THƯ CỦA ANH TỔNG PHỤC VỤ, MỪNG GIÁNG SINH 2023
Tải xuống
Gửi tất cả các Anh em trong Dòng
Gửi các Nữ tu Chiêm niệm của gia đình Phan sinh
Gửi các Chị em Dòng Ba tại viện, và các Anh chị em gắn bó với Dòng.
“Đây là ngày Chúa đã làm nên: nào chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ! Vì Hài Nhi cực thánh và dấu yêu đã được ban tặng cho chúng ta, đã sinh ra cho chúng ta ở ngoài đường, được đặt nằm trong máng cỏ vì Người không có chỗ trong lữ quán.”[1]
Đây là những lời được Thánh Phanxicô sử dụng khi ngài cầu nguyện cùng với các anh em của mình vào ngày Giáng sinh.
Trong Mùa Vọng và Giáng Sinh 2023 này, tôi mong muốn làm điều tương tự với Anh chị em, trong một thế giới bị tàn phá bởi bóng tối và những tia chớp của chiến tranh và bạo lực. Chúng ta đặc biệt nghĩ đến Thánh Địa, nơi Chúa muốn sinh ra trong nghèo khó và chết trong khó nghèo, và nơi mà nỗi thống khổ của Người vẫn tiếp tục.
Thánh vịnh trên, do Phanxicô sáng tác, bắt đầu bằng một lời mời gọi hãy vui lên, một điều mà ngày nay dường như khó khăn hơn bao giờ hết. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể hạnh phúc giữa rất nhiều dấu hiệu của cái chết và trước một tương lai không chắc chắn như vậy? Liệu chúng ta có quyền vui mừng khi rất nhiều người bị tước đoạt hòa bình và cả sự sống không? Vậy thì vào lúc này, làm thế nào chúng ta có thể cảm nghiệm và loan báo niềm vui Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh?
Tôi tin rằng chúng ta đang được yêu cầu học cách nhận ra những điều này bên trong chúng ta, đang ngăn cản chúng ta thực sự trải nghiệm niềm vui và sự bình an này.
Đó là lý do tại sao tôi muốn lôi kéo sự chú ý của chúng ta đến sự hiện diện bên trong chúng ta của cái mà truyền thống tâm linh của chúng ta gọi là tám ý nghĩ xấu xa - những thái độ làm hỏng niềm vui và sự bình an của chúng ta.
Tính tham ăn bóp méo mối quan hệ của chúng ta với đồ ăn, như thể chúng ta có thể thỏa mãn bản thân và tìm thấy hạnh phúc bằng cách ăn uống quá độ. Không chỉ vậy, thói tham ăn còn khơi dậy dục vọng, làm biến dạng mối quan hệ của chúng ta với cơ thể và với tính dục của chúng ta, vốn không còn được coi như một phương tiện của gặp gỡ mà là phương tiện của chiếm hữu.
Sự tức giận làm biến dạng mối quan hệ của chúng ta với người khác, bởi vì nó ràng buộc chúng ta với những ý tưởng và quan điểm của chính mình, những điều mà sau đó chúng ta bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Điều này bộc lộ sự huênh hoang và kiêu ngạo nơi chúng ta, làm méo mó mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với mọi việc chúng ta làm, bởi vì chính chúng ta chiếm hết không gian sẵn có.
Nỗi sợ chết có thể khiến chúng ta muốn tích trữ nhiều thứ, dẫn đến sự hám lợi, vốn là một mối quan hệ méo mó với của cải và tiền bạc. Và một suy nghĩ khác làm biến dạng mối quan hệ của chúng ta với thời gian và không gian, đó là acedia,[2] cái ác đen tối tấn công chúng ta vào buổi trưa của cuộc đời, khiến chúng ta tin rằng có một nơi nào đó và một nghề nghiệp nào khác sẽ tốt hơn cho chúng ta, và không ai hiểu được điều này - acedia cũng đặt chúng ta vào trung tâm của mọi việc. Sẽ không có niềm vui nếu chúng ta sống như vậy, và đó là lý do tại sao nỗi buồn cũng bủa vây chúng ta, làm tổn hại đến mối quan hệ của chúng ta với thời gian, và chúng ta chịu đựng nó chỉ vì chúng ta có cảm giác nhức nhối rằng mọi thứ đều qua đi.
Tôi muốn quay trở lại cội nguồn của sự ác xa xưa trong chúng ta, bởi vì bạo lực của khủng bố và chiến tranh, với tất cả những gì nó gây ra, đưa chúng ta tiếp xúc với cái giếng sâu này của những suy nghĩ và cảm xúc đang ăn mòn hòa bình và niềm vui trong chúng ta.
Chính từ quan điểm này mà chúng ta nhận ra rằng chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về sự ác của thế giới, với việc nó tuyên bố thay thế Thiên Chúa. Cái ác không phải là chuyện đùa. Thánh Phaolô nói rằng có điều gì đó đang cản trở sự mặc khải trọn vẹn về Chúa “trong sự huy hoàng khi Ngài đến”[3] và chúng ta không biết đó là gì và là ai. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta là những người xa lạ và những khách lữ hành trong cuộc đấu tranh này, và chúng ta cần phải cảnh giác khi chờ đợi Chúa đến. Đó là lý do tại sao chúng ta không sợ hãi trước những dấu chỉ của thời đại chúng ta đang sống, cho dù chúng có bi thảm đến đâu. Khi chúng ta chờ đợi Chúa, chúng ta chú ý giải thích chúng bằng đức tin, để tình yêu của Người biến đổi tâm hồn và hành động của chúng ta, “để Thiên Chúa là tất cả trong mọi người”[4]
Do đó, chúng ta hãy để cho Chúa đến soi sáng vùng tối tăm này trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những nhân đức mà Chúa Thánh Thần thông truyền cho chúng ta. Như Thánh Phanxicô nhắc nhở chúng ta, đó là niềm vui và sự đơn sơ, nghèo khó, khiêm nhường, bác ái và vâng phục; chính những nhân đức này đánh bại những tư tưởng xấu xa và hướng chúng ta về Chúa[5], để niềm vui đức tin và việc bước theo Chúa Kitô bùng lên, làm nảy sinh một cuộc sống tràn đầy ánh sáng thay vì thất bại và buồn bã.
Cuộc hành trình này có thể thực hiện được bằng cách đi theo bước chân của Thánh Phanxicô, người ở Greccio chào đón Chúa đến trong Bí tích Thánh Thể; «Này đây, hằng ngày Người hạ mình xuống như xưa Người rời ngai báu mà đến trong lòng Đức Trinh Nữ. Hằng ngày chính Người đến với chúng ta, dưới một hình thức khiêm hạ; hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha để ngự xuống trên bàn thờ»[6] .
Chính sự tự bỏ mình của Chúa đã mở ra cho chúng ta con đường đến với những nguồn của sự bình an và niềm vui trong sự hiệp nhất với mọi tạo vật. Thật vậy, trong Bí tích Thánh Thể - trong Chúa Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần - chúng ta có thể dâng trả về cho Chúa Cha một Tạo Thành “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở”[7].
Bình an, niềm vui và tiếng than thở của tạo vật không phải là một niềm vui rẻ tiền, mà là niềm vui hoàn hảo đã chín muồi nơi Thánh Phanxicô từ trải nghiệm Giáng sinh ở Greccio cho đến cuộc gặp gỡ với Chúa mà ngài trải qua ở La Verna.
Ước gì niềm vui này ở lại với chúng ta và với rất nhiều người thiện chí vào lúc này, khi chúng ta đến gần với niềm vui được tỏ ra cho chúng ta nơi Hài Nhi được sinh ra trên đường đi, giống như rất nhiều người đang chạy trốn chiến tranh, nạn đói và bất công ngày nay.
Đây là một niềm vui đơn giản và chân thật, cho chúng ta nếm trước những gì chúng ta sẽ cảm nghiệm khi Chúa tái lâm, và chúng ta cầu nguyện:
“Maranatha, Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Chúng con khao khát Ngài và chúng con đau đớn vì sự im lặng của Ngài ngày hôm nay. Hay là Ngài thực sự đến với chúng con trong nỗi đau khổ vì sự vắng mặt của Ngài? Ngài không ở xa chúng con, nhưng Ngài tự cho phép mình được nhận ra. Xin ban cho chúng con niềm tin của Đức Maria, người đã biết chờ đợi!”
Với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một Mùa Vọng và Giáng Sinh tràn đầy bình an của Chúa cho tất cả mọi người.
Roma, ngày 29 tháng 11 năm 2023
Kỷ niệm 800 năm phê duyệt Luật có Sắc chỉ
Người anh em và tôi tớ của các Anh chị em,
Massimo Fusarelli, ofm
[1] KMN XV, 6-7.
[2] Thánh Thomas Aquinas định nghĩa acedia là “nỗi buồn về điều tốt lành về mặt tinh thần”. Nói cách khác, đó là sự lười biếng và buồn bã trỗi dậy trong tâm hồn con người khi họ nhận ra trách nhiệm nên thánh của mình. (ND)
[3] Cf. 2 Thess. 2:3-8b
[4] 1 Cor. 15:28.
[5] Qc. Kinh kính chào các nhân đức, 10-15
[6] Huấn ngôn 1, 16-18
[7] Rom. 8:22
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.