Khi sống lại, người ta…
Cách đây ít lâu, trong giờ giáo lý về đề tài “Tứ chung, những sự cuối cùng,” dành cho các anh chị sắp theo Đạo… Tôi giật mình khi có một chị giơ tay phát biểu : “Em không tin.” Chả là hôm đó đang nói về đề tài : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”… nên phát biểu “Em không tin” tức là “Em không tin có sự sống lại”.
Không phải chỉ có cô học viên đó mà cả tỉ người hiện nay cũng chẳng tin. Mà không chỉ thời nay, thời đại khoa học kỹ thuật, mà thời xưa, thời Đức Giêsu, cũng đã có không ít người chẳng tin, trong đó có phái Sađốc mà hôm nay Luca ghi lại cho chúng ta hay. Tin xác loài người ngày sau sống lại là một niềm tin khó nuốt nhất của Kitô giáo, của Đạo chúng ta.
Bởi vì nếu tin xác loài người sẽ sống lại, thì cả nghìn câu hỏi sẽ đặt ra mà không giải đáp : Sống lại tất cả chỗ đâu mà ở ? Lấy gì mà sống ? Lấy xác nào mà sống lại: xác ông già nếu mình chết lúc già, xác trẻ thơ nếu mình chết khi còn măng sữa, xác xồn xồn nếu mình tắt thở tuổi trung niên, hay là xác nào ? Hoặc xác không còn một tí gì nữa : hoả thiêu rồi, trở thành bụi mùn theo thiên niên kỷ, hoặc vung vãi tứ tung không thu được thì lấy xác nào mà sống lại ? Và khi sống lại rồi như vậy chuyện vợ chồng xưa sẽ ra làm sao ? Đúng là cả trăm câu hỏi. Chỉ xin dừng lại ở câu hỏi cuối phù hợp với bài Tin Mừng hôm nay : khi sống lại chuyện cưới vợ gả chồng sẽ thế nào – nếu như người Sađốc đặt vấn nạn cho Chúa : một bà kia lần lượt lấy 7 anh em ruột. Khi sống lại, bà là vợ của ai, vợ anh cả hay vợ của em út ?
Cũng phải cám ơn phái Sadoc vì nhờ một hạch hỏi có vẻ không tưởng của họ : 7 anh em ruột phải lấy một vợ, mà ta có được câu trả lời là bài dạy duy nhất của Chúa Giêsu về sự sống lại sẽ thế nào.
Một vài lần Đức Giêsu có nói về sống lại: Ta là sự Sống lại. Nhưng sống lại sẽ thế nào, thì đây là bài dạy duy nhất của Chúa Giêsu trả lời cho bè Sadoc : khi sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa.
Câu trả lời đầy đủ của Chúa Giêsu là : Con cái đời này mới cưới vợ lấy chồng, chứ những ai xét là xứng đáng hưởng hạnh phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng nữa, vì họ giống như các thiên thần. Họ là con cái của sự sống lại.
Từ câu trả lời của Chúa, ta thử đặt thành 2 vế :
1. Vế xuôi : Tại sao khi sống lại, người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa ? Chúa Giêsu đưa ra 2 lý do :
a) Vì họ không chết nữa. Tai sao không chết lại liên quan tới chuyện hôn nhân ? Vì hôn nhân là nhằm sinh con đẻ cái, một hành động kéo dài cuộc sống của mình. Khi mình chết đi thì sự sống của mình sẽ nằm nơi con cái. Nói cách khác, sinh con đẻ cái, cha truyền con nối là muốn mình được sống mãi trong con cái. Bố họ Nguyễn con họ Nguyễn cháu nội họ Nguyễn chắt nội họ Nguyễn ; Bố là Ken-nơ-đy, con là Kennedy, cháu cũng Kennedy…. Có con cái thì chết mà vẫn sống.
Vậy khi sống lại, không còn chết nữa thì chẳng cần gì phải kéo dài sự sống nơi con cái, do đó chẳng có chuyện hôn nhân nữa. Nhưng lý lẽ này ít thuyết phục được ai, nên Chúa Giêsu đưa thêm một lý lẽ nữa, đó là :
b) Khi sống lại người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa, vì người ta sống như các thiên thần. Chúng ta giải thích thêm : Chúa nói : khi sống lại, người ta sống tựa như các thiên thần.
Chữ “như” ở đây không phải là giống hệt đâu. Bởi vì thiên thần là loài thiêng liêng – và chỉ thiêng liêng mà thôi. Còn con người là thiêng liêng và cả xác thể nữa, dù cho xác đó là xác phục sinh. Con người sống lại vẫn khác thiên thần. Vì thế chữ NHƯ mà Chúa Giêsu nói nhằm đến “công việc” : như các thiên thần, nghĩa là chẳng còn mải lo chuyện gì khác ngoài việc phụng sự tán dương yêu mến Chúa. Do đó cũng chẳng còn lo chi đến chuyện cưới gả chồng con vợ cái. Để hoá giải những thắc mắc mà trong phần đầu chúng ta đề ra : nào là chỗ đâu mà ở, lấy gì mà sống, hồn nhập xác nào đây, xác Mỹ hay xác Việt, xác già hay trẻ, xác gãy chân cụt tay hay xác lành lặn tươi tốt; hay đã tiêu tán ra ma, lấy gì mà nhập lại, thì chữ “như” các thiên thần trong câu trả lời của Chúa giúp ta thảnh thơi.
“Như” có nghĩa là tựa tựa, hao hao. Thiên thần là loài thiêng liêng, sáng láng. Ta sống lại cũng hao hao sáng láng như vậy. Đến đây ta nghe các nhà khoa học – mà là khoa học cao cấp: khoa học nguyên tử lên tiếng về xác sống lại : Họ nói : chuyện xác sống lại không phải là chuyện khó tin vì vật chất và ánh sang có họ gần với nhau.
Khi đạt đến một điều kiện nào đó thì vật chất biến thành ánh sáng (đây là khởi điểm của bom nguyên tử) và ánh sáng kết tinh lại là vật chất.
Vậy tại sao chúng ta lại ngạc nhiên, lại khó tin khi theo chương trình của Tạo Hoá : thân xác vật chất của chúng ta sẽ biến thành ánh sáng. Nếu uranium, plutonium huỷ đi, phải vỡ nguyên tử nó ra thì mới biến thành sức nóng năng lượng ánh sáng chói loà được, thì thân xác của chúng ta cũng phải chết đi, huỷ ra, tan ra, mới trở thành thân xác sáng láng vinh quang được. Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã lấy hình ảnh hạt lúa để so sánh với sự sống lại. Hạt lúa có chết đi có huỷ tan mới nảy sinh cây lúa.
Vậy chẳng có gì khó tin khi đến một ngày nào đó thân xác tan rã của chúng ta biến thành thân xác sáng láng tựa như thiên thần.
Ta đã bước vào tín điều khó nuốt nhất: xác loài người sống lại. Nếu xác sống lại cũng giống như xác bây giờ, cũng ăn cũng ngủ cũng lập gia đình… thì quả khó tin; nhưng nếu là xác sáng láng thì lại được, khả tín, có thể tin.
2. Vế ngược. Để kết thúc, ta từ câu trả lời của Chúa ta mở ra một góc cạnh khác. Nếu khi sống lại trên thiên quốc, người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa, thì khi đang sống tại trần gian, những người không lấy vợ lấy chồng, họ là ai ? Thưa họ là những người sống trước, những người tiên báo cuộc sống phục sinh mai sau. Đó chính là các tu sĩ với lời khấn khiết tịnh, các linh mục với lời hứa độc thân. Cuộc sống của họ minh chứng và tiên báo cho sự sống lại mai sau. Nhưng ngoài họ ra, tất cả những ai đang sống độc thân, tự nguyện hay do cảnh ngộ, những người không lấy ai, hay chẳng ai lấy, những người ở vậy nuôi con và những người không đi bước nữa, họ cũng cách này cách khác sống trước mầu nhiệm phục sinh. Tất cả đều có thể là dấu chỉ cho sự phục sinh mai sau. Vì khi thân xác sống lại, người ta không còn dựng vợ gả chồng nữa. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm