Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Một Số Lưu Ý Về Các Dấu Tích Của Thánh Phanxicô Trong “Corpus Celanense”

BTT OFMVN 00
2024-09-07 20:11 UTC+7 861
Xin giới thiệu đến quý độc giả một số bài nghiên cứu và thuyết trình tiếp theo của cha Rino Bartolini, OFM, về các dấu thánh của thánh Phanxicô, được cha FX. Đinh Trọng Đệ, OFM, biên dịch.

Trong phần này, công việc của chúng tôi là đưa ra những bản văn liên quan đến các dấu thánh từ ba tác phẩm của Tô-ma Cê-la-nô, người được xem là chứng nhân đầu tiên của việc Phan-xi-cô được in năm dấu thánh.

Ngoài ra với những giải thích nhằm làm cho rõ ràng hơn được trình bày trong khi đọc lại các bản văn, chúng tôi muốn nhắc nhớ người đọc hiểu những ý nghĩa chính liên quan đến các Dấu Thánh.

-       Trước hết, cần ghi nhớ góc nhìn mà từ đó Celano di chuyển để tường thuật các câu chuyện về các Dấu Thánh. Với một kiến thức sâu sắc về tiểu sử phan sinh, kết luận của J. DALARUN là rất sâu sắc: “Theo tinh thần của Tommaso da Celano, người đền tội (Phan-xi-cô) đã đặt bước chân mình theo dấu chân của Chúa, theo dấu vết của các Tông Đồ, một kiểu mẫu tinh thần và khôn ngoan: “Sequela Christi”, không phải kiểu mẫu đó nhắm đến việc đồng hóa với Chúa Ki-tô, nhưng Celano đã biến Phan-xi-cô thành một nhà Tân Phúc Âm, qua cốt lõi hành động của người là loan báo Tin Mừng về sự Thiện Mới Mẻ, và ngài biết biện phân rõ rằng ai là nô lệ ai là Ông Chủ. Các dấu thánh nảy sinh nơi thân xác của Phan-xi-cô khởi đầu bằng chính việc suy niệm trong tâm hồn của ngài về Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Ngài tự nhận ra mình không khác với Sê-ra-phim, khi ngài được cháy bỏng lòng trắc ẩn và tình yêu dành cho Đấng Cứu Độ của mình. Theo phẩm trật các thiên sứ trên trời thì Sê-ra-phim là thiên thần gần gũi Thiên Chúa nhất, nhưng vẫn không thay thế vị trí của Chúa Con. Khi miêu tả cách thức mà các dấu thánh xảy ra đối với Phan-xi-cô, Tô-ma không che giấu sự thật rằng anh không có nhiều điều để nói với chúng ta. Anh chỉ biết nguyên nhân sâu xa nhất đó là: ngọn lửa bác ái đã cháy lên nơi Thánh Phan-xi-cô. Anh đã bỏ qua nguyên nhân ngẫu nhiên hoặc không muốn tiết lộ nó cho chúng ta. Anh công bố dấu lạ và cho thấy ý nghĩa của nó: Phan-xi-cô muốn theo Chúa Ki-tô hơn nữa, càng gần càng tốt”.

-       Thứ hai, vị trí về mặt thời gian cũng như văn chương của câu chuyện về các dấu thánh trong Vita Prima: Celano chèn nó ngay sau tường thuật lễ Giáng Sinh ở Greccio. Đối với chúng tôi đây dường như là chìa khóa quan trọng đầu tiên để đọc các dấu thánh do Celanense cung cấp cho chúng ta. Chúa Ki-tô Thiên Chúa nhập thể được cử hành long trọng vào dịp lễ Giáng Sinh tại Greccio, là đối tượng để chiêm ngưỡng, tôn thờ và quy hướng mọi tình cảm của Phan-xi-cô: đó là nguyên nhân niềm vui của Phan-xi-cô.

Nhưng tình yêu nồng nàn của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Ki-tô: Thiên Chúa - Con Người, chỉ trở nên hữu hình và dứt khoát trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Và do đó, tất cả những dấu ấn liên quan đến Chúa làm cho Phan-xi-cô yêu mến, quan tâm và cử hành. Ánh nhìn chiêm ngưỡng của Vị Thánh Nghèo dao động liên tục từ hang đá đến Thập giá, dừng lại nơi Bí tích Thánh Thể mà ngài cử hành trên hang đá Greccio, vì trong Bí tích này có việc cử hành toàn bộ mầu nhiệm nhân tính thánh thiện của Đức Giê-su: sự Nhập Thể và  các dấu thánh (cái chết) của Chúa. Phan-xi-cô đã được chính Con Người Giê-su chinh phục, chuộc lấy, chiếm hữu và ở lại trọn vẹn bởi Con Người – Giê-su. Vì thế, khi chiêm ngưỡng với lòng trào dâng niềm vui thánh thiện, Phan-xi-cô cất lên: Ôi thật là điều vẻ vang, khi có một người Cha thánh thiện và vĩ đại trên trời. Ôi thật là điều thánh thiện, an ủi khi có một người bạn trăm năm đẹp đẽ và kỳ diệu. Ôi thật là điều thánh thiện và đáng quí mến, khi có một Người Anh và một Người Con hiền lành, khiêm hạ, an hòa, ngọt ngào, đáng mến và đáng ước ao trên hết mọi sự đã  thí mạng sống mình cho đoàn chiên và đã cầu xin cùng Chúa Cha cho chúng ta : ‘Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong Danh thánh, những kẻ Cha đã ban cho Con. Lạy Cha, tất cả những kẻ Cha đã ban cho Con trong thế gian đều thuộc về Cha, và Cha đã ban họ cho Con. Con đã ban cho họ những lời mà Cha đã ban cho Con; họ đã tiếp nhận những lời ấy và biết thật rằng Con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai phái Con; Con cầu xin cho họ chứ không cho thế gian. Xin cha chúc lành và thánh hóa họ. Và vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để họ được thánh hóa và nên một như chúng ta. Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con trong Nước Cha” (2TH 54-60).

Những nghiên cứu Ki-tô Học về các tác phẩm của Thánh Phan-xi-cô cho phép chúng ta thấy được quan điểm của Celano không hề sai lệch một chút nào so với những gì Vị Thánh Nghèo đã trải qua và đã khuyên dạy, Noberto Nguyễn Văn Khanh viết: “Các Ki-tô hữu thời thượng Trung Cổ, hầu như chỉ nhìn thấy nơi Chúa Ki-tô là Vị Chúa vinh quang, Vị Thẩm phán tối cao của vũ trụ: đấy là Thiên Chúa siêu việt, loài người quỳ trước thánh nhan Người để khẩn nài xin lòng thương xót. Thánh Phan-xi-cô là con người của thời đại nên cũng có một ý thức rất nhạy bén về quyền chủ tể thần linh của Đức Ki-tô: nơi Đức Ki-tô, ngài nhìn thấy Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – Thiên Chúa Israel tôn thờ - Thiên Chúa hằng sống và chân thật – Vị Thẩm Phán tối cao ngự giữa các thiên thần và các thánh nhân. Tuy nhiên, nhờ tiếp xúc với các nguồn mạch của Phúc Âm và phụng vụ, ngài cũng đã nhận ra nơi Đức Ki-tô hình dạng người nô lệ đã rửa chân cho các Tông Đồ - người hành khất và người khách lạ đã sống nhờ của bố thí – người tôi tớ đau khổ đã đưa mặt ra cho quân thù sỉ vả - con sâu – con chiên và vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống mình trên thánh giá”.

Đức Ki-tô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, vừa là Chúa vừa là Tôi Tớ. Thánh Phan-xi-cô không bao giờ quên lãng một trong hai khía cạnh ấy. Đức Ki-tô là một con người sống động và cụ thể, nơi Người, Thiên Chúa Tối Cao và Toàn Năng trở nên gần gũi với loài người; nơi Người, Thiên Chúa tự trao ban cho loài người như cho con cái mình.

Vì lý do ấy, giống như các Ki-tô hữu thờ Trung Cổ, Thánh Phan-xi-cô bày tỏ lòng sùng kính và đức tin của mình bằng những cử chỉ thần phục và tôn thờ. Ngài còn đẩy xa lòng sùng kính đến chỗ phủ phục mỗi khi nghe công bố Danh Thánh Chúa và các lời của Chúa. Tuy nhiên, nếu như ngài thường nhắc đến hình ảnh Vị Thẩm Phán Tối Cao xét xử vũ trụ, đó chính là để khơi dậy lòng kính sợ thiêng liêng nơi các tín hữu và đưa họ đến đời sống hoán cải. Điều ngài vẫn thích làm hơn, đó là chiêm ngắm sự hạ mình của Con Thiên Chúa Tối Cao nơi con người Giê-su và nơi Bí Tích Thánh Thể và kêu gọi mọi người đáp lại tình yêu của Chúa là Đấng tự hiến mình cho nhân loại nhưng lại bị người đời kinh chê.

Kính sợ và yêu mến là hai khía cạnh không thể tách rời trong lòng đạo đức của Thánh Phan-xi-cô, nhưng yếu tố trổi vượt hơn chắc chắn là tình yêu đáp lại Tình Yêu”.

Thực vậy, trong Thư gởi toàn Dòng, Phan-xi-cô viết: “Chớ gì mọi người hãy kính sợ, toàn thế giới hãy run rẩy và các  tầng trời hãy reo vui khi Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống ngự trên bàn thờ trong tay linh mục! Ôi điều cao cả kỳ diệu, một sự hạ mình đáng kinh ngạc! Ôi lòng khiêm hạ thẳm sâu, một điều trọng đại mà thật khiêm tốn! Chúa tể càn khôn, Thiên-Chúa và là Con Thiên Chúa hạ mình xuống đến ẩn náu dưới hình bánh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta. Hỡi anh em, hãy nhìn ngắm sự khiêm nhường của Thiên Chúa và trước mặt Người hãy tuôn đổ cõi lòng. Anh em hãy hạ mình xuống để Người nâng anh em lên. Vậy anh em đừng giữ lại cho mình bất cứ điều gì, để Chúa là Đấng đã hiến trọn thân mình cho anh em, cũng sẽ nhận lấy toàn thân anh em (TTD 26-29).

-       Thứ ba, Tô-ma (một cách đặc biệt trong Vita Seconda) đã diễn tả về biến cố lãnh nhận năm dấu thánh này khi  khởi đầu cuộc đời của Phan-xi-cô bằng việc kể về cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô Chịu Đóng Đinh tại San Damiano. Phan-xi-cô đã bắt đầu cảm nhận và trải nghiệm về Cây Thánh Giá khi Tô-ma trích dẫn Sách Diễm Ca: “Từ đó, khoảnh khắc những lời của Người Yêu đến với ngài” và “linh hồn ngài bắt đầu khao khát lời của Người Yêu” (Dc 5,6).Một ngọn lửa tình yêu đã cháy sáng lên trong tâm hồn Thánh Phan-xi-cô đối với Đấng Ki-tô. Tại S. Damiano một “cuộc đính hôn” bắt đầu, đòi hỏi một cuộc từ bỏ để tìm kiếm một con đường không ngừng bước theo dấu chân củaChúa Ki-tô, một cuộc đời luôn dành cho Thiên Chúa theo gương  Đức Giê-su. Được ân sủng nâng đỡ, Người Nghèo Thành Assisi tỏ ra can đảm và trung tín. Các  Dấu Thánh bên ngoài xảy ra tại La Verna (Celano nói với chúng ta) được đặt gần như vào lúc kết thúc cuộc đời theo đuổi tình yêu: Các Dấu Thánh là dấu hiệu của “cuộc hôn nhân thần bí” giữ Đức Ki-tô với linh hồn người tín trung.

Đây là lý do tại sao Celano có thể nói về các Dấu Thánh như một “Magnum Sacramentum” (Bí tích trọng đại), một“Memorabile sacramentum”, và “Bí tích này thật cao cả” biểu lộ tính cao siêu nhờ đặc quyền của tình yêu (sacramentum hoc magnum est et praerogativae dilectionis indicat maiestem), nhưng nó che giấu một kế hoạch huyền bí và một mầu nhiệm cao cả mà chỉ có Chúa mới biết, chúng tôi tin như thế, và một phần được mạc khải cho chính Thánh Phan-xi-cô như cho một con người”.

“Vị hôn thê thần bí” hiện diện rất nhiều trong các tác phẩm của Thánh Phan-xi-cô (x. Thư gửi các tín hữu, Điệp ca Đức Trinh Nữ Maria, Mẫu mực sống...)

Cũng như trong các thư của Thánh Clara (các Thư gửi chân Chị Agnes). Theo G. Moioli trong Mistica Cristiana thì: “Nó xuất phát từ bối cảnh giao ước trong Kinh Thánh và được thể hiện qua biểu tượng hôn nhân. Ở đó sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa được coi là sự hiệp thông nên một giữa cô dâu với chú rể: một sự thông hiệp sẵn sàng và cống hiến hoàn toàn cho nhau, trong đó tình yêu tự do dâng hiến trước sáng kiến ​​của Tình Yêu cao cả, tạo ra nơi thụ tạo chính những điều kiện để đáp trả. Nếu có một câu chuyện, một hành trình đáp lại tình yêu của con người trước tình yêu củaThiên Chúa, thì ở đây Kinh Thánh hoàn toàn “đề cập đến” và ‘được lồng vào” một câu chuyện về sự chủ động của tình yêu Thiên Chúa: lịch sử của công cuộc cứu độ, mà trung tâm của nó phải là Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cuộc Khổ Nạn củaNgôi Lời - Con Thiên Chúa. Ý nghĩa của câu chuyện này Thiên Chúa đã trao tặng một sự hiệp thông thần hóa cho con người tội lỗi”.

-       Thứ tư: cần luôn nhớ rằng “Vị hôn phu thần bí” luôn nằm vị trí nền tảng trong toàn bộ cuộc đời khổ hạnh của Người Nghèo thành Assisi: không có động lực này những việc đền tội, những nỗ lực, những cách ăn chay, những cuộc hành trình... sẽ trở nên không thể hiểu nổi. Chúng là “mùn đất tốt bên trong (humus interiore) thích hợp cho sự phát triển của các Dấu Thánh cả bên trong lẫn bên ngoài”. Điều này 2Cel 211 đã minh chứng với chúng ta: “Nhưng còn có gì có thể làm vui thích một thân thể nhỏ bé đã kiệt quệ như thế? Có gì có thể chống đỡ được một thân thể không còn một chỗ lành lặn? Phan-xi-cô đã chết đối với thế gian, nhưng Chúa Ki-tô sống trong ngài. Các sự vui thích của thế gian là một khổ giá đối với ngài vì Thánh Giá của Chúa Ki-tô đã cắm sâu trong trái tim mình. Sở dĩ các dấu thánh sáng ngời bên ngoài xác thịt ngài chính là vì gốc rễ cây Thánh Giá đã ăn sâu vào bên trong tâm trí ngài (Et ideo stiryta exterius fulgebant in carne, quia intus radix altissima)”

Đây dường như cũng là điểm về các Dấu Thánh trong Khảo luận về các phép lạ, Chúa Ki-tô, Đấng nói chuyện với Phan-xi-cô tại S. Damiano, chính là “vị hôn phu thần bí” đã  hướng dẫn cuộc đời của Thánh Phan-xi-cô khiến “… tâm hồn ngài bắt đầu tan chảy trước lời nói của Người Yêu (Dc 5,6). Chính vì muốn tự đóng mình vào cây thập giá ấy nên ngài mặc lấy chiếu áo dòng sám hối được làm theo hình chữ thập…” (3Cel 2).

Trong những năm biên soạn Vita Seconda (1248) và Khảo luận về Phép lạ (1250), hai mươi năm sau cái chết của Vị Sáng Lập, Tommaso da Celano đã nhớ lại con đường mới của Phan-xi-cô và con đường của các anh em của Phan-xi-cô đã được nuôi dưỡng thế nào bằng cuộc gặp gỡ với Đấng Phu Quân là Đức Ki-tô.

-       Thứ năm: Từ lời kể của Celanô, mọi thứ hiện ra rất  trung thực và điều mà chúng ta dám gọi là “sự khiêm tốn thiêng liêng” của Phan-xi-cô. “Thật vậy, ngài không bao giờ hoặc ít khi cho ai biết bí mật quan trọng của mình. Ngài sợ rằng do sự tiết lộ của những người bạn thân thiết, mà những người được ưu ái thường hay làm như thế, sẽ mất đi một phần nào ân huệ Chúa đã ban. Thánh nhân luôn tâm niệm trong lòng và thường nhắc ngoài miệng câu Thánh vịnh: “Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ - Để con không bao giờ bội nghĩa bất trung”.

-       “Mỗi khi nào có người thế gian đến gặp mà ngài không muốn tiếp chuyện, ngài dặn anh em: hễ thấy ngài đọc câu thánh vịnh ấy thì anh em tìm cách lịch sự tiễn khách ra về. Qua kinh nghiệm của bản thân, ngài biết rằng tỏ lộ mọi sự cho mọi người là điều rất tai hại, và ngài hiểu rằng kẻ nào trong tâm hồn không có những điều bí ẩn sâu sắc hơn và nhiều hơn những điều thấy được ngoài mặt, kẻ nào mà người đời có thể đánh giá theo sắc diện, kẻ ấy không thể là người thiêng liêng. Ngài đã nghiệm thấy rằng một số người, bề ngoài thì tán thành ngài nhưng trong bụng lại phản đối, trước mặt thì hoan hô nhưng sau lưng lại nhạo cười. Những người ấy đã chuốc lấy án phạt cho mình và làm cho ngài đâm ra phần nào nghi ngờ cả những người ngay chính. Sự nham hiểm quả hay tìm cách bôi nhọ lòng chân thành và bởi chưng tật gian dối đã trở nên phổ biến trong xã hội, thế nên dẫu gặp một thiểu số người chân thật, người ta cũng không tin” (1Cel 96).

Đối với Celano, sự khiêm tốn tinh thần mà Phan-xi-cô dùng để che giấu khỏi những con mắt tò mò về những vết thương của  các Dấu Thánh cho thấy một sự “kết hợp mật thiết” giữa cuộc sống và số phận mà ngài chỉ có thể thông chia cho chỉ một mình ‘vị hôn phu của tâm hồn” mà thôi.

“Nhưng Chúa Quan Phòng không cho phép điều tốt lành này luôn bị ẩn giấu …”. Vậy nên, chuyện đã xảy ra ở La Verna, Phan-xi-cô cảm thấy cần thiết, không phải để nói về nó hoặc chia sẻ nó, nhưng để tỏ bày, để không tự lừa dối mình với một số người bạn thân thiết: những người bạn thân của mình và của Thiên Chúa.

-       Cuối cùng, Celano giúp chúng ta hiểu rằng đời sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa khi ngài ở lên núi không hề làm ngài cảm thấy cô đơn. Ngay sau khi xuống núi, ngài tiếp tục bận rộn hơn trước để tiếp tục thi hành những “công trình” của Thiên Chúa: “Ngài chịu đựng những đau đớn ấy gần hai năm ròng với lòng nhẫn nại và khiêm nhường hoàn toàn, tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Nhưng để có thể hướng tâm trí về với Thiên Chúa cách tự do hơn, để có thể lui tới cách thường xuyên các cung điện trên trời trong những lần xuất thần và với ân sủng đầy tràn, có thể mở lòng đón nhận những sự trên trời và đến trước nhan thánh vị Chủ Tể muôn loài muôn vật là Đấng an nhiên tự tại, ngài đã giao phó việc chăm lo bản thân cho một số anh em, những người thật sự xứng đáng được ngài quý mến” (1Cel 102).

Và “Ngài ước ao cho các linh hồn được cứu độ, mong mỏi phần ích cho anh em đồng loại đến mức khi không còn đủ sức đi bộ thì ngài ngồi trên lưng lừa mà rảo qua các thành” (1Cel 98).

francis-d0a236428f2d17383dbea23ab1151bbc-1725714482.jpg
Chia sẻ