Skip to content
Main Banner

Phục Sinh 2020 – Nốt lặng của bản nhạc cuộc sống nhân loại

BTT OFMVN
2020-04-10 23:00 UTC+7 120

Nói đến âm nhạc, người ta nghĩ ngay đến ba yếu tố chính làm nên bản nhạc khi trình tấu. Đó là cao độ, trường độ và cường độ. Một yếu tố không kém phần quan trọng là dấu lặng trong một bản nhạc. Dấu lặng ở trong bản nhạc biểu thị sự dừng lại/nghỉ (rest) trong một khoảng thời gian nhất định. Chức năng của dấu lặng để ngăn cách các tiết nhạc (câu nhạc) và tạo thời gian nghỉ cho người biểu diễn. Đồng thời nốt lặng thể hiện sự trầm lắng hay cao trào (cường độ) trong âm nhạc. Nếu ví cuộc sống nhân loại là một bản nhạc mà người nhạc sĩ tài năng là Thiên Chúa, thì Phục Sinh năm 2020 có phải là một nốt lặng trong bản nhạc đó không?

Bước vào mùa Chay năm nay, nhân loại đối diện với thảm họa dịch Virus Corona. Nhiều giáo hội địa phương trên thế giới đã phải ngưng các thánh lễ công cộng, ngưng các bí tích cử hành chung, ngưng các buổi cầu nguyện chung, hành hương... Trước thảm họa dịch bệnh ngày càng trầm trọng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi và xin ơn chữa lành cho thế giới vào ngày 27 tháng 3 năm 2020. Tam Nhật Thánh, những ngày cao điểm của năm phụng vụ năm nay nhằm vào dịp cao điểm của đại dịch. Đã có hơn một triệu sáu người nhiễm bệnh, và gần một trăm ngàn người đã chết.[1] Hầu hết các nhà thờ, nhà nguyện bị đóng cửa. Riêng tại Việt Nam, tất cả nhà thờ nhà nguyện, không có lễ chung, không có tụ tập cầu nguyện, cử hành bí tích. Tất cả thánh lễ chỉ được cử hành âm thầm hoặc trực tuyến để mọi người hiệp thông. Giáo dân khao khát được tham dự thánh lễ, được rước Mình và Máu Chúa. Nhà thờ không còn là nơi đến để cùng nhau thờ phượng Chúa nữa mà là nơi cầu nguyện riêng tư. Các linh mục, đặc biệt là cha xứ phải dâng lễ âm thầm trong khi hàng ngàn con chiên của mình thì khao khát được dự lễ. Có ít nhất sáu mươi Linh mục ở Italia qua đời vì dịch bệnh.[2] Các bí tích, đặc biệt là bí tích hòa giải, không được cử hành. Người thân qua đời cũng không có đông đảo bà con họ hàng, giáo xứ đến hiệp thông cầu nguyện. Các lễ cưới cũng không được tổ chức ở nhà thờ với đông đảo người tham dự. Đầu tháng tư vừa qua, ở bang Michigan, nước Mỹ, lễ cưới của anh Dan Stuglik và cô Amy Simonson được tổ chức ở nhà thờ với khoảng một trăm người giấy carton hiện diện.[3] Quả là một thiệt thòi lớn lao khi người Công giáo sống trong tình cảnh như vậy.

Dịch bệnh còn đe dọa nền kinh tế khủng khiếp. Nhiều công ty xí nghiệp phá sản hoặc phải đóng cửa, nhiều người thất nghiệp, không có thu nhập để mua lương thực. Nhiều người nghèo đang cùng khốn vì không có lương thực, thực phẩm. Sự quan tâm của chính phủ hay của các nhà hảo tâm cũng không tới được nhiều nơi nghèo khó. Tình trạng đói kém hoành hành khắp nơi. Một bầu khí kinh tế ảm đạm đang bảo trùm cả thế giới. Vấn đề y tế cũng không mấy khả quan. Nhiều nơi, bệnh nhân không được chăm sóc y tế vì các bệnh viện quá tải và dụng cụ y tế khan hiếm. 

Thế nhưng, bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch bệnh, còn có những dấu hiệu tích cực. Lâu nay, con người quá tin tưởng vào sức mạnh của chính mình để có thể chống lại thiên nhiên, chống lại bệnh tật. Đây là cơ hội để con người nhìn lại chính mình. Con người có ảo tưởng quá về sức mạnh của mình dựa trên những thành tựu đạt được về khoa học kỹ thuật? Cả thế giới run sợ trước con virus nhỏ bé. Con người không toàn năng như mình nghĩ. 

Con người đi vào vòng xoáy của công việc, của cuộc sống phát triển mà quên đi đời sống nội tâm. Khi nào con người cũng cảm thấy bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi. Đây là cơ hội để con người sống chậm lại, để có thời gian suy niệm về cuộc sống, để có thời gian chăm sóc bản thân hơn. Các gia đình không có thời gian ăn chung, chơi chung với nhau. Nay vì dịch bệnh, mọi người ở nhà nhiều hơn, sống với nhau nhiều hơn, ăn chung, uống chung, chơi chung với nhau. Có điều kiện chăm sóc nhau nhiều hơn. Hơn nữa, không còn đi tham dự lễ ở nhà thờ như trước, mọi người quy tụ lại bên nhau, cùng trang hoàng bàn thờ, cùng dự lễ trực tuyến (online) với nhau. Lúc này nhà thờ là mỗi gia đình, nhà thờ cũng chính là tâm hồn mỗi người.

Khi mọi người ngưng công việc, hạn chế đi lại thì người ta sẽ có thời gian nhiều hơn cho chính mình. Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cuộc đời và có những phản tỉnh cần thiết cho chính mình. Tại sao sự dữ lại đến với con người như thế? Bản thân con người có liên quan gì đến sự dữ hay không? Đó là những câu hỏi để mỗi người nhìn lại chính bản thân mình. Kinh Thánh luôn liên kết bệnh tật, sự dữ với tội lỗi của dân Chúa. Tội lỗi là nguồn gốc sâu xa của sự dữ. Tội lỗi có thể giết chết sự sống siêu nhiên và gây hậu quả tai hại cho thân xác. Đại dịch bệnh là cơ hội để con người phản tỉnh, để sám hối về những thiếu sót của mình, những lỗi lầm của mình. Dịch bệnh còn để con người tìm ra những dấu chỉ của thời đại. Qua đó, con người tha thiết cầu nguyện và sống công chính theo Phúc Âm.[4]

Đứng trước đại dịch, nhiều người đã có sáng kiến sống tình liên đới để cùng nhau vượt qua khó khăn. Ở tầm mức quốc gia, nhiều nước đã cộng tác giúp nhau đối phó với dịch bệnh. Nước Mỹ hỗ trợ tài chánh cho một số nước có người nhiễm Virus Corona.[5] Nước Đức đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm Virút Corona để điều trị. Trong số đó, cuối tháng 3, nước Đức đã tiếp nhận 47 ca từ Italia, và một số ca từ Pháp.[6] Ở phương diện cá nhân, nhiều người đã có sáng kiến để giúp người khác vượt qua khó khăn dịch bệnh. Nhiều bác sĩ, y tá và nhân viên y tế đã làm việc quá sức để giúp bệnh nhân nhiễm bệnh. Trong đó nhiều người đã chết vì kiệt sức hoặc vì nhiễm bệnh. Một linh mục ở Italia có một nghĩa cử cao đẹp là hy sinh cho người khác. Linh mục Giuseppe Berardelli (72 tuổi) nhiễm virus Corona đã qua đời vì nhường máy thở cho bệnh nhân khác.[7] Ở Việt Nam, rất nhiều sáng kiến đã được đưa ra để cùng nhau vượt qua khó khăn dịch bệnh. Máy ATM phát gạo tự động miễn phí của anh Tuấn ở Q.Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh. Máy ATM đã chính thức đi vào hoạt động ngày 6 tháng 4 năm 2020. Nơi đây đã giúp cho nhiều người nghèo có gạo ăn.[8] Nhiều người đã có sáng kiến mua lương thực, thực phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để tặng miễn phí cho những người cần. Một câu khẩu hiệu xuất hiện nhiều nơi là "Nếu khó khăn hãy lấy 1 phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Hay nhiều câu tương tự như vậy xuất hiện nhiều nơi. Các sáng kiến được đưa ra đã phần nào xoa dịu nhiều người đau khổ, nhiều người khó khăn vì hậu quả của dịch bệnh.

Đại dịch đã đem đến bao thách đố lớn lao cho nhân loại trên mọi lãnh vực của cuộc sống. Cần một thời gian dài, cần nhiều công sức, cần nhiều tiền của, nhân loại mới có thể giải quyết được hậu quả của nó. Đại dịch cũng đã làm cho lễ Phục Sinh năm nay phải diễn ra trong âm thầm, riêng tư. Điều mà chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Giáo Hội. Bên cạnh đó, đại dịch cũng là cơ hội cho nhân loại nhìn lại chính mình để phản tỉnh, cơ hội để nhân loại thay đổi đời sống để sống công chính hơn, cũng như con người sống tình liên đới yêu thương hơn.

Như vậy, nếu ví cuộc sống nhân loại một bản nhạc thì Phục Sinh năm nay là một nốt lặng trong bản nhạc đó. Nốt lặng để phân biệt tiết nhạc (câu nhạc) với nhau; Phục Sinh năm nay là cột mốc để đánh dấu thời kỳ trước cao điểm dịch bệnh và sau cao điểm của dịch bệnh. Dấu lặng biểu thị sự dừng lại/nghỉ (rest) để người biểu diễn lấy hơi, lễ Phục Sinh năm là thời điểm nhân loại “dừng lại” hoặc “nghỉ” để lấy “hơi” cho một khởi đầu mới. Lấy “hơi” đó là dịp  để phải tỉnh, sám hối những thiếu sót, lầm lỗi, sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Hơn nữa, nốt lặng còn làm nỗi bật sự sâu lắng, cao trào của bản nhạc, tạo nên nét đẹp và thú vị của bản nhạc. Phục Sinh năm nay sẽ là cột mốc để cho bản nhạc cuộc sống nhân loại thêm phần sâu lắng, đẹp đẽ và thú vị khi nhân loại cảm nhận được sự bất lực của mình trước cuộc sống. Nhờ đó, nhân loại nhận ra rằng mình không toàn năng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật như mình nghĩ. 

Sự đẹp đẽ và hoàn mỹ của bản nhạc cuộc sống đó chính là sự tài tình của người nhạc sĩ viết ra nó. Đó chính là Thiên Chúa. Khi nhân loại tin nhận Thiên Chúa là tác giả của cuộc sống và yêu mến Người, con người sẽ hướng đến hạnh phúc viên mãn. Vì Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28). Điều quan trọng là nhân loại có thực sự tin nhận và yêu mến Thiên Chúa hay không?

Tam Nhật Thánh 2020

FX. Nguyễn Văn Huy OFM

 [1] Số liệu cập nhật ngày 10/04/2020, từ wedside: https://tuoitre.vn/dich-covid-19-sang-10-4-the-gioi-hon-1-6-trieu-ca-nhiem-thu-tuong-anh-roi-khoa-cham-soc-dac-biet-20200410053951711.htm

[2] x. https://angelusnews.com/news/world/at-least-60-italian-priests-have-died-after-contracting-coronavirus/

[3] x. https://vtv.vn/doi-song/my-tu-tao-hinh-khach-moi-dam-cuoi-bang-bia-carton-20200403090355968.htm

[4] x. Đức Giám Mục Giuse NGUYỄN NĂNG, Thư Gửi dân Chúa Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 3 năm 2020.

[5] x. https://tuoitre.vn/my-vien-tro-cac-nuoc-chong-dich-covid-19-gom-ca-viet-nam-20200330224623351.htm

[6] x. https://tuoitre.vn/duc-dieu-tri-nguoi-benh-covid-19-cho-cac-nuoc-chau-au-2020033010264991.htm

[7] x. https://vnexpress.net/linh-muc-qua-doi-sau-khi-nhiem-ncov-4074394.html

[8] x. https://thanhnien.vn/doi-song/atm-gao-giup-nguoi-ngheo-sai-gon-trong-dich-covid-19-mong-manh-thuong-quan-tiep-suc-1207579.html

Chia sẻ