Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Chúa Nhật 24TNB: Có Mấy Thứ Thập Giá?

BTT OFMVN 00
2024-09-15 18:26 UTC+7 277
Tư tưởng của Thiên Chúa là Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang. Rồi sau đó Đức Giêsu dạy các môn đệ phải từ bỏ mình và hãy “vác thập giá” mà đi theo Chúa.

Hôm qua, thứ bảy 14/9/24 ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, hôm nay bài Tin Mừng có nhắc đến 'vác thánh giá' nên đề tài sẽ là "thập giá".

Phêrô sau khi được điểm 10 vì trả lời xuôi câu hỏi 'Giêsu là ai', lại bị ngay điểm 0, vì chẳng hiểu gì về đường lối của Thiên Chúa : “Satan, hãy lui lại đàng sau, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người”

Tư tưởng của Thiên Chúa là Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang. Rồi sau đó Đức Giêsu dạy các môn đệ phải từ bỏ mình và hãy “vác thập giá” mà đi theo Chúa.

Nếu vác thập giá có nghĩa là mang thánh giá, đeo thánh giá, thì nhiều người trong chúng ta – nhất là các bà các cô, và các chàng hippy cao bồi xưa đã thực thi Lời Chúa triệt để : Họ mang thánh giá trên ngực, giờ họ mang toòn teng cả 2 lỗ tai. Có thời thánh giá nhỏ, có lúc mang thánh giá thật to. Lúc vàng, lúc gỗ….

Mang thánh giá như vậy cũng có điều tốt, vì một cách nào đó làm cho bóng thánh giá hiện diện đó đây. Nhưng cũng có khi – và nhiều khi – 'không' mang những thánh giá như vậy mà vẫn là vác thánh giá thật. Những thánh giá thật đó là những thánh giá nào ? Ta hãy nương theo thánh Giêronimo, để liệt kê  4 loại thánh giá :

 1- Thánh giá vì đạo

-Thánh giá vì đạo đạt tới 'bậc cao' là chết vì đạo, cho dù chết trên thập tự hay chết vì thú dữ xé thây, hay chết vì lưỡi gươm lý hình, thì cũng là vác thập giá tử vì đạo.

Vào những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, ở Roma xa xôi, xa về không gian lẫn thời gian ; ở những nước gần chúng ta hơn như Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines ; hoặc ngay tại quê hương đất nước chúng ta, cách đây hơn trăm rưỡi năm thôi : đã có bao nhiêu kẻ vì muốn theo Chúa Kitô mà đã phải vác lấy thập giá tử vì đạo này. 117 + 1 vị còn đó, lễ kính ngày 24/11:  thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo. Nhật có Phaolo Miki và các bạn, lễ kính 6-2. Đại Hàn có 103 vị tử đạo được ĐGH JP2 đến Seoul phong thánh 1984, lễ mừng 20-9: thánh Kim Taegon và Chung Hasan cùng các bạn. Phi Luật Tân có thánh Laurenso Ruiz và các bạn, kính ngày 28-9 ; và những vị tử đạo tiên khởi Roma, kính ngày 30-6.

Thánh giá vì đạo ở đỉnh cao là Tử vì đạo.

-Thánh giá vì đạo ở 'bậc trung' là những bách hại vì đạo : vì là người công giáo, vì là người theo Đức Kitô mà ta bị trù dập, mất việc, xếp ở cột 12 trong sơ yếu lý lịch 'xưa' !

Cũng có thể được xếp vào 'bậc trung' thánh giá vì đạo, là loại thánh giá đặc biệt, không phải vì đạo mà là 'do Đạo'gây ra. Trong lịch sử ta thấy điển hình có Galilê, bị chính Đạo o ép suýt bị hoả thiêu khi ông chứng minh trái đất quay chứ không phải mặt trời chạy.

Vào khoảng năm 1990, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn  Bình đi “ad limina” ở Roma về, ngài vui mừng, chia sẻ : 'lần này Toà Thánh đã xem tôi là người công giáo rồi' ! Là vì trong quá trình sống chung với anh em sau năm 1975, ngài đã bị báo cáo này nọ, chẳng hạn ngài là giám mục chưa đến nỗi “quốc doanh” nhưng là loại “công tư hợp doanh.”

Có những bổn đạo “được” cha xứ để ý cách riêng, gọi thẳng ra là trù dập, o ép. Thánh giá bởi đạo là thế, tuy không phổ biến, không nhiều, nhưng cũng khá nặng. Nặng hạng trung. 

-Thánh giá vì đạo ở 'bậc thấp' là tuân giữ lề luật của đạo. Chẳng ai bách hại trù dập vì đạo, chẳng ai chặt đầu đóng đinh vì đạo, thì ở mọi thời ta vẫn còn phải vác thập giá vì đạo loại cấp thấp này : Ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh, đi lễ …, đó là những thánh giá do đạo mà ta phải vác nếu ta muốn theo Đức Kitô.

 2- Thánh giá do Chúa [Quan Phòng]

Có khi là chính Chúa gửi tới, có khi là Ngài quan phòng để cho sự việc xảy ra. Thánh giá loại này bao gồm tất  cả những bệnh tật, lo âu, sợ hãi, chán nản, thất bại, mà ta gặp trong cuộc sống. Bi quan hơn  một chút, thì cả cuộc sống là thập giá.

Đã mang tiếng 'khóc' chào đời” – chẳng bé thơ nào – chẳng ai bước chân vào đời mà nở nụ cười cả. Phật thì bảo : "Đời là bể khổ". Bởi đó có thể nói thánh giá loại này được gọi là khổ giá. Nếu vác cho khéo sẽ thành thánh giá.

-Hiệp sĩ Phanxicô vì một cơn bệnh thập tử nhất sinh mà hoán cải thành thánh. Khổ giá biến thành thánh giá.

-Anphôngsô thất bại trước một vụ kiện mà quay về với Chúa. Khổ giá thành thánh giá.

Nhiều người do cha mẹ chết sớm, vác thập giá nuôi bầy em, mà nên những vĩ nhân. Nhiều bạn trẻ thi rớt, nhiều bạn trai bị bồ đá, đau quá, dốc quyết đi tu, đỗ cụ làm cha !

 3- Thập giá do ma quỉ

Ma quỉ có thật chứ không phải chuyện huyền thoại, thần sầu quỉ khốc đâu. Và ma quỉ lại không ở yên. Ma quỉ hành động, hành động tích cực. Cứ đọc sách 'Job' thì biết. Những trang đầu của sách 'Sáng Thế' cũng vậy. Và nhất là trong cuộc đời của Chúa Giêsu, quỉ ma cũng không buông tha Ngài.

Vì thế thập giá do ma quỉ là những chước cám dỗ: 'mưu ma chước quỉ'. Ở thời nào cũng có, ở nơi nào cũng có, ở lứa tuổi nào cũng có, ở ngành nghề nào cũng có.

Nghề buôn thì có cám dỗ làm giàu bằng con đường tắt, con đường lậu ; nghề xây cất thì có cám dỗ xây một, cất (giấu) hai.

Tuổi trẻ có cám dỗ về ăn chơi phung phí. Tuổi già có cám dỗ về kể lể thành công. Học sinh có cám dỗ cóp bài, tìm phao. Công nhân có cám dỗ câu giờ lao động.

Người chồng có cám dỗ thấy vợ người khác duyên dáng thuỳ mị hơn bà xã ở nhà. Người vợ có cám dỗ thấy chồng nhà bên cạnh tháo vát lanh lợi hơn ông chồng nhà mình…

Ta không thể kể xiết, bởi có những cám dỗ tinh vi mưu mô hơn nữa kìa. Nhất là những cám dỗ len lỏi vào cả trong việc đạo đức cầu kinh : làm phúc lấy tiếng, đi lễ lấy 'le'.

Vác những cám dỗ đó, mà không 'sa' vào những cám dỗ đó, nhưng vác đem đi 'xa' : chứ không phải 'sa chước cám dỗ' (trong kinh Lạy Cha) – quả là một cách vác thập giá theo chân Chúa.

 4- Thánh giá do chính mình

Đây là tên gọi của những hy sinh, hãm mình. Hy sinh, hãm mình là những điều mình đáng ra không phải làm, nhưng mình làm thêm. Đáng ra mình được hưởng, nhưng mình không hưởng.

Được xem Tivi giải trí, mình hãm mình không xem.

Không phải quét nhà, nhưng hy sinh cầm cái chổi…

Người ta kể Phanxicô thường rắc thêm tro vào thức ăn, để ăn bớt ngon hơn hầu hãm mình. Mặc áo, thì lót thêm ít vải gai bố hầu ép thân ép xác (như mặc áo nhặm).

Phải đi với người ta một dặm, mình hi sinh đi thêm một dặm nữa. 

Gương các vị thánh về hy sinh cũng đầy dẫy và trong gia đình, gương hi sinh của cha mẹ anh chị cũng không thiếu.

Mẹ thức thêm để vá cho con chiếc áo – cha làm thêm giờ để lo cho con một món đồ chơi. Mẹ nhịn miếng thịt để cho con trai lớn, bố nhường trái chuối cho bé út trong nhà

Trên đây là ta dựa theo cách liệt kê của thánh Giêrônimo để mô tả 4 loại thập giá mà ta thường phải vác : thập giá vì đạo, thập giá vì Chúa, thập giá do ma, thập giá bởi mình.

Nhưng cũng có nhiều cách vác.Vác mà càu nhàu lẩm bẩm thì giá đã nặng lại nặng thêm mà không sinh ích gì. Còn vác cùng với Chúa, theo chân Chúa, thì ánh sáng mới loé ở chân trời.

Per crucem ad lucem : 'qua thập giá đến ánh sáng' là một châm ngôn của Dòng Mến Thánh Giá, được sáng lập từ Việt Nam. Và gẫm Năm Sự Thương, thứ tư thì ngắm : Đức Chúa Giêsu vác thánh giá – Ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa. Hãy “vác thánh giá theo chân Chúa,” sẽ thấy tương lai tươi sáng cuối đường hầm vậy.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Chia sẻ