin des Amis du Vieux Hué, 18e Année, No 3-4, Juillet-Déc. 1931, tr.282.

[31] Bonifacy cho là I-nê-xu được phiên từ Inigo hoặc Ignace (xem 1.5).

[32] Tên người Bồ Đào Nha gọi kinh đô Thăng Long.                           

[33] Triều Lê Anh Tông (1556-1573) cũng đã nhiều lần cử người đến Áo Môn yêu cầu thừa sai, nhưng đều không kết quả. X. Nguyễn Hồng, 1959. Sđd, tr.22-24.

[34] Ioan Gonzalez de Mendoça, 1585. Historia de las cosas mas notables ritos y costumbres del gran Reyno de la China, sabidas assi por los libros de los mesmos Chinas como por relación de Religiosos y otras personas que han estado en el dicho Reyno, Roma: Stampa de Vincentio Accolti, tr.407.

[35] Ioan Gonzalez de Mendoça, 1585. Sđd, tr.411.

[36] Félix de Huerta, 1865. Estado Geográfico, Topográfico, Estadístico, Histórico-Religioso de la Santa y Apostólica Provincia de S. Gregorio Magno, de Religiosos Menores Descalzos de la Regular y más Estrecha Observancia de N.S.P.S. Francisco, en las Islas Filipinas, Binondo, tr.420-421.

Chia sẻ