Skip to content
Main Banner
Thánh Grêgôriô (03/09) - Thánh Gioan Kim Khẩu (13/09) - Suy tôn Thánh Giá (14/09) - Thánh lễ TRUYỀN CHỨC (15/09) - Thánh Cornêliô và Thánh Cyprian (16/09) - Thánh Phanxicô in 5 dấu - Thánh Lễ Khấn Trọng (17/09) - Thánh Giuse Côpetinô (18/09) - Thánh Andre Kim, Phaolô Chung (20/09) - Thánh Mátthêu (21/09) - Thánh Piô Piêtrenchina (PS) (23/09) - Thánh Vinhsơn Phaolô (27/09) - Thánh Têrêsa Hài Đồng (01/10) - Các Thiên Thần Hộ Thủ (02/10) - Tưởng niệm giờ Cha Thánh Phanxicô lâm chung (03/10) - Đại lễ Cha Thánh Phanxicô (04/10)
Ngôn ngữ

Fr. William Saunders, Dấu Thánh Là Gì?

BTT OFMVN 00
2024-09-08 21:58 UTC+7 547
Dấu thánh là sự xuất hiện tự phát của các vết thương của Chúa bị đóng đinh trên cơ thể một con người. Những vết thương này bao gồm các vết đinh ở chân và tay, vết thương do ngọn giáo đâm ở hông, vết thương trên đầu do mão gai và các vết roi quất trên thân thể, đặc biệt là lưng. Một người được nhận dấu thánh có thể có một, một số hoặc tất cả các vết thương này. Hơn nữa, chúng có thể được nhìn thấy hoặc không, và chúng có thể xuất hiện luôn luôn, hoặc có định kỳ hoặc tạm thời.

Hỏi: Tôi rất vui khi biết Cha Pio được tôn phong lên bậc Chân phước. Tôi biết ngài có những dấu thánh, nhưng tôi thấy khó để giaỉ thích cho các bạn bè của tôi là người Tin Lành. Xin cha vui lòng giải thích cho tôi biết dấu thánh là gì và có phải mọi vị thánh đều được như thế không? 

Dấu thánh là sự xuất hiện tự phát của các vết thương của Chúa bị đóng đinh trên cơ thể một con người. Những vết thương này bao gồm các vết đinh ở chân và tay, vết thương do ngọn giáo đâm ở hông, vết thương trên đầu do mão gai và các vết roi quất trên thân thể, đặc biệt là lưng. Một người được nhận dấu thánh có thể có một, một số hoặc tất cả các vết thương này. Hơn nữa, chúng có thể được nhìn thấy hoặc không, và chúng có thể xuất hiện luôn luôn, hoặc có định kỳ hoặc tạm thời.

Những người hoài nghi hẳn cho rằng các vết thương như thế trên thân thể của một người là do một số bệnh lý hoặc thậm chí là do yếu tố tâm lý, mà họ không xem xét bất kỳ khái niệm siêu nhiên nào. Về phía mình, Giáo hội trước tiên cũng cố gắng xác định nguồn gốc không phải là nguyên nhân tự nhiên, và tìm kiếm bằng chứng siêu nhiên để chứng minh rằng dấu thánh thực sự là một dấu hiệu của Chúa. Hơn nữa, Giáo hội cũng muốn đảm bảo rằng dấu thánh không phải là dấu hiệu của Satan nhằm gây ra một vài cơn kích động tâm linh khiến người khác bị sai lạc. Dấu thánh phải là dấu hiệu của sự kết hợp với Chúa chịu đóng đinh, nên người có dấu thánh thực sự phải sống một cuộc đời nhân đức anh hùng, chịu đựng đau khổ về thể xác và tinh thần, và hầu như luôn đạt đến mức độ kết hợp xuất thần với Chúa trong kinh nguyện.

Vết thương của các dấu thánh thật cũng khác với bất kỳ vết thương nào do một số bệnh lý: Các dấu thánh thật thì tương hợp với các vết thương của Chúa chúng ta, trong khi các dấu thánh thuộc bệnh lý sẽ xuất hiện ngẫu nhiên trên cơ thể. Các dấu thánh thật có chảy máu đặc biệt vào những ngày tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa (như Thứ Sáu và Thứ Sáu Tuần Thánh), trong khi các dấu thánh do bệnh lý thì không. Các dấu thánh thật chảy máu sạch và tinh khiết, trong khi các dấu thánh có nguồn gốc bệnh lý thì mưng mủ. Dòng máu chảy ra từ một dấu thánh thật đôi khi có thể rất nhiều mà không gây hại cho người đó, trong khi dấu thánh có bản chất bệnh lý sẽ làm một người bị suy yếu nghiêm trọng và cần phải truyền máu. Các dấu thánh thật không thể được chữa lành bằng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, trong khi dấu thánh có nguồn gốc bệnh lý thì có thể. Cuối cùng, các dấu thánh thật thì xuất hiện đột ngột, trong khi dấu thánh có nguồn gốc bệnh lý xuất hiện dần dần theo thời gian và có thể liên quan đến các nguyên nhân tâm lý và thể chất tiềm ẩn.

Cuối cùng, những người mang dấu thánh thật rất ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các dấu thánh. Đây không phải là điều mà họ "cầu nguyện" để đạt được. Hơn nữa, với lòng khiêm nhường, họ thường cố gắng che giấu các dấu thánh, không để chúng lôi kéo sự chú ý của người chung quanh và ngay cả chính họ.

Người đầu tiên được "chứng nhận" có dấu thánh là thánh Phanxicô thành Assisi (1181-1226). Vào tháng 8 năm 1224, ngài và một số tu sĩ Phanxicô đã đến núi Alvernia ở Umbria, gần Assisi, để cầu nguyện. Tại đây, thánh Phanxicô đã  cầu xin được chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô. Vào Lễ Suy tôn Thánh giá (ngày 14 tháng 9) năm 1224, thánh Phanxicô đã có một thị kiến ​​là được Chúa chịu đóng đinh ôm chặt lấy ngài. Nỗi thống khổ của thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên đã đổ vào con người của thánh nhân, và ngài đã nhận được các dấu thánh. Ngài đã cố gắng che giấu dấu hiệu của ân ban thiêng liêng này bằng cách lấy áo dòng che bàn tay và mang vớvào chân (điều mà ngài thường không làm). Cuối cùng, các anh em của ngài đã nhận thấy sự thay đổi trong cáchphục trang cũng như nỗi đau trên thể xác của ngài, và họ đã biết. Theo lời khuyên của các anh em, thánh Phanxicô đã tiết lộ điều ngài muốn dấu kín. Thánh Phanxicô đã nói, "Không có gì an ủi tôi bằng việc nghĩ đến cuộc đời và cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta. Dẫu có được sống đến tận thế, tôi cũng không cần đến một cuốn sách nào khác." Tình yêu của thánh Phanxicô dành cho Chúa chịu đóng đinh được minh chứng bằng việc ngài chăm sóc người nghèo khổ chắc chắn đã mang lại cho ngài ân ban được in những dấu thánh.

Thánh Catarina Sienna (1347-1380), người đã có những kinh nghiệm và thị kiến ​​thần bí từ khi mới sáu tuổi, cũng đã nhận được dấu thánh. Vào tháng 2 năm 1375, nhân đến thăm thành phố Pisa, chị đã dự thánh lễ tại Nhà thờ thánh Christina. Sau khi rước lễ, chị chìm sâu vào cuộc suy gẫm, mắt đăm đăm nhìn lên tượng chịu nạn. Đột nhiên từ cây thánh giá phát ra năm tia sáng đỏ như máu đâm vào bàn tay, chân và hông của chị, làm chị đau đớn đến nỗi chị bị ngất đi. Tại nơi đây, thánh nhân đã nhận được các dấu thánh, nhưng ngài chỉ trông thấy các dấu thánh vào lúc lâm chung.

Có lẽ người mang dấu thánh được biết đến nhiều nhất nhất là Cha Piô. Sinh năm 1887, ngài đã có những thị kiến ​​khi mới lên năm, và khi còn rất trẻ đã quyết định dâng mình cho Chúa. Ngài gia nhập Dòng Phanxicô Capuchin vào năm 1903 và được thụ phong linh mục vào năm 1910. Ngài đã nói, "Tôi bị đắm chìm trong tình yêu của Chúa và tình yêu của tha nhân.”  

Vào ngày 5 tháng 8 năm 1918, Cha Pio đã có một thị kiến ​​trong đó ngài cảm thấy mình bị đâm bằng một ngọn giáo; sau đó, vết thương do ngọn giáo vẫn ở lại với ngài. Tiếp đến, vào ngày 20 tháng 9 năm 1918, khi đọc kinh tạ ơn sau thánh lễ, ngài lại nhận được những vết thương của Chúa ở tay và chân. Mỗi ngày, ngài mất khoảng một cốc máu, nhưng các vết thương không bao giờ khép lại hoặc mưng mủ. Ngoài ra, một mùi ngọt ngào tỏa ra từ các vết thương của ngài thay vì mùi máu.

Trong đời của ngài, Cha Pio đã dần hiểu được chiều sâu nỗi đau khổ của Đấng Cứu Thế dưới bàn tay những con người trong và ngoài Giáo Hội, và của chính ma quỷ. Tuy nhiên, Cha Pio đã nói, "Tôi là một khí cụ trong tay của Chúa. Tôi chỉ có ích khi để Chúa làm chủ đời tôi." Dấu thánh ở mãi với Cha Pio cho đến khi ngài qua đời. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: "Padre Pio được mọi người biết đến! Tại sao thế? Phải chăng vì ngài là một triết gia? Một học giả? Một người giàu có? Không, vì ngài đã dâng lễ cách khiêm cung, ngài ngồi tòa giải tội từ sáng đến tối. Và bởi vì ngài là vị đại diện của Chúa chúng ta, được chứng nhận bằng các dấu thánh."

Mặc dù rất ít vị thánh được ban dấu thánh, những vị được ban như thánh Phanxicô, thánh Catarina và chân phước Pio, đều được biết những đau đớn của Chúa chúng ta. Đang khi dấu thánh có thể khiến chúng ta thắc mắc, bản thân các dấu thánh và các đấng nhận được ân ban cao trọng ấy truyền cảm hứng cho chúng ta đi tìm một sự kết hợp mật thiết hơn với Chúa, đặc biệt là bằng việc thường xuyên đến với bí tích Hòa giải và năng rước Mình Thánh Chúa.

 

Về tác giả: Lm. William P. Saunders: Cha William là linh mục thuộc giáo phận Arlington (Virginia, Hoa Kỳ). Ngoài công việc mục vụ, ngài lập một trang web để trả lời những câu hỏi về Đức tin Công giáo và đã in thành những tập sách có tựa là Straight Answers I và II. Bài này là một giải đáp của ngài, khi Cha Pio còn được tôn kính như một Chân phước. Ngài đã được tôn phong hiển thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002 do Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II.

(Chuyển ngữ và ghi chú: Ban Thường huấn).

Chia sẻ