Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Điều làm ta hy vọng...

Administrator
2008-11-08 00:00 UTC+7 209

Khóa Thường huấn cho 21 anh em linh mục và định hướng linh mục trẻ từ ngày 28-30 tháng 10 năm 2008 tại Nhà Tĩnh tâm Thủ đức mang đậm nét Mục vụ và Linh hướng Phan sinh. Điều này làm cho các tham dự viên nhận thức rõ vai trò và sứ vụ của mình trong hiện tại và tương lai, và cũng cảm thấy nhu cầu cần được học hỏi kinh nghiệm từ các anh lớn trong Tỉnh Dòng.

Buổi thuyết trình đầu tiên, cha Giám tỉnh chia sẻ (và cũng là nhắc lại) Năm Ưu Tiên (2003-2009), vì đó là một "chìa khóa để đọc lại cách thức chúng ta sống căn tính của mình và để hiểu rõ những điều thế giới đang mong đợi" (TTN 2003, số 4). Sau phần thuyết trình, cha Giám tỉnh nêu lên một vài nhận định và thông tin để anh em suy nghĩ, trao đổi như: tương quan giữa các em nhỏ và các anh lớn thiếu bổ túc cho nhau, cách cư xử của các linh mục trẻ với giáo dân thiếu tinh thần mục vụ ... để từ đó đặt cho anh em câu hỏi: Với tương quan và cách cư xử như thế, chúng ta thiếu cái gì trong Năm Ưu Tiên? Và phải điều chỉnh thế nào?

Trong giờ trao đổi, anh em trẻ nhận thấy mình có nhiều thiếu sót, nhất là trong đời sống cầu nguyện, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả và cũng không có nghĩa là chỉ những anh em trẻ... nên xin các anh lớn cũng cần phải thông cảm, hướng dẫn, lắng nghe, cởi mở và gợi hứng cho các em nữa... để tinh thần huynh đệ Phan sinh ngày một triển nở hơn.

Ngày thứ hai, tiếp nối đề tài chiều hôm trước: "Đọc lại sắc lệnh Đời sống và chức vụ linh mục" của Công đồng Vaticanô II, cha Hồng Giáo chia sẻ về "Những thách đố của các linh mục trẻ": Tương quan với giáo dân, hài hòa giữa đời sống tu sĩ-linh mục, không ngừng học tập, cá nhân chủ nghĩa và mối bận tâm khẳng định mình và đối mặt với những giá trị giả dối của nền văn minh thời đại.

Về thách đố "tương quan với giáo dân", do chúng ta sống trong nền văn hóa Việt Nam, do những tập tục nên người linh mục được tôn trọng và nhiều khi đẩy lên quá mức, được mặc cho những hào quang... nếu không ý thức người linh mục tưởng mình là như thế. Vì thế, nên sống tâm tình của thánh Phaolô khuyên Timôthê: "Đừng nặng lời với cụ già..., hãy coi thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch..." (x. 1Tm 5,1-5). Hơn nữa, người linh mục phải nhìn nhận vai trò của người giáo dân như Công đồng dạy (LG 37; PO 9), biết lắng nghe phản biện của giáo dân, biết chủ động đến với họ...

Đối với thách đố "cá nhân chủ nghĩa" là một cám dỗ rất lớn, vì tự khẳng định mình là mối bận tâm của linh mục trẻ, phải chăng là một phản ứng tự vệ? Rồi lo lắng tìm kiếm nhiều mối quan hệ, để qua đó mình được nhìn nhận hơn chăng? Vì thế, nên theo lời khuyên của thánh Phaolô: "Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ..." (1Tm 4,12). Vì nếu còn trẻ mà có một đời sống và cách thực hành các đạo lý chính trực, chắc chắn chẳng ai dám coi thường anh em.

Ngày thứ ba, cha Nguyễn Đình Vịnh dành một thời gian ngắn chia sẻ về "Tư vấn mục vụ", một vấn đề anh em trẻ đang đối diện với thực tế. Vì trong thực tế, người giáo dân ít khi đến hỏi ý kiến linh mục về các giáo lý, nhưng lại đến hỏi những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đến con người họ. Vì thế, người linh mục phải có những cách ứng xử làm sao cho phù hợp. Trước hết phải biết "thấu cảm" với người khác. Muốn làm được điều này phải "treo" những phán đoán định sẵn trong mình, để từ đó hiện diện với họ, nhìn ra những thế giới quan, nhân sinh quan nơi mỗi con người, mới hy vọng thấu cảm được với họ. Tiếp đến là phải biết "chân thành" bày tỏ những khả năng, những giới hạn của mình. Một điểm khác nữa là phải có "lòng kính trọng" những người đến với mình, khám phá ra những mặt tích cực nơi người khác, để từ đó khởi đi tìm giải pháp chữa trị, chứ đừng nhìn những mặt tiêu cực nơi người khác (nên đọc cuốn sách: "Bí mật chiếc xô cảm xúc" của Donald O. Clifton). Và cuối cùng phải có thái độ "nồng nhiệt", đến với ai mà không nồng nhiệt thì khó lòng tiếp đón, giúp đỡ đừng vì miễn cưỡng, mà hãy ân cần tiếp đón vì lòng mến. Tiếp theo đề tài, cha Nguyễn Ngọc Kính chia sẻ một chương về "linh hướng phan sinh"  trong "Luận văn tốt nghiệp" của ngài tại Manila. Sau đó anh em tiếp tục trao đổi về "những vấn nạn trong tư vấn mục vụ" anh em đang phải đối diện mà không dễ gì giải quyết qua sự giúp đỡ của chuyên viên tâm lý Nguyễn Đình Vịnh.

Nhìn chung, đối với tất cả anh em Khóa Thường huấn này có rất nhiều bổ ích cho anh em trên bước đường mục vụ. Vì làm sao hài hòa giữa công tác Mục vụ và đời sống tu sĩ Phan sinh, giữa kiến thức và cuộc sống thực tế, tương giữa anh em trẻ và anh em lớn, giữa tu sĩ linh mục và giáo dân... Còn nhiều thách đố mà anh em phải đối diện, vì thế anh em muốn được các anh lớn có kinh nghiệm chia sẻ, hướng dẫn.

Cuối cùng, ước mong của nhiều anh em trẻ là được tiếp tục có những khóa Thường huấn chuyên sâu, đậm đặc để qua đó anh em học hỏi và điều chỉnh trong mục vụ và ước mong các khóa Thường huấn cho anh em trẻ chung với nhau giữa anh em tu sĩ KLM và tu sĩ LM.

chudu lược ghi

Chia sẻ