Thứ Sáu Tuần Thánh: Suy Tôn Cây Gỗ
Hôm nay chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, trong đó có một phần mà chỉ ngày thứ sáu tuần thánh mới có, đó là cử hành nghi thức gọi là Suy Tôn Thánh Giá. Nói như vậy, chắc chẳng ai ngạc nhiên. Nhưng nói kiểu khác, đúng với từ của phụng vụ hơn, có lẽ sẽ làm ta hơi giật mình: Hôm nay chúng ta suy tôn cây gỗ. Trên đồi Can-vê xưa, có ba cây gỗ, ta sẽ kính lạy cây gỗ ở giữa, cây mang thân xác hình hài Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, như lời tung hô: "Đây là gỗ cây thập giá, nơi Đấng cứu độ trần gian đã được treo lên. Ta hãy đến mà thờ lạy."
Phải, Giáo Hội không ngần ngại dùng chữ "thờ lạy," một thái độ chỉ dành cho một mình Chúa, chứ Dức Mẹ, các thánh… cũng không ai được nói thờ lạy cả, mà Giáo Hội hôm nay nói, thờ lạy cây gỗ, chắc ta sẽ ngạc nhiên, chẳng khác nào ta nghe dân làng quê thờ lạy cây đa đầu đình, cây tre trăm mắt. Cây đa đầu đình kia còn sống, còn xanh lá tốt tươi chứ cây mà Giáo Hội tôn thờ hôm nay, là cây gỗ, tức là cây đã chết khô rồi mới cưa làm gỗ, ấy vậy mà cây gỗ khô này đã sinh trái. Trái của nó, là quả sự sống. Trái với cây xum xuê tươi tốt trong vườn địa đàng, mang lại quả tử, mà trước đây nhân loại đã chết vì một cây tươi, cây được gọi sự sống, thì nay nhờ cây gỗ khô mà được sống.
Trong Cựu Ước, đã có những hình bóng ám chỉ về cây gỗ, cây thập tự mà sau này Chúa Giê-su sẽ dùng để cứu thoát :
- Nào chẳng phải Noe đã được cứu thoát khỏi lụt hồng thuỷ bằng cây gỗ, mà Noe thừa lệnh Chúa đóng làm tàu đó sao?
- Gậy của Môse là gì: Khi thì cây gậy đó biến nước thành máu làm cho vua dân Ai Cập hoảng sợ mà hứa giải thoát cho Dân Chúa, khi thì nó biến ra con rắn để rồi nuốt trửng các con rắn khác của các thầy phù thuỷ Ai Cập trong một cuộc đối đầu để xin giải thoát dân Israel. Cũng gậy Mai-sen đó, khi thì dồn nước biển Đỏ lại hai bên như tường dựng đứng để cho Dân chúa đi qua, khi lại xua nước biển ập lại vùi lấp quân thù để Dân không bị bắt trở lại cuộc sống nô lệ. Cũng chính cây gỗ, cây gậy của Mai-sen đập vào tảng đá cho dân có nước để uống, và dĩ nhiên để sống.
- Abraham cũng cho ta thấy trước về cây gỗ thập giá, khi chính Abraham đặt đứa con duy nhất của mình lên giá gỗ (củi cũng là gỗ) mà củi này do chính con ông kiếm và vác lên đồi. Chúa Giê-su cũng tự mình vác cây gỗ lên đồi và người ta đặt Ngài nằm trên đó, không phải để đốt như Abraham đốt người con độc nhất Isaac, nhưng là để giương lên cao. "Bao giờ ta được (bị) giương lên cao, ta sẽ lôi kéo mọi sự lên cùng ta."
Cây gỗ nơi Chúa bị giương cao lên đó, hôm nay ta thờ lạy. Thờ lạy như thờ lạy chính Mình Máu Chúa. Chỉ trong ngày hôm nay thôi, giờ suy tôn gỗ thập giá, ta mới có những cử chỉ tôn thờ gỗ này. Cũng bái gối, có khi ba lần như trước đây, cũng có đèn chầu hoặc nến hai bên, y như thờ lạy Thánh Thể vậy… Vì cây gỗ này đã thấm Máu Con Chúa chí ái, Đấng chết cho ta sống.
Trong công thức suy tôn thập giá sau lời nguyện chung long trọng, chúng ta sẽ nghe: "Đây là gỗ cây thập giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian, ta hãy đến mà thờ lạy… Chứ không phải công thức "đây là Đức Giêsu, đấng chịu treo trên thập giá, ta hãy đến bái lạy Người".
Năm nay ta dùng thánh giá gỗ, tạc hình tượng Chúa cũng bằng gỗ, để làm nổi hơn cây gỗ. Tất cả là gỗ.
Nếu cây gỗ thập giá có giá trị như thế, vì nó mang lại sự sống, thì trong cuộc sống của ta có nhiều thập giá, không phải nhất thiết bằng gỗ, bằng đá, bằng đồng, mà có thể bằng mọi thứ vật liệu, nếu nó mang lại sự sống cho ta, ta hãy tôn kính nó.
Người ta kể rằng có vị linh mục kia nói với dân chúng đến tham dự lễ suy tôn thập giá, rằng:
Ai có thánh giá, thì giơ cao lên, tôi sẽ thánh hoá và xin Chúa làm phép cho. Một ông chồng liền nâng bổng bà vợ lên. Đối với ông, bà là thánh giá của ông mà ông phải vác. Ngược lại, bà phải vác thập giá là ông, cũng nhiều không kém, có khi hơn.
Lại có một bà kia, lúc nào cũng mang trong ví mình tấm hình của người chồng. Chồng mừng thầm (mà lầm !) hỏi tại sao vậy?
-Bởi vì khi em gặp bất cứ khó khăn, đau khổ nào, dẫu là không thể giải quyết, em nhìn hình anh, thế là mọi khó khăn tan biến.
Chồng hãnh diện : Thế ra anh cũng có uy quyền trên em ghê !
-Vợ tiết lộ : mỗi khi gặp khó khăn đau khổ, em nhìn hình anh mà tự nhủ, làm gì có khó khăn nào lớn hơn cái lão này nữa đâu !
Hôm nay suy tôn cây gỗ cứu độ, chúng ta hãy nhớ trong cuộc sống chúng ta có nhiều cây, nhiều loại, nhiều thứ cũng sẽ mang lại cho ta cứu độ, đó là những khổ giá, hãy vác cho khéo để nó biến thành thánh giá mang lại quả trường sinh. mang lại phúc đời đời.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm