Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 22TNB: Sạch và dơ

BTT OFMVN 00
2024-09-01 08:04 UTC+7 550
Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng cũng nhiều khi chiếc áo giúp người ta nên thầy tu hơn, bởi lẽ khi mặc chiếc áo vào thì cử chỉ đi đứng, lời ăn tiếng nói phải đắn đo hơn.

Người ta thường nói : Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng cũng nhiều khi chiếc áo giúp người ta nên thầy tu hơn, bởi lẽ khi mặc chiếc áo vào thì cử chỉ đi đứng, lời ăn tiếng nói phải đắn đo hơn. Ra đường mà mặc áo tu thì mắt đâu được ngó liên ngó láo. Lại có những nơi mà chiếc áo tu không được bén mảng tới. Quả chiếc áo tu cũng giúp người ta nên thầy tu hơn. Nhưng đó là đối với những người đã có một chút gốc tu, thì chiếc áo sẽ gia tăng hoa trái tu hành, còn nếu không, thì như người ta nói : Chiếc áo không thể làm nên thầy tu – bởi nếu được, thì các minh tinh màn bạc, các kịch sĩ khi đóng vai nữ tu đã thành ma sæur hết, và các kẻ giả dạng thầy tu với chiếc áo dòng đi lừa đây đó, là những tu sĩ đàng hoàng !

Chính vì chiếc áo (bề ngoài) không làm nên thầy tu (thực chất bên trong) mà hôm nay Chúa Giêsu dẫn chứng thêm cho chân lý ấy qua đoạn thoại về Sạch – Dơ. Giữ sạch bề ngoài (= chiếc áo) không làm cho người ta sạch bề trong đâu (= nên thầy tu).

1) Thử phác vài nét về sạch-dơ của người Do-thái

Quả thật trong Do-Thái giáo có những điều khoản rõ ràng về sạch, dơ. Sách Lêvi 5 chương liền, từ chương 11-15 trình bày về (1) con vật nào là dơ, vật trên cạn, vật dưới nước ; (2) con người nào là dơ : hoặc bị bệnh, phong, lác, đốm, ung nhọt ; hoặc do đến thời kỳ nào đó thì mắc nhơ : cả đàn ông lẫn đàn bà. Luật còn ghi thêm, do đâu thì bị dơ, dơ bao lâu, làm sao thì hết dơ[1].

Nhưng luật Chúa trong Cựu Ước không qui định phải rửa tay trước khi ăn, phải rửa chén dĩa trước khi dùng. Đây hoàn toàn là tập tục của tiền nhân, mà các người biệt phái và luật sĩ lại tuân giữ tỉ mỉ tập tục đó và bắt các người Do Thái phải giữ. Họ xem đây như một nghi thức chứ không chỉ là vì vệ sinh, vệ sinh là rửa cho sạch tay kẻo ăn uống nuốt vi trùng. Hoặc rửa để ăn cho ngon : Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon.  Không. Dù tay sạch, cũng phải rửa. Và phải rửa đúng bài bản :

Nước rửa: phải đựng trong bình đồng, hoặc bình sành.

Cách rửa : phải rửa từ khuỷu tay trở xuống, chứ không chỉ 2 đầu ngón tay trong nghi thức Thánh lễ mà linh mục làm.

Nhịp rửa: phải rửa 2 lần. Một lần vì “tay dơ,” một lần là để rửa cho sạch hết nước dơ dính ở tay. Vì thế lượng nước phải dùng không ít đâu. Do đó mới có chuyện một Rabbi Abiga Do thái bị tù, mỗi ngày chỉ được cung cấp một lượng nước tối thiểu để uống. Ông không uống, lấy nước đó để rửa tay trước khi ăn, và rồi ông thà chết khát còn hơn là không giữ tập tục rửa tay trước khi ăn.

Trong bài Tin Mừng còn nói thêm cho ta vài tập tục về sạch dơ nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng : không phải là  rửa cho sạch, nhưng phải rửa trước khi dùng, dù đã sạch (như chúng ta mời bà con dùng trà, cũng phải tráng qua một lượt mới rót trà).  Năm 2006, khi còn ở Saigon, một hôm có cặp vợ chồng cựu Phan Sinh ở Đức về, chúng tôi mời dùng cơm trưa. Khi vào bàn, chị vợ xin một chén nước nóng, tưởng chị uống thuốc. Không ! Chị dùng nước đó để nhúng đũa và tráng đĩa … cho sạch, chẳng khác gì người Do Thái thủa xưa. Người Do thái khi đi nơi công cộng về, họ cũng sẽ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Có lẽ tắm rửa cho bảo đảm, vì khi đi nơi công cộng, thế nào mà chẳng có những vật gì dơ, những người dơ mình đụng vào hoặc không đụng thì ở trong khoảng cách đủ để lây dơ, ta về ta tắm cho bảo đảm sạch sẽ trước khi ăn.

Trong sách Gương Phúc cũng có một câu bi quan kiểu đó : Mỗi lần tôi tiếp xúc với người đời, trở về nhà tôi thấy tôi bớt là người hơn  (mất tinh tuyền), nên người Do Thái đi chợ về là… tắm mình để tẩy dơ.

2) Nhưng rồi rửa như vậy, tẩy như thế, có làm cho con người sạch ra không ?

Chúa Giêsu trả lởi cho ta thật rõ ràng : “Xin mọi người nghe tôi nói đây mà hiểu cho rõ : không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ô nhơ được, mà cái gì từ con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế”. Và rồi Chúa Giêsu liệt kê 12 tội phạm từ trong lòng người mà ra : “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.” Vì chính những cái đó từ trong xuất ra mới làm cho người ta ra dơ bẩn, ô uế. Chứ nếu chỉ cần rửa bên ngoài là trong cũng sạch thì dễ quá. Ở dưới dốc, nước nhiều,  chắc sẽ trong sạch hơn ở trên đồi cao này, vì hiếm nước.

Chỉ cần khoác áo cà sa là thành thầy sãi, khoác áo dòng nâu là nên thầy tu Phan xi cậu. Ai làm cũng được.

Chính vì rửa bên ngoài, bên trong không sạch, mà ta thấy ngay những người biệt phái và kinh sư trách cứ môn đệ Chúa. Nếu họ rửa tay hằng ngày, họ sạch sẽ, tâm hồn họ cũng sạch sẽ, tức là thanh thản, thì họ đâu còn ganh tị, bẩn (sic) tâm dòm ngó để ý đến người khác không rửa hầu bắt bẻ, hạch sách.

Ta thấy Chúa Giêsu trách người biệt phái, ta mỉm cười sung sướng, vì ta không như họ. ta có thể lầm và lầm to đó.

Có nhiều người Công Giáo không nghĩ rằng họ sẽ tổ chức một bữa ăn mời khách đến mà trên bàn có vết dơ, trên chén đĩa có vết bẩn và trên quần áo họ dính bụi bậm. Họ phải tẩy đi chứ. Đúng. Nhưng tẩy bề ngoài thôi. Còn khi họ phát ngôn trong bữa ăn thì không phải là sự dơ bẩn nữa mà là sự thô bỉ : họ hạ người này, nói xấu người kia, chửi bới người nọ. Nhưng họ còn khá hơn hạng người, biết làm sạch cả lời nói nữa chứ không chỉ quần áo tay chân. “Ngoài thì thơn thớt nói cười, mà trong thâm hiểm giết người không dao”. Chính cõi lòng với 12 con quỉ mà Chúa Giêsu cảnh cáo làm dơ bẩn con người họ.

Rửa tay không phải là xấu. Rửa tay là tốt nếu trong lòng cũng được rửa. Chiếc áo không phải vô ích, nhưng sẽ có ích rất nhiều nếu người mặc cũng xứng với chiếc áo. Đọc kinh đi lễ là tốt, rất tốt nếu trong lòng cũng có tình mến Chúa yêu người. Lạy Chúa xin cho con đừng giả hình. Ngoài thì đi lễ đọc kinh mà trong thâm hiểm rình mò anh em…

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

 cho ai muốn biết sạch, dơ theo sách Levi :

([1]) Sách Lê-vi 11,1-15,33 (từ chương 11 đến chương 15)



 

Chia sẻ