Skip to content
Main Banner
Thánh Grêgôriô (03/09) - Thánh Gioan Kim Khẩu (13/09) - Suy tôn Thánh Giá (14/09) - Thánh lễ TRUYỀN CHỨC (15/09) - Thánh Cornêliô và Thánh Cyprian (16/09) - Thánh Phanxicô in 5 dấu - Thánh Lễ Khấn Trọng (17/09) - Thánh Giuse Côpetinô (18/09) - Thánh Andre Kim, Phaolô Chung (20/09) - Thánh Mátthêu (21/09) - Thánh Piô Piêtrenchina (PS) (23/09) - Thánh Vinhsơn Phaolô (27/09) - Thánh Têrêsa Hài Đồng (01/10) - Các Thiên Thần Hộ Thủ (02/10) - Tưởng niệm giờ Cha Thánh Phanxicô lâm chung (03/10) - Đại lễ Cha Thánh Phanxicô (04/10)
Ngôn ngữ

Các Dấu Thánh: Hành Trình Tìm Kiếm Và Ý Nghĩa

BTT OFMVN 00
2024-09-15 16:14 UTC+7 330
Thánh Phanxicô là người của những “lần đầu tiên”. Ngài là người tiên phong, nhà cải cách, và là người sáng tạo khác thường, đề ra những phương pháp và hình thức độc đáo trong việc thuyết giáo, giảng dạy và trình bày giáo lý.

Các Dấu Thánh: Hành Trình Tìm Kiếm Và Ý Nghĩa

Séamus Mulholland, OFM

Quả thật linh hồn được dẫn đưa bởi một tình yêu thần linh thuộc thượng giới. Linh hồn yêu vẻ huy hoàng của Người và qua đó như bị trúng một mũi tên hay một vết thương tình yêu. (Origien)

 Có những lúc tôi có cảm tưởng rằng anh em Phan Sinh chúng ta ngồi đó với những nụ cười khoái chí đầy bí ẩn trên khuôn mặt khi nghĩ hoặc viết về các dấu thánh của đấng tổ phụ Phanxicô. Như thế hẳn là chẳng tốt lành gì (ngay cả khi các dấu thánh có thật). Tổ phụ của chúng ta không chỉ là người được mang các dấu thánh, mà còn là người đầu tiên được nhận ân ban rất cao quý này (sau Chúa Giêsu). Tương tự, ngài là người đầu tiên làm máng cỏ mừng Chúa Giáng sinh, và cũng là người đầu tiên (và duy nhất) có lối sống được một Đức Giáo Hoàng chuẩn nhận bằng miệng. Các tu sĩ Dòng Chartreux, Dòng Đaminh, Dòng Tên, và những Hội Dòng khác không thể đưa ra những khẳng định như thế. Xin lỗi các cha các thầy nhé!

Thánh Phanxicô là người của những “lần đầu tiên”. Ngài là người tiên phong, nhà cải cách, và là người sáng tạo khác thường, đề ra những phương pháp và  hình thức độc đáo trong việc thuyết giáo, giảng dạy và trình bày giáo lý. Ví dụ, trong một khoảnh khắc hứng cảm, ngài đã nhảy xuống ngựa, đến ôm lấy một người mắc bệnh phong, mặc dù vào thời ấy, ai cũng rất kinh hãi các bệnh nhân phong.[1]  Hoặc là, trong giai đoạn đầu của cuộc hoán cải, khi đang cầu nguyện trong nhà nguyện San Damiano đã đổ nát, ngài nghe bức ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh nói với mình “Phanxicô, hãy đi xây lại nhà của Ta, nó sắp sập rồi”.[2] Thế là ngài đã làm theo, xây lại ngôi nhà nguyện San Damiano với đôi tay của mình.[3]Sau này, ngài mới hiểu được ý nghĩa thực sự của lệnh truyền đó là gì.

Lại có lần, thánh Phanxicô đi với một thầy dòng trẻ vào thành Assisi để giảng đạo. Vậy mà khi đến nơi, hai cha con chỉ đi bộ loanh quanh một lúc rồi về nhà. Thầy dòng trẻ mới hỏi: “Thưa cha, con tưởng là chúng ta đi giảng kia mà?” Thánh Phanxicô trả lời: “Chúng ta vừa mới giảng rồi đó thôi!” Rồi tại thị trấn Greccio, vào tháng 12 năm 1223, thánh Phanxicô đã dựng máng cỏ đầu tiên với lòng khao khát được thấu cảm sự nghèo khó của Con Thiên Chúa khi vào trần gian này.[4]Trong tất cả những khoảnh khắc ấy (mà đấy mới chỉ  kể ra một số ít), thánh Phanxicô là một người trình diễn, một diễn viên. Mỗi việc ngài làm hoặc mọi cử chỉ của ngài đều như một vở kịch.  Chẳng hạn giảng cho chim chóc,[5] tạo hình một ‘gia đình’ bằng tuyết khi bị cám dỗ nặng nề về mặt tình dục,[6] vui vẻ lớn  tiếng chào mọi người bằng câu: Chúc một ngày lành thánh!’

Do đó, hình ảnh và tính chất kịch có vai trò khá quan trọng trong lối giảng và loan báo Tin Mừng của thánh Phanxicô. Điều này chắc chắn cũng đúng với sự kiện các dấu thánh, mà theo thuật ngữ nghệ thuật trình diễn thì đây là vở kịch một màn với hai nhân vật. Việc hình tượng hóa sự kiện này trong các nguồn hạnh tích được thực hiện cách khá ấn tượng (chúng ta sẽ bàn đến một hoặc hai nguồn ngay sau đây) và tất nhiên là về mặt nghệ thuật với các họa sĩ và điêu khắc gia như  Franckh Deutsch, El Greco, Agostino Carracci, và Palma Giovane (1544-1628) (ông này có một tác phẩm rất ấn tượng và rất khác thường được dùng làm phác thảo cho bức vẽ trên cung thánh của một nhà thời ở Venice). Còn có Albrecht Altdorfer, Bicci di Lorenzo, và dĩ nhiên là không thể thiếu Caravaggio, và chỉ cần nhắc tên ông là đủ. Chúng ta có thể xem xét các dấu thánh như một đề tài cho nhiều sáng tác nghệ thuật vì đây là một sự kiện rất khác thường trong lịch sử Kitô giáo. Thánh Phanxicô là người đầu tiên nhận được các dấu thánh (tất nhiên là ngoài Chúa Giê-su). Do đó, sự kiện kỳ diệu này chắc chắn là chủ đề của nhiều sáng tạo nghệ thuật.

Những tường thuật chi tiết hơn về các dấu thánh đã được trình bày trong 1 Celano 2, III, 91–96; Bônaventura ĐT, XIII (và nhiều tác giả khác). Có vô số thắc mắc xoay quanh các dấu thánh. Trong số ấy, có những câu hỏi hẳn là không được phép, xét theo quan điểm “chính thống” Phan sinh vốn không cho phép chúng ta phê bình thánh Phanxicô bằng bất cứ cách nào, về bất cứ điều gì, vào bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, các dấu thánh nơi thánh Phanxicô có thật không? Ngài có thực sự được nhận các dấu thánh không? Phải chăng các bài tường thuật về dấu thánh, bắt đầu từ Celano, đều là những sáng tạo, những tô vẽ về mặt hạnh tích của những người ủng hộ thánh Phanxicô? Các dấu thánh nơi thánh Phanxicô đã in sâu trong các truyện ký Phan Sinh, đến nỗi bất kỳ một thách thức nào, chăng hạn như phê bình nguồn sử liệu, phê bình trình thuật, phê bình thần học, phê bình sử học, đều khiến những người đưa ra những thách thức ấy phải đối mặt với những lời cáo buộc là "Chẳng Phan sinh chút nào cả!"; hoặc là “Không hiểu sao anh lại là tu sĩ Phanxicô!" (Đây là câu tôi thích nhất. Thành thật mà nói, đôi khi tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi đi tu dòng Phanxicô, ngoại trừ một vài khái niệm mơ hồ là mình được Chúa gọi).

Ấy vậy mà chúng ta vẫn đặt những câu hỏi như thế về các sách Kinh thánh, đặc biệt là các sách Tin mừng: điều này có nghĩa là gì? Việc này có phải là một sự kiện lịch sử không? Thánh Mac-cô có ý gì khi ngài viết Chúa Giêsu ….  Nhưng, một chủ trương Phan Sinh “chính thống” thì không xem xét gì đến bất kỳ quá trình khảo sát nào về mặt tri thức hoặc học thuật về truyền thống của Dòng. (Họ không ngần ngại xem xét những vấn đề liên quan đến linh đạo của chúng ta, nhưng đụng đến thần học thì họ nói ngay: “Không, cám ơn thôi!” Thánh Phanxicô đã ‘vui lòng’ cho phép thánh An-tôn dạy thần học cho anh em , miễn là  không dập tắt "tinh thần cầu nguyện và lòng sốt mến thánh", còn những người  Phan sinh “Pharisêu giả hình” thì xem ra chẳng vui lòng chút nào.

Thế nhưng điều cốt yếu với chúng ta là tiếp tục tiến hành điều mà Công đồng đã yêu cầu chúng ta trong Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Dòng tu (Perfectae Caritatis). Đó là trở về với nguồn gốc và đặc sủng của mình để có thể sống đặc sủng ấy cách tốt hơn và rao giảng một cách hiệu quả Tin Mừng của hòa bình và hòa giải cho thế giới ngày nay. Chúng ta, những anh chị em Phan sinh, chúng ta thực hiện điều ấy trong chính tư cách là những người Phan sinh thuộc Dòng Nhất, Dòng Nhì hoặc Phan sinh tại thế và chúng ta có mọi quyền để làm như vậy. Và chúng ta làm điều ấy với lòng chân thành và tôn trọng sự thật khi chúng ta khảo sát các tài liệu nguồn và các tác phẩm của chính thánh Phanxicô cũng như truyền thống tri thức và thiêng liêng của chúng ta để xem có thể làm cách nào ‘sống thánh Phúc âm’ một cách trọn vẹn và hữu hiệu hơn. Chúng ta cũng làm việc ấy để có thể hiểu và yêu mến cách sâu sắc hơn đấng sáng lập của chúng ta, đấng truyền cảm hứng cho chúng ta, đấng làm cho chúng ta say mê và liên tục thách thức chúng ta bằng những lời cuối của ngài, “Tôi đã hoàn tất những gì tôi phải làm, bây giờ xin Chúa Kitô dạy anh em biết những gì anh em phải làm', và đấng luôn hướng chúng ta về người Anh Cả của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Đấng được kể lại là đã in những vết thương của mình lên thân thể của thánh Phanxicô.

Về mặt thiêng liêng các dấu thánh thường được giải thích là sự 'đánh dấu', 'in dấu', và 'xác nhận' nỗ lực của thánh Phanxicô trong một khoảnh khắc hợp nhất huyền bí và mãnh liệt đánh dấu đoạn kết của hành trình mà thánh nhân đã khởi sự từ năm 1206. Sau khi nhận các dấu thánh vào tháng 9 năm 1224, nơi chốn và thời điểm duy nhất mà thánh Phanxicô có thể hướng đến là cái nền nhà của Portiuncula và cái chết của ngài vào tháng 10 năm 1226.[7]  Có người cho rằng tác động vật lý của các dấu thánh trên thánh Phanxicô, vốn đã bị kiệt sức vì những hãm mình quá mức cùng với các bệnh tật có sẵn, đã đẩy nhanh hơn mức độ suy giảm sức khỏe của ngài, và là yếu tố chính dẫn đến cái chết của ngài khi ngài vẫn còn trẻ. Có thể đúng là như thế, nếu hiện tượng trên đây được nhìn nhận là có thật và có tính lịch sử, và nếu sau khi đã nhận những vết thương của Chúa Kitô, cơ thể suy kiệt của thánh nhân đã trút hơi thở cuối cùng.

Những câu hỏi xung quanh các vết thương vẫn còn đó: Có thật như thế không? Celano ghi lại cách anh Rufino đã 'vô tình' chạm vào vết thương ở cạnh sườn khiến thánh Phanxicô kêu lên vì đau đớn và hất tay anh Rufino ra.[8]  Nếu vết thương không phải là thật thì tại sao thánh Phanxicô lại kêu lên đau đớn? Nếu điều này đúng với vết thương ở hông, thì còn những vết thương ở tay và chân thì sao? Thánh Phanxicô sẽ đi đứng thế nào mà không đau dữ dội như vậy? Nhưng trong các tài liệu nguồn viết sau năm 1224,  không có chỗ nào nói đến điều này.  Liệu những vết thương có phải gây ra do tác động của tâm lý hay không? Liệu chúng có phải là hậu quả của những khổ chế quá mức và của chứng ban xuất huyết nghiêm trọng có thể làm chảy máu khi bị kích thích bằng cách nào không?  Nếu thánh Phanxicô nhận các dấu thánh vào tháng 9 năm 1224, tại sao chúng không được phát hiện mãi cho đến năm 1226, và ngay cả khi ấy, người ta chỉ thấy khi ngài được đặt nằm trên sàn nhà và bị lột trần theo yêu cầu của ngài?[9] Celano nói rằng đó là vì thánh Phanxicô đã cẩn thận giấu các vết thương “với người ngoài, và thận trọng không để cho những người gần gũi nhất trông thấy”; vì vậy ngay cả những tu sĩ thân cận nhất với ngài cũng không biết về chúng trong một thời gian dài.[10] Rồi còn việc anh Êlia là người 'công bố' các dấu thánh trong lá thư của anh gửi cho anh em toàn Dòng có ý nghĩa như thế nào? Tưởng cũng cần phải biết rằng hiện tượng được in dấu thánh không phải là mới. Việc in dấu tích mang tính tôn giáo đã được biết đến trong suốt thời Trung cổ chứ không phải đến năm 1226 mới được cho là xuất hiện trên thân thể của thánh Phanxicô.

Tính xác thực của các dấu thánh đã bị tranh cãi ngay từ đầu. Ý tưởng thể hiện lại trên thân thể con số cố định là năm vết thương Chúa Giêsu chịu trong cuộc khổ nạn đã bị xem là điều mới lạ do các tu sĩ Phanxicô bày ra, có lẽ bắt nguồn từ lòng sùng kính năm dấu thánh đã có trong phụng vụ Thánh Thể vào thế kỷ thứ mười hai. Nên biết rằng khi công bố việc phong thánh cho thánh Phanxicô vào năm 1228,[11]  Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX đã không đề cập cụ thể đến các dấu thánh. Sau này, trong tông sắc Non minus dolentes (ngày 2 tháng 4 năm 1237), khi khiển trách Đức Giám mục Robert của giáo phận Olomouc vì đã công khai bài bác các dấu thánh, Đức Grêgôriô nói rằng ngài nâng Phanxicô lên bậc hiển thánh chỉ vì các dấu thánh mà thánh nhân đã nhận (mặc dù Đức Giáo Hoàng đã không nói đến các dấu thánh vào năm 1228).

Tại Tổng Tu nghị Genoa năm 1251, một tu sĩ vốn là một người bạn đồng hành với thánh Phanxicô có tên là Bonizo, đã được anh Gioan xứ Parma (khi đó là Tổng Phục vụ) triệu tập để nói trước tu nghị và kể lại sự thật về các dấu thánh của thánh Phanxicô, vì nhiều người ở khắp nơi, gồm cả những anh em trong Dòng, nghi ngờ điều này. Sự nghi ngờ của công chúng về phép lạ đã làm thánh Bônaventura bận tâm, vì thế ngài đưa câu truyện một phụ nữ La Mã sùng đạo thường cầu nguyện trước một bức tranh vẽ cảnh Thánh Phanxicô được in năm dấu vào quyển Đại Truyện của ngài. Truyện rằng có lần nhìn vào bức tranh, bà không thấy các dấu thánh đâu cả. Đang khi bà bối rối tự hỏi làm sao có thể như thế được, thì các dấu thánh đột nhiên xuất hiện trở lại một cách kỳ diệu trên thân thể của thánh Phanxicô.

Trong quyển Đại Truyện được viết vào khoảng năm 1260 và 1263, thánh Bônaventura mô tả chi tiết việc thánh Phanxicô đã nhận được năm dấu thánh trong một thị kiến thấy thiên thần Sốt Mến hiện ra tại La Verna vào năm 1224, hai năm trước khi ngài qua đời, và Chúa đã yêu cầu ngài giữ bí mật. Theo Bônaventura, năm vết thương của Chúa Kitô đã được in vào thân thể của Thánh Phanxicô cách kỳ diệu "bằng ngọn lửa nung đốt tâm trí".[12] Bônaventura đã mô tả Chúa Kitô hiện ra dưới hình ảnh thiên thần Sốt Mến như là “Chúa Kitô dưới hình một thiên thần Sốt Mến”. Một hệ quả hàm chứa trong điều này là thiên thần sốt mến thấy trong thị kiến của thánh Phanxicô cũng phải có thực giống như thịt của Chúa Kitô có thực trong Bí tích Thánh Thể vậy. Năm 1215, Công đồng Lateranô IV công bố giáo điều về Bí tích Thánh Thể:  bánh và rượu được chuyển bản thể để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Do đó, thị kiến thấy thiên thần sốt mến được trình bày như nguyên nhân làm cho thân thể của thánh Phanxicô được mang dấu thánh, mặc dù đây vẫn là một phép lạ hiểu theo nghĩa huyền bí chứ không phải theo nghĩa vật chất. Các tiểu sử của thánh Phanxicô kể lại việc in các dấu thánh sau thị kiến thấy thiên thần Sốt Mến. Do đó, liên hệ nhân quả giữa hai sự kiện không rõ ràng. Còn theo tiểu sử viết thời đầu, thiên thần Sốt mến hiện ra với hình dạng bị đóng đinh phía trên thánh nhân, và điều này hàm ẩn một mối liên hệ tương ứng thiêng liêng.

Sau khi tác phẩm Đại Truyện của thánh Bonaventura được tuyên bố là tiểu sử chính thức của Thánh Phanxicô, các quyển tiểu sử khác đang lưu hành vào thời ấy đã bị loại. Có vẻ như cùng với nỗ lực của thánh Bônaventura nhằm nâng tầm ý nghĩa thần học của sự hiện diện của Chúa Kitô trong thị kiến thấy thiên thần Sốt Mến và bằng cách đó làm tăng thêm tính chất khả tín của năm dấu kỳ diệu trên thân thể, thì cũng có một nhu cầu cần làm tăng thêm niềm tin của các tín hữu bình dân vào các dấu thánh nơi thánh Phanxicô. Những nghi ngờ về các dấu thánh đã được nêu lên rất sớm, không chỉ chống lại truyền thống văn chương Phan sinh, mà còn chống lại các hình ảnh mô tả các dấu thánh của Thánh Phanxicô. Các hình ảnh mô tả đã trở thành yếu tố quyết định trong nỗ lực của anh em Phan Sinh nhằm truyền bá các dấu thánh. Giacôbê Vitry đã từng nói: 'Đối với người giáo dân, cần phải trình bày mọi sự cách cụ thể như thể thấy trước mắt vậy’. Như vậy là các dấu thánh gây ra những khó khăn nghiêm trọng, không những cho những người ngoài Dòng mà còn cho cả một số anh em Phan Sinh.

Cũng có một cách giải thích cho rằng nếu thánh Phanxicô thực sự có các dấu thánh, thì cũng chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên, vì vào cuối đời của ngài, ngài bị thu hút đến chìm đắm trong những đau khổ của Chúa Giêsu, và không chỉ là trong những hình ảnh thiêng liêng mà là trong thịt và máu, đau đớn và thương tích. Nay, đã 800 năm sau biến cố La Verna, chúng ta may mắn hơn những người lúc ấy lần đầu được nghe đọc lá thư của and Êlia về các dấu thánh và họ đã nghi ngờ. Đó là nhờ sự phát triển của Dòng, của đặc sủng và linh đạo Phan Sinh, và của những suy tư thần học từ truyền thống tri thức. Nếu các dấu thánh bị nghi ngờ (điều này cũng chính đáng như việc chấp nhận), thì chúng ta có thể lập luận dựa trên việc phân tích các tài liệu nguồn, việc phê bình hạnh tích, cũng như xem xét các bản tường thuật và suy tư thần học, .v.v. . Nhưng đối với những người nghe nói về các dấu thánh ngay sau khi thánh Phanxicô qua đời, thì không thể làm như thế được. Nhưng có điều đáng lưu ý là bất kể thánh Phanxicô được kính trọng như thế nào vào thời của ngài, thì cũng vẫn có người nghi ngờ đấng thánh, cả việc làm và tầm nhìn của ngài.

Thánh Phanxicô không hề nhắc đến các dấu thánh trong bất kỳ tác phẩm nào của ngài và một số tác phẩm nghệ thuật thời khởi đầu cũng không mô tả ngài có mang dấu thánh. Có những lời giải thích cho rằng ngài cố giữ kín và che giấu các dấu thánh, thì cho dẫu có che giấu cách kỹ lưỡng như thế nào đi chăng nữa, các lời giải thích ấy vẫn không thỏa đáng và không thuyết phục. Nhưng bất kể người ta có lập trường nào đối với các dấu thánh, thì có một điều rõ ràng: cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi đã nên giống cuộc đời của Chúa Kitô đến mức nếu ngài nhận được dấu thánh thì đó là một món quà phi thường thuần túy từ Chúa. Hơn nữa, giống như việc ngài hôn người bệnh phong, xây lại nhà thờ, hoặc tái hiện máng cỏ ở Greccio (và nhiều việc khác nữa), tất cả là một "vở kịch hiện sinh" như vở kịch một màn của Samuel Beckett, và đó cũng là linh đạo theo dạng ‘trình diễn’ trong đó cuộc đóng đinh của Chúa Kitô được ‘diễn lại’ trên thân xác của thánh Phanxicô: chúng đều mang tính chất vật lý và trực quan (ít ra là nếu chúng ta coi các mô tả là thật).

Nhưng vẫn còn những câu hỏi và vấn đề cần được nghiên cứu cũng như suy ngẫm một cách cởi mở và trung thực. Những người ủng hộ tính chất vật lý của các dấu thánh không thể hưởng lợi cả đôi đàng. Họ không thể nói rằng những vấn đề đặt ra trong bài viết này là ngoài đề, vì các dấu thánh liên quan đến các vấn đề Kitô học, như việc nên đồng hình đồng dạng triệt để với Chúa Kitô chịu khổ nạn, và do đó thuộc lãnh vực của ‘quá trình vươn lên cao và hiệp nhất huyền bí'. Rồi ngay sau đó lại nói rằng các dấu thánh là xác thực, có thật, mang tính vật lý và lịch sử; và rằng Celano, và những người khác sau đó, kể cả thánh Bônaventura, đã mô tả một sự kiện lịch sử; và rằng khi có ai đó đặt vấn đề, thách thức hoặc nghi ngờ các dấu thánh thì nghiễm nhiên người ấy không phải là một tu sĩ Phan sinh “đích thực”, vì đã phủ nhận một “sự thật”.

Cuộc đời của Thánh Phanxicô là một cuộc đời được phó thác cho thánh ý Chúa. Đó là cuộc đời không tìm kiếm điều gì cho riêng mình mà chỉ tìm cách phản ánh tốt nhất cuộc đời của Đấng là Chủ của mọi sự sống, và nhất là phản ánh cuộc đời của Đấng qua Ngài muôn vật được tạo thành. Đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người và Con của Đức Trinh Nữ Nghèo Khó. Nếu tính xác thực của các dấu thánh được chấp nhận thì các dấu thánh cũng không phải là một 'bảo đảm' hay một bằng chứng 'xác nhận’ cho sự thánh thiện của thánh Phanxicô, hay thậm chí cho sự 'nên giống Chúa Kitô'. Thánh Phanxicô, người vẫn nhận mình là kẻ tội lỗi xấu xa nhất, hẳn đã phải kinh hoàng vì chính cái ý tưởng đó. Đúng hơn, các dấu thánh là dấu ấn thiêng liêng trên cuộc đời của người đã theo đuổi sự nên thánh và hoàn thiện. Đó là dấu ấn trên cuộc đời của người đã chiến đấu để nên giống Chúa Kitô, của người không tìm kiếm điều gì cho riêng mình, ngay cả những thành công, mà ở mọi lúc mọi nơi, chỉ tìm cách trở nên một người con nghèo khó, khiêm nhường, có khi bối rối, hoang mang và lạc lối của Chúa Cha, và là anh em với mọi người đến với mình: bao gồm cả “Anh Dấu Đinh” và Chị Chết.

Séamus Mulholland OFM

 

  • Về tác giả bài viết: Séamus Mulholland, một anh em Phan sinh thuộc Tỉnh Dòng Anh và Ái Nhĩ Lan, là học giả, thần học gia, giáo sư, sử gia Phan sinh, nhà thơ, và là tác giả của A Gasp of Love: Duns Scotus: Franciscan Theologian and Mystic(2022); Snow Falls on La Verna (2024). Anh dí dỏm, có óc trào phúng cao, và rất gần gũi với mọi anh em.

  • Chuyển ngữ: Ban Thường huấn. Hiệu đính: Anh G-P. Nguyễn Gia Thịnh, OFM.


[1] Ba Người Bạn, XVII, 69.

[2] 2 Cel VI, 10.

[3] 1 Cel VIII, 18; 2 Cel VI, 10; Đại Truyện, II, 1.

[4] 1 Cel XXX, 84.

[5] 1 Cel XXI, 58.

[6] Đại Truyện, V, 4.

[7] 1 Cel 1, VII, 108.

[8] 1 Cel 2, III, 95.

[9] 2 Cel CLXII, 214.

[10] 1 Cel 2, III, 96.

[11] Mira circa nos.

[12] Đại Truyện IX, 3.

 

Chia sẻ