Skip to content
Main Banner

Pleiku, cánh đồng mênh mông

Administrator
2008-07-25 00:00 UTC+7 63

Công việc quan trọng nhất của anh em ở trên này chính là vấn đề truyền giáo cho người dân tộc Jrai và Xê Đăng.

Trước hết, xin bắt đầu một vài tin trong nhà. Ngôi nhà của cộng đoàn trên này kể từ khi cha cựu Giám Tỉnh làm phép cho đến nay thì không xây dựng gì thêm nữa, nhưng cũng có một vài trang trí cho phù hợp hơn với hoàn cảnh và đời sống của người dân ở đây. Nhìn ngôi nhà đơn sơ nhưng lại rất cầu kỳ: đơn sơ với những ai có cái nhìn từ ngoài vào và cầu kỳ cho những ai có cái nhìn bên trong ra. Nhìn anh Phụ Trách cộng đoàn về góc độ nghệ thuật thì im hơi lặng tiếng như là cái trống đồng. Thế nhưng khi gõ vào mới biết được trống đồng nó kêu và ngân xa cỡ nào. Bao nhiêu là những cây cà phê của người ta chặt bỏ, thì ngài đã đem về cạo vỏ, chà thân rồi quét dầu phun sơn lên đem dựng quanh nhà cùng với một vài sợi dây thừng kết lại, ấy thế mà ai đến đây thăm quan cũng phải gật gù khen là Bề Trên nhà này có đầu óc nghệ thuật, đúng là nhân tài ngủ quên, à không phải nhân tài mai một mới đúng chứ nhĩ? Đúng là một con người bấy lâu nay đang tiềm ẩn những giá trị nghệ thuật, mà chính những người ở xung quanh cũng không biết được những giá trị đó.

Lâu nay cộng tác với anh Phụ Trách trong công việc xây dựng cộng đoàn có anh Long. Mách nhỏ cho mọi người biết nhà, bây giờ trên này người ta biết đến anh Long không chỉ là một tu sỹ Phanxicô mà còn gọi với cái biệt danh mới đó là: "Nhà nuôi gà chuyên nghiệp". Với số vốn ban đầu chỉ có vọn vẹn một cặp (trống - mái), ấy thế mà bây giờ theo dòng thời gian số gà đã tăng lên vùn vụt, chẳng khác gì dân chơi cổ phiếu Việt Nam đang thời kỳ được mùa bởi cổ phiếu tăng giá liên tục. Nhưng cũng có khi đang tăng, nó lại tự nhiên giảm giá một cách bất ngờ do tình hình bất ổn của nền kinh tế, chính trị trên thế giới. Và hoàn cảnh đó đã tái diễn hôm chúa nhật tuần 15 thường niên vừa qua, khi anh em học viện và những em sắp bước vào giai đoạn thỉnh sinh kéo nhau vào thăm cộng đoàn, nhân tiện chuyến đi đó cũng có đánh chén của ngài mất 2 con gà chạy bộ. Anh em bóp nắn mãi mới tìm ra được hai con to béo nhất đàn để đánh chén. Hôm đó đại ca, đại đĩa đại chén được sắp đầy, đại ly cảm thấy buồn nên cùng được anh em đem ra rót đầy "Em dù có chết em cũng không khai là hôm đó anh em trong cộng đoàn đã uống bia đâu" ấy thế là được một bữa no nê. Đánh chén nhiều quá, nhiều đến nỗi mà anh Phụ Trách cũng khiếp và ngài vừa ăn vừa gật gù khen là lớp trẻ thời nay làm ít nhưng ăn thì cũng khá. Anh đâu có hiểu được lớp trẻ bây giờ đâu dễ gì có được một bữa cơm ăn với thịt gà chạy bộ! Nhiều lắm thì năm ba năm mới ăn được một lần, cho nên cơ hội ăn thịt gà chạy bộ hôm đó đúng thật là ngàn năm có một, làm sao anh em có thể bỏ qua cơ hội đó. Nên khi vào ăn thì chẳng nhớ là mình đang ngồi ăn với ai nữa, nó giống như khi giờ dâng của lễ mà nghe hát bài "Tựa Trầm Hương Thơm Bay", khi đó dường như tâm hồn ăn uống không còn thuộc về thế gian nữa, mà nó như đã bay cao lên đến mây xanh. Vừa ăn vừa nghĩ lại lời mẹ nói khi xưa: "ấy là con đi ăn tiệc món gì ở nhà mình không có thì con cứ ăn trước, món gì ở nhà có thì con ăn sau, kẻo người ta ăn hết mình không có mà ăn". Đúng là lời mẹ dặn khi xưa quả là không sai. Hai con gà mới quay nhìn trước, nhìn sau thấp thoáng một tý, ấy thế mà khi nhìn lại đĩa chẳng còn miếng nào trên miếng nào nữa cả. Đó là một vài tin vui "chuyện lạ có thật đó".

Bây giờ em xin đi vào chuyên môn kẻo các bác lại nói là thằng này nhiều lời. Những công việc chính em xin bắt đầu tường thuật lại một cách "oanh tạc" với sự sắp xếp về nội dung và thông tin một cách rõ ràng và cụ thể như sau: bắt đầu từ công việc giúp cho những em người dân tộc lãnh nhận các Bí Tích Rửa Tội, Hòa Giải và Thêm Sức. Các em này được đưa về từ trong những làng dân tộc mà anh em trên này đang truyền giáo, và tập trung các em lại tại nhà sinh hoạt Đức An của giáo phận Kontum. Các môn mà anh em giúp cho các em người dân tộc ở đây, cụ thể buổi sáng các em học giáo lý chương trình sơ cấp và căn bản "tài liệu dạy học giáo lý cho các em theo chuơng trình của giáo phận Xuân Lộc". Buổi chiều học thêm văn hóa trong chương trình phổ thông ở trường của các em. Những em này còn được học những môn năng khiếu như hớt tóc, cồng chiêng, vẽ, đan móc, âm nhạc... Tùy theo năng khiếu của mỗi em, thích môn năng khiếu nào thì học môn đó. Con số các em được tập trung về nhà sinh hoạt Đức An lúc đầu là 100 em (không tính những em học may, lớp học đàn). Trong 100 em này thì có khoảng (10 em chưa tốt nghiệp được đại học chữ to) ; những em chưa tốt nghiệp được đại học chữ to sẽ được học một chương trình đặc biệt đó là: "mẫu giáo và lớp một". Chương trình giáo lý thì cho học với các bạn cùng trang lứa tuổi với mình. Những ngày đầu anh em nhà mình và 2 Sr dòng Nữ Vương Hòa Bình tham gia chương trình dạy học, đồng hành với các em hơi vất vả. Vì các em đã quen với những sinh hoạt tự do (hoang dã) của người dân tộc nên khi đưa các em vào nề nếp, khuôn khổ thì các em cảm thấy khó chịu. Cho nên một số em đã tự ý bỏ về. Ngoài những việc dạy giáo lý và giáo dục cho các em trong khóa hè này, thầy, soeur còn chú trọng đưa các em vào đời sống cầu nguyện, với thời gian dành cho Chúa hằng ngày rất rõ ràng và cụ thể. Buổi sáng thức dậy vào lúc 5 giờ, sau đó các em tập thể dục rồi đi viếng Chúa. Trước giờ ăn trưa cũng đi viếng Chúa khoảng 15 phút, buổi chiều tham gia thánh lễ, và trước khi đi ngủ các em cũng đi viếng Chúa. Những em này rất hiền lành, thật thà trong công việc và lời ăn tiếng nói. Các em nói tiếng Kinh cũng rất tốt. Đa số các em giao tiếp bằng tiếng Kinh khi học ở lớp hoặc khi các em đồng hành với những người hướng dẫn. Lúc các em ngồi với nhau trò chuyện với nhau thì các em sử dụng tiếng bản gốc của mình (có zời mà biết được các em nói gì?). Độ tuổi của các em này không đồng đều, từ 10 tuổi cho đến 16 tuổi. Được chia làm 4 lớp, lớp 2A, 2B, 3A, 3B, em học cao nhất là lớp 8, và thấp nhất là chưa "tốt nghiệp được bằng đại học chữ to". Nói là đã học lớp 8 rồi nhưng các em cũng chưa thành thạo các phép toán đơn giản như cộng trừ nhân chia. Lớp của các em học trong khóa hè này có thầy, soeur chủ nhiệm rõ ràng. Buổi sáng các em học 2 tiết về giáo lý, buổi chiều các em học chương trình văn hóa. Theo như dự tính của anh Phụ Trách và cộng đoàn thì vào ngày 12 tháng 8 những em này sẽ được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức. Thực sự những em dân tộc này thuộc diện nghèo đói, "Nằm trong chính sách mà Nhà Nước, Đảng đang đặc biệt quan tâm", có em chỉ có duy nhất một bộ quần áo. Có một số chắc chưa bao giờ biết cầm lược chải đầu? Cho nên có em khi cầm lược chải đầu thì lược gẫy làm đôi. Nghĩ thật động lòng vì nghèo đói như vậy mà các em luôn giữ được đức tính chân thật, "Đói cho sạch rách cho thơm". Đói cho sạch thì có rồi nhưng còn rách cho thơm thì các em chưa có được, vì các em này chưa quen với những cách sống, tắm giặt hằng ngày. Đời sống của các em này trong buôn làng thì cũng chịu nhiều thiệt thòi so với những bạn cùng lứa tuổi với mình ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển tốt hơn. Có gia đình thì em đi học một năm rồi nghỉ cho chị đi học, cứ thế xoay vòng. Nếu được đi học, các em cũng phải đi bộ rất xa, đường toàn là vượt đèo lội suối, nhà nào kinh tế khá lắm thì mới có được chiếc xe đạp cho con đi học. Từ cái nghèo đói đã dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng rất nặng (16 tuổi mà chỉ nặng vọn vẹn từ 25 đến 32 kg). Ngoài những việc đang giúp cho các em từ chỗ ăn, nghỉ cho đến sinh hoạt hằng ngày, anh em trong cộng đoàn và những người liên quan đã và đang xúc tiến công việc vận động, để xin các chương trình hoạt động từ thiện, để giúp những em đi học xa, có được một chiếc xe đạp đi đến trường. Ước tính xe đạp cho các em nghèo đi học là 60 chiếc. Hiện nay đã xin được một nguồn mua được 30 chiếc xe đạp mới, (mỗi chiếc khoảng 600 nghìn đồng). Thay vì mua mỗi chiếc với giá tiền 600 nghìn đồng thì anh em quyết định tìm mua xe đạp cũ với giá khoảng 300 nghìn một chiếc. Sẽ mua 50 chiếc xe cũ, tiền còn lại trong số đó sẽ dùng vào việc sửa chữa những xe cũ mà nhiều người cho. Thế là sau những trăn trở của anh em, làm sao cho những em trong diện nghèo này có được một chiếc xe đạp đi học đã được thực hiện. Đúng là Chúa lo cho anh em ước nguyện mà tưởng chừng không thể thực hiện được trong lúc này, vì nhiều vấn đề đang cần thiết phải làm trước mắt.

Ngoài những em trên còn có thêm lớp học đàn Organ (với 7 em người dân tộc), học khoảng một tháng rưỡi. Trong thời gian ngắn như vậy, mong sao các em có thể học đệm đàn căn bản để về phục vụ trong thánh lễ cho các làng của mình (Lớp học này do hai em Chuyên và Hring giúp)

Bây giờ xin nói đến vấn đề của anh Phụ Trách. Công việc mà anh đang làm cũng khá nặng nề, từ công việc trong nhà cho đến việc truyền giáo. Anh Phụ Trách phải di chuyển rất nhiều nơi vì anh em đang ở trong các làng luôn mong sự hiện diện của anh và người dân tộc cũng thế. Ngày chúa nhật có khi anh phải làm đến bốn năm thánh lễ cho người dân tộc. Làm lễ chỗ này xong thì lo chạy đến chỗ khác để làm lễ tiếp, cứ thế cho đến hết ngày chúa nhật. Có quá nhiều nơi để làm lễ cho nên anh phải chia phiên tuần này làm lễ ở làng này, ngày mai làm lễ ở làng khác. Những nơi mà anh em đang truyền giáo, họ không thể tập trung hết tất cả các làng về lại một chỗ được, vì khoảng cách từ làng này đến làng khác rất xa. Mỗi thánh lễ chỉ có khoảng hai ba làng tham gia, một làng có vài ba trăm người tham gia. Với tính tình dễ gần gũi và khiêm tốn của anh, cộng với ngọn lửa mến yêu vốn có thì đi đến đâu anh cũng được người ta yêu mến.

Thứ đến là công việc của anh Long cũng bận rộn không kém, với những nhu cầu cấp bách về vấn đề truyền giáo và lo cho đời sống của người dân tộc. Hiện nay anh Long cũng chạy "xô" rất nhiều nơi. Anh Long với tính tình hiền lành và đặc biệt là thừa hưởng những nét đơn sơ mà vị thánh Tổ Phụ sáng lập dòng để lại, nên khi anh đi truyền giáo cho người dân tộc thì người ta đón nhận và yêu mến. Những ngày chúa nhật là ngày vất vả nhất của những anh em làm linh mục ở trên này. Hiện tại, với ba anh linh mục trong cộng đoàn thì không thể lo hết cho người dân tộc được tham gia thánh lễ chúa nhật.

Anh Phục với công việc quản lý trên này cũng nhiều việc. Vì anh không phải quản lý theo phương thức ghi chép lại những gì thu vào - chi ra, mà anh còn lo đi xin quyên góp những người hảo tâm để có thêm những thùng mì tôm hay những chiếc xe đạp cũ cho những em dân tộc đi học. Với những nét thanh bần của người tu sĩ áo nâu, nên khi anh đến xin quyên góp cho những em dân tộc, thì được những người hảo tâm ủng hộ rất nhiệt tình. Ngoài những việc lo cho anh em trong cộng đoàn đảm bảo về nhu cầu vật chất, anh còn kiêm luôn vấn đề y tế, với việc cấp thuốc và khám chữa bệnh trong khả năng mà anh có thể làm được. Lúc nào gặp anh với một câu hỏi nếu anh có mong muốn gì trong lúc này? "Anh trả lời một cách vui vẻ nữa đùa nữa thật đó là sớm được nghỉ chức vụ quản lý. Anh nói vào làng sống với những người dân tộc thì khỏe hơn nhiều khi phải đảm nhiệm chức vụ quản lý". Một chức vụ mà xã hội quen gọi là nghề béo bở dễ kiếm ăn, ấy thế mà anh nói câu chua chát đó là: "Xin được sớm nghỉ chức vụ này". Đúng là vào chăn mới biết là chăn có rận các bác nhỉ?

Anh Trung và anh Ái hiện vẫn đang đầu quân cho làng Xê Đăng. Bây giờ với bề ngoài thì các anh ngày càng trở nên giống người dân tộc rồi. Hè này có hai em tìm hiểu đó là Duy và Diệu lên cùng cộng tác với các anh trong chương trình giúp các em người dân tộc về kiến thức văn hóa. Nói chung người dân tộc ở đây tuy sống không xa thành phố mấy, nhưng kiến thức của họ rất hạn chế. Công việc của hai anh tập trung vào vấn đề truyền giáo và đồng hành với họ trong công việc hằng ngày, từ việc làm cho đến ăn ở, (còn ngủ thì các anh lắc đầu là không thể ngủ chung với họ được vì nhiều vấn đề khách quan nên phải ngủ riêng thôi). Qua những công việc đó, các anh dần đem lời Chúa đến cho họ cách cụ thể bằng lời nói và việc làm. Nói chung, công việc ở đây thì vô kể, vì có nhiều nhu cầu mà mình cần phải đáp ứng để giúp họ. Từ những sinh hoạt hằng ngày cho đến cách sống buông thả theo suy nghĩ làm được bao nhiêu thì xài bấy nhiêu. Cho nên, cần phải thay đổi những suy nghĩ đó trong đầu họ, việc làm trước mắt để khắc phục vấn đề đó là dạy văn hóa cho họ. Khi họ biết đọc, biết viết cộng với một ít nhận thức hiểu biết, từ đó việc đem lời Chúa đến cho họ cũng dễ dàng được đón nhận hơn. Một điều nữa mà anh em đang có ý định giúp họ về vấn đề canh tác không bỏ đất trống, trong khi thiếu của ăn của mặc. Đó là những mảnh đất nào trước đây bỏ hoang, nay gieo bắp trồng mì hoặc cà phê. Với những nhu cầu cần thiết và cấp bách hiện tại, quả thật hai anh em đang sống với người Xê Đăng không làm hết. Thôi Chúa ban cho bao nhiêu thì xài bấy nhiêu vậy! Hai người thì làm theo cách của hai người, hai mươi người làm theo các hai mươi người. Điều quan trọng lúc này của mấy anh, là sớm lo thủ tục để xây dựng được một ngôi nhà nguyện cho người dân tộc nơi đây. Đó là một vài thông tin từ làng Xơ Đăng.

Giờ xin tiếp tục vấn đề về việc truyên giáo cho người Jrai của anh Liên trong những tháng hè thực tập. (Địa bàn này nằm giáp ranh với Camphuchia, những ngày cuối tuần mà anh chưa về thì anh em trên này cũng cảm thấy lo, vì giáp ranh với Campuchia thì gần người Khơ_Me_Đỏ lành ít dữ nhiều). Chỗ anh Liên đang ở có 25 làng, những anh đi vào trong này trước và anh Liên hiện tại đã truyền giáo được 10 làng (còn 15 làng) chưa thể truyền giáo được vì nhiều lý do. Một mặt, chính quyền khó khăn, nhân sự thiếu thốn so với những đòi hỏi của công việc truyền giáo nơi đây. Mặt khác, công việc dạy thêm giáo lý và văn hóa cho người dân tộc chỉ có thể giúp được vào buổi tối, vì ban ngày họ phải đi nương rẫy. Điều mà anh Liên đang làm là đào tạo một số giáo lý viên, để họ cộng tác thêm với mình vào vấn đề dạy giáo lý cho người dân tộc nơi đây.

Anh Antôn Nguyễn Đình Hải cũng đang giúp cho người Jrai. Ai đã từng vượt đèo lội suối ngày này qua ngày khác thì ắt sẽ cảm nghiệm được những nỗi gian lao cực khổ của những nhà truyền giáo. Nhưng với bản chất của người tu sĩ Phan sinh, thì không thể lùi bước trước những khao khát về lời Chúa của người dân tộc. Được biết Chúa, yêu Chúa là những điều mà họ đang cần lúc này. Họ biết Chúa không phải để cho riêng mình, mà họ sẵn sàng đem những hiểu biết đó để nói cho những người chưa biết. Họ đòi hỏi mình, nhưng họ cũng có điều kiện đặt ra cho mình. Đó là mình phải đến với trái tim và lòng nhiệt huyết, chứ không cần sự thương hại. Tạ ơn Chúa vì những anh em đến sống với họ không phải sống theo cách thương hại, mà đến sống bằng cả trái tim và sự đồng cảm, để chia sẻ cùng họ vì lòng mến Chúa ngõ hầu cứu các linh hồn.

Đối với họ, ai chưa biết đến Chúa thì thôi, nếu đã biết rồi thiết nghĩ họ sẽ sống hết mình vì Chúa. Trước khi chưa biết Chúa có thể trộm cắp, đánh nhau là chuyện thường xuyên, nhưng khi đã biết rồi thì chuyện đánh nhau và cắp trộm không còn nữa. Tinh thần yêu thương nhau, nâng đỡ nhau trong công việc được họ thực hiện một cách theo đúng nghĩa Tin Mừng.

Bây giờ chỉ một tin nữa, em xin các bác hãy đọc. Tin này với nội dung nói về vấn đề giúp lớp bồi dưỡng cho các anh chị em trong ban giáo lý của giáo hạt Pleiku. Khóa bồi dưỡng vào đầu tuần chúa nhật thứ 15 vừa qua tại nhà thờ Đức An. Khóa này quá đông nên chia làm hai đợt, mỗi đợt một tuần. Thế là anh Phụ Trách và anh Phục lại lo cho công việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo lý viên. Hết giờ dạy, thì các anh lại tranh thủ vào làng thăm hỏi bà con người dân tộc, họ nói: "Nếu một tuần mà anh em Phanxicô không vào, thì chúng con cảm thấy nhớ lắm". Không biết những bước chân đơn sơ của anh em Phan Sinh mình đã đi vào lòng họ khi nào? Nghe những lời đó anh em cũng cảm thấy mủi lòng.

Ngoài ra, cộng đoàn cũng đang xúc tiến việc sửa sang và lát gạch lại ngôi nhà nội trú để cho các em tìm hiểu trên này ở. Ngôi nhà các em ở đã xuống cấp trầm trọng, nên sau khi tu nghị cộng đoàn, anh em quyết định sửa sang lại (Ngôi nhà này sẽ ưu tiên dành cho những em người dân tộc ở và tìm hiểu, dự tính tiếp nhận được khoảng 10 đến 12 em). Hiện nay, anh Cẩm đang điều hành công việc này, công trình sẽ được hoàn thành vào thời gian cuối tháng 8 tới.

Anh Phụ Trách nói: "Mùa hè năm nay cộng đoàn Pleiku rất là nhộn nhịp và vui vẻ, tuổi trẻ đã làm bùng nổ sự im lặng bấy lâu nay của cộng đoàn, đó chính là nhờ có sự hiện diện của anh em học viện và những em sắp bước vào tập một". Những lời đó, chính là lời của anh Phụ Trách nói chứ không phải em nói đâu, em chỉ có tội là đã ghi lại những lời mà anh Phụ Trách nói.

Bài đã dài mà thông tin thì đang thiếu, thôi xin hẹn lần sau chia sẻ tiếp vậy.

Sau cùng, xin kính chúc Cha Giám Tỉnh, quí cha Phụ Trách và toàn thể anh chị em trong đại gia đình Phan Sinh nhiều sức khỏe và sự bình an trong Chúa. (Xem hình)

 

Đêm nay Hải chưa ngủ
Anh Long đã thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Và anh Long liền hỏi
Sao mà chú chưa ngủ
Thì ra chú đang lo
Làm sao viết chia sẻ
Vừa đầy đủ thông tin
Lại không được dài quá
Anh Long liền hỏi nhỏ
Bài chia sẻ xong chưa?
Hải bảo bài chưa xong.
Mà tháng bảy sắp hết
Ngày hai lăm phải gửi
Anh Long liền nói nhỏ
Chú viết dài bao nhiêu
Hải nói mới năm trang
Anh bảo dài quá rồi
Chú sửa cho ngắn lại
Kẻo họ không đọc đâu
Uổng công chú thức trắng
Thế là Hải lo sửa
Với mong muốn mọi người
Đón đọc và cảm thông
Thông tin dù có dở
Nhưng viết bằng trái tim
Xin mọi người đón nhận
Em chân thành cảm ơn.

o0o

John_tc.Hải
[email protected]

 

Chia sẻ