Skip to content
Main Banner

Chúa đến với tôi

Administrator
2008-11-08 00:00 UTC+7 190

Có không ít bạn trẻ nam cũng như nữ đến với tôi và thắc mắc: làm sao mà biết Chúa gọi mình? Tôi trả lời rằng, mỗi người là một ơn gọi. Nhưng theo tôi nghĩ, tất cả mọi ơn gọi đều phát xuất từ lời Chúa.

Sứ điệp của Hội đồng Giám mục thế giới (HĐGMTG) năm 2008, đề cập đến Lời Chúa.

Sứ điệp nhắc nhở tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin của người ki-tô hữu, nhất là trong đời sống tông đồ.

1-Trước hết, THĐGMTG giới thiệu Lời Chúa như là sự mặc khải: bằng tiếng và bằng lời (Thánh Augustino nói: tiếng là cái gì chúng ta nghe được, lời là cái gì đọng lại trong tâm hồn chúng ta). Thiên Chúa đã hiện ra với dân Itraen trên đỉnh núi Sinai không bằng hình ảnh, nhưng bằng tiếng và bằng lời. Rồi Chúa phán với họ giữa đám lửa, họ nghe tiếng nói, nhưng không thấy hình bóng nào, chỉ nghe tiếng thôi (Đnl 4, 12)..

Lớn lên, tôi cũng đã nghe lời Chúa, nhưng Chúa đã mặc khải cho tôi như thế nào và mặc khải những gì?

Văn kiện THĐGMTG còn viết: Lời Chúa còn là nguyên ủy của lịch sử loài người. . . Và Lời Chúa cũng là nguyên ủy của lịch sử đời tôi, của ơn gọi tôi.

Lời Chúa đã mặc khải ơn gọi cho tôi như thế nào?

Đây là một cuộc mặc khải tiệm tiến, suốt cả thời gian huấn luyện. Lời Chúa  sáng ra từ từ trong tâm trí tôi. Có thể nói, ơn gọi đã được hình thành từng nét một, qua suy nghĩ và chiêm ngắm về những câu Kinh Thánh, những câu lúc này hay lúc khác đã đánh động tôi, cho đến khi tôi quyết định dứt khoát bước theo Đức Ki-tô. Tôi có thể kết luận rằng, thái độ lắng nghe Lời Chúa là bước khởi đầu ơn gọi của tôi, và có lẽ là bước đầu của ơn gọi của mọi người.

Bước thứ hai của ơn gọi là đối thoại với Chúa.

Văn kiện THDGMTG viết: Con người vì dược Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người (St 2,17) và được mang trong mình dấu ấn của Người, nên có thể bước vào đối thoại với chính Đấng Hóa Công. . .

Nhiều lúc trong đời, có những câu lời Chúa khi đọc hoặc khi nghe, làm cho tôi  chú ý, dừng lại và suy nghĩ: thế là cuộc đối thoại giữa tôi và Chúa bắt đầu như thế đó. Những cuộc đối thoại như thế, nhiều khi rất ngắn, đã từ từ làm tôi thay đổi. Một sự thay đổi tiệm tiến nhưng chắc chắn. Thế là Chúa nói với tôi qua Lời đối thoại của Chúa.

Chúa còn nói với tôi qua cuộc sống của Ngài.

Ngài là Ngôi Lời nhập thể. Sách Thánh đã cho ta biết rằng, ngày xưa Thiên Chúa đã nói bằng miệng các ngôn sứ, ngày nay Ngài nói với ta bằng chính Con của Người nhập thể.

Cuộc sống nghèo và lam lũ của Người nói với tôi rằng, muốn theo Chúa, tôi phải vất vả làm việc như một người nghèo. Đời sống cầu nguyện của Ngài nói với tôi rằng muốn theo Ngài thỉnh thoảng tôi cũng phải biết rút lui  vào nơi thanh vắng, để sống với Chúa Cha như Ngài. Cuộc đời từ bỏ của Ngài làm cho tôi thật cảm động: là lao động chính trong nhà để nuôi mẹ khi thánh Giu-se đã mất, thế mà Ngài đành từ bỏ mẹ để theo tiếng gọi của Chúa Cha. Cuộc Thương Khó của Ngài an ủi tôi rất nhiều trong những lúc đang cố gắng vượt qua thử thách của cuộc sống. Cuối cùng cuộc Phục sinh của Ngài làm cho lòng cậy trông của tôi thêm phấn khởi.

Giáo Hội Chúa cũng nói với tôi qua sự hướng dẫn của Giáo Hội .

Qua phụng vụ, Giáo Hội hướng dẫn tôi, lúc thì phải sám hối ăn năn, lúc thì phải sống trong đợi chờ, lúc phải ưu tiên cho người nghèo, lúc thì phải nổ lực truyền giáo. . . ví dụ như Văn kiện THĐGMTG lần này dang hướng dẫn tôi, xét mình về Lời Chúa và sống lời Chúa.

Chúa còn nói với tôi qua các thành phần của Giáo Hội , qua linh mục tu sĩ, qua những giáo dân sống dấn thân. Họ đang thúc dục tôi sống thật nghiêm chỉnh đời sống (linh mục, tu sĩ hay ki-tô hữu ) của tôi. Những người nghèo đang nói với tôi, đang thúc dục tôi sống dấn thân cho họ.

Chúa còn nói với tôi qua các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày hay qua các sự kiện lịch sử trong Giáo Hội và trong xã hội.

Những sự kiện trong đời sống riêng tư hay sự kiện lịch sử, những sự kiện trong Giáo Hội hay xã hội, đươc nhìn với cặp mắt đức tin, đều có tính dấu chỉ.

Chẳng hạn như  sự kiện tôi bị tai biến mạch máu não hôm mồng hai tháng một, 2007:  lúc đầu tôi bi quan: thế là hết; từ nay tôi sống trong cảnh tàn phế! Nhưng ít lâu sau, Chúa nói với tôi rằng, chưa hẳn tôi đã tàn phế như tôi nghĩ. Mà đoạn cuối của đường đời này, nhìn với cặp mắt đức tin, có lẽ là những năm tháng ý nghĩa hơn cả của đời tôi. Tôi đang tàn, đang già yếu đi từng ngày, nhưng tôi không phế như tôi nghĩ. Cuộc sống tôi vẫn có ích cho tôi (đền tội, kết hiệp với Thánh Giá Chúa), có ích cho Giáo Hội, cho việc truyền giáo của anh em tôi ở Pleiku, ở Myanmar (hy sinh và cầu nguyện), tôn vinh Thiên Chúa (nên giống Chúa Ki-tô đau khổ). . . . Tôi tự an ủi: cuộc đời già yếu bệnh tật mà vẫn đẹp đấy chứ!! Chúa lại cho tôi một thời gian cần thiết để chuẩn bị chu đáo hơn cuộc vượt qua của tôi. Xin tạ ơn Chúa.

Những sự kiện trong Giáo Hội chẳng hạn như Giáo Hội tại Ấn độ đang bị bách hại, những thử thách mà Giáo Hội nơi này nơi khác đang phải chịu, như đang thúc dục tôi gia tăng lời cầu nguyện, và cũng cho tôi thấy rằng, những thử thách của mình đang chịu chưa là gì cả!

Những mặt bi quan của cuộc sống xã hội hôm nay là tiếng Chúa nói với tôi rằng, tôi phải sống tốt hơn nữa. . .

Lời Chúa đã đến với tôi cụ thể như thế đó.

Damiano

 

 

 

Chia sẻ