Luận Về Phép Lạ Của Thánh Phanxicô Assisi theo Tommaso Da Celano
Theo J. Dalarun: “Phép lạ lớn nhất của Thánh Phan-xi-cô đã làm là sự ra đời của Dòng Anh Em Hèn Mọn, hứa hẹn một sự phục hồi Giáo Hội nguyên thủy: Giáo Hội các Tông Đồ. Các Dấu Thánh như một đặc ân được ban nhằm chứng thực bằng việc đóng dấu trên Phan-xi-cô để thiết lập một dòng tu mới được gắn chặt và minh chứng bởi các điều kỳ diệu của ánh hào quang triều thiên “thứ cấp”[1].
Thật vậy, trong Luận về các phép lạ, chương đầu tiên được dành riêng cho sự ra đời của Dòng Anh Em Hèn Mọn, nhưng ngay sau đó là chương kể về những điều kỳ diệu của các Dấu Thánh, rồi tiếp theo sau là rất nhiều các điều phi thường khác. Celano cho biết làm thế nào mà nguồn sáng trên đỉnh núi La Verna về các Dấu Thánh và từ nguồn ánh sáng này các phép lạ khác được thực hiện nhờ Năm Dấu Thánh của Phan-xi-cô lợi ích cho toàn thể Giáo Hội ra sao. Ở đầu chương II, Celano nhắc nhở chúng ta rằng toàn bộ cuộc đời của Phan-xi-cô đều tập trung vào thập giá của Chúa Ki-tô.
- “Là con người mới, Phan-xi-cô tỏa sáng bằng một phép lạ mới khiến mọi người sửng sốt, khi nhờ một đặc ân trác tuyệt, chưa từng được ban cho ai trong các thế kỷ trước, thân mình ngài được đóng ấn, tức là được gắn huy hiệu năm dấu thánh và nên đồng hình đồng dạng với Đấng Chịu Đóng Đinh trong cái chết của Người. Tất cả những ngôn ngữ loài người có thể nói được về việc này đều sẽ không đủ sức để ca tụng cho xứng đáng. Không nên hỏi lý do tại sao vì sự việc quá lạ lùng, đừng mất công tìm một điều khác để so sánh vì sự độc nhất vô nhị. Nơi công cộng hay ở chốn riêng tư, Người của Thiên Chúa đều quy hướng tất cả mọi nỗ lực về thánh giá của Chúa” (3Cel 2).
1. Lựa chọn những biểu tượng
“Biểu tượng” ở đây, nói chung chúng tôi muốn nói đến một dấu hiệu, một hình ảnh hoặc một đối tượng đại diện cho một đối tượng khác mà nó được kết nối” và phản ánh cách trung thực nhất. “Các biểu tượng là một yếu tố của sự thông truyền,nhằm diễn tả nội dung về ý tưởng quan trọng mà qua đó nó trở nên một ý nghĩa quan trọng”. Yếu tố này,... trong mức độ có thể, gợi lên trong tâm trí người quan sát một khái niệm khác với những gì mà biểu tượng tồn tại về mặt vật lý nhờ vào một quy ước đã được thiết lập trước”.
Trong Luận về các phép lạ, ngay ở chương nói về các dấu thánh, mở ra cho chúng ta những tham chiếu liên quan đến một số dấu hiệu - biểu tượng, được chọn bởi Phan-xi-cô. Chúng là một loại ngôn ngữ mà Phan-xi-cô thường dùng để truyền đạt sự lựa chọn trở nên giống Chúa Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Chiếc áo dòng giống như “một sự họa lại ở bên trong về thập giá”, một sự “mặc lấy Chúa Ki-tô”; chữ “Tau” giống như một “sự giao nộp” (cum-signare) đối với những ai đang “rên rỉ và khóc lóc vì những điều ghê tởm đang xảy ra trong thành” (Ed 9,4), một dấu hiệu cho thấy họ đang thuộc về Đấng Chịu Đóng Đinh.
- “Ngay từ những thời gian đầu mới chiến đấu dưới quyền của Đấng Chịu Đóng Đinh, nhiều mầu nhiệm của cây thánh giá đã phủ hào quang sáng chói quanh ngài. Lúc bắt dầu cuộc đời hoán cải, khi ngài quyết định giã từ các lạc thú trần gian, trong lúc cầu nguyện, Chúa Ki-tô đã nói với ngài từ trên cây thánh giá, và từ miệng của chính ảnh tượng ấy đã phát ra lệnh truyện: ‘Phan-xi-cô, con thấy đó, nhà Ta đang đổ nát, hãy đi tu sửa lại’. Từ lúc ấy, cuộc thương khó của Chúa in vào trái tim ngài bằng một dấu ấn sâu đậm. Sau một cuộc hoán cải sâu xa, tâm hồn của ngài bắt đầu tan chảy khi Người Yêu lên tiếng.
Hơn thế nữa, ẩn mình nơi cây thánh giá, ngài đã chẳng mặc lấy bộ y phục đền tội hình thánh giá đó sao? Tuy bộ y phục ấy cốt để phù hợp hơn với ý định của ngài là muốn noi theo đức khó nghèo, tuy nhiên khi mặc vào, thánh nhân lại tiếp nhận mầu nhiệm thánh giá cách thâm sâu hơn nữa. Ở bên trong tâm trí ngài đã mặc lấy Chúa Chịu Đóng Đinh, nay ở bên ngoài toàn thân ngài cũng mặc lấy thánh giá Chúa Ki-tô. Thiên Chúa đã chiến đấu chống lại các kẻ thù vô hình lâu đời bằng dấu hiệu nào, đạo quân của Người cũng chiến đấu cho Thiên Chúa bằng cũng một dấu hiện đó” (3Cel 2).
2. Câu chuyện về năm dấu thánh
Tommaso da Celano (dường như có ý định bỏ qua trong Vita Prima) trong Luận về các phép lạ này cho ta thấy việc tường thuật sự kiện về các Dấu Thánh phải được đọc như một phần không thể thiếu và như một phần tiếp tục của Seconda Vita, nhưng về cơ bản của câu chuyện thì không khác gì mấy so với những gì đã tường thuật ở Prima Vita.
- “Các Dấu Thánh xuất hiện như sau. Hai năm trước khi phó linh hồn về trời, tại ẩn viện gọi là La Verna, thuộc miền Toscana, nơi ngài lui về ở ẩn trong chiêm niệm sốt sắng, trong lúc hướng hết tâm trí về vinh quang trên trời, ngài được linh kiến và thấy một thiên thần Sốt Mến gắn vào một cây thập tự. Thiên thần bay đến phía trên ngài, thân hình có sáu cánh. Tay và chân bị đóng vào cây thập tự. Hai cánh giang dang trên đầu, hai cánh dùng để bay, hai cánh khác che phủ toàn thân. Trông thấy cảnh tượng ấy, Phan-xi-cô cảm thấy hết sức bàng hoàng, nhưng vì không rõ linh kiến ấy muốn nói gì với mình, nên tâm hồn ngài bỗng chìm trong một cảm giác lẫn lộn vui mừng với sầu buồn. Ngài vui mừng vì thấy Thiên Thần Sốt Mến nhìn mình với ánh mắt trìu mến, nhưng cũng bị chấn động khi thấy thiên thần bị đóng đinh vào một cây thập giá. Loanh quanh tìm kiếm bên ngoài, ngài không sao tìm ra giải đáp, nhưng bỗng nhiên ý nghĩa sự việc hiển hiện nơi chính bản thân ngài.
Trong chốc lát, các dấu đinh bắt đầu hiện ra trên hai tay và hai chân ngài, giống như cách ngài thấy trên thân mình người chịu đóng đinh trên không trung. Hai tay, hai chân ngài trông như bị những mũi đinh đâm thủng ở giữa. Chỏm đinh hiện lên ở phần bên trong hai bàn tay và ở phần bên trên hai bàn chân, còn mũi đinh nằm ở phái đối nghịch. Chỏm đinh hình tròn và có máu đen trên hai tay và hai chân ngài, mũi đinh dài và bị bẻ quặt. Chúng mọc lên từ chính da thịt và làm thàn một khối u. Cạnh sườn bên phải trông như bị một lưỡi giáo đâm thâu và tạo thành một vết thương đỏ tươi. Nhiều khi, khi vết thương này rướm máu, chiếc áo dòng và chiếc quần ngắn ngài mặc bên trong cũng thấm đậm một dòng máu linh thiêng.
Quả vậy, một lần kia anh Ru-phi-nô, một người của Thiên Chúa với tâm hồn trong sáng như thiên thần, đang lúc xoa gãi cho Cha Thánh với lòng yêu thương hiếu thảo thì bàn tay trượt xuống và chạm mạnh vào vết thương. Khi bị chạm, đấng thánh của Thiên Chúa rất đau đớn. Ngài hất tay anh ra và kêu xin Chúa tha tội cho anh” (3Cel 4).
3. Khi ngài chết mọi người có thể trông thấy và ngợi ca
Cuối cùng, sau thời gian hai năm, qua một kết thúc diễm phúc, ngài đã đổi thung lũng khốn khó này lấy quê hương vinh hiển trên trời. Khi hiện tượng phi thường này được loan báo đến tai dân chúng, cả thành phố sôi động và đám đông đổ xô đến, ca tụng và tôn vinh Danh Chúa. Cả thành Assisi cùng nhau về từng đoàn và dân chúng khắp vùng lũ lượt kéo đến, khát khao được thấy cảnh tượng mới lạ mà Thiên Chúa vừa mới tác thành trên thế giới. Phép lạ chưa từng nghe nói đến này biến than khóc thành hoan lạc và từ những điều mắt thấy, đưa người ta lên đến say sưa và ngất trí. Dân chúng thấy thân thể vinh phúc được in các dấu thánh của Chúa Ki-tô. Trên hai tay hai chân, không phải là các vết thương do các mũi đinh gây ra, nhưng là do chính các cây đinh, được quyền năng Thiên Chúa tạo nên cách kỳ diệu từ thịt của thánh nhân, hoặc đúng hơn nữa là làm cho phát sinh từ chính thịt của ngài. Khi ấn vào bất cứ phía nào, các dấu đinh ấy lại trồi ra phía bên kia, giống như một khối cơ liền lạc. Người ta cũng thấy cạnh sườn thấn máu đỏ.
Chúng tôi, những người đang thuật lại sự việc, chúng tôi đã tự mắt thấy sự việc. Tự tay chúng tôi đã chạm đến điều chúng tôi đang lấy tay viết lại. Tự hai mắt đẫm lệ, chúng tôi đã nhìn thấy những điều chúng tôi đang dùng miệng lưỡi để tuyên xưng. Chúng tôi đã chạm đến các vết thương rất thánh ấy và chúng tôi làm chứng trong mọi lúc về những gì chúng tôi đã một lần thề trước khi nói lên. Nhiều anh em đã cùng thấy với chúng tôi trong lúc thánh nhân còn sinh thời. Khi ngài qua đời, hơn năm mươi anh em đã được kính bái cùng với vô số người thế gian. Xin đừng ai e ngại, đừng ai nghi ngờ Chúa đã ban ân huệ vĩnh cửu này! Mong sao nhờ tình yêu sốt mến ấy, nhiều chi thể được gắn liền với đầu là Chúa Ki-tô, để nhờ Người, họ xứng đáng được trang bị cùng một khiên giáp trong cuộc chiến và được nâng lên cùng mọt địa vị trong Nước Trời. Ai là người có trí khôn lành mạnh lại không nói rằng điều này không quy đề vinh quang Chúa Ki-tô? Nhưng ngay từ bây giờ, chớ gì hình phạt dành hco kẻ bất tín cũng giáng xuống kẻ thiếu lòng sùng mộ và giúp cho những người sùng mộ thêm vững vàng” (3Cel 5).
4. Điều kỳ diệu xảy ra nhờ niềm tin vào các dấu thánh
Khi quan sát những phép lạ của Vị Thánh Nghèo, thật đáng lưu ý rằng các phép lạ đã xảy ra thông qua “sự tiếp xúc” khi Phan-xi-cô còn sống hoặc là “sự tiếp xúc” với ngôi mộ của Người Cha Chí Ái khi ngài đã qua đời..
Tuy nhiên, khi sự sùng bái Thánh Nhân ngày càng nâng cao và lan rộng thì những thông tin về các phép truyền bá ở tận những nơi xa lạ: một khoảng cách xa tính từ Assisi (ví dụ: ở Tây Ban Nha xa xôi...). Theo thời gian xa cách một khoảng thời gian dài kể từ lúc Cha Thánh qua đời điều kỳ diệu vẫn xảy ra cho những người không biết đến Phan-xi-cô nhờ sự chuyển cầu của Vị Thánh thành Assisi, qua lời cầu nguyện trước ảnh của một ngài hoặc bằng cách cầu khẩn với các Dấu Thánh.
Khảo luận về các phép lạ nhẹ nhàng khuyến khích chúng ta trông cậy vào ân sủng và sự chuyển cầu mà Đấng Chịu Đóng Đinh đã trở thành Bạn của Người Nghèo thành Assisi.
- “Tại Potenza, một thành phố của vương quốc Puglia[2], có một vị giáo sĩ tên là Rôgiêriô, một con người đáng kính và là một kinh sĩ của nhà thờ chính toà. Đang lúc chịu đau đớn vì một căn bệnh lâu dài, một ngày kia ngài vào nhà thờ cầu nguyện xin cho được khoẻ mạnh. Ở đó có một bức tranh vẽ đấng chân phúc Phanxicô với các dấu thánh vinh hiển. Ngài đến gần, phủ phục trước bức ảnh và cầu nguyện với tất cả tấm lòng thành. Tuy nhiên, khi nhìn vào các vết thương của đấng thánh, ngài lại hướng tư tưởng về những điều hư ảo, chứ không dùng lý trí để cố gắng đẩy lùi mũi nhọn của nghi ngờ đang ngấm ngầm len lỏi. Bị Kẻ Thù xưa mê hoặc, tâm hồn hoang mang, ngài bắt đầu tự nhủ: “Ông thánh này đã được vinh danh vì phép lạ thật hay đây chỉ là một ảo ảnh đạo đức của những người theo ông ấy? Không khéo người ta đã dàn dựng chuyện phát hiện năm dấu thánh và đây chỉ là một trò bịp bợm do các tu sĩ trong Dòng bày ra. Việc này quả thật vượt quá tầm của giác quan nhân loại và nằm ngoài mọi suy đoán của lý trí”. Ôi sự điên cuồng của con người! Ôi kẻ dại dột, nếu không có sức hiểu thì đáng lẽ càng phải tôn kính cách khiêm tốn hơn phép lạ hiển lộ do quyền năng Thiên Chúa. Nếu trí khôn ngươi được vài phần vững chắc, chắc chắn ngươi đã có thể thấy rằng không có gì khó đối với Thiên Chúa nếu Người muốn luôn canh tân thế gian bằng những phép lạ mới, luôn thực hiện nơi chúng ta những điều ngài không thực hiện nơi người khác để làm vinh danh Người.
Và điều gì đã xảy ra? Trong khi con người theo đuổi những ý tưởng hão huyền, Thiên Chúa giáng xuống trên một vết thương đau đớn, để “trải qua nhiều đau khổ mà học cho biết” không được phạm thượng. Vị giáo sĩ bỗng cảm thấy đau điếng nơi bàn tay trái, ngài vốn là người thuận tay trái, và nghe như có tiếng một mũi tên bật ra khỏi nỏ. Vừa đau vừa sửng sốt vì tiếng động, ngài vội tháo bao tay vì lúc ấy đang mang bao tay. Trước đây bàn tay không hề bị ai đánh vào, nhưng nay lại thấy giữa bàn tay một vết thương giống như bị tên cắm, đau rát đến mức tưởng chừng chết được. Điều lạ lùng là trên bao tay không có một dấu vết nào. Qua đó mới thấy vết thương ẩn giấu trong bàn tay tương ứng với vết thương ẩn giấu trong tâm hồn” (3Cel 6).
5. Lòng sùng kính đối với tranh ảnh được vẽ với năm dấu thánh
Chúng ta đã nói về chủ đề này trong phần liên quan đến các dấu thánh, một chủ đề mà các đức giáo hoàng sẽ can thiệp một cách kiên quyết theo chiều hướng có lợi.
- “Trong giới các mệnh phụ ở Roma, cả những người goá bụa lẫn những người vẫn còn gia đình, nhất là các bà nhờ tài sản mà giữ được đặc ân sống quảng đại và được Chúa Ki-tô ban cho lòng yêu mến Người, có thói quen dành một phòng nhỏ hoặc một nơi kín đáo trong nhà mình để làm nơi cầu nguyện. Tại đó các bà đặt một ảnh tượng thánh và tranh vẽ đấng thánh mà các bà đặc biệt tôn kính. Có một phụ nữ, cao quý bởi nếp sống trong sáng và bởi dòng dõi vinh hiển, đã chọn Thánh Phan-xi-cô làm đấng bào chữa. Bà có một bức ảnh vẽ thánh nhân đặt trong một gian phòng khuất, nơi bà lui về để cầu nguyện cùng Cha nơi kín đáo. Ngày kia trong khi cầu nguyện với lòng sốt mến và đưa mắt tìm các dấu thánh nhưng không thể nào thấy, bà hết sức ngạc nhiên và đau lòng. Nhưng nếu không thấy trên hình những gì hoạ sĩ không vẽ, thì đâu có gì lạ! Trong nhiều ngày người phụ nữ mang mối bận tâm ấy trong lòng và không nói với ai, nhiều lần nhìn lại bức tranh và luôn đau đớn. Bỗng một ngày kia các dấu thánh lại hiển hiện trên hai tay Thánh Phan-xi-cô như người ta vẫn vẽ trên các bức ảnh khác: quyền năng Thiên Chúa đã bù lại những gì nghệ thuật nhân loại đã coi thường bỏ qua” (3Cel 8).
6. Bùn ngăn chặn việc nhìn thấy các dấu thánh
- “Ngay từ khi mới sinh, lý trí con người đã bị vướng vào lưới các thông tin đến từ giác quan và các ảo ảnh thô thiển nên đôi khi bị trí tưởng tượng mung lung và bất định thúc đẩy, đâm ra nghi ngờ những điều phải tin. Vì thế không những chúng ta khó tin vào các việc làm phi thường của các thánh, nhưng đối với các thực tại liên quan đến ơn cứu rỗi, chính đức tin cũng thông thường vấp phải nhiều trở ngại khó khăn.
Quả thế, có một người anh em tu sĩ, Dòng là hèn mọn, chức vụ là thuyết giáo, đạo cao đức trọng và rất xác tín về các dấu thánh. Tuy nhiên, hoặc vì theo lối suy nghĩ thông thường hoặc vì bị mê hoặc từ bên ngoài, anh bắt đầu nghi ngờ phép lạ của đấng thánh. Bạn phải thấy cuộc chiến diễn ra trong tâm trí người anh em ấy: lý trí bảo vệ phía của chân lý, còn trí tưởng tượng lại luôn can thiệp để bảo vệ phía đối lập. Lý trí dựa trên nhiều chứng cứ để khẳng định rằng sự việc đúng như đã được thuật lại và ngay khi không có bằng chứng nào khác, lý trí vẫn dựa vào chân lý được Hội Thánh tin. Trái lại, bóng tối của giác quan âm mưu chống lại phép lạ vì cho rằng sự việc trái với tất cả tự nhiên và từ trước đến nay chưa bao giờ nghe nói tới. Mệt mỏi vì cuộc đấu tranh nội tâm, một tối kia anh về phòng mình, lý trí thì đuối sức mà trí tưởng tượng càng lúc càng thêm trâng tráo. Trong giấc ngủ, Thánh Phanxicô hiện ra với anh, hai chân lấm bùn, vẻ mặt cứng cỏi một cách khiêm tốn và tức giận một cách kiên nhẫn. Ngài nói: “Những thứ gì đang giằng co trong tâm trí con vậy? Những hoài nghi nào đang làm vấy bẩn lòng con? Hãy nhìn xem tay và chân cha đây”. Người anh em thấy hai bàn tay bị đâm thâu qua nhưng không thấy các dấu thánh trên hai chân lấm bùn. Thánh Phanxicô nói với anh: “Gạt bùn ra khỏi chân cha và hãy nhận ra các lỗ đinh!” Người anh em cầm lấy hai bàn chân của thánh nhân, gạt bùn và đưa tay sờ nắn nơi đóng các mũi đinh. Ngay khi hồi tỉnh, anh khóc ướt đẫm nước mắt. Qua việc công khai xưng thú, anh xoá đi các tâm tình trước đây, chúng giống như bùn lấm bám vào người anh” (3Cel 10).
7. Nhờ sự chuyển cầu của các dấu thánh
- “Các dấu thánh trên người vị hiệp sĩ bất khả chiến bại của Chúa Ki-tô là dấu hiệu của một đặc ân phi thường và ấn tích của một tình yêu cao vời mà toàn thế giới không ngừng ngưỡng mộ. Để người đời khỏi nghĩ rằng các dấu thánh không có uy lực lớn lao, một biến cố đã xảy ra tại Tây Ban Nha trong vương quốc Castilla. Đây là một phép mới và tỏ tường hơn, giúp người ta nhận ra các dấu thánh là những vũ khí quyền năng trong tay Thiên Chúa như thế nào. Có hai người chống đối nhau rất kịch liệt. Không có gì có thể làm cho thù hận nguôi ngoai, không có gì có thể làm cho sự đối đầu dịu xuống. Dù chỉ trong một giờ, cũng không có phương thuốc nào để giải trừ mối oán hờn giữa hai người, trừ khi người này phải chết đau đớn dưới tay người kia. Vì không thể ra tay cách công khai, cả hai đều đã nhiều lần mang giáp sắt, cùng với thủ hạ phục kích để ám hại đối thủ. Một buổi chiều nọ, khi trời đã gần tối, có một người đạo đức đáng kính đi qua đoạn đường một trong hai kẻ nói trên đang mai phục. Ông ta là người đã quy phục đấng chân phúc Phanxicô với tất cả lòng thành và vì thế, sau giờ Kinh Tối, ông vội vã đến nhà thờ của các anh em tu sĩ để cầu nguyện như vẫn thường làm. Các đứa con của bóng tối đã xông vào người con của ánh sáng, tưởng đâu rằng đó là kẻ thù chúng đã tìm kiếm lâu nay để hạ thủ. Bọn chúng vung kiếm chém tán loạn và bỏ ông ấy lại bán sống bán chết. Nhưng cuối cùng kẻ thù hung hãn vẫn cứ đâm mạnh lưỡi kiếm vào cổ ông ấy. Không rút ra được, nó để nguyên cây kiếm cắm trong vết thương.
Người dân khắp nơi chạy đến, kêu la inh ỏi, và ai nấy đều xót xa vì cái chết của người vô tội. Vì thấy người ấy còn thoi thóp nên thầy thuốc khuyên đừng rút kiếm ra khỏi cổ. Có lẽ họ quyết định như vậy để cho người ấy còn cơ hội làm một cử chỉ nào đó mà xưng tội. Suốt đêm cho đến giờ Kinh Rạng Đông, các thầy thuốc bận rộn lau máu và băng các vết thương. Nhưng vì các vết thương quá nhiều và quá sâu, họ không đạt được một tiến bộ nào nên bỏ dở công việc săn sóc. Các Anh Em Hèn Mọn đứng cùng với các thầy thuốc quanh giường nạn nhân. Họ hết sức đau đớn, chờ giây phút người bạn qua đời. Vào lúc ấy, chuông của nơi các anh em đổ để báo giờ Kinh Rạng Đông. Khi bà vợ của người ấy nghe tiếng chuông, bà nức nở chạy lại phía giường và nói: “Ông ơi, dậy mau lên, đi đọc Kinh Rạng Đông, chuông của ông gọi ông rồi đấy”. Ngay lúc ấy, từ lồng ngực của người tưởng chừng như chết đến nơi tiếng phì phò tăng lên gấp đôi. Ông ta cố hết sức thốt ra một vài lời gì đó. Đưa tay chỉ vào thanh gươm cắm vào cổ, ông ta ra dấu cho người ta rút kiếm ra. Ôi sự việc thật lạ lùng! Thanh kiếm tức thì bay ra khỏi chỗ ấy, và trước mắt mọi người, nó văng ra đến tận cửa nhà, giống như có bàn tay của một người lực lưỡng nào đó phóng đi vậy. Nạn nhân đứng lên, hoàn toàn khoẻ mạnh như vừa mới ngủ dậy và kể lại các kỳ công của Chúa.
Mọi người quá đỗi sửng sốt, gần như mất trí. Họ cứ ngỡ mình bị hoa mắt nên mới thấy những gì đang xảy ra. Khi ấy người được chữa lành lên tiếng nói: “Ông bà đừng sợ! Đừng nghĩ rằng những gì ông bà đang thấy là không có thực! Tôi là người luôn sùng mộ ông Thánh Phan-xi-cô. Ngài vừa mới rời khỏi nơi này và chính ngài chữa cho tôi khỏi mọi thương tích. Ngài đã áp các dấu thánh của ngài vào mỗi vết đâm trên người tôi; ngài đã dịu dàng xoa các dấu thánh lên các vết thương của tôi. Các ông bà thấy đó, khi chạm đến các dấu thánh, những nơi bị đâm nát đã được hàn gắn lại cách lạ lùng. Khi các ông bà nghe tiếng khò khè tôi gắng phát ra từ trong ngực, đó là lúc vị Hiền Phụ chí thánh đã chữa lành tất cả các vết thương khác cách rất êm ái và có vẻ muốn ra đi mà vẫn để thanh kiếm trong cổ tôi. Tôi không làm sao nói được nên cố dùng bàn tay đã đuối sức ra dấu xin ngài rút thanh kiếm vì nó có thể làm tôi chết bất cứ lúc nào. Tức thì ngài cầm lấy thanh kiếm và ném mạnh nó đi, như các ông bà đã thấy. Như đã làm trước đó, thánh nhân lấy các dấu đinh của ngài xoa lên vết thương ở cổ và chữa cho nó lành lặn đến mức phần da thịt bị đâm và phần vẫn còn nguyên trông hoàn toàn như một”. Ai là người không kinh ngạc trước việc ấy? Ai còn có thể cho rằng những điều đã được tuyên bố về các dấu thánh không phải hoàn toàn do Thiên Chúa làm?” (3Cel 11-13).
[1] Ý muốn nói đến sự thánh thiện của cuộc đời Cha Thánh và sự kỳ diệu của các dấu thánh (hai ánh hào quang).
[2] 3Cel được viết vào 1250 lúc Hoàng đế Frêđêricô II băng hà. Frêđêricô II vừa là Hoàng đế của Thánh Đế Quốc Roma (bao gồm chủ yếu Đức Quốc) vừa là Vua của Vương Quốc Sicilia (bao gồm toàn bộ miền Nam Italia, trong đó có “Vương Quốc Puglia” nói ở đây). Nhiều lần Frêđêricô II công khai chống lại Đức Giáo Hoàng. Các Anh Em Hèn Mọn sống tại Sicilia bị ngược đãi vì trung thành với Toà Thánh. Vì thế không có gì lạ khi phép lạ trừng phạt đầu tiên lại xuất phát từ vùng đất của Frêđêricô II.