Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Bài giảng lễ tang cha Phi Khanh

BTT OFMVN
2023-08-09 23:00 UTC+7 692

Hôm nay chúng ta tụ họp lại nơi đây để tham dự lễ an táng và tiễn biệt cha Phi Khanh Vương Đình Khởi, một người tín hữu, một người anh em phan sinh đã đi về nhà Cha trước chúng ta. Cuộc đời của ngài có nhiều điều để nói với chúng ta. Thánh lễ là lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa. Vậy chúng ta sẽ tạ ơn Thiên Chúa điều gì đây?

Mỗi khi nói đến nhân đức người tu sĩ, thánh Phanxicô thường nhắc đến những anh em thuở ban đầu. Ngài hỏi: Người tu sĩ hèn mọn chính tông là ai? Rồi ngài tự trả lời: Là anh Bênađô, có đức tin son sắt và lòng khó nghèo; là anh Rufinô có tinh thần cầu nguyện, nằm ngủ mà vẫn cầu nguyện; là anh Êgiđiô, chìm sâu trong Chúa; là anh Angêlô lịch thiệp nhã nhặn; là anh Giuniphêrô kiên nhẫn, biết quên mình; là anh Lêô đơn giản và trắng trong; là anh Massêô có lương năng, lợi khẩu và biết tự trọng; là anh Gioan có thân thể khoẻ mạnh và linh hồn bay cao; là anh Roger tha thiết cứu rỗi các linh hồn; là anh Lucidô siêu thoát không chịu ở chỗ nào quá một tháng vì lẽ rằng ta không có nhà cửa vĩnh viễn ở trần gian.

Còn anh Phi Khanh Vương Đình Khởi đóng góp gì vào bản liệt kê những đức tính của người anh em hèn mọn đích thực?

Một biến cố có thể gọi là rất quan trọng trong cuộc đời của cha, đó là được cha Diego, viện trưởng giáo hoàng học viện mời dạy thánh mẫu học cho các thầy học tại giáo hoàng học viện kể từ năm 1972, trong số đó có nhiều vị đang là giám mục chính tòa hiện nay. Việc nghiên cứu, đào sâu và giảng dạy về đức Maria đã giúp ngài noi gương Mẹ. Nhìn lại cuộc đời của ngài, con thấy có 3 từ nổi bật mà ngài đã noi gương Đức Mẹ để thể hiện trong đời sống của mình:


• Magnicat

• Fiat

• Stabat

1. Magnificat


Chúa đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu, danh người là thánh

Bài đọc một nói với chúng ta:

Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa


Người đã tinh luyện họ

như người ta luyện vàng trong lò lửa,

và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu.


Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm,

họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy.


Ơn gọi của ngài thật là huyền nhiệm. Ngài được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện, có 3 người con hiến dâng cho Thiên Chúa. Một bà cô đi tu dòng kín nhưng vì bệnh nên phải về nhà tu tại gia đã hướng dẫn ngài hướng đến con đường tu trì. Chiếc áo dòng nâu của 2 thầy Fidèle Nhung và Tôma Thông đi ăn xin, từng trú ngụ nhà ngài, đã hấp dẫn Ngài. Khi cùng với 3 chú khác tới chào cha quản hạt Nghĩa Yên để xin đi tu, cha quản hạt đã rất ngạc nhiên và nói rằng: chú Khởi mà cũng đi tu được à! Sở dĩ ngài nói như thế vì chú Khởi thấp bé, nhỏ con, yếu ớt. Quả thế, trên bước đường tu trì của cha, cha đã nhiều lần phải dừng lại vì bị bệnh phổi, khi còn là đệ tử, khi học triết học, khi học thần học. Nhưng “

Chúa đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu, danh người là thánh

”. Bốn anh em cùng đi nhưng nay chỉ còn lại một mình ngài dấn thân trong đời sống tu trì.

Cũng vì yêu mến đời sống tu trì, khi nghe nhà dòng di tản vào miền nam, Ngài đã xin cha mẹ từ bỏ gia đình, đi theo một người hàng xóm, tìm cách trốn vào miền nam để nhập lại Nhà dòng. Mới 15 tuổi đầu, chưa bao giờ ra khỏi lũy tre xanh, ngài đã can đảm như Abraham tiến về miền đất mà ngài không biết. Chịu biết bao khổ cực, bị lạc khỏi đoàn, bị biết bao ngăn cản, thế mà nhờ Chúa giúp đỡ, ngài đã tới được Hà Nội, rồi đi Hải Phòng, tình cờ gặp được một anh em phan sinh là cha Théophane Bích dẫn vào miền nam.

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.


Chỉ khi ta cảm nhận sự yếu đuối, giới hạn của mình, là ta mới nhận ra quyền năng của Thiên Chúa. Ngài được gọi về làm giám sư các thầy thần học lúc chỉ mới 31 tuổi, không một chút kinh nghiệm, khi có thầy còn lớn tuổi hơn mình, ngài đã cảm nhận được câu nói thâm thúy của thánh Phaolô: “Chính lúc tôi yếu là lúc tôi mạnh”, “ơn thầy đã đủ cho con”. Rồi khi lãnh các trọng trách, làm Giám tỉnh, ngài cảm nhận giới hạn của mình, không ngang tầm với công việc, nhận ra sự bất lực của mình. Chính những lúc này, ngài chìm sâu vào đời sống cầu nguyện và hết lòng tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đang hành động, chỉ Chúa đang thực hiện công việc của Người.

Một trong những việc lớn lao Chúa đã thực hiện trong nhiệm kỳ Giám tỉnh của ngài, là mở ra những cộng đoàn truyền giáo tại Pleiku, rồi Kontum. Biết bao anh chị em đồng bào sắc tộc đã được nghe loan báo Tin mừng. Sự hiện diện của anh chị em Tây nguyên với bộ cồng chiêng đến tiễn biệt ngài là hoa trái của sự sai đi đó.

Bài đọc 1 vang vọng trong tâm hồn chúng ta:

Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn.


2. Fiat

xin vâng

Khi anh em trẻ hỏi ngài, cha có điều gì muốn nhắn nhủ với anh em, cha Phi Khanh trả lời lập tức: vâng phục và bình an. Đó là khẩu hiệu của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII.

Ngài đã có thể khuyên nhủ như thế, vì ngài là con người vâng phục, vì ngài đã từng noi gương Đức Mẹ nói lên sự vâng phục đối với thánh ý Thiên Chúa, cho dù có biết bao trăn trở, thắc mắc, bóng tối trong tương lai.

Sau khi học triết ở Louvain và đã có bằng tiến sĩ cấp một, bề trên bảo ngài dừng lại và theo học thần học, ngài đã vâng lời. Sau khi có cử nhân thần học, bề trên bảo ngài dọn tiến sĩ thần học cơ bản, ngài đã vâng lời. Mới dọn được một năm, bề trên lại bảo ngài thu xếp đồ đạc về Việt Nam, Ngài lại vâng lời. Chân ướt chân ráo, non trẻ, không chút kinh nghiệm, Chúa bảo ngài làm giám sư học viện, Ngài đã vâng lời. Chẳng có bằng cấp nào, khi được mời gọi dạy môn Thánh Mẫu học cho Giáo hoàng Học viện, Ngài đã sẵn sàng vâng lời. Cha Phi Khanh thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với cha. Cha Phi Khanh khuyên nhủ anh em trẻ: “Hãy cứ vâng phục đi, Chúa sẽ dùng chúng ta làm công việc của Chúa, Chúa sẽ làm cho cuộc sống chúng ta nên phong phú, có chiều sâu hơn”.

Cha Phi Khanh đã có được sự khôn ngoan này, vì ngài đã từng suy gẫm thách đố mà thánh Phanxicô đưa ra. Truyện ký Celano thuật lại rằng: “Lần khác, lúc đang ngồi giữa các bạn đồng hành, đấng chân phúc buông tiếng thở dài: “Trên khắp thế gian này thật khó tìm ra một tu sĩ vâng phục bề trên cách hoàn hảo”. Các anh em bối rối hỏi ngài: “Thưa cha, xin dạy cho chúng con biết thế nào là đức vâng lời hoàn hảo và cao trọng nhất”. Ngài trả lời bằng cách dùng hình ảnh một xác chết để mô tả người tu sĩ thật sự vâng lời: “Hãy lấy một xác chết rồi đặt nó bất cứ ở chỗ nào anh em muốn.

Anh em sẽ thấy, nó không cưỡng lại khi bị dời chỗ, nó không than phiền khi bị đặt ngồi, nó không đòi hỏi để được đi chỗ khác. Đặt nó lên một ngai toà, nó sẽ không nhìn lên mà chỉ nhìn xuống. Khoác cho nó áo vải điều, nó trông lại nhợt nhạt gấp đôi”. Ngài nói: “Đó là một người vâng lời đích thực, không thắc mắc về lý do thuyên chuyển, không quan tâm đến nơi mình sẽ đến, không nài nỉ để được đổi chỗ. Khi được nâng lên chức vụ cao, vẫn giữ sự khiêm hạ thường lệ, và càng được biểu dương thì càng thấy mình bất xứng”. 2Cel 152

Chỉ những con người vâng phục mới nghe được tiếng mời gọi của Chúa trong bài đọc 2: “Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ.”

3. Stabat – đứng kề bên thánh giá


“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người”.

Cha Phi Khanh đã từng suy niệm về Đức Mẹ Măng Đen cụt tay: “Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay thể hiện cách cụ thể và đầy ấn tuợng sự thông dự của Đức Maria, người Nữ Tỳ Khiêm hạ và Đau khổ của Thiên Chúa, vào mầu nhiệm tự hủy tự hạ tột độ của Đức Kitô, người Tôi tớ Đau khổ của Đức Chúa Giavê nơi Thập Giá”.

“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà

Ma-ri-a Mác-đa-la”, Thánh Gioan đã kể lại như thế. Thế nghĩa là đứng kề bên thánh giá, có nhiều chỗ, có chỗ cho tôi, có chỗ cho anh, có chỗ cho chị, có chỗ cho Đức cha Lambert de la Motte, có chỗ cho chị em MTG, có chỗ cho cha Phi Khanh.

Vì là con người biết vâng phục, Chúa đã dun dủi ngài cộng tác với chị em MTG để trở về linh đạo của những người đứng bên thánh giá Chúa, chiêm ngưỡng thánh giá Chúa và yêu mến thánh giá Chúa. Khi giúp một số Dòng Giáo phận soạn thảo Hiến pháp, Cha Phi Khanh khám phá ra nguồn gốc của họ bắt nguồn từ Dòng Mến Thánh Giá. Từ đó cha thao thức, mong ước cho các nhánh Mến Thánh Giá thống nhất tinh thần, thống nhất Hiến Pháp, phù hợp với Giáo Luật mới theo lời mời gọi của Giáo hội, “vì các chi nhánh MTG đều có một vị sáng lập chung là Đức cha Lambert de la Motte, một bản luật tiên khởi chung do chính ngài viết năm 1670, có chung một tinh thần, một mục đích, với những công việc phục vụ giống nhau và trải qua một lịch sử giống như nhau, nghĩa là một lịch sử gắn liền với đời sống Giáo hội Việt Nam trên ba thế kỷ”. Chị em MTG cần trở về nguồn, về với nguyên hứng ban đầu của Đấng Sáng lập, nhằm bảo toàn “ơn gọi và chân tính” của Dòng.

Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình trao phó cho cha công việc giúp chị em Mến Thánh Giá trở về nguồn, canh tân luật dòng; đồng thời, đặt cha làm Cố vấn cho bảy Hội dòng Mến Thánh Giá có nhà Mẹ trong Giáo phận của ngài, đặt tên cho nhóm là Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá. Kể từ năm 1985 đến mãi năm 2017, cha đào sâu linh đạo MTG qua việc sưu tập tài liệu và phiên dịch các Bút tích của ĐC Lambert, soạn thảo sách Tiểu sử và Bút tích Đức cha Lambert, hoàn thành tập

Linh đạo Mến Thánh Giá,

soạn Hiến Chương. Từ sau ngày phê chuẩn Hiến Chương, hằng năm tổ chức khóa bồi dưỡng từ năm đến mười ngày cho Ban Điều hành và Ban Huấn luyện của các Hội dòng Mến Thánh Giá. Mỗi năm, chính Cha Phi Khanh giúp chị em học hỏi, đào sâu về gia sản tinh thần Dòng MTG. Tham dự thánh lễ an táng hôm nay có Tổng Phụ trách và chị em đại diện cho 30 Hội dòng MTG Bắc Trung Nam, cả bên Lào, Campuchia và Thái Lan. Các chị em đang tham dự khóa thường huấn tại Sài Gòn, đã sắp xếp lên đây để tiễn biệt cha Phi Khanh. Ngài gắn bó với Hội dòng MTG đến nỗi một Giám mục đã nói vui: Ngài chỉ còn thiếu một cái lúp.

Cha Phi Khanh yêu mến Thánh giá vì ngài là đồ đệ của thánh Phanxicô, một người đã từng mang danh là người ái mộ thánh giá, người đã được in trên mình 5 dấu tích của Chúa Giêsu, như thánh Bonaventura đã mô tả về thánh nhân: “Một ngày kia, đang lúc cầu nguyện ở nơi thanh vắng như thế và lòng sốt sắng hoàn toàn chìm đắm trong Chúa, Đức Giêsu Kitô hiện ra với ngài dưới hình dáng bị đóng đinh vào Thánh Giá. Lòng ngài tan chảy ra khi thấy cảnh tượng ấy, và ký ức cuộc tử nạn của Đức Kitô được in vào nơi thâm sâu nhất của trái tim ngài. Từ đấy, bất cứ khi nào nghĩ đến Đức Kitô chịu đóng đinh, ngài hầu như không thể cầm được nước mắt và tiếng than thở, như sau này, khi gần đến ngày chết, ngài đã tỏ lộ cho các người bạn đồng hành của mình.” (ĐT 1,4)

Chúng ta cám ơn ngài vì cuộc đời phong phú của ngài và cầu nguyện cho ngài để ngài nghe được tiếng nói đầy yêu thương của Chúa:

"

Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh

! "

Gioan TC. Nguyễn Phước, OFM

 

Chia sẻ